Tối 24/2, Đại tá Lê Anh Tuấn – Chánh Văn phòng Công an TP HCM cho biết, đã khởi tố vụ án nổ sập nhà làm 10 người chết. Công việc khám nghiệm đang diễn ra nhưng khả năng lớn vụ nổ do tai nạn.
Theo báo cáo, 0h30 ngày 24/2, cảnh sát nhận được tin báo tại 3 căn nhà (trong đó một căn ngăn đôi) tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3) xảy ra vụ cháy nổ. Căn nhà 384/9 của ông Lê Nam Phương (58 tuổi, chuyên viên tạo hiệu ứng cháy nổ, khói lửa cho phim của Công ty CP công nghệ giải trí Lạc Việt) thuê để chứa đạo cụ. Cảnh sát đã cứu được 3 người mắc kẹt trong đám cháy chuyển đi cấp cứu.
Hiện trường vụ nổ sập nhà làm 10 người chết. Ảnh: Quốc Thắng
Khoảng gần một tiếng sau, đám cháy đã được khống chế. Quá trình tìm kiếm sau đó đã phát hiện 10 người chết. Trong đó, cả gia đình ông Phương gồm vợ chồng ông và 3 người con đều thiệt mạng. 12h trưa cùng ngày, đội cứu hộ, cứu nạn (thuộc Sở PCCC TP HCM) đã đưa được xác ra ngoài. Trong đó, một tử thi cháy đen chưa thể xác định lai lịch. Theo xác minh ban đầu, đây có thể là em gái của ông Phương.
Ngoài ra, trong quá trình tìm kiếm các nạn nhân vùi sâu trong đống đổ nát, cảnh sát phát hiện tại nhà ông Phương có một số đạn mã tử, nhiều vỏ đạn (đã tháo thuốc) cùng các đạo cụ như súng, lựu đạn…dùng để tạo hiệu ứng cháy nổ.
Theo vị Chánh văn phòng thì căn nhà phát nổ là nơi đăng ký làm trụ sở công ty vừa được ông thuê cách đây 2 tháng. Thường gia đình ông này trú tại địa chỉ khác nhưng không biết vì lý do nào hôm xảy sự cố thì họ lại cùng ngủ ở đây. Số lượng chất nổ như thế nào cũng như nguồn gốc ở đâu thì chỉ biết sau khi điều tra.
Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng công an TP HCM trong buổi họp báo. Ảnh: Quốc Thắng.
Trả lời câu hỏi về quy định quản lý chất nổ của những công ty hoạt động kiểu này, ông Tuấn cho biết đã có biểu hiện vi phạm. Ông Tuấn khẳng định Công ty Lạc Việt có giấy phép hoạt động do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp.
Tuy nhiên, nghề nghiệp ông Phương lại là chuyên gia dàn dựng hiện trường khói lửa cho các hãng phim, và việc để chất nổ ở khu dân cư như vậy là đã sai. Hành vi ông này đã có biều hiện vi phạm pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.“Việc làm ông Phương đã sai, nhưng sai như thế nào, sai đến đâu thì chỉ có thề biết sau khi có kết quả điều tra”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về công tác cứu hộ, một số ý kiến cho rằng không chuyên nghiệp, thời gian thực hiện quá lâu khi sự việc xảy ra từ rạng sáng cho đến giữa trưa mới hoàn tất. Tuy nhiên, theo vị Chánh văn phòng thì ngay chính ông cũng có mặt tại hiện trường và nhận thấy hoạt động của đội cứu hộ cứu nạn là rất tốt. Công tác phối hợp tìm kiếm cũng như phong toả hiện trường đã đạt được sự đồng bộ cao.
“Việc cứu hộ không phải là làm mọi cách moi thi thể nạn nhân ra ngoài. Mỗi sinh mạng là một hy vọng, dù còn một chút cơ hội cứu được người thì cũng phải làm”, ông Tuấn nói.
Quốc Thắng
Pháp lệnh quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: Điều 36. Xử lý vi phạm 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì tuỳ theo tính chất, múc độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân bao che cho người vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hoặc thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Bộ luật hình sự 1999 cũng quy định: Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Trường hợp gây hậu quả tới 10 người chết được xem là đặc biệt nghiêm trọng, do đó cá nhân nào có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về việc sử dụng chất nổ có thể bị xử phạt lên đến 12 năm tù THƯ VIỆN PHÁP LUẬT |