Đại biểu Quốc hội: Nhà nước phải lịch sự xin lỗi người bị oan

31/05/2017 14:10 PM

Cho rằng nhà nước cần chủ động xin lỗi người bị oan chứ không chờ đơn yêu cầu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị: "Khi phạm lỗi với ai thì phải xin lỗi trước, nhà nước ta phải lịch sự".

Sáng 31-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Việc xin lỗi công khai và trách nhiệm bồi thường được tranh luận sôi nổi.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đề cập hiện nay quy định chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu thì mới xin lỗi, còn không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi không diễn ra.

Nguyễn Thị Thủy

ĐB QH Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu sáng 31-5. Ảnh: Quochoi.vn

"Tôi đề nghị trong mọi trường hợp, khi có văn bản xác định bị oan thì cơ quan nhà nước phải chủ động tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho họ, trừ trường hợp người bị oan có văn bản không cần phải xin lỗi"- bà Thuỷ đề xuất.

Bà Thủy phân tích báo cáo thẩm tra nói rằng căn cứ vào Bộ luật Dân sự để xin lỗi, cải chính công khai. Tuy nhiên, việc trích dẫn điều 34 Bộ luật Dân sự vào đây là không phù hợp, vì ở đây cơ quan, cá nhân làm oan trong quá trình giải quyết vụ án là trách nhiệm chứ không phải quan hệ dân sự.

Việc bắt người, sau khi còng tay dẫn đi, trước sự chứng kiến của xóm giềng, đồng nghiệp, người bị oan luôn mong nhà nước xin lỗi công khai, bồi thường cho họ, để họ trở thành người bình thường trong xã hội.

Đồng tình quan điểm trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bình luận: "Chúng ta xây dựng nhà nước văn minh, lịch sự, khi phạm lỗi với ai thì phải xin lỗi trước, nhà nước ta phải lịch sự".

ĐB đến từ Bến Tre cho rằng không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình, không phải ai cũng hiểu được, đặc biệt người có trình độ văn hoá thấp, phải rất công bằng với người dân.

Lưu Bình Nhưỡng

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quochoi.vn

"Trách nhiệm phổ biến pháp luật của chúng ta chưa tới nơi tới chốn, sao lai bắt người dân hiểu hết quyền của mình. Đang xây dựng nhà nước phục vụ, không để người dân xin mình mới phục vụ. Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động, thay vì bắt buộc người dân phải đi đòi hỏi"- ông Lưu Bình Nhưỡng trình bày góc nhìn của mình.

Nói thêm về trách nhiệm bồi hoàn của người gây oan sai, ông Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận trách nhiệm bồi hoàn của cán bộ công chức phải công bằng với người dân. Người dân khi phải bồi thường khoản gì cho nhà nước thì không có giàu nghèo, công chức cũng vậy. Bồi hoàn bao nhiêu phải dựa vào quy định thương lượng, cân nhắc tới hoàn cảnh của cán bộ công chức. Người dân không phàn nàn thì chúng ta cũng không nên phàn nàn vì điều này.

Cho ý kiến về việc xin lỗi, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cũng đánh giá phải xuất phát từ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan để xác định ai phải xin lỗi, ai phải bồi thường. Đối với một người bị oan trong vấn đề hình sự là đặc biệt nghiêm trọng, mô hình tố tụng phải có 3 cơ quan điều tra, truy tố, xét xử mới ra được vụ án. Do đó, một bản án oan sai phải có trách nhiệm của cả 3 cơ quan.

N.Quyết

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,318

Bài viết về

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]