Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp ngành NN&PTNT mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
28/12/2022 16:30 PM

Tôi muốn hỏi các tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp ngành NN&PTNT vào năm 2023 sẽ quy định như thế nào? - Minh Hoàng (Lâm Đồng)

Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp ngành NN&PTNT mới nhất

Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp ngành NN&PTNT mới nhất

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 20/2022/TT-BNNPTNT ngày 22/12/2022 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp ngành NN&PTNT mới nhất

Theo Điều 6 Thông tư 20/2022/TT-BNNPTNT, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam được lựa chọn, xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), bao gồm:

- Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020).

+ Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

+ Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

- Có trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam.

(Hiện hành chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên)

- Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực giám định tư pháp mà người đó được bổ nhiệm. 

2. Hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp ngành NN&PTNT 

Cụ thể tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 20/2022/TT-BNNPTNT quy định về hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp ngành NN&PTNT, bao gồm:

- Văn bản đề nghị bổ nhiệm và cấp thẻ giám định tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, trong đó có nội dung xác nhận người được đề nghị bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn quy định tại mục 1, theo mẫu tại Phụ lục I Thông tư 20/2022/TT-BNNPTNT;

(Thông tư 20/2022/TT-BNNPTNT đã thay đổi mẫu văn bản đề nghị bổ nhiệm và cấp thẻ giám định tư pháp so với hiện hành)

- Bản sao các văn bằng từ trình độ đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm; Văn bản công nhận của cấp có thẩm quyền đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp (nếu có);

(Hiện hành chỉ cần bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên)

- Sơ yếu lý lịch của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp (có xác nhận của cấp có thẩm quyền);

- 02 ảnh màu chân dung cỡ 02cm x 03cm (chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất);

(Điểm mới so với Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT)

- Các giấy tờ khác chứng minh người được đề nghị bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn (nếu có). 

(Nội dung quy định mở rộng hơn so với Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT)

3. Thời hạn giám định tư pháp ngành NN&PTNT (Quy định mới)

Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 20/2022/TT-BNNPTNT, cụ thể như sau:

(1) Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020).

(2) Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tối đa là 03 tháng, trừ trường hợp quy định tại (3), (4).

(3) Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp; có từ 02 nội dung giám định khác nhau trở lên; liên quan đến nhiều lĩnh vực quy định tại Điều 3 Thông tư 20/2022/TT-BNNPTNT; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

(4) Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa của từng trường hợp quy định tại (2), (3), do cơ quan trưng cầu quyết định bằng văn bản theo đề nghị của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.

(5) Trường hợp khi có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở xác định việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Thông tư 20/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/02/2023 và thay thế Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,360

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn