Hà Nội quy định cụ thể việc giải quyết chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
19/08/2021 00:06 AM

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND, ngày 15-8-2021, về thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13-8-2021, của Thường trực HĐND thành phố về việc quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

UBND thành phố yêu cầu việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; phải đồng bộ, thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị có liên quan với phương thức hỗ trợ linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, thuận lợi cho người được hưởng chính sách; đồng thời bảo đảm thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. 

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố trao quà hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về nguồn kinh phí, đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách thành phố bảo đảm theo quy định; đối với các quận, huyện, thị xã thì sử dụng ngân sách của quận, huyện, thị xã (50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư) để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng. Ngân sách thành phố bổ sung kinh phí còn thiếu cho các địa phương để thực hiện chính sách.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ số lượng đối tượng hỗ trợ, xây dựng dự toán gửi Sở Tài chính trước ngày 18-8-2021. Sở Tài chính phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trình UBND thành phố bố trí kinh phí để thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.

Đối với quận, huyện, thị xã, căn cứ quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ của UBND cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình UBND quận, huyện, thị xã bố trí dự toán kinh phí chi hỗ trợ cho các đối tượng, giao dự toán cho phòng lao động - thương binh và xã hội đối với kinh phí hỗ trợ các đối tượng do phòng lao động - thương binh và xã hội thực hiện chi trả; giao dự toán cho phòng giáo dục và đào tạo đối với kinh phí hỗ trợ các đối tượng do phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chi trả; giao dự toán cho UBND phường đối với kinh phí hỗ trợ các đối tượng do UBND phường chi trả; giao dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã đối với kinh phí hỗ trợ các đối tượng do UBND xã, thị trấn chi trả.

Trên cơ sở quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và dự toán được giao, phòng lao động - thương binh và xã hội, phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chi trả và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ đối với các đối tượng do phòng thực hiện chi trả; UBND phường thực hiện thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng do UBND phường chi trả.

Căn cứ dự toán bổ sung có mục tiêu, quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; UBND xã, thị trấn bố trí dự toán và thanh quyết toán cho các đối tượng do UBND xã, thị trấn chi trả. Định kỳ ngày 15 hằng tháng, UBND xã, thị trấn tổng hợp báo cáo kinh phí hỗ trợ gửi phòng tài chính - kế hoạch, phòng lao động - thương binh và xã hội, phòng giáo dục và đào tạo.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp Phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp đối tượng và kinh phí thực hiện hỗ trợ trình UBND cấp huyện để gửi báo cáo (kèm các quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ) về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính chậm nhất ngày 15-12-2021 để tham mưu báo cáo UBND thành phố bổ sung kinh phí cho các quận, huyện, thị xã còn thiếu nguồn thực hiện hỗ trợ theo quy định; trường hợp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ, UBND cấp huyện kịp thời báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính (trước ngày 20 hằng tháng) để tham mưu UBND thành phố bổ sung kinh phí thực hiện.

UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện căn cứ nhiệm vụ được phân công chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; hằng ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, đảm bảo thuận lợi nhất cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ; tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ bằng các hình thức thuận lợi cho người lao động như: Trực tiếp, qua bưu điện, trực tuyến...; linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Đồng thời, tổ chức chi trả có thể bằng các hình thức: Trực tiếp, qua bưu điện, qua tài khoản... phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Công khai các nhóm đối tượng được hỗ trợ, trình tự, thủ tục, hồ sơ các chính sách hỗ trợ và biểu mẫu trên trang thông tin, phương tiện truyền thông và niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động và các đối tượng có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; phối hợp kịp thời với các cơ quan liên quan để được hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công. Kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm, gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ trong triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền...

Theo Hanoimoi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,502

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]