Đã có Đề cương Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Theo Đề cương Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật sẽ có 07 chương và 64 điều luật, cụ thể như sau:
- Chương I – Những quy định chung
- Chương II – Các điều kiện bảo đảm thực hiện hoạt động công vụ và nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức
+ Mục 1: Các điều kiện bảo đảm thực hiện hoạt động công vụ
+ Mục 2: Nghĩa vụ của cán bộ, công chức
+ Mục 3: Quyền của các cán bộ, công chức
+ Mục 4: Đạo đức công vụ
+ Mục 5: Những việc cán bộ, công chức không được làm
- Chương III – Cán bộ
- Chương IV – Công chức
+ Mục 1: Công chức và phân loại công chức
+ Mục 2: Tuyển dụng công chức
+ Mục 3: Các quy định về vị trí việc làm công chức
+ Mục 4: Đào tạo, bồi dưỡng công chức
+ Mục 5: Điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức
+ Mục 6: Đánh giá công chức
+ Mục 7: Thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức
- Chương V – Quản lý cán bộ, công chức
- Chương VI – Khen thưởng và xử lý vi phạm
- Chương VII – Điều khoản thi hành
Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2027.
Theo Tờ trình, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tiếp tục kế thừa, phát triển một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn thi hành thời gian qua trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Bên cạnh đó, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung một số quy định về: (1) Thống nhất nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; (2) Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; (3) Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ; (4) Hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước; (5) Hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), mục đích của việc xây dựng của Luật này nhằm:
- Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo yêu cầu Nghị quyết 18-NQ/TW và Kết luận 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW.
- Xây dựng nền công vụ thực tài và cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ năng lực năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
- Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, “vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được”. Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trên cơ sở quy định rõ các trường hợp cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch.
- Đẩy mạnh số hóa toàn diện, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số thông qua xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về nền tảng số, bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về quản lý cán bộ, công chức.
- Khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quản lý nguồn nhân lực khu vực công, tạo động lực phát triển;