Sửa trình tự xây dựng, ban hành khung giá phát điện (Hình từ Internet)
Ngày 08/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 31/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư 57/2014/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện và Thông tư 57/2020/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện. Theo đó:
Cụ thể khoản 8 Điều 1 Thông tư 31/2022/TT-BCT (sửa đổi Điều 10 Thông tư 57/2014/TT-BCT) điều chỉnh trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện như sau:
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi Báo cáo khả thi đầu tư xây dựng của nhà máy điện được duyệt, chủ đầu tư các nhà máy điện này có trách nhiệm cung cấp Báo cáo khả thi đầu tư xây dựng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. (Quy định mới bổ sung)
- Trước ngày 01 tháng 11 hàng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:
+ Trên cơ sở các số liệu tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được duyệt, Tổng mức đầu tư có hiệu lực tại thời điểm tính toán khung giá phát điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận được trước ngày 15 tháng 10 hàng năm hoặc số liệu thực tế đàm phán hợp đồng mua bán điện (nếu có). Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán hoặc có thể thuê tư vấn tính toán giá phát điện các nhà máy nhiệt điện căn cứ theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Thông tư 57/2014/TT-BCT;
+ Đề xuất lựa chọn Nhà máy điện chuẩn, lựa chọn các thông số được sử dụng tính toán giá phát điện cho Nhà máy điện chuẩn quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 57/2014/TT-BCT phù hợp với thực tế thực hiện các hợp đồng mua bán điện và lập hồ sơ tính toán khung giá phát điện nhà máy điện theo quy định tại Điều 11 Thông tư 57/2014/TT-BCT, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định:
(Bổ sung quy định đề xuất lựa chọn Nhà máy điện chuẩn, lựa chọn các thông số được sử dụng tính toán giá phát điện cho Nhà máy điện chuẩn quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 57/2014/TT-BCT.)
+ Tính toán giá trần của nhà máy thủy điện theo phương pháp quy định tại Điều 9 Thông tư 57/2014/TT-BCT.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trình duyệt.
Trường hợp cần thiết, Cục Điều tiết điện lực có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ.
Chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của Cục Điều tiết điện lực. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo giải trình về nội dung trong hồ sơ theo yêu cầu. (Quy định mới bổ sung)
- Chậm nhất 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và báo cáo giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm lựa chọn nhà máy điện chuẩn và tổ chức thẩm định khung giá phát điện các nhà máy điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình.
(Hiện hành, yêu cầu lựa chọn các Nhà máy điện chuẩn, công suất tinh của nhà máy lựa chọn được quy về mức công suất gần nhất theo quy định tại Điều 4 Thông tư 57/2014/TT-BCT.)
- Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thẩm định khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện cho năm tiếp theo và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết điện lực.
(Hiện hành, việc phê duyệt khung giá phát điện cho năm tiếp theo thực hiện trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.)
Trường hợp khung giá phát điện của năm tiếp theo chưa được công bố, cho phép tạm thời áp dụng khung giá phát điện có hiệu lực gần nhất.
Thông tư 31/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 28/12/2022.
Như Mai