Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (Quyết định 2790)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
23/12/2024 09:15 AM

Sau đây là một số nội dung của Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (Quyết định 2790)

Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (Quyết định 2790) (Hình từ Internet)

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định 2790/QĐ-TCHQ ngày 04/12/2024 về Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Tiêu chí tham gia Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan 

Theo đó, tiêu chí tham gia Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp theo Điều 5 Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 2790/QĐ-TCHQ ngày 04/12/2024 như sau:

- Tiêu chí tham gia Chương trình gồm:

(1) Tự nguyện tham gia Chương trình;

(2) Kết quả đánh giá tuân thủ doanh nghiệp của cơ quan hải quan;

(3) Quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp;

(4) Quy mô hoạt động (Vốn ĐKKD, trụ sở/nhà xưởng, số lượng nhân viên,...)

(5) Thời gian hoạt động XNK của doanh nghiệp;

(6) Số lượng tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu;

(7) Tình hình phân luồng tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu;

(8) Số thuế đã nộp ngân sách;

(9) Loại hình xuất nhập khẩu;

(10) Địa bàn hoạt động XNK.

- Bộ chỉ số tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia Chương trình quy định tại khoản 1 Điều 5 Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 2790/QĐ-TCHQ ngày 04/12/2024 và cụ thể tại phụ lục II được Lãnh đạo Tổng cục phê duyệt ban hành theo yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ. Bộ chỉ số tiêu chí được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Hải quan https://www.customs.gov.vn/.

Các hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi đối với doanh nghiệp thành viên Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Các hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi đối với doanh nghiệp thành viên Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan theo Điều 7 Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 2790/QĐ-TCHQ ngày 04/12/2024 như sau:

- Nguyên tắc thực hiện

+ Việc hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp thành viên được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời, đúng thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, chủ động trao đổi với đầu mối cấp Cục/Tổng Cục để phối hợp, xử lý;

+ Đơn vị chuyên trách Quản lý rủi ro các cấp theo dõi, điều phối việc áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp, tránh chồng chéo, đảm bảo tạo thuận lợi, hỗ trợ tối đa trong khuôn khổ các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với doanh nghiệp thành viên.

- Các hoạt động hỗ trợ của cơ quan hải quan

+ Bố trí khu vực riêng, phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thành viên.

+ Phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để tạo thuận lợi làm thủ tục giao nhận hàng hóa, địa điểm bốc, dỡ, xếp, lưu giữ hàng hóa.

+ Kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan, giải đáp các văn bản, câu hỏi nghiệp vụ của doanh nghiệp thành viên.

+ Cảnh báo rủi ro trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cảnh báo xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các rủi ro nội bộ của doanh nghiệp trong hoạt động XNK theo các khuyến nghị từ các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có trách nhiệm trong nước và trên thế giới.

+ Xem xét tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng kiểm tra bằng máy soi khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đối với việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa của doanh nghiệp:

++ Thay đổi địa điểm soi chiếu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp để giảm chi phí, nguồn lực vận chuyển.

++ Doanh nghiệp thành viên đề nghị cơ quan hải quan soi chiếu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

+ Cung cấp thông tin kết quả đánh giá tuân thủ, nguyên nhân kết quả đánh giá tuân thủ, cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp thành viên

+ Hỗ trợ, cung cấp các thay đổi về thủ tục, chính sách, quy định về quản lý chuyên ngành, quy định về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật hải quan, pháp luật thuế. Đối với các chương trình hội thảo, hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp để xây dựng các chính sách, quy trình, quy định thực hiện thủ tục hải quan, các đơn vị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố ưu tiên gửi tài liệu và mời chính thức các doanh nghiệp thành viên tham dự đóng góp ý kiến. Đồng thời, tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao tuân thủ, tập huấn các chính sách mới, ưu tiên tham gia đối với các doanh nghiệp thành viên.

+ Cung cấp các thông tin về các đại lý làm thủ tục hải quan; cơ quan, tổ chức kiểm định.

+ Hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với cơ quan hải quan, chủ động phòng, tránh các lỗi vi phạm pháp luật hải quan, phòng tránh rủi ro trong chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu, đảm bảo duy trì hoặc cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật.

+ Phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, hướng dẫn cho doanh nghiệp thành viên các biện pháp khắc phục, giảm thiểu hậu quả các lỗi, vi phạm trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật đối với một số trường hợp đặc biệt theo đề nghị của doanh nghiệp thành viên

+ Triển khai ứng dụng công nghệ, số hóa các thông tin, dữ liệu liên quan trong khuôn khổ Chương trình để đáp ứng yêu cầu về theo dõi, đánh giá tuân thủ đối với doanh nghiệp thành viên như:

++ Quản lý dữ liệu hồ sơ doanh nghiệp tham gia Chương trình trên cơ sở chuyển đổi số; đảm bảo việc quản lý tình hình hoạt động, quá trình sản xuất của doanh nghiệp từ khâu đầu đến khâu cuối (ngành nghề kinh doanh, chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật, hoạt động nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, xử lý phế liệu, phế phẩm, nhân công, dây chuyền sản xuất, đối tác, quy mô, nhà xưởng, nơi lưu giữ vật tư, năng lực sản xuất, tiêu thụ năng lượng, việc chấp hành pháp luật hải quan và pháp luật khác có liên quan).

++ Thực hiện số hóa quy trình quản lý, tiếp nhận thông tin và phản hồi các yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tự động theo dõi, phân tích, đánh giá quá trình tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp làm cơ sở để cơ quan hải quan thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia, công nhận, thu hồi tư cách thành viên Chương trình đối với doanh nghiệp.

+ Chủ động kết hợp các hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp thành viên với các hội nghị tổ chức theo Kế hoạch phát triển đối tác Hải quan - Doanh nghiệp hàng năm của Tổng cục Hải quan để cùng nhau định hướng, xây dựng mục tiêu lâu dài.

+ Ưu tiên xử lý trước các thủ tục hành chính do cơ quan hải quan giải quyết (tham vấn một lần sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần, phân loại hàng hóa XNK;...)

Quyết định 2790/QĐ-TCHQ có hiệu lực từ ngày 04/12/2024, bãi bỏ Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 467

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]