Thu BHYT học sinh, sinh viên theo mức lương tối thiểu: Phải sửa Thông tư 41

08/09/2015 09:46 AM

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam khi trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh việc tăng thu BHYT học sinh sinh viên và thu theo năm tài chính như hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính tại Thông tư 41.

Phản cảm, gây sốc cho người dân

Ông Khương cho biết, Luật đã quy định, các bộ, ngành liên quan và người dân đều phải thực hiện. Theo quy định mới, mức thu BHYT đối với học sinh sinh viên (HSSV) từ mức 3% tăng lên 4,5% so với lương cơ bản. Khi mức thu tăng lên, việc thu phải giãn ra để tạo thuận lợi cho người dân, đằng này thu một cục theo năm tài chính (đóng một lần 15 tháng) như hướng dẫn tại Thông tư 41 của liên Bộ Y tế - Tài chính đã gây phản cảm, gây sốc cho người dân và tạo dư luận xấu.

Ông bình luận gì khi nhiều phụ huynh học sinh bức xúc trước việc phải đóng một lúc 15 tháng tiền BHYT cho con em trong khi mức thu đã tăng thêm 1,5 lần?

“Khi mức thu tăng lên, việc thu phải giãn ra để tạo thuận lợi cho người dân, đằng này thu một cục theo năm tài chính (đóng một lần 15 tháng) như hướng dẫn tại Thông tư 41 của liên Bộ Y tế - Tài chính đã gây phản cảm, gây sốc cho người dân và tạo dư luận xấu”.

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam

Ở đây là vướng trong khâu hướng dẫn và thực hiện. Trong lúc luật nâng mức đóng BHYT HSSV tăng thêm 1,5 lần. Tại sao mình không chia nhỏ ra thu để tránh tạo ra dư luận không tốt. Thu theo năm tài chính như hướng dẫn tại Thông tư 41 của liên Bộ Y tế-Tài chính sẽ dôi ra 3 tháng, thành 15 tháng. Việc thu như vậy có thể nói là phản cảm. Người dân đã phải đóng thêm 1,5 lần nay lại thu 15 tháng sẽ gây dư luận xấu.

Trước dư luận bức xúc hiện nay, là cơ quan thực thi, BHXH Việt Nam có thấy rằng cần thiết phải sửa đổi Thông tư 41 của liên Bộ Y tế - Tài chính?

Trước tình hình dư luận như hiện nay, BHXH Việt Nam mong muốn đề nghị với Bộ Y tế và Bộ Tài chính nên điều chỉnh lại Thông tư 41. Tốt nhất là năm nay tạm thời thu 3 tháng, rồi thực hiện tiếp năm sau. Nếu thu một lần thì nên thu theo năm học. Còn nếu tốt hơn, nên thu thành hai lần để dễ thực hiện, giảm áp lực và tạo thuận lợi cho cả ngành BHXH và người dân. Thực tế, mức đóng đã cao rồi thì việc thu cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

Căn cứ nào để các nhà làm luật đưa ra quy định thu BHYT đối với HSSV ở mức 4,5% so với lương cơ bản thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam

BHYT mang tính cộng đồng rất cao. BHYT san sẻ giữa người khỏe với người yếu, người trẻ với người già, người không có bệnh với người có bệnh. Do đó, trách nhiệm tham gia BHYT là trách nhiệm của cộng đồng, của toàn dân. Ngay người trẻ là HSSV tham gia BHYT là để lo cho người già. Nay mai, khi các em HSSV về già, lại sẽ có lớp trẻ khác đóng BHYT để hỗ trợ họ. Hơn nữa, việc tham gia BHYT còn giáo dục cho các em trách nhiệm với cộng đồng, tính chia sẻ, tính trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Nhưng cơ sở nào lại bắt buộc đóng 4,5% lương cơ bản mà không ở mức thấp hơn khi HSSV lại đang là lực lượng ăn theo cha mẹ?

Hiện, chi phí y tế đã cao hơn trước đây. Thực tế, những người đương chức, mức đóng BHYT đã cao hơn rất nhiều so với lương cơ bản (bình quân gấp 3 lần). Chỉ có người nghèo, các em HSSV mới được nhà nước hỗ trợ (30% trên tổng số tiền phải đóng - PV). Do đó, với mức đóng 4,5% mức lương cơ bản như quy định không phải là cao.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, khi các em có vấn đề về sức khỏe, rất ít khi sử dụng dịch vụ BHYT mà chủ yếu đi khám ngoài do thủ tục tại các bệnh viện quá nhiêu khê?

Với phản ánh này, cách đây khoảng hơn 10 năm về trước thì đúng. Vì khám chữa bệnh dịch vụ tốt hơn khám chữa bệnh BHYT và tỷ lệ người có thẻ BHYT còn thấp. Nhưng khoảng 5-7 năm trở lại đây, khám BHYT tốt hơn khám dịch vụ. Vì bây giờ các bệnh viện đa số là khám theo BHYT. Nếu bệnh viện không phục vụ người có thẻ BHYT, đồng nghĩa với việc bệnh viện đó không có bệnh nhân. Vì hiện nay, đã có tới 70% dân số có thẻ BHYT. Nếu bệnh viện chê người có thẻ BHYT, chắc chắn bệnh viện đó không có bệnh nhân. Nên người dân yên tâm là các bệnh viện hiện đang rất muốn khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT.

Nhà trường thu bảo hiểm được trích 4% hoa hồng

Ông có thể cho biết, số tiền BHYT thu từ 20 triệu học sinh được BHXH Việt Nam dùng như thế nào?

Phí BHYT tăng có thực sự góp phần cải thiện sức khỏe học sinh.

20 triệu học sinh sẽ thu khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là số lượng tính trên tổng số học sinh. Thực tế, học sinh tham gia BHYT dưới nhiều hình thức khác nhau (học sinh gia đình chính sách, gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình quân đội…); do đó, học sinh tham gia thực tế chỉ có khoảng 12 triệu nên số tiền thu ước tương đương khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Khoản tiền này khi thu xong sẽ nộp vào Quỹ BHYT. Nếu nhàn rỗi, số tiền này được mang đi để đầu tư sinh lời. Khoản tiền lời từ việc đầu tư tiếp tục được nhập vào quỹ để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.

Liệu khoản tiền thu BHYT từ HSSV có lo bị thất thoát, việc cho vay có ai giám sát không thưa ông?

Để đầu tư, hàng năm, BHXH Việt Nam phải xây dựng phương án đầu tư. Phương án đó được Hội đồng quản lý Quỹ BHYT thông qua. Hội đồng quản lý Quỹ BHYT gồm 11 bộ, ngành liên quan, do đích thân Bộ trưởng Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng. Khi phương án đầu tư được Hội đồng thông qua, lúc đó sẽ rõ số tiền được đầu tư vào lĩnh vực gì (mua Trái phiếu Chính phủ, cho ngân hàng thương mại nhà nước vay…). Tóm lại, Hội đồng quản lý quỹ sẽ thông qua danh mục đầu tư, khối lượng đầu tư, thời hạn đầu tư và số tiền lãi từ việc đầu tư lại được nhập trở lại vào Quỹ BHYT. Thực tế, từ năm 2012 trở lại đây, việc đầu tư đã có lãi suất dương. Nghĩa là khoản lãi từ đầu tư cao hơn chỉ số trượt giá. Như vậy, không những bảo toàn mà còn có tích luỹ, làm cho Quỹ BHYT tăng trưởng.  

BHXH thông qua các trường để thu BHYT, trường có được phần trăm hoa hồng không thưa ông?

Luật cho phép trích hoa hồng 4% trên tổng số tiền thu BHYT học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn được trích chi chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu cho học sinh. Khi triển khai thu, bao giờ liên ngành BHXH và Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố cũng ký kết và báo cáo với UBND tỉnh, thành phố để thực hiện. Còn hình thức thu như thế nào tuỳ theo điều kiện từng trường. Việc thu theo năm tài chính hay thu theo tháng không có gì thay đổi vì số tháng vẫn như nhau. Vấn đề là chúng ta phải chọn cách tổ chức thu thế nào để thuận lợi cho người dân, tránh gây sốc, phản cảm cho dân như cách thu hiện nay.

Cảm ơn ông.

Ngày 7/9, theo thông tin PV Tiền Phong được biết, Bộ Y tế đang chủ trì lập tổ sửa đổi, bổ sung Thông tư 41, trong đó có nội dung sửa phương thức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên.

Theo Tiền Phong


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,466

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn