03/01/2012 13:47 PM

(Đất Việt) “Bộ máy nhà nước phải tiên tiến hơn xã hội, là lực lượng dẫn dắt xã hội, kiến tạo sự phát triển của xã hội. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói: Nhà nước là người kiến tạo sự phát triển. Nếu chất lượng bộ máy chỉ ở mức độ trung bình, làm sao kiến tạo được phát triển, làm sao đảm nhiệm được nhiệm vụ rất lớn như tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, trở thành nước công nghiệp vào năm 2020…”.


Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI, nhận định như vậy sau khi VCCI vừa công bố kết quả “chấm điểm” các bộ với chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ (MEI), vào những ngày cuối cùng của năm 2011 đầy biến động. 

Thúc đẩy cải cách hành chính

Thưa bà, báo cáo công bố chỉ số MEI cho thấy, các bộ mới chỉ cố gắng làm những điều bị giám sát. Rõ ràng, các bộ mới làm theo hình thức đối phó mà tự thân chưa thấy sự cần thiết phải thay đổi?

Qua chỉ số MEI thực tế hơi khác với nhận định trên, dường như các bộ không để cho mình phải chịu nhiều sức ép của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN). Những việc họ làm được chỉ là sức ép từ phía Nhà nước nhiều hơn. Trong quy định, quy trình, kế hoạch, họ phải làm việc a, b, c…, thì họ cố gắng làm.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan.

Quan trọng nhất, những chỉ số thuộc về nghĩa vụ phải làm thì họ làm ở mức độ thấp. Điều đó thể hiện ở điểm tham vấn DN thấp.

Nếu các cơ quan Nhà nước còn làm ở mức độ đáp ứng yêu cầu công việc thuộc về nghĩa vụ của Nhà nước

“Tôi trông đợi nhiều nhất ở năm 2012 là ở phản ứng chính sách của Nhà nước. Qua những vấn đề của năm 2011 và bốn năm liên tục, Nhà nước thấy rõ những vấn đề nội tại của nền kinh tế và mô hình tăng trưởng kinh tế không còn phù hợp”.
 
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan.

ở mức trung bình, không tính đến yêu cầu của xã hội đối thì khó có sự phát triển mạnh mẽ, đột biến. Có lẽ họ chưa thấm được trong bối cảnh hiện nay khó khăn về kinh tế kéo dài, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của cả xã hội, trước hết là của Nhà nước. Các DN phát triển được phụ thuộc rất nhiều vào môi trường kinh doanh. Khi còn nhiều bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, cộng thêm khó khăn nội tại và từ bên ngoài vào nền tảng thể chế hiện nay thì rất khó cho DN.

Trong kết quả MEI, điểm cao nhất (hơn 74/100 điểm) là xây dựng các dự thảo văn bản quy định pháp luật; trong khi việc triển khai thực hiện, giám sát, tham vấn… lại không được điểm cao. Như vậy, trong một nền hành chính như hiện nay, thấy ngay được thực trạng là những nhiêu khê sẽ vẫn còn tăng?

Đó mới là một khía cạnh. VN vốn bị kêu ca nhiều về những khiếm khuyết trong xây dựng các văn bản pháp luật (thiếu tính minh bạch, ổn định, công khai, khả thi, thiếu tính tiên lượng được…). Thời gian vừa qua, Nhà nước quan tâm nhiều hơn tới chất lượng xây dựng văn bản, nỗ lực để cải thiện, đào tạo rất nhiều cán bộ giỏi. Và khi gia nhập WTO, những văn bản pháp quy liên quan đến kinh doanh, đều phải đối chiếu với quy định của WTO. Vì vậy, có được một chuẩn nhất định để buộc phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Điều đáng tiếc, có vẻ các cơ quan hài lòng với hệ thống này nên vẫn coi nhẹ yếu tố tham vấn. Lẽ ra chất lượng tốt hơn phải tương ứng với quy định về tham vấn đối tượng chịu tác động để họ đóng góp giúp chất lượng tốt hơn, khả năng thực thi cao hơn.

Khi việc tham vấn DN vẫn làm cho có, thì nền hành chính vẫn còn xa so với mục tiêu một nền hành chính phục vụ?

Đúng vậy! Các cơ quan nhà nước và các CBCC trong đó vẫn cho rằng việc xây dựng luật pháp, chính sách là của mình, đưa ra thế nào, xã hội sẽ phải tuân thủ như vậy; nên mới chỉ chú ý giám sát sự tuân thủ của xã hội, DN, hơn là tham vấn xem quy định có hợp lý, có được ủng hộ hay không? Cách làm này trái với quy trình các nước vẫn làm, đó là trước khi làm họ áp dụng phương pháp đánh giá tác động. Trước tiên, phải tham vấn tất cả các đối tượng liên quan, đánh giá được tác động tích cực và tiêu cực để nếu có những tác động tích cực thì phải tìm cách khắc phục.

Vậy bà kỳ vọng MEI sẽ tác động như thế nào đối với cải cách hành chính (CCHC), trước hết là cải cách thủ tục hành chính – vốn được coi là khâu đột phá của phát triển?

Những yếu kém về thủ tục hành chính đã được nhìn nhận từ lâu. Chương trình CCHC được đưa ra hơn 10 năm, CCHC vài lần được chọn làm trọng tâm trong năm. Năm 2007, sau khi mới đắc cử nhiệm kỳ I, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố CCHC là khâu đột phát. Sau đó, Thủ tướng đưa ra tiếp Đề án 30, chuyên lo về CCHC với cách làm mạnh mẽ, táo bạo, có nhiều thay đổi so với trước đây.

Qua Đề án 30, cùng quyết tâm rất lớn, Chính phủ đã thấy được các hạn chế, các cản trở ngay trong các bộ. Năm ngoái, VCCI báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận, tức là đã thấy rằng muốn có hệ thống thể chế tốt, phải tạo được sự đồng thuận, đồng tình hưởng ứng của DN và người dân. Tôi tin chắc, khi Thủ tướng đã ủng hộ thì sẽ dùng MEI làm công cụ để thúc đẩy các bộ cải cách hơn nữa về hành chính, quy trình soạn thảo, thực hiện các văn bản pháp quy, rà soát lại và đổi mới theo yêu cầu phát triển của đất nước.

Thông thoát là một lợi thế thu hút đầu tư

Vừa qua có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Dường như chính sách ưu đãi, nhân công giá rẻ không còn quá hấp dẫn nữa, quan trọng nhất chính là sự thông thoáng, minh bạch về môi trường đầu tư (tức là thời gian, chi phí cơ hội). Có vẻ chúng ta bỏ lỡ dòng vốn này?

Hệ thống luật pháp được sửa đổi tốt hơn, theo xu thế tự do hóa, cởi mở hơn, tạo ra môi trường bình đẳng khi Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư được thực hiện năm 2006. Thời điểm này, Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, nên rất nhiều người kỳ vọng sẽ có dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam.

Thực sự, đã có dòng vốn đầu tư rất mạnh vào Việt  Namcnăm 2007 – 2008, mốc rõ rệt nhất là sự xuất hiện của Intel vào VN với số vốn đầu tư 1 tỷ USD, mang cả không khí hào hứng về đầu tư nước ngoài. Sau đó, dòng đầu tư suy giảm một phần do khủng hoảng tài chính toàn cầu; nhưng các năm tiếp theo, lời kêu ca của nhà đầu tư nước ngoài về 3 nút “thắt cổ chai” vẫn kéo dài: Thiếu hụt lao động có kỹ năng, chất lượng hạ tầng (giao thông và điện), thể chế. Nếu 3 nút thắt này cải thiện phần nào, họ sẽ yên tâm hơn.

Trong thế giới đang thay đổi rất nhanh và cạnh tranh dữ dội, yếu tố thời gian rất quan trọng. Nếu cứ kéo dài những khó khăn, sẽ không thể hấp dẫn được nhà đầu tư. Năm 2012 cần phải có những thay đổi tương đối để tạo cho họ niềm tin rằng những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời.

Trong năm 2012, điều gì có thể lạc quan?

Tôi trông đợi nhiều nhất ở năm 2012 là ở phản ứng chính sách của Nhà nước. Qua những vấn đề của năm 2011 và bốn năm liên tục, Nhà nước thấy rõ những vấn đề nội tại của nền kinh tế và mô hình tăng trưởng kinh tế không còn phù hợp.

Nhờ đó đã tạo được  nhận thức khá đồng nhất, từ đó, phương hướng 2012 đã được khẳng định rất rõ: 1/Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11, mục tiêu số một là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tinh thần là chấp nhận hy sinh tăng trưởng. 2/Tái cấu trúc nền kinh tế, đã nêu lên từ 2010 nhưng hai năm qua vẫn phải tập trung nhiều vào kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2012 phải bắt tay vào làm mới có thể kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Trong bối cảnh đó, càng phải có nỗ lực lớn để hạn chế bớt thách thức bên ngoài bằng tăng cường năng lực nội tại của mình. Tôi tin tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là tập trung mạnh cải cách DNNN thì sẽ khắc phục bớt sự kém hiệu quả, kém năng lực cạnh tranh của nền kinh, phân bổ lại nguồn lực một cách cạnh tranh hơn, cho các khu vực kinh tế hiệu quả hơn. 

Thái An (thực hiện)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,101

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn