Đại biểu có thể tranh luận liên tục khi chất vấn bộ trưởng

13/06/2017 08:12 AM

Thay vì chờ đến cuối phiên, kỳ chất vấn này đại biểu có thể tranh luận đến cùng ngay lập lức, tránh tình trạng "bộ trưởng hứa xong để đấy".

Chiều 12/6, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, để xây dựng báo cáo về các nội dung chất vấn tại kỳ họp lần này, Tổng thư ký Quốc hội phải căn cứ trên hơn 1.000 kiến nghị của cử tri và ý kiến của đại biểu cũng như các đoàn.

Nguyễn Thanh Hải

Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quochoi

"Tôi cho rằng việc lựa chọn vấn đề chất vấn đã mang hơi thở cuộc sống. Các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, văn hoá và kế hoạch đầu tư được lựa chọn chất vấn kỳ này đều rất trúng", bà Hải nói

Theo bà Hải, hoạt động chất vấn lần này có cải tiến. Nếu trước đây đại biểu hỏi, Bộ trưởng trả lời, sau đó đại biểu bấm nút để tranh luận, nhưng phải chờ mấy chục người khác mới đến lượt. Lần này, nếu Bộ trưởng trả lời chưa thoả đáng, đại biểu có thể giơ biển để hỏi lại ngay.

"Một thay đổi nhỏ như vậy có thể tạo nên thay đổi lớn, vì vấn đề đại biểu hỏi được tranh luận đến cùng, khắc phục tình trạng chất vấn xong, Bộ trưởng hứa rồi để đấy", bà Hải nêu quan điểm.

Nhận xét về hạn chế trong các kỳ chất vấn trước, bà Hải nêu việc có "tư lệnh ngành" trả lời không đi thẳng vào vấn đề.

"Tôi kỳ vọng mỗi Bộ trưởng được chọn trả lời chất vấn sẽ thẳng thắn xem trách nhiệm của mình ở đâu; bản thân Bộ trưởng phải làm như thế nào, sau đó mới chỉ ra trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề mà cử tri nêu", bà Hải chia sẻ và cho rằng, để định lượng được việc thực hiện cam kết, lời hứa của các bộ trưởng thì nên có một bảng tổng hợp, bao nhiêu lời hứa thành hiện thực, bao nhiêu lời hứa do điều kiện khách quan chưa hoàn thành, bao nhiêu lời hứa do chủ quan, chưa quan tâm thấu đáo mà không làm.

"Nếu có sự công khai như vậy thì công tác giám sát của Quốc hội sẽ hiệu quả hơn", bà Hải nhấn mạnh.

Tại kỳ họp lần này, cơ quan dân nguyện đã nhận được nhiều "kiến nghị nóng" của cử tri. Cụ thể như: cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn về quy hoạch du lịch Sơn Trà như thế nào; hoạt động quản lý nhà nước đối với các ca khúc của Bộ Văn hoá....

Ngoài ra, cử tri quan tâm đến quy trình bổ nhiệm, luân chuyển và chất lượng cán bộ ở các cơ quan công quyền. Theo bà Hải, vấn đề này cử tri hỏi từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14, nhưng trả lời của Bộ Nội vụ chưa đáp ứng được nên người dân lại tiếp tục gửi kiến nghị đến kỳ họp cuối năm ngoái và kỳ họp lần này.

"Bộ Nội vụ trả lời là bổ nhiệm theo Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức; theo đúng quy trình, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao cũng quy trình đó nhưng có nơi chọn được người tốt, có nơi lại chọn người kém năng lực?", bà Hải nói.

Hoàng Thùy

Theo Vnexpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,470

Bài viết về

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn