Diện tích tách thửa đất ở tại Thành phố Thủ Đức từ 31/10/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
31/10/2024 11:30 AM

Theo Quyết định 100/2024/QĐ-UBND, từ ngày 31/10/2024, diện tích tách thửa đất ở tại Thành phố Thủ Đức phải đảm bảo diện tích tối thiểu 50m2.

Diện tích tách thửa đất ở tại Thành phố Thủ Đức từ 31/10/2024

Diện tích tách thửa đất ở tại Thành phố Thủ Đức từ 31/10/2024 (Hình từ Internet)

Ngày 31/10/2024, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 100/2024/QĐ-UBND quy định về điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Diện tích tách thửa đất ở tại Thành phố Thủ Đức từ 31/10/2024

Cụ thể, việc tách thửa đất ở tại Thành phố Thủ Đức từ ngày 31/10/2024 phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 220 Luật Đất đai 2024.

Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất để làm lối đi thì lối đi đó do các bên thỏa thuận và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức có trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương xem xét lối đi do các bên thỏa thuận có đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy, về hệ thống cấp thoát nước, điện để có ý kiến chấp thuận trước khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất.

Phần diện tích đất được xác định làm lối đi sử dụng cho nhiều thửa đất (từ 02 thửa đất trở lên) thì được chuyển sang hình thức sử dụng chung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Về diện tích tác thửa đất ở tại Thành phố Thủ Đức: Theo Quyết định 100/2024/QĐ-UBND, Thành phố Thủ Đức thuộc khu vực 2 cùng với các quận  7, 12, Bình Tân, thành phố Thủ Đức và thị trấn các huyện, khi đó thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau tách thửa (đã trừ phần diện tích thuộc quy hoạch công trình giao thông) phải đảm bảo diện tích tối thiểu 50m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 04m.

Lưu ý: Hồ sơ tách thửa đất đất đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận nhưng đến trước ngày Luật Đất đai 2024, Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2024Quyết định 100/2024/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành mà chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 256 Luật Đất đai 2024, Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa để thực hiện.

Ngoài việc quy định diện tích tách thửa đất ở, tại Quyết định 100/2024/QĐ-UBND cũng quy định về việc tách thửa đất nông nghiệp. Theo đó, diện tích tách thửa đất nông nghiệp ở Thành phố Thủ Đức từ ngày 31/10/2024 như sau:

- 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác.

- 1.000m2 đối với đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung.

Xem thêm tại Quyết định 100/2024/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 31/10/2024 và thay thế Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa.

Trong đó:

- Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, rà soát công tác tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định. Định kỳ hàng năm (trước ngày 05 tháng 12 hàng năm) báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

+ Hướng dẫn, kiểm tra Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện việc tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định.

+ Tổng hợp vướng mắc, phối hợp với các Sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,793

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]