Tải App trên Android

Hướng dẫn các vướng mắc về tái xuất hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
05/11/2024 09:15 AM

Bài viết sau có nội dung về các vướng mắc về tái xuất hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch được Cục Giám sát quản lý về hải quan hướng dẫn trong Công văn 1742/GSQL-GQ1 năm 2024.

Hướng dẫn các vướng mắc về tái xuất hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch

Hướng dẫn các vướng mắc về tái xuất hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch (Hình từ Internet)

Ngày 21/10/2024, Cục Giám sát quản lý về hải quan ban hành Công văn 1742/GSQL-GQ1 vướng mắc tái xuất hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch.

Hướng dẫn các vướng mắc về tái xuất hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch

Theo đó, đối với các vướng mắc về tái xuất hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch, sau khi nghiên cứu thì Cục Giám sát quản lý về hải quan có ý kiến được quy định cụ thể tại Công văn 1742/GSQL-GQ1 năm 2024 như sau:

- Liên quan đến thủ tục hải quan đối với các lô hàng đề nghị tái xuất do gửi nhầm lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc từ chối nhận hàng, đề nghị Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 48 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 59/2018/NĐ-CP); 

“Điều 48. Thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất

4. Trường hợp hàng hóa (trừ ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc bảng I theo công ước cấm vũ khí hóa học) chưa làm thủ tục nhập khẩu hoặc đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan, đang nằm trong khu vực giám sát hải quan nhưng do gửi nhầm lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nếu người vận tải hoặc chủ hàng có văn bản đề nghị được tái xuất (trong đó nêu rõ lý do nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận) hoặc hàng hóa buộc tái xuất theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi hàng hóa đang được lưu giữ tổ chức giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu nhập.”

Căn cứ tại Điều 95, Điều 96 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định:

“Điều 95. Từ chối nhận hàng

1. Người nhận hàng ghi trên vận tải đơn được từ chối nhận hàng trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định tại Điều 39 Luật Thương mại;

b) Hàng hóa không phù hợp với hợp đồng thuê kho ngoại quan hoặc người gửi hàng không thực hiện đúng các điều khoản đã được quy định trong hợp đồng thuê kho ngoại quan.

2. Cơ quan hải quan không xử phạt đối với trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng trước thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan, trường hợp từ chối sau thời điểm này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 96. Xử lý việc từ chối nhận hàng

1. Khi phát hiện người gửi hàng không thực hiện đúng các nội dung của hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê kho ngoại quan nếu người nhận hàng từ chối nhận hàng thì nộp cho cơ quan hải quan bộ hồ sơ gồm:

a) Văn bản thông báo từ chối nhận hàng, trong đó nêu rõ lý do từ chối và đề xuất phương án xử lý (tái xuất, tiêu hủy hoặc tịch thu, bán đấu giá);

b) Chứng từ chứng minh việc người gửi hàng không thực hiện đúng các nội dung của hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê kho ngoại quan;

c) Văn bản thông báo và đề nghị xử lý của người gửi hàng (nếu có).

Trường hợp người gửi hàng gửi nhầm địa chỉ thì người nhận hàng có văn bản thông báo từ chối nhận hàng gửi cơ quan hải quan.

2. Địa điểm thông báo từ chối nhận hàng:

a) Trường hợp hàng hóa đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan tại cửa khẩu thì người nhận hàng thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu;

b) Trường hợp hàng hóa đã vận chuyển đến kho ngoại quan, kho CFS hoặc địa điểm kiểm tra hải quan ngoài cửa khẩu thì người nhận hàng thông báo cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai.

3. Căn cứ bộ hồ sơ đề nghị của người nhận hàng, Chi cục Hải quan nơi giám sát hàng hóa phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng để tiến hành phân loại, xử lý theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều này.

4. Phân loại, xử lý

Việc phân loại, xử lý đối với hàng hóa do người nhận hàng ghi trên vận tải đơn từ chối nhận hàng thực hiện theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về việc xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan. Ngoài ra, có một số nội dung hướng dẫn bổ sung như sau:

a) Trường hợp tái xuất: Căn cứ bộ hồ sơ đề nghị của người nhận hàng, Chi cục Hải quan nơi giám sát hàng hóa giám sát hàng hóa thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu nhập;

b) Đối với trường hợp xử lý tiêu hủy: Cục Hải quan tổ chức tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy được trích từ tiền ký quỹ của người nhận hàng hoặc do chủ kho ngoại quan chi trả;

c) Trường hợp tịch thu, bán thanh lý: Cục Hải quan ra quyết định tịch thu và tổ chức bán thanh lý. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán hàng, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí theo quy định phải được nộp vào ngân sách nhà nước.”

Theo đó, hồ sơ hải quan đối với tái xuất không quy định phải có văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành; Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh liên hệ trao đổi với cơ quan kiểm dịch.

- Việc xử lý đối với các lô hàng thức ăn chăn nuôi, đề nghị Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo chỉ đạo tại Thông báo 1580/TB-TCHQ năm 2024 về việc Thông báo Kết luận của Lãnh đạo Tổng cục tại cuộc họp về công tác kiểm tra, giám sát hải quan, giải pháp xử lý tồn đọng và tình trạng quản lý, sử dụng máy soi container tại Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Giám sát quản lý về Hải quan thông báo để Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh biết, thực hiện.

Xem thêm Công văn 1742/GSQL-GQ1 ban hành ngày 25/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,601

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]