Mức phạt chậm sang tên sổ đỏ mới nhất 2024 (Hình từ internet)
Căn cứ khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày ký công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất, người sử dụng đất phải thực hiện việc sang tên sổ đỏ.
Theo đó, tại Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định mức phạt chậm sang tên sổ đỏ như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai.
Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng đất còn bị buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định..
Khi sang tên Sổ đỏ, người sử dụng đất còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, bao gồm thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.
Theo khoản 3 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định chậm nhất là 10 ngày kể từ khi phát sinh nghĩa vụ thuế, người sử dụng đất phải tiến hành nộp hồ sơ khai thuế.
Đồng thời tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng quy định thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí trước bạ cùng với thời hạn nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (bao gồm cả trường hợp thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế)
Cụ thể tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế như sau:
STT |
Hành vi |
Mức phạt (triệu đồng) |
1 |
Chậm nộp quá thời hạn từ 01 - 05 ngày |
Phạt cảnh cáo |
2 |
Chậm nộp quá thời hạn từ 01 - 30 ngày |
Từ 02 - 05 triệu đồng |
3 |
Chậm nộp quá thời hạn từ 31 - 60 ngày |
Từ 05 - 08 triệu đồng. |
4 |
Chậm nộp quá thời hạn từ 61 - 90 ngày/ quá 91 ngày nhưng không phát sinh thuế nộp |
Từ 08 - 15 triệu đồng |
5 |
Chậm nộp quá thời hạn 90 ngày |
Từ 15 - 25 triệu đồng. |
Theo đó, người dân có nhu cầu sang tên sổ đỏ được thực hiện theo Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ sang tên sổ đỏ
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Mẫu số 11/ĐK |
- Giấy chứng nhận đã cấp.
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo Mẫu 03/BĐS-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC (áp dụng đối với trường hợp người chuyển nhượng là hộ gia đình, cá nhân).
Mẫu 03/BĐS-TNCN |
Trường hợp thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân thì phải có các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế theo quy định.
- Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ nhà, đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP.
Mẫu số 01 |
- Văn bản về việc đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự đối với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất thông qua người đại diện.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại một trong các cơ quan sau đây:
- Bộ phận Một cửa của UBND cấp tỉnh.
- Văn phòng đăng ký đất đai
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ gửi thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Sau khi nhận được thông báo nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ của cơ quan thuế, người sử dụng đất thực hiện nộp tiền thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ vào ngân sách nhà nước và gửi các chứng từ nộp thuế, lệ phí trước bạ hoặc xác nhận của cơ quan thuế về việc được miễn thuế, lệ phí trước bạ cho Văn phòng đăng ký đất đai nơi đã nộp hồ sơ đăng ký biến động.
Bước 4: Nhận kết quả
Người sử dụng đất sẽ nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được xác nhận nội dung biến động hoặc giấy chứng nhận mới trong trường hợp giấy chứng nhận cũ không còn chỗ trống để xác nhận nội dung biến động.