Đề xuất UBND cấp xã không chứng thực hợp đồng, giao dịch (Hình từ internet)
Hiện hành, theo Luật Công chứng 2014, Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì UBND cấp xã là một trong những cơ quan được thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm: a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch; c) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản; d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; e) Chứng thực di chúc; g) Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản; h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã. |
Tuy nhiên, mới đây tại Hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) đã đề xuất phòng tư pháp huyện, UBND cấp xã không chứng thực hợp đồng, giao dịch nữa.
Việc đồng thời tồn tại việc công chứng, chứng thực đối với các giao dịch, hợp đồng nhưng có quy định khác nhau về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện công chứng, chứng thực, có nguy cơ tạo rủi ro cho việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng được công chứng, chứng thực
Hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch về bản chất chính là hoạt động công chứng. Văn bản chứng thực có giá trị sử dụng như văn bản công chứng.
Tuy nhiên, trình tự, thủ tục chứng thực lại đơn giản hơn nhiều so với công chứng, người thực hiện chứng thực có các tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm thấp hơn hẳn so với công chứng viên.
Tình trạng này tạo ra sự bất hợp lý khi duy trì hai loại hình hoạt động có cùng bản chất, giá trị nhưng lại có hai tên gọi khác nhau, do các chủ thể khác nhau thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau.
Từ những nội dung trên, xác định rõ nguyên tắc những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng thì việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch được giao cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Phòng Tư pháp, UBND cấp xã không chứng thực hợp đồng, giao dịch nữa.
Lộ trình cụ thể để hoàn thành quá trình chuyển giao này được giao cho Chính phủ quy định.
Việc chuyển giao nhiệm vụ chứng nhận hợp đồng, giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng một mặt giúp giảm gánh nặng về biên chế, ngân sách nhà nước cho đội ngũ cán bộ tư pháp thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch hiện nay.
Tại dự thảo tờ trình thẩm định cũng chỉ ra:
Quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội của bản dịch trong khi công chứng viên không có đủ khả năng kiểm soát về vấn đề này.
Đồng thời, xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Việc chứng nhận bản dịch không thuộc phạm vi công chứng mà thuộc phạm vi chứng thực.
Dự kiến Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ sửa đổi, bổ sung 44 điều, bổ sung mới ba điều trên tổng số 84 điều.
Châu Thanh