07 điểm nổi bật của Nghị định 06/2023 về kiểm định đầu vào công chức

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
23/02/2023 14:38 PM

Nghị định 06/2023/NĐ-CP về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ ngày 10/4/2023 với nhiều điểm nổi bật sau đây.

07 điểm nổi bật của Nghị định 06/2023 về kiểm định đầu vào công chức

07 điểm nổi bật của Nghị định 06/2023 về kiểm định đầu vào công chức

Ai phải kiểm định đầu vào công chức?

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo quy định tại Nghị định 06/2023/NĐ-CP áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.

Từ 01/8/2024, chỉ tuyển công chức đạt kết quả kiểm định

Theo Nghị định 06/2023/NĐ-CP, kể từ ngày 01/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Thi tuyển công chức, đã đạt kiểm định đầu vào thì không phải thi vòng 1

Theo Nghị định 06/2023/NĐ-CP, việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024.

Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định 06/2023/NĐ-CP khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.

Điều kiện đăng ký tham gia kiểm định đầu vào công chức theo Nghị định 06/2023

Theo Nghị định 06/2023/NĐ-CP thì người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức:

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Đủ 18 tuổi trở lên.

- Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng.

- Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.

- Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ.

- Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

Ngoài ra, những người sau đây không được đăng ký kiểm định chất lượng đầu vào công chức:

- Không cư trú tại Việt Nam.

- Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích;

Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Hình thức, nội dung kiểm định đầu vào công chức

- Hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

- Nội dung kiểm định:

Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.

- Thời gian, số lượng câu hỏi kiểm định:

+ Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút, số lượng câu hỏi 100 câu.

+ Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút, số lượng câu hỏi 80 câu.

Mẫu phiếu đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Mẫu phiếu đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức được ban hành kèm theo Nghị định 06/2023/NĐ-CP.

Mẫu phiếu đăng ký dự kiểm định

Sử dụng kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức

- Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.

Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 06/2023/NĐ-CP trong phạm vi toàn quốc.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng công chức căn cứ kết quả kiểm định công chức để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và tổ chức thi vòng 2 đối với người đạt kết quả kiểm định theo quy định tại khoản 2 Điều 8 và điểm a, điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.

- Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên được phép sử dụng thay thế kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ thấp hơn khi đăng ký dự tuyển công chức phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.

- Hủy bỏ kết quả kiểm định.

+ Khai không đúng thông tin trong Phiếu đăng ký dự kiểm định.

+ Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức phát hiện người được tuyển dụng sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định thì đề nghị có văn bản gửi Bộ Nội vụ để hủy bỏ kết quả kiểm định.

+ Danh sách các trường hợp bị hủy bỏ kết quả kiểm định được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ, trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Người bị hủy bỏ kết quả kiểm định không được đăng ký dự kiểm định trong một kỳ kiểm định tiếp theo.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 31,511

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]