1. Chính sách ưu đãi về vốn tín dụng với người cao tuổi từ 2019
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 96/2018/TT-BTC về chúc thọ, mừng thọ; ưu đãi tín dụng và biểu dương, khen thưởng cho người cao tuổi.
Theo đó, người cao tuổi trực tiếp sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, giảm nghèo sẽ được hưởng ưu đãi về vốn tín dụng như sau:
- Trường hợp là người nghèo hoặc các đối tượng chính sách khác theo quy định của địa phương: nguồn vốn cho vay ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách địa phương theo quy định tại Thông tư 11/2017/TT-BTC ngày 08/2/2017.
Mức, thời hạn, lãi suất cho vay; quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo tiền vay (nếu có) thực hiện theo quy chế của UBND cấp tỉnh về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH;
- Trường hợp thuộc đối tượng cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm: nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm theo kế hoạch hàng năm của địa phương.
Nguyên tắc, mức, thời hạn, lãi suất vay, điều kiện đảm bảo tiền vay; quy trình, thủ tục vay vốn thực hiện theo quy định tại Chương V Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015.
2. Lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển là 22,5 triệu đồng/giấy phép
Nội dung này được quy định tại Thông tư 105/2018/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp Giấy phép nhận chìm ở biển.
Theo đó, từ ngày 01/01/2019 mức thu lệ phí cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển đối với tổ chức, cá nhân được quy định như sau:
- Cấp giấy phép: 22.500.000 đồng/giấy phép;
- Cấp lại giấy phép: 7.000.000 đồng/giấy phép;
- Gia hạn giấy phép: 17.500.000 đồng/giấy phép;
- Sửa đổi, bổ sung giấy phép: 12.500.000 đồng/giấy phép.
Người nộp lệ phí thực hiện nộp trực tiếp cho tổ chức thu lệ phí hoặc nộp vào tài khoản của tổ chức thu lệ phí mở tại Kho bạc nhà nước khi được cấp giấy phép nhận chìm ở biển.
3. Trẻ sốt trên 39 độ sau tiêm chủng phải đưa ngay đến bệnh viện
Đây là hướng dẫn tại Thông tư 34/2018/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 104/2016/NĐ-CP về hoạt động tiêm chủng.
Theo đó, đối tượng tiêm chủng phải được theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng, đồng thời hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng:
- Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường;
- Đưa ngay đối tượng tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các biểu hiện như:
+ Sốt cao (≥39 độ), co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác;
+ Khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.
Ngoài ra, Thông tư 34 cũng nêu, mỗi buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ được tiêm không quá 50 người, trường hợp tại một điểm chỉ tiêm một loại vắc xin thì số lượng không quá 100 người/buổi.
4. Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động
Nội dung đáng chú ý này được quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động (PLLĐ) của doanh nghiệp.
Theo đó, ít nhất một lần trong năm, NSDLĐ phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành PLLĐ tại cơ sở của mình nhằm đánh giá mức độ tuân thủ và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ.
Nội dung tự kiểm tra bao gồm các việc đơn cử sau:
- Thực hiện báo cáo định kỳ;
- Tuyển dụng và đào tạo lao động;
- Giao kết và thực hiện hợp đồng lao động;
- Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và trả lương cho người lao động;
- Nội dung khác mà NSDLĐ thấy cần thiết.
Thời gian tự kiểm tra cụ thể do NSDLĐ quyết định và thời kỳ tự kiểm tra là từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.
(Còn nữa)
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY