CHƯƠNG 12

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

PHẦN A

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 12.1: Các khái niệm

Vì mục đích của Chương này:

(a) các trang thiết bị máy tính được hiểu là các máy chủ và thiết bị lưu trữ để xử lý hoặc lưu trữ thông tin để sử dụng nhằm mục đích thương mại;

(b) thể nhân được bảo hộ được hiểu là:

(i) “hoạt động đầu tư” được bảo hộ theo định nghĩa tại điểm (a) Điều 10.1 (Các khái niệm);

(ii) “nhà đầu tư của một Bên” như định nghĩa tại điểm (e) Điều 10.1 (Các khái niệm), nhưng không bao gồm nhà đầu tư trong các tổ chức tài chính hoặc nhà đầu tư trong các nhà cung cấp dịch vụ tài chính;1 hoặc

(iii) Nhà cung cấp dịch vụ của một Bên như định nghĩa tại Điều 8.1 (Các khái niệm), nhưng không bao gồm các “tổ chức tài chính”, “tổ chức công”, hoặc “nhà cung cấp dịch vụ tài chính”, như định nghĩa tại Điều 1 (Các khái niệm) thuộc Phụ lục 8A (Các dịch vụ tài chính);

(c) chức thực điện tử được hiểu là quá trình xác thực hoặc kiểm chứng tình trạng hoặc yêu cầu, nhằm xác lập mức độ tin cậy của tình trạng hay yêu cầu đó;

(d) bản tin điện tử thương mại không mong đợi được hiểu là bản tin điện tử được gửi đi nhằm mục đích thương mại hoặc tiếp thị đến một địa chỉ điện tử, mà không được sự chấp thuận của người nhận hoặc bất chấp sự từ chối rõ ràng của người nhận.2

Điều 12.2: Những nguyên tắc và mục đích

1. Các Bên công nhận sự phát triển kinh tế và cơ hội đến từ thương mại điện tử, vai trò quan trọng của khung pháp lý nhằm thúc đẩy sự tin cậy của khách hàng trong thương mại điện tử, và tầm quan trọng của việc thuận lợi hoá phát triển và sử dụng thương mại điện tử.

2. Các mục tiêu của Chương này gồm:

(a) Thúc đẩy thương mại điện tử trong phạm vi các Bên và mở rộng sử dụng thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu;

(b) Góp phần tạo môi trường tin cậy trong việc sử dụng thương mại điện tử; và

(c) Tăng cường hợp tác giữa các bên trong việc phát triển thương mại điện tử.

Điều 12.3: Phạm vi3

1. Chương này sẽ áp dụng đối với các biện pháp được ban hành hay duy trì bởi một Bên có ảnh hưởng đến thương mại điện tử.

2. Chương này sẽ không áp dụng đối với mua sắm chính phủ.

3. Chương này sẽ không áp dụng đối với những thông tin do một Bên nắm giữ hoặc xử lý, hoặc các biện pháp liên quan đến các thông tin, bao gồm cả các biện pháp liên quan đến thu thập thông tin của mình.

4. Điều 12.14 (Đặt trang thiết bị máy tính) và Điều 12.15 (Lưu chuyển thông tin qua biên giới bằng các phương thức điện tử) sẽ không áp dụng đối với những biện pháp của một Bên mà không tuân thủ các nghĩa vụ quy định tại Chương 8 (Thương mại dịch vụ) hoặc Chương 10 (Đầu tư), cụ thể các biện pháp đó được ban hành hay duy trì phù hợp với:

(a) Điều 8.8 (Biểu cam kết các biện pháp không tương thích) hoặc Điều 10.8 (Những bảo lưu và các Biện pháp không tương thích);

(b) bất cứ điều khoản, điều kiện, hạn chế, và yêu cầu nào được quy định rõ trong cam kết của một Bên, hoặc cam kết liên quan đến lĩnh vực mà không phù hợp với cam kết của một Bên, được ban hành hay duy trì phù hợp với Điều 8.6 (Đối xử tối huệ quốc) hoặc Điều 8.7 (Biểu cam kết cụ thể); hoặc

(c) bất cứ ngoại trừ nào áp dụng đối với các nghĩa vụ trong Chương 8 (Thương mại dịch vụ) hoặc Chương 10 (Đầu tư).

5. Để chắc chắn hơn, các biện pháp tác động đến việc cung cấp dịch vụ được chuyển qua bằng phương thức điện tử phải phù hợp với các nghĩa vụ quy định liên quan trong:

(a) Chương 8 (Thương mại dịch vụ); và

(b) Chương 10 (Đầu tư), bao gồm cả Phụ lục II (Biểu cam kết cụ thể đối với dịch vụ), Phụ lục III (Biểu các bảo lưu và các biện pháp không tương thích đối với dịch vụ và đầu tư), cũng như bất kỳ một ngoại trừ được áp dụng đối với các nghĩa vụ đó.

Điều 12.4: Hợp tác

1. Các bên sẽ, nếu phù hợp, hợp tác để:

(a) Cùng hành động hướng đến việc trợ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua những trở ngại trong việc sử dụng thương mại điện tử;

(b) Xác định các lĩnh vực để xác định mục tiêu hợp tác giữa các Bên nhằm giúp các Bên triển khai thực hiện hoặc tăng cường thực hiện các khung pháp lý về thương mại điện tử, ví dụ như các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, xây dựng năng lực, và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật;

(c) Chia sẻ thông tin, kinh nghiệp và bài học thực tiễn để xác định những thách thức trong quá trình phát triển và sử dụng thương mại điện tử;

(d) Khuyến khích các lĩnh vực kinh doanh phát triển các cách thức và triển khai thực tế để tăng cường lòng tin của khách hàng nhằm thúc đẩy việc sử dụng thương mại điện tử; và

(e) Tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

2. Các Bên sẽ nỗ lực triển khai các mô hình hợp tác để xây dựng các sáng kiến và tránh trùng lặp với các mô hình hiện tại ở các diễn đàn quốc tế.

 

PHẦN B

THUẬN LỢI HOÁ THƯƠNG MẠI

Điều 12.5: Thương mại phi giấy tờ

1. Mỗi Bên sẽ:

(a) hoạt động để hướng đến việc thực hiện các sáng kiến về việc triển khai thương mại phi giấy tờ, có xem xét tham khảo các phương pháp mà đã được các tổ chức quốc tế thống nhất, bao gồm Tổ chức hải quan thế giới (WCO);4

(b) nỗ lực chấp nhận các thủ tục giấy tờ hành chính thương mại được nộp bằng phương thức điện tử và có giá trị pháp lý tương đương với thủ tục hồ sơ hành chính thương mại bằng giấy; và

(c) nỗ lực đưa các thủ tục hồ sơ hành chính thương mại công khai dưới hình thức điện tử.

2. Các Bên sẽ hợp tác tại những diễn đàn quốc tế để tăng cường sự chấp nhận các phiên bản hồ sơ hành chính thương mại điện tử.

Điều 12.6: Chứng thực điện tử và Chứ ký điện tử

1. Trừ khi có quy định khác trong nội luật, một Bên sẽ không được từ chối giá trị pháp lý của chữ ký chỏ vì chữ ký đó dưới dạng điện tử.5

2. Tham khảo các quy tắc quốc tế đối với chứng thực điện tử, mỗi Bên sẽ:

(a) cho phép các bên tham gia vào giao dịch điện tử được quyết định công nghệ chứng thực điện tử và các hình thức thực hiện đối với các giao dịch điện tử của họ;

(b) không hạn chế việc thừa nhận các công nghệ chứng thực điện tử và các hình thức thực hiện đối với các giao dịch điện tử; và

(c) cho phép các bên tham gia các giao dịch điện tử có cơ hội để chứng minh các giao dịch điện tử của họ phù hợp với quy định nội luật của Bên đó về chứng thực điện tử.

3. Ngoài khoản 2, mỗi Bên có thể yêu cầu, đối với nhóm giao dịch điện tử nhất định, cách thức chứng thực điện tử phải đáp ứng những tiêu chuẩn giao dịch nhất định hoặc được xác thực bởi cơ quan chứng thực theo quy định của nội luật Bên đó.

4. Các Bên sẽ khuyến khích việc sử dụng chứng thực điện tử liên thông.

 

PHẦN C

TẠO MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI CHO THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Điều 12.7: Bảo vệ người tiêu dùng trên mạng

1. Các Bên thừa công nhận tầm quan trọng của việc ban hành và duy trì các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng minh bạch và hiệu quả đối với thương mại điện tử, cũng như các biện pháp khác có lợi cho sự phát triển niềm tin của người tiêu dùng.

2. Mỗi Bên sẽ ban hành hoặc duy trì các quy định pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng để ngăn chặn các hành vi gian lận và lừa đảo thương mại gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại cho người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động thương mại.6

3. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác giữa các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng về các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.

4. Mỗi Bên sẽ đăng công khai các thông tin về bảo vệ người tiêu dùng mà bên đó cung cấp cho người sử dụng thương mại điện tử, bao gồm làm sao để:

(a) người tiêu dùng có thể theo đuổi các biện pháp để khắc phục; và

(b) doanh nghiệp có thể tuân thủ các yêu cầu pháp lý.

