1. Mức lương tối thiểu doanh nghiệp phải trả cho NLĐ từ 01/01/2019
Nghị định 157/2018/NĐ-CP đã quy định về mức lương tối thiểu vùng mới tăng từ 160.000 – 200.000 đồng/tháng.
Theo đó, từ ngày 01/01/2019, khi thỏa thuận lương với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải đảm bảo mức tối thiểu như sau:
- Đối với NLĐ làm công việc đơn giản nhất: Bằng lương tối thiểu vùng.
- Đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề: Cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng.
Ví dụ: NLĐ có trình độ đại học, làm việc trong điều kiện lao động bình thường tại Quận 3 – TP.HCM, làm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động thì mức lương tối thiểu mà doanh nghiệp phải trả là:
Lương tối thiểu vùng của quận 3 + (Lương tối thiểu vùng của quận 3 *7%) = 4.180.000 + (4.180.000 * 7%) = 4.472.600 đồng/tháng
Tra cứu mức lương tối thiểu vùng của từng địa phương trên cả nước tại đây.
Nghị định 157/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
2. 07 nội dung mà người sử dụng lao động phải công khai
Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 149/2018/NĐ-CP hướng dẫn khoản 3 Điều 63 Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Theo đó, danh sách 07 nội dung mà người sử dụng lao động phải công khai bao gồm:
- Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh;
- Nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ;
- Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia;
- Nghị quyết Hội nghị NLĐ;
- Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);
- Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
- Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Nghị định 149/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
3. Các trường hợp tạm đình chỉ hoạt động DV kiểm định xe cơ giới
Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định mới về các trường hợp đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ hoạt động kiểm định xe cơ giới từ 01 tháng đến 03 tháng, đơn cử:
- Tạm đình chỉ từng dây chuyền kiểm định: không đảm bảo một trong các điều kiện, yêu cầu, quy định và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm; …
- Tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định:
+ Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, thẩm quyền;
+ Có từ 03 lượt đăng kiểm viên trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 02 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục;….
Nghị định 139/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019 và thay thế Nghị định 63/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016.
4. Quy định chi tiết nội dung đề án giải thể tổ chức hành chính
Đây là nội dung mới được đề cập tại Nghị định 158/2018/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.
Theo đó, nội dung đề án giải thể tổ chức hành chính, gồm:
- Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc giải thể;
- Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;
- Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác liên quan (nếu có);
- Quy định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức hành chính và các cá nhân có liên quan đối với việc thực hiện phương án giải thể tổ chức hành chính và thời hạn xử lý.
Nghị định 158/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2019.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY