Tải App trên Android

VKSNDTC giải đáp vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
24/03/2021 13:38 PM

Ngày 22/3/2021, VKSNDTC ban hành Công văn 1066/VKSTC-V12 giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp.

VKSNDTC giải đáp vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (Ảnh minh họa)

Theo đó, VKSNDTC giải đáp nhiều thắc mắc đáng chú ý sau:

Thắc mắc: Bị can không có đơn kêu oan nhưng ông, bà, cha mẹ, vợ hoặc chồng, anh, chị, em ruột của người đó liên tục kêu oan thay bị can thì có giải quyết hay không?

Giải đáp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 469 BLTTHS 2015: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Bị can là người chịu tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi tố tụng, biết rõ hành vi vi phạm đã thực hiện và sự việc phạm tội đã xảy ra trong thực tế khách quan, có năng lực trách nhiệm hình sự có khả năng quyết định việc thực hiện quyền khiếu nại. Vì vậy, chỉ khi bị can khiếu nại (nêu rõ khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng nào) thì mới xác định là đơn khiếu nại (thể hiện qua đơn hoặc được ghi ý kiến vào tài liệu hợp pháp được lập trong quá trình tố tụng); các trường hợp còn lại, khi nhận được đơn thì xử lý, giải quyết theo thủ tục đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh.

Ví dụ: Bị can không có đơn kêu oan nhưng ông, bà, cha mẹ, vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột của người đó liên tục kêu oan thay bị can, không chấp nhận Quyết định khởi tố bị can đã được VKS phê chuẩn thì Kiểm sát viên cần trực tiếp làm việc với bị can, giải thích để bị can quyết định việc thực hiện quyền khiếu nại.

- Nếu bị can không kêu oan, nhận tội thì VKS không thụ lý đơn và thông báo cho người gửi đơn biết lý do không thụ lý.

Thắc mắc: Trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu (07 ngày) có nội dung đối thoại, nhưng người khiếu nại có thể do trở ngại khách quan mà không kịp đến VKS để đối thoại. Đến khi VKS đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại mới đến để yêu cầu đối thoại thì có tiến hành thủ tục đối thoại nữa không?

Giải đáp: Việc đối thoại có thể tiến hành trong quá trình giải quyết khiếu nại. Do vậy, trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nếu xét thấy cần thiết thì người có thẩm quyền giải quyết (hoặc người được phân công nhiệm vụ tham mưu giải quyết) tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại. Trường hợp VKS đã ban hành quyết định giải quyết thì không tiến hành đối thoại nữa. Bởi lẽ, đối thoại không phải là thủ tục bắt buộc; khi VKS có thẩm quyền đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là đã có đầy đủ căn cứ, việc đối thoại sau khi quyết định giải quyết là không cần thiết và không có giá trị.

Tuy vậy, trường hợp người khiếu nại có căn cứ mới có thể làm thay đổi nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại, thì VKS đã giải quyết lần đầu báo cáo VKS có thẩm quyền giải quyết tiếp theo để có biện pháp xử lý phù hợp.

- Nếu bị can khiếu nại, kêu oan, VKS thụ lý giải quyết nội dung khiếu nại của bị can đồng thời xem xét, trả lời nội dung đơn của thân nhân bị can theo trình tư của tố tụng hình sin và thông báo kết quả cho thân nhân bị can biết.

Thắc mắc: Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 02/2018 quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được gia hạn thời hạn xác minh (nhưng thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết khiếu nại); song BLTTHS không quy định việc gia hạn. Một số ý kiến cho rằng có sự mâu thuẫn giữa quy định của BLTTHS và Thông tư liên tịch;

Giải đáp: Việc gia hạn thời hạn xác minh là thao tác nghiệp vụ để thực hiện việc giải quyết khiếu nại trong thời hạn do BLTTHS quy định, do vậy, không có mâu thuẫn giữa BLTTHS với Thông tư liên tịch về vấn đề này. Cần phân biệt thời hạn xác minh và thời hạn giải quyết (thời hạn xác minh nằm trong thời hạn giải quyết và không vượt quá thời hạn giải quyết).

Công văn này còn giải đáp nhiều vướng mắc khác như:

- Công tắc tiếp dân;

- Công tác phân loại, xử lý đơn kiện;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS trong lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính;

- Vướng mắc chung về giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;

- Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Công tác giải quyết tổng hợp, báo cáo và biểu mẫu nghiệp vụ.

Xem chi tiết tại Công văn 1066/VKSTC-V12 ngày 22/3/2021.

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,849

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]