Điều 12.8: Bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng

1. Mỗi Bên sẽ ban hành hay duy trì khung pháp lý bảo đảm bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng thương mại điện tử.7,8

2. Trong quá trình phát triển khung pháp lý đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân, mỗi Bên sẽ tham khảo các tiêu chuẩn, nguyên tắc, hướng dẫn, và các tiêu chí của các cơ quan quốc tế hoặc tổ chức quốc tế liên quan.

3. Mỗi bên sẽ đăng tải thông tin về bảo vệ thông tin cá nhân để cung cấp cho người sử dụng thương mại điện tử, bao gồm làm sao đến:

(a) Cá nhân có thể theo đuổi các biện pháp để khắc phục; và

(b) Doanh nghiệp có thể tuân thủ các yêu cầu pháp lý.

4. Các bên sẽ khuyến khích các pháp nhân công khai, bao gồm cả trên mạng Internet, các chính sách và thủ tục riêng của mình liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân.

5. Các bên sẽ hợp tác, trong điều kiện có thể, đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân được lưu chuyển đến từ một Bên.

Điều 12.9: Bản tin điện tử thương mại không mong đợi

1. Mỗi Bên sẽ ban hành hoặc duy trì các biện pháp liên quan đến bản tin điện tử thương mại không mong đợi, theo đó:

(a) yêu cầu các nhà cung cấp các bản tin điện tử thương mại không mong đợi phải tạo thuận lợi cho người nhận có khả năng dừng việc nhận các bản tin đó;

(b) yêu cầu được sự chấp thuận, được quy định trong nội luật của mình, của người nhận các bản tin điện tử thương mại đó; hoặc

(c) quy định khác nhằm giảm thiểu các bản tin điện tử thương mại không mong đợi.

2. Mỗi Bên sẽ cung cấp cơ chế yêu cầu trợ giúp để chống lại các nhà cung cấp các bản tin điện tử thương mại không mong đợi mà không tuân thủ các biện pháp của Bên đó nhằm thực thi khoản 1.9

3. Các Bên sẽ nỗ lực hợp tác trong các sự vụ thích hợp mà hai bên cùng quan tâm liên quan đến việc quản lý bản tin điện tử thương mại không mong đợi.

Điều 12.10: Khung pháp lý trong nước

1. Mỗi Bên sẽ thông qua hoặc duy trì một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các giao dịch điện tử, có tham khảo Luật mẫu của UNCITRAL về thương mại điện tử năm 1996, Công ước của Liên hợp quốc về sử dụng phương tiện liên lạc điện tử trong hợp đồng quốc tế được ký tại New York ngày 23 tháng 11 năm 2005, hoặc các công ước quốc tế và luật mẫu được áp dụng khác liên quan đến thương mại điện tử.10

2. Mỗi Bên sẽ nỗ lực tránh các cơ chế quản lý không cần thiết làm ảnh hưởng đến các giao dịch điện tử.

Điều 12.11: Thuế hải quan

1. Mỗi Bên sẽ duy trì thông lệ hiện tại việc không áp dụng thuế hải quan đối với các loại hình truyền dẫn điện tử giữa các Bên.

2. Thông lệ được nói đến tại khoản 1 chính là việc tuân thủ theo Quyết định cấp bộ trưởng WTO ngày 13 tháng 12 năm 2017 liên quan đến Chương trình làm việc về thương mại điện tử (WT/MIN(17)/65).

3. Mỗi Bên có thể điều chỉnh thông lệ của mình, như nêu tại khoản 1, phù hợp với các Quyết định cấp Bộ trưởng WTO về thuế hải quan đối với các loại hình truyền dẫn điện tử trong khung khổ Chương trình làm việc về Thương mại điện tử.

4. Các Bên sẽ rà soát Điều này theo bất cứ Quyết định cấp Bộ trưởng WTO nào trong Chương trình làm việc về Thương mại điện tử.

5. Để chắc chắn hơn, khoản 1 sẽ không ngăn cản một Bên áp thuế, phí hoặc các khoản cước phí khác đối với các loại hình truyền dẫn điện tử, miễn là các khoản thuế, phí hoặc lệ phí đó được áp dụng phù hợp với Hiệp định này.

Điều 12.12: Minh bạch

1. Mỗi Bên sẽ phải công bố ngay khi có thể, hoặc nơi mà chưa thể thì bằng cách công khai khác, bao gồm trên internet nếu khả thi, tất cả các biện pháp áp dụng chung liên quan đến hoặc ảnh hưởng đến việc thực thi Chương này.

2. Mỗi Bên sẽ trả lời ngay khi có thể các đề nghị liên quan của Bên khác về những thông tin cụ thể về bất cứ biện pháp áp dụng chung nào của mình liên quan đến hoặc ảnh hưởng đến việc thực thi Chương này.

Điều 12.13: An ninh mạng

Các Bên nhận thức được tầm quan trọng của:

(a) việc xây dựng nâng cao năng lực cho các cơ quan có thẩm quyền tương ứng có trách nhiệm trong việc ứng phó khẩn cấp an ninh máy tính thông qua trao đổi các thực tiễn tốt nhất; và

(b) sử dụng các cơ chế phối hợp hiện có để hợp tác về các vấn đề liên quan đến an ninh môi trường mạng.

 

PHẦN D

THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ QUA BIÊN GIỚI

Điều 12.14: Việc đặt trang thiết bị máy tính

1. Các Bên thừa nhận mỗi Bên có thể có những biện pháp tiếng của mình liên quan đến việc sử dụng hoặc đặt các trang thiết bị máy tính, bao gồm các yêu cầu nhằm đảm bảo an ninh và bảo mật thông tin liên lạc.

2. Không Bên nào yêu cầu thực thể được bảo hộ phải sử dụng hoặc đặt trang thiết bị máy tính trên lãnh thổ quốc gia mình như là điều kiện để thực hiện kinh doanh trên lãnh thổ quốc gia của Bên đó.11

3. Điều này không cấm một bên ban hành hoặc duy trì:

(a) bất kỳ biện pháp nào không phù hợp với khoản 2, mà Bên đó cho rằng là cần thiết để thực hiện mục tiêu chính sách công chính đáng,12 miễn là biện pháp đó không được áp dụng theo cách để có thể tạo ra một phương tiện nhằm phân biệt đỗi xử tùy tiện hoặc vô lý hoặc hạn chế thương mại một cách trá hình; hoặc

(b) bất kỳ biện pháp nào mà Bên đó thấy cần thiết để bảo vệ các quyền lợi an ninh thiết yếu của mình. Các biện pháp này sẽ không bị xung đột bới các Bên khác.

Điều 12.15: Lưu chuyển thông tin trên môi trường điện tử qua biên giới

1. Các Bên thừa nhận rằng mỗi Bên có thể có các yêu cần quản lý riêng của mỗi Bên liên quan đến việc lưu chuyển thông tin trên môi trường mạng qua biên giới.

2. Một Bên sẽ không ngăn cản việc lưu chuyển thông tin trên môi trường điện tử qua biên giới khi việc lưu chuyển này nhằm mục đích kinh doanh của thực thể được bảo hộ.13

3. Điều này không cấm một Bên được ban hành hay duy trì:

(a) bất kỳ biện pháp nào không phù hợp với khoản 2, mà Bên đó cho rằng là cần thiết để thực hiện mục tiêu chính sách công chính đáng,14 miễn là biện pháp đó không được áp dụng theo cách để có thể tạo ra một phương tiện nhằm phân biệt đỗi xử tùy tiện hoặc vô lý hoặc hạn chế thương mại một cách trá hình; hoặc

(b) bất kỳ biện pháp nào mà Bên đó thấy cần thiết để bảo vệ các quyền lợi an ninh thiết yếu của mình. Các biện pháp này sẽ không bị xung đột bới các Bên khác.

 

PHẦN E

CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 12.16: Đối thoại về thương mại điện tử

1. Các Bên thừa nhận giá trị của hình thức đối thoại, bao gồm các bên liên quan trong trường hợp phù hợp. Trong quá trình đối thoại, các Bên sẽ xem xét các vấn đề sau đây:

(a) hợp tác theo Điều 12.4 (Hợp tác);

(b) các vấn đề hiện tại và xu thế, ví dụ như vấn đề đối xử với sản phẩm số, mã nguồn, và lưu chuyển dữ liệu qua biên giới và vấn đề đặt trang thiết bị máy tính trong linhx vực tài chính; và

(c) các vấn đề khác liên quan đến việc phát triển và sử dụng thương mại điện tử, ví dụ như thực tiễn phi cạnh tranh, giải quyết tranh chấp trên mạng, và thúc đẩy phát triển kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử, bao gồm cả việc di chuyển chuyên gia tạp thời qua biên giới.

2. Diễn đàn sẽ được thực hiện theo điểm 1(j) Điều 18.3 (Chức năng của Ủy ban hỗn hợp Hiệp định RCEP).

3. Các Bên sẽ đưa các vấn đề nêu tại khoản 1 và bất kỳ khuyến nghị nào được đưa ra từ bất kỳ diễn đàn nào tổ chức theo Điều này ra xem xét chung Hiệp định được thực hiện theo Điều 20.8 (Rà soát chung).

