30.000 tỷ đồng cần thêm sự minh bạch

20/05/2013 08:40 AM

Những trao đổi của TS.Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia nghiên cứu Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội xung quanh gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng giải cứu BĐS.

Có nhiều vấn đề cần phải minh bạch

PV:Nói về gói tín dụng 30.000 tỷ có ý kiến cho rằng đây chỉ là một lượng rất nhỏ so với nhu cầu của những người thu nhập thấp muốn mua nhà. Tuy nhiên nếu không có sự quản lý tốt nguồn vốn hỗ trợ khiêm tốn có thể sẽ không đến được với người dân cần thiết nhất. Xin ông cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?                                                       

TS.Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia nghiên cứu Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội

TS.Nguyễn Minh Phong:

Trước hết phải khẳng định rằng việc bổ sung về điều kiện vay, lãi suất là những bổ sung rất cần thiết. Nó giúp người vay tự tin hơn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn này. Nếu điều kiện đó được thực hiện tốt, nghiêm túc và thực hiện hết thì sẽ tạo ra những động lực tích cực cho thị trường BĐS theo hướng tăng năng lực thanh toán thị trường trên phân khúc nhà ở xã hội. Từ đó giúp tiêu thụ khối lượng hàng tồn kho và làm tăng thêm khả năng hoàn vốn, có thêm động lực đầu tư cho doanh nghiệp BĐS ở lĩnh vực này.

Thứ hai là giúp cho các hoạt động có liên quan đến phân khúc đó phát triển để từ đó tạo thêm động lực tăng trưởng cũng như thu nhập cho người dân.

Thứ ba là giúp cho an sinh xã hội tốt hơn do những người thu nhập thấp có thêm điều kiện để mua nhà.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là khi mua cũng như khi thực hiện gói tín dụng này cần phải tránh hiện tượng:

Một là sự lạm dụng. Hình thức thì có vẻ minh bạch nhưng cuối cùng vốn có thể bị dồn vào những chỗ không đúng đối tượng. Đây là điều hết sức quan trọng.

Thứ hai là với những người tiếp cận nguồn vốn này cần phải chú ý đến khả năng thanh toán, đảm bảo sự an toàn, ổn định tránh trường hợp lúc đầu thì thuận lợi về sau lại có những tranh chấp.

PV: Theo như ý kiến của ông nêu ra hình thức thì có vẻ minh bạch nhưng cuối cùng vốn có thể bị dồn vào những chỗ không đúng đối tượng. Vậy làm thế nào để hướng tới sự minh bạch thưa ông?

TS.Nguyễn Minh Phong:

Ở đây có rất nhiều vấn đề cần phải minh bạch.

Cần phải minh bạch các đối tượng, các quy trình thẩm định, cấp vốn, kiểm soát vốn và thu hồi vốn rõ ràng. Kể cả những điều kiện về lãi suất, những điều kiện về chữ ký thủ tục.

Cũng cần đưa ra những chế tài cần thiết với những lạm dụng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.

Có thông báo một cách công khai về tất cả các vấn đề đó trên phương tiện thông tin đại chúng cũng là cách để thể hiện sự minh bạch.

Tăng cường sự giám sát thường xuyên định kỳ. Thực hiện quá trình cho vay tiếp tục cũng như hoàn vốn sau này. Tất cả đều phải được công khai. Kể cả trách nhiệm thông tin báo chí cho lĩnh vực đó. Tất cả những khoản mà nhà nước cấp cho ngân hàng nào bao nhiêu phần trăm với những điều kiện nào cũng cần được công khai để cả người dân và các ngân hàng đều được biết để có hướng nhận và kiểm soát những quyền lợi mà mình được hưởng.

Không thể kỳ vọng nó như một cây đũa thần trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn cũng như hạn chế về ngân sách như hiện nay.

Không có một cây đũa thần cho BĐS

PV:Ở đây ông cũng đề cập đến vấn đề những người tiếp cận nguồn vốn này cần phải chú ý đến khả năng thanh toán đảm bảo sự an toàn, ổn định. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

TS.Nguyễn Minh Phong:

Mức lãi suất bằng một nửa thị trường sau 3 năm phải kèm theo những điều kiện dưới 6%. Ở đây cần phải nói rõ nếu quá mức 12% thì người mua chỉ phải vay với mức 6% còn nếu dưới mức 11% thì người vay sẽ vay theo kiểu một nửa mức đó.

Điều này cần phải được khẳng định bằng pháp lý, đưa ra những chế tài cũng như quy định để người vay có quyền khiếu nại nếu có những tranh chấp xảy ra.

Thêm nữa, các khoản tiền, trách nhiệm đóng góp cũng như những tranh chấp có thể xảy ra phải được quy định ngay từ bây giờ. Giả sử đến lúc người vay không đóng được tiền thì phải xử lý thế nào? Quy trình xử lý ra sao? Có được mua nhà hay phải giải quyết bằng hình thức nào? Hoặc đặt ra vấn đề bảo lãnh để người dân có thể tiếp tục trả nợ? Có như vậy thì ngân hàng mới có thể yên tâm cho vay được.

PV:Gói 30.000 tỷ sẽ chính thức được bơm ra thị trường từ ngày 1/6/2013. Nhiều chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ này sẽ tạo cú hích cho thị trường địa ốc nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại hiệu quả thật sự của lần giải cứu này. Ý kiến của ông thì sao, thưa ông?

TS.Nguyễn Minh Phong:

Đương nhiên không thể kỳ vọng nó như một cây đũa thần trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn cũng như hạn chế về ngân sách như hiện nay. Nhưng tạo ra hiệu ứng cũng là điều có thể thấy.

Điều này sẽ tạo ra tâm lý mới cho thị trường cũng như người tiêu dùng.

Tạo ra hiệu ứng chuyển đổi sang phân khúc nhà ở xã hội. Điều này đã được chứng minh qua thực tế khi rất nhiều doanh nghiệp đã xếp hàng để xin chuyển đổi.

Nó cũng giúp cho những người nằm trong đối tượng có thêm nhiều hy vọng hơn. Đặc biệt là hy vọng có thể có được chốn “an cư” cho chính mình. Tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để mua nhà.

Nó cũng thúc đẩy những động lực về những kế hoạch đầu tư mới nếu như có những tín hiệu tích cực hơn nữa. Đây là hệ tái sinh. Khi nhà ở xã hội nóng lên thì BĐS sẽ rục rịch kéo theo hoặc sẽ tạo ra hướng chuyển đổi tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Khanh(thực hiện)

Theo Vland

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,248

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn