19/12/2011 08:22 AM

Thị trường BĐS năm 2012 được cảnh báo sẽ tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn. Đây cũng chính là nội dung quan trọng đã được các doanh nghiệp lên tiếng và "hiến kế" cho lãnh đạo Bộ Xây dựng tại Hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng chiều 17/12.



Thiếu việc làm ở hầu hết các doanh nghiệp


Tại hội nghị, TS. Lê Chí Hiếu - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định: Thật ra thị trường BĐS đã bắt đầu rơi vào khó khăn và trầm lắng kể từ năm 2008. Trong suốt thời gian qua, cũng không ít doanh nghiệp đã thực hiện việc giảm giá bán hoặc áp dụng các chính sách khuyến mãi, dự thưởng, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua nhà… nhằm kích cầu và giải quyết tình trạng thị trường đóng băng do giá cả tăng cao.

Tuy nhiên bước sang năm 2011, tình hình kinh tế vĩ mô càng khó khăn hơn, thị trường BĐS phải chịu tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ và áp lực trả nợ vay ngân hàng về cuối năm đã buộc các doanh nghiệp phải mạnh tay hơn trong việc thanh lý dự án để thu hồi vốn.

Cần có sự thay đổi về chính sách để "cứu" doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Không chỉ doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án BĐS, chính sách tín dụng thắt chặt, trong đó có việc cắt giảm đầu tư cũng đe dọa tới các doanh nghiệp xây lắp, nhà thầu. Báo cáo của Vụ Quản lý hoạt động xây dựng cho thấy tình trạng thiếu việc làm đã diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp xây lắp thiếu việc do cắt giảm đầu tư công, các nhà đầu tư khác không thu xếp được vốn, thi công chậm được thanh toán. Trong khi đó, giá đầu vào vật liệu xây dựng tăng từ 20%-30%, chi phí nhân công, chi phí lãi vay, chi phí quản lý và các chi phí khác đều tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thậm chí lỗ, doanh thu càng cao càng lỗ...

Đánh giá của Viện Kinh tế Xây dựng còn cho thấy, tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn còn cao. Trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước luôn không đủ khả năng dùng vốn chủ sở hữu của mình để thanh toán các khoản nợ.

Sự phụ thuộc vào các khoản đi vay này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển bền vững của các doanh nghiệp trên thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thua lỗ vẫn còn tương đối lớn, nhất là các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Khơi thông và linh hoạt


Theo dự báo của một số chuyên gia, nền kinh tế vẫn hiện hữu nhiều bất ổn và phải đối mặt với nhiều thách thức đầu năm 2012, điển hình là hiệu quả đầu tư công còn kém, bất ổn hệ thống ngân hàng (nợ xấu, thanh khỏan vẫn căng thẳng, áp lực tỷ giá còn lớn, lãi suất tín dụng chưa thể hạ nhiệt)… Do đó nếu chính phủ nới lỏng tiền tệ ngay hiện nay thì khả năng bùng phát lại lạm phát là rất cao.

Nhưng mặt khác, theo TS Hiếu, các doanh nghiệp dù có cố gắng vùng vẫy cỡ nào cũng khó đứng vững được nếu không có sự thay đổi căn bản ở một số chính sách hiện nay đang còn bất cập.

Một số ý kiến đại biểu tại hội nghị đã đề xuất, cần có điều chỉnh hành lang pháp lý để khơi thông cho thị trường, trong đó, đổi mới về quan điểm quản lý và sở hữu đất đai theo hướng giảm quản lý theo kiểu hành chính, tăng tính năng động theo tính chất thị trường.

Cải cách chính sách tài chính đất đai theo hướng rạch ròi, công bằng giữa các thành phần tham gia đầu tư, quản lý, sử dụng, khai thác đất đai và giảm nhẹ gánh nặng quá lớn mà các doanh nghiệp BĐS đang phải gánh chịu làm tăng giá đầu vào cho sản phẩm BĐS.

Đồng thời, cần tạo nhiều kênh cấp vốn cho ngành BĐS như Quỹ Đầu Tư, Quỹ Tín Thác, Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Bổ sung các công cụ tài chính phong phú cho thị trường chứng khóan và thị trường vốn. Từng bước giảm dần lãi suất tín dụng, tái cơ cấu và ổn định họat động của ngành ngân hàng...

Về phía doanh nghiệp, trong tình hình khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại và vượt qua khủng hỏang thì cần phải chấp nhận thay đổi để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, phải biết sắp xếp tổ chức lại hệ thống, chủ động bố trí lại nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí... Ngòai ra phải điều chỉnh phương hướng kinh doanh, đưa ra các chiến lược phù hợp để thích nghi được với sự thay đổi khắt nghiệt của thị trường.

Theo ông Đoàn Châu Phong - Phó Tổng giám đốc Vinaconex, công tác khảo sát, phân tích, đánh giá thị trường để nắm bắt được nhu cầu của các nhóm khách hàng là vô cùng quan trọng. Từ đó, chủ đầu tư có thể linh hoạt điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp.

"Bên cạnh đó, khi thị trường ảm đạm, việc lựa chọn địa điểm triển khai dự án cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định sự thành bại của dự án. Đồng thời, cần phải kiểm soát được nguồn vốn của mình" - ông Phong nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết năm 2012 vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, các doanh nghiệp Ngành xây dựng sẽ còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cũng khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược phát triển, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và ngày càng vững mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,717

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn