07 chính sách kế toán, kiểm toán có hiệu lực từ tháng 01/2019

04/01/2019 11:16 AM

Trong tháng 01/2019, nhiều chính sách trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán sẽ chính thức có hiệu lực.

File word chính sách kế toán, kiểm toán có hiệu lực từ tháng 01

 

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

1. Mục tiêu kiểm toán khi lập kế hoạch kiểm toán tổng quát

Theo Quyết định 02/2018/QĐ-KTNN về quy trình kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), việc lập kế hoạch kiểm toán tổng quát nhằm các mục tiêu sau:

- Đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực, đầy đủ của Báo cáo quyết toán NSNN năm được kiểm toán;

- Đánh giá việc tuân thủ Luật NSNN, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, văn bản pháp luật trong quản lý, điều hành và sử dụng NSNN năm được kiểm toán;

- Đánh giá hiệu lực triển khai chính sách tài khóa, hiệu lực quản lý, điều hành NSNN của Chính phủ đối với năm được kiểm toán; ...

- Làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm; giám sát tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm quốc gia thông qua kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm được kiểm toán.

Quyết định 02/2018/QĐ-KTNN có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2019 và thay thế Quyết định 03/2013/QĐ-KTNN ngày 03/4/2013.

2. Hình thức kế toán áp dụng cho Quỹ tích lũy trả nợ

Thông tư 109/2018/TT-BTC quy định Quỹ Tích luỹ trả nợ áp dụng hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ (có hiệu lực ngày 01/01/2019), trong đó có quy định hình thức kế toán.

Nguyên tắc ghi chép theo hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ:

- Ghi theo trình tự thời gian nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trên Sổ đăng ký Chứng từ ghi sổ;

- Ghi theo nội dung kinh tế của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trên Sổ Cái.

Các loại sổ kế toán: Chứng từ ghi sổ; Sổ đăng ký Chứng từ ghi sổ; Sổ Cái; Các Sổ kế toán chi tiết.

Danh mục sổ kế toán, mẫu sổ và giải thích phương pháp ghi sổ kế toán được quy định tại Phụ lục số 03 “Hệ thống sổ kế toán” ban hành kèm theo Thông tư 109.

3. Bổ sung 07 tài khoản cấp 1 vào hệ thống tài khoản kế toán dự trữ QG

Ngày 15/11/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 108/2018/TT-BTC về hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia.

Theo quy định mới, ngoài các tài khoản kế toán ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC, sẽ bổ sung thêm 07 tài khoản cấp 1 trong bảng hệ thống tài khoản kế toán:

- Tài khoản 145- Phải thu vốn dự trữ quốc gia (Gồm 04 TK cấp 2: TK 1451, TK 1452, TK 1453, TK 1458);   

- Tài khoản 151- Hàng dự trữ quốc gia đang đi đường;

- Tài khoản 157- Hàng dự trữ quốc gia (Gồm 02 TK cấp 2: TK 1571, TK 1572);

- Tài khoản 158- Hàng dự trữ quốc gia tạm xuất (Gồm 04 TK cấp 2: TK 1581, TK 1582, TK 1583, TK 1588);

- Tài khoản 345- Phải trả vốn DTQG (Gồm 04 TK cấp 2: TK 3451, TK 3452, TK 3453, TK 3458);

- Tài khoản 432- Quỹ tiết kiệm phí (Gồm 02 TK cấp 2: TK 4321, TK 4322);

- Tài khoản 451- Nguồn vốn dự trữ quốc gia.

Thông tư 108/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và thay thế Thông tư 142/2014/TT-BTC ngày 25/9/2014.

4. Sửa đổi một số biểu mẫu kế toán hàng hóa xuất, nhập khẩu

Thông tư 112/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 174/2015/TT-BTC hướng dẫn kế toán thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu áp dụng với các đơn vị hải quan (có hiệu lực từ 01/01/2019).

Trong đó, Thông tư 112 sẽ sửa đổi một số Phụ lục kèm theo Thông tư 174, cụ thể:

- Bảng kê chứng từ ghi số thuế phải thu (mẫu số 01/BK-HQ), Bảng kê chứng từ thu thuế (mẫu số 05/BK-HQ) tại Phụ lục số 01;

- Danh mục hệ thống tài khoản kế toán tại Mục I Phụ lục số 02;

- Danh mục sổ kế toán quy định tại Phụ lục số 03;

- Các mẫu số 02/BCTC, 03/BCTC, 05/BCTC, 09/BCTC, 10/BCTC tại Phụ lục số 04.

Ngoài ra, đối với chứng từ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Luật Kế toán, Nghị định 174.

5. Quy định về tài khoản kế toán áp dụng cho Quỹ "Vì người nghèo"

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 103/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 hướng dẫn kế toán áp dụng cho Quỹ “Vì người nghèo".

Theo đó, tài khoản kế toán áp dụng cho Quỹ “Vì người nghèo” được quy định như sau:

- Tài khoản kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính theo nội dung kinh tế.

- Hệ thống tài khoản kế toán Quỹ “Vì người nghèo” gồm các tài khoản trong bảng và các tài khoản ngoài bảng.

- Các tài khoản trong bảng phản ánh toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh gồm tài sản, nguồn vốn, thu quỹ, chi hoạt động quỹ, thặng dư (thâm hụt) tại Quỹ “Vì người nghèo” trong kỳ kế toán.

Các tài khoản trong bảng được hạch toán kép (hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản).

- Các tài khoản ngoài bảng phản ánh những chỉ tiêu kinh tế đã phản ánh ở các tài khoản trong bảng nhưng cần theo dõi để phục vụ cho yêu cầu quản lý, như: hàng hoá được ủng hộ, tài trợ, viện trợ, nguyên tệ các loại.

Các tài khoản ngoài bảng được hạch toán đơn (không hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản).

- Phương pháp ghi chép tài khoản kế toán quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này.

Thông tư 103/2018/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và thay thế Thông tư 77/2007/TT-BTC ngày 05/7/2007.

6. Hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 99/2018/TT-BTC hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên (có hiệu lực từ 01/01/2019).

Theo hướng dẫn tại Thông tư 99, báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán cấp trên được lập theo kỳ kế toán năm.

- Trường hợp pháp luật có quy định theo kỳ hạn lập khác thì ngoài báo cáo theo kỳ hạn năm, đơn vị còn phải lập báo cáo tài chính tổng hợp theo kỳ hạn đó.

- Báo cáo bổ sung thông tin tài chính được lập theo kỳ hạn kế toán của báo cáo tài chính tổng hợp.

Báo cáo tài chính tổng hợp được lập sau khi kết thúc kỳ kế toán năm (vào thời điểm 31/12 hàng năm).

Báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán cấp trên phải được tổng hợp đầy đủ, bao gồm thông tin tài chính của tất cả đơn vị kế toán cấp dưới trực thuộc theo quy định.

Đối với thông tin tài chính của các đơn vị kế toán cấp dưới thực hiện chế độ kế toán khác phải tổng hợp vào báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị cấp trên của đơn vị trong năm.

7. Yêu cầu đối với báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài

Thông tư 74/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán đối với khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019).

Theo đó, báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài phải bảo đảm yêu cầu sau:

- Phải được lập theo đúng mẫu biểu quy định hoặc theo yêu cầu quản lý, điều hành, phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu đã được quy định đối với từng biểu mẫu báo cáo.

Phương pháp tổng hợp số liệu và lập các chỉ tiêu trong báo cáo phải được thực hiện đảm bảo phù hợp với công tác tổng hợp, phân tích, kiểm tra và đối chiếu số liệu về vay, trả nợ nước ngoài.

- Các chỉ tiêu trong từng báo cáo phải đảm bảo tính đồng nhất, liên hệ với nhau một cách có hệ thống, phục vụ cho việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội.

Số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực, khách quan, được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu kế toán sau khi đã được kiểm tra, đối chiếu và khóa sổ kế toán.

- Mẫu biểu báo cáo tài chính cần đơn giản, rõ ràng và thiết thực, phù hợp với yêu cầu thông tin quản lý, điều hành và nợ công.

Châu Thanh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,004

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]