Tổng cục Hải quan hướng dẫn chuyển xếp ngạch công chức hải quan theo vị trí việc làm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
28/11/2024 11:03 AM

Tổng cục Hải quan hướng dẫn chế độ chính sách đối với người lao động ngành Hải quan, trong đó có nội dung về chuyển xếp ngạch công chức hải quan theo vị trí việc làm.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn chuyển xếp ngạch công chức hải quan theo vị trí việc làm

Tổng cục Hải quan hướng dẫn chuyển xếp ngạch công chức hải quan theo vị trí việc làm (Hình từ Internet)

Ngày 22/11/2024, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 5798/TCHQ-VP về việc tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách đối với người lao động ngành Hải quan.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn chuyển xếp ngạch công chức hải quan theo vị trí việc làm 

Theo Phần I Phụ lục ban hành kèm theo Công văn 5798/TCHQ-VP ngày 22/11/2024 hướng dẫn chuyển xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm với người lao động ngành Hải quan như sau:

(I) Quy định của Nhà nước về ngạch của công chức:

- Quy định về ngạch tại Luật Cán bộ, công chức:

+ Tại Điều 7 quy định về vị trí việc làm và ngạch như sau:

“3. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4. Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức."

+ Tại Điều 43 quy định về chuyển ngạch công chức như sau:

“1. Chuyển ngạch là việc công chức đang giữ ngạch của ngành chuyên môn này được bổ nhiệm sang ngạch của ngành chuyên môn khác có cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Công chức được chuyển ngạch phải có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Công chức được giao nhiệm vụ không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đang giữ thì phải được chuyển ngạch cho phù hợp.

4. Không thực hiện nâng ngạch, nâng lương khi chuyển ngạch."

- Quy định về quản lý ngạch tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP:

Tại Điều 29 quy định về chuyển ngạch công chức như sau:

“1. Việc chuyển ngạch được thực hiện khi công chức thay đổi vị trí việc làm mà ngạch công chức đang giữ không phù hợp với yêu cầu ngạch công chức của vị trí việc làm mới.

2. Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức căn cứ quy định tại Điều 43 Luật Cán bộ, công chức, đề nghị cơ quan quản lý công chức quyết định chuyển ngạch công chức hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp.”

- Quy định về nguyên tắc xếp ngạch, xếp lương:

Tại mục 3 phần II Thông tư 79/2005/TT-BNV hướng dẫn dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yêu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quy định:

“Công chức làm công việc gì thì bổ nhiệm vào ngạch công chức đó; được bổ nhiệm vào ngạch công chức nào thì xếp lương theo ngạch công chức đó. Trường hợp chuyển sang làm công việc mới không phù hợp với ngạch công chức đang giữ thì phải chuyển ngạch.."

(II) Quy định về vị trí việc làm và xếp ngạch theo vị trí việc làm:

Căn cứ phần II của Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, chỉ đạo: "Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước..." "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".

Căn cứ Điều 5 Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức quy định: “Vị trí việc làm phân loại theo tính chất, nội dung công việc, gồm: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung: Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ"

Căn cứ quy định tại Thông tư 12/2022/TT-BNV hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư 06/2024/TT-BNV dẫn trên thì "Nhóm vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung gồm: Thanh tra, hợp tác quốc tế, pháp chế, tổ chức cán bộ, văn phòng, kế hoạch tài chính, công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Đối với các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung được xếp ngạch công chức chuyên ngành hành chính, kế toán, văn thư, pháp chế...."

Tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 12/2022/TT-BNV dẫn trên quy định: "Đối với công chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức được bố trí tại các vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ hiện đang hưởng lương theo ngạch, bậc, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định."

Căn cứ quy định tại Thông tư 54/2023/TT-BTC hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài chính trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực tài chính thì Tổng cục Hải quan có 6 vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành gồm: Thuế xuất nhập khẩu, Giám sát quản lý về hải quan, Điều tra chống buôn lậu, Quản lý rủi ro hải quan, Kiểm định hải quan, Kiểm tra sau thông quan hải quan. Công chức được phân công đảm nhiệm vị trí việc nghiệp vụ chuyên ngành hải quan được xếp lương ngạch công chức chuyên ngành hải quan (Kiểm tra viên chính hải quan, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên trung cấp hải quan, nhân viên hải quan).

Ngày 14/6/2024, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1348/QĐ-BTC về việc phê duyệt vị trí việc làm công chức Tổng cục Hải quan, quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Theo đó, Quyết định 1348/QĐ-BTC dẫn trên đã quy định ngạch công chức theo từng vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành, vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung.

(III) Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức được xếp ngạch công chức chuyên ngành Hải quan:

- Quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức Hải quan Theo quy định tại Quyết định 07/2007/QĐ-TTg ngày 12/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức hải quan của Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính và Thông tư 94/2007/TTLT-BTC-BNV của Liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ thì: "Công chức được xếp ngạch công chức chuyên ngành Hải quan (kể cả Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) của Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính được áp dụng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức Hải quan, gồm Kiểm tra viên cao cấp hải quan, kiểm tra viên chính hải quan, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên trung cấp hải quan, nhân viên hải quan, mức hưởng tương ứng từ 10% đến 25%. Phụ cấp ưu đãi nghề được tỉnh trên mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)."

Như vậy, theo quy định trên thì công chức được xếp ngạch công chức chuyên ngành Hải quan được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, mức hưởng từ 10% - 25% của mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Thực hiện chỉ trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức Hải quan

Từ trước 01/7/2024, Tổng cục Hải quan đã thực hiện chỉ trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức được xếp ngạch công chức Hải quan theo quy định, kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề Hải quan được sử dụng từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp theo quy định. Riêng đối với công chức không xếp ngạch Hải quan được Tổng cục hỗ trợ thu nhập tương đương với mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức xếp ngạch Hải quan, nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ phúc lợi của ngành.

Từ sau ngày 01/7/2024, Tổng cục Hải quan vẫn thực hiện chỉ trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức được xếp ngạch công chức Hải quan theo quy định. Do từ sau ngày 01/7/2024, không còn quỹ phúc lợi nên Tổng cục không có nguồn để hỗ trợ thu nhập tương đương với mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức không xếp ngạch Hải quan.

(IV) Thực hiện chuyển xếp ngạch theo vị trí việc làm trong ngành Hải quan:

- Thống kê số lượng công chức trong ngành sẽ không giữ ngạch Hải quan theo quy định hiện nay

Theo báo cáo của các đơn vị thuộc và trực thuộc thì dự kiến có khoảng 1.300 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo sẽ không giữ ngạch công chức Hải quan theo quy định hiện nay.

- Thực tế khi thực hiện quy định:

Theo quy định tại Quyết định 07/2007/QĐ-TTg dẫn trên thi công chức được xếp lương ngạch chuyên ngành hải quan được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Công chức đảm nhiệm VTVL chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ sẽ không được xếp lương ngạch chuyên ngành hải quan phải chuyển xếp sang ngạch lương phù hợp, nên sẽ không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Căn cứ Quyết định 2028/QĐ-BTC ngày 21/10/2021 của Bộ Tài chính quy định Danh mục vị trí công tác và thời hạn điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính thì thời hạn điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức thuộc Tổng cục Hải quan từ đủ 02 năm đến 5 năm. Tổng cục Hải quan đã triển khai, quán triệt thực hiện quy định về điều động, chuyển đổi vị trí công tác tại các đơn vị thuộc và trực thuộc.

Xem thêm tại Công văn 5798/TCHQ-VP ban hành ngày 22/11/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 244

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]