Điều 12.17: Giải quyết tranh chấp

1. Trong trường hợp có bất kỳ khác biệt nào giữa các Bên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Chương này, các Bên liên quan trước tiên phải tham gia tham vấn với tinh thần thiện chí và cố gắng hết sức để đạt được giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên.

2. Trong trường hợp các cuộc tham vấn nêu tại khoản 1 không giải quyết được những khác biệt, bất kỳ Bên nào tham gia tham vấn có thể chuyển vấn đề lên Ủy ban hỗn hợp RCEP theo Điều 18.3 (Chức năng của Ủy ban hỗn hợp RCEP).

3. Không Bên nào được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo Chương 19 (Giải quyết Tranh chấp) đối với bất kỳ vấn đề nào phát sinh theo Chương này. Là một phần của quá trình rà soát chung Hiệp định này theo Điều 20.8 (Rà soát chung), các Bên sẽ xem xét việc áp dụng Chương 19 (Giải quyết Tranh chấp) đối với Chương này. Sau khi hoàn thành việc rà soát, Chương 19 (Giải quyết tranh chấp) sẽ được áp dụng cho Chương này khi các Bên đồng ý áp dụng đối với mình./.

 

 

1 Để chắc chắn hơn, nhà đầu tư trong một tổ chức tài chính hoặc nhà đầu tư trong nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thể vẫn được xem như “thể nhân được bảo hộ” về các hoạt động đầu tư khác mà không phải đầu tư vào tổ chức tài chính hay nhà cung cấp dịch vụ tài chính.

2 Một Bên có thể áp dụng khái niệm này đối với những bản tin điện tử thương mại không mong đợi được cung cấp thông qua một hoặc nhiều phương thức, bao gồm SMS (tin nhắn) hoặc e-mail. Ngoài chú thích này, các Bên nên nỗ lực ban hành hoặc duy trì các biện pháp phù hợp với Điều 12.9 (Bản tin điện tử thương mại không mong đợi) mà áp dụng cho các phương thức gửi bản tin điện tử thương mại không mong đợi.

3 For greater certainty, the Parties affirm that the obligations under this Chapter are without prejudice to any Party’s position in the WTO.

4 Cambodia, Lao PDR, và Myanmar không có nghĩa vụ áp dụng điểm này trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

5 Cambodia, Lao PDR, và Myanmar sẽ không có nghĩa vụ áp dụng khoản này trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực.

6 Cambodia, Lao PDR, và Myanmar sẽ không có nghĩa vụ áp dụng khoản này trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực.

7 Cambodia, Lao PDR, và Myanmar sẽ không có nghĩa vụ áp dụng khoản này trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực.

8 Để chắc chắn hơn, một Bên có thể tuân thủ nghĩa vụ trong khoản này bằng việc thông qua hoặc duy trì các biện pháp như văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân hoặc bảo vệ tính riêng tư toàn diện, hoặc văn bản quy phạm pháp luật trong nhưng lĩnh vực nhất định trong đó có quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, hoặc văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định về việc thực thi các nghĩa vụ của các doanh nghiệp liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân.

9 Cambodia, Lao PDR, và Myanmar sẽ không có trách nhiệm phải áp dụng khoản này trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực. Brunei Darussalam sẽ không có trách nhiệm phải áp dụng khoản này trong vòng 3 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực.

10 Cambodia sẽ không có trách nhiệm phải áp dụng khoản này trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực.

11 Cambodia, Lao PDR, và Myanmar sẽ không có trách nhiệm áp dụng khoản này trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực, với thời gian mở rộng kéo dài không quá 3 năm nếu cần thiết. Việt Nam sẽ không có trách nhiệm phải thực hiện khoản này trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực.

12 Vì mục đích của điểm này, các Bên khẳng định rằng sự cần thiết đằng sau việc thực hiện chính sách công chính đáng sẽ được quyết định bởi Bên thực thi.

13 Cambodia, Lao PDR, và Myanmar sẽ không có nghĩa vụ áp dụng khoản này trong thời gian 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và có thể kéo dài thêm 3 năm nếu thấy cần thiết. Việt Nam sẽ không có nghĩa vụ áp dụng khoản này trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực.

14 Vì mục đích của điểm này, các Bên khẳng định rằng sự cần thiết đằng sau việc thực hiện chính sách công chính đáng sẽ được quyết định bởi Bên thực thi.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,025

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn