Đề xuất bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức (Hình từ internet)
Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Tại dự thảo Tờ trình Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nêu rõ:
Trên cơ sở kết quả đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Cán bộ, công chức, nghiên cứu kỹ lưỡng các quan điểm, đường lối của Đảng, các định hướng lớn tại dự thảo Văn kiện Đại hội XIV, Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng chính sách đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm như sau:
Mục tiêu của chính sách: Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; đồng thời, tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.
Giải pháp thực hiện:
- Nghiên cứu, sửa đổi quy định về vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
- Nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định của pháp luật.
Theo đó sẽ nghiên cứu, sửa đổi toàn diện các điều, khoản tại Luật Cán bộ, công chức hiện hành liên quan đến vị trí việc làm tại khoản 2 Điều 5 về nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức; Điều 7 về giải thích khái niệm “vị trí việc làm”; Điều 12 về quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương; các quy định về cán bộ tại Chương III; các quy định tại Chương IV về công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện về phân loại công chức tại Điều 34 (phân loại công chức theo vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm mang tính thường xuyên, không mang tính thường xuyên; vị trí không gắn liền trực tiếp với hoạt động công vụ của tổ chức,…), tuyển dụng công chức tại Mục 2 từ Điều 35 đến Điều 41, bỏ các quy định liên quan đến ngạch công chức tại Mục 3 từ Điều 43 đến Điều 46 gồm các quy định về thay đổi vị trí việc làm, đào tạo bồi dưỡng theo vị trí việc làm tại Mục 4 từ Điều 47 đến Điều 49, các quy định về điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm tại Mục 5 từ Điều 50 đến Điều 54, các quy định về đánh giá công chức tại Mục 6 từ Điều 55 đến Điều 58; đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quản lý cán bộ, công chức tại Chương VI theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác cán bộ.
Luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 01/01/2027.
Hiện hành tại Điều 42 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019) quy định về ngạch công chức và việc bổ nhiệm vào ngạch công chức như sau: - Ngạch công chức bao gồm: + Chuyên viên cao cấp và tương đương; + Chuyên viên chính và tương đương; + Chuyên viên và tương đương; + Cán sự và tương đương; + Nhân viên. + Ngạch khác theo quy định của Chính phủ. - Việc bổ nhiệm vào ngạch phải bảo đảm các điều kiện sau đây: + Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch; + Việc bổ nhiệm vào ngạch phải đúng thẩm quyền và bảo đảm cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị. - Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây: + Người được tuyển dụng đã hoàn thành chế độ tập sự; + Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch; + Công chức chuyển sang ngạch tương đương. |