CHƯƠNG 5

CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT

Điều 5.1: Định nghĩa

Vì mục tiêu của Chương này:

(a) các định nghĩa được nêu tại Phụ lục A của Hiệp định SPS sẽ được áp dụng;

(b) các định nghĩa có liên quan được đưa ra bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế CODEX, Tổ chức Thú y Thế giới OIE, và Công ước Bảo vệ thực vật Quốc tế IPPC sẽ được xem xét;

(c) các cơ quan có thẩm quyền nghĩa là các cơ quan thuộc Chính phủ của mỗi Bên chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý các biện pháp SPS trong lãnh thổ Bên đó; và

(d) Các biện pháp khẩn cấp là biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật được Bên nhập khẩu áp dụng với Bên xuất khẩu có liên quan nhằm giải quyết một vấn đề khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, động vật hoặc thực vật phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh trong lãnh thổ Bên áp dụng biện pháp đó.

Điều 5.2: Mục tiêu

Mục tiêu của Chương này là:

(a) bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người, động vật hoặc thực vật trong lãnh thổ của mỗi Bên bằng việc xây dựng, thông qua và áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trong khi tạo thuận lợi cho thương mại bằng cách giảm thiểu các tác động tiêu cực đến thương mại giữa các Bên;

(b) tăng cường thực thi Hiệp định SPS trong thực tế;

(c) tăng cường tính minh bạch và hiểu biết trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của mỗi Bên;

(d) tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật giữa các Bên; và

(e) khuyến khích sự tham gia của các Bên trong việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế.

Điều 5.3: Phạm vi

Chương này áp dụng cho tất cả các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của các Bên, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, tác động đến thương mại giữa các Bên.

Điều 5.4: Quy định chung

Các Bên khẳng định các quyền và nghĩa vụ của mình đối với Bên kia theo Hiệp định SPS.

Điều 5.5: Tương đương

1. Các Bên sẽ tăng cường hợp tác về tính tương đương phù hợp với Hiệp định SPS đồng thời xem xét đến các quyết định có liên quan của Ủy ban của WTO về Các biện pháp an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (sau đây được gọi tắt là “Ủy ban SPS của WTO trong Chương này) và các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế.

2. Bên nhập khẩu sẽ công nhận một biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật là tương đương nếu Bên xuất khẩu chứng minh một cách khách quan rằng biện pháp này của Bên xuất khẩu đạt được mức bảo vệ an toàn tương đương với mức bảo vệ mà các biện pháp mà Bên nhập khẩu đang áp dụng đạt được, hoặc biện pháp của Bên xuất khẩu đạt được hiệu quả tương đương với biện pháp của Bên nhập khẩu.

3. Trong quá trình xác định mức độ tương đương của một biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, Bên nhập khẩu phải xem xét đến các kiến thức, thông tin và kinh nghiệm sẵn có cũng như năng lực quản lý của Bên xuất khẩu.

4. Mỗi Bên, khi có yêu cầu, phải tham gia tham vấn với mục đích đạt được thỏa thuận công nhận song phương về tính tương đương của các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật cụ thể. Việc công nhận tính tương đương theo các thỏa thuận công nhận tương đương như vậy có thể áp dụng đối với một biện pháp đơn lẻ, một nhóm các biện pháp hoặc trên cơ sở toàn hệ thống. Vì mục đích này, khi có yêu cầu, Bên xuất khẩu sẽ trao quyền tiếp cận hợp lý cho Bên nhập khẩu để kiểm tra, thử nghiệm và tiến hành các thủ tục có liên quan khác.

5. Trong quá trình tham vấn để công nhận tương đương, khi có yêu cầu của Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu sẽ giải thích và cung cấp:

(a) cơ sở lý luận và mục tiêu của các biện pháp này; và

(b) các rủi ro cụ thể mà các biện pháp này hướng đến giải quyết.

6. Bên xuất khẩu phải cung cấp thông tin cần thiết để Bên nhập khẩu bắt đầu đánh giá tính tương đương. Khi quá trình đánh giá bắt đầu, Bên nhập khẩu phải, khi được yêu cầu, và không được chậm trễ quá mức, giải thích quy trình và kế hoạch cho việc xác định tính tương đương.

7. Việc một Bên xem xét yêu cầu của Bên kia về công nhận tương đương các biện pháp của Bên đó đối với một sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể, không phải là lý do để gián đoạn hoặc đình chỉ hoạt động nhập khẩu đang diễn ra của sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm của Bên yêu cầu.

8. Khi Bên nhập khẩu công nhận sự tương đương của các biện pháp, nhóm biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật cụ thể hoặc sự tương đương trên cơ sở toàn hệ thống, Bên nhập khẩu sẽ thông báo về Quyết định này bằng văn bản cho Bên xuất khẩu và áp dụng biện pháp đó trong khoảng thời gian hợp lý. Cơ sở lý luận sẽ được cung cấp bằng văn bản bởi Bên nhập khẩu trong trường hợp quyết định đó là không tương đương.

9. Các Bên liên quan đến kết quả tích cực của quyết định công nhận tương đương được khuyến khích, nếu cả hai bên cùng đồng ý, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tại Ủy ban về Hàng hóa.

Điều 5.6: Thích ứng với các điều kiện của khu vực, bao gồm các khu vực phi dịch bệnh, phi dịch hại và các khu vực nguy cơ dịch hại, dịch bệnh thấp

1. Các Bên công nhận các khái niệm về điều kiện từng khu vực, bao gồm các khái niệm về khu vực phi dịch bệnh, phi dịch hại và các khu vực có nguy cơ dịch hại, dịch bệnh thấp. Các Bên sẽ xem xét các quyết định liên quan của Ủy ban SPS của WTO và các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế.

2. Các Bên có thể hợp tác trong việc công nhận các điều kiện khu vực với mục tiêu đạt được sự tin tưởng vào các thủ tục mà mỗi Bên tuân theo để đạt được sự công nhận đó.

3. Theo yêu cầu của Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu sẽ, không được chậm trễ quá mức, giải thích quy trình và kế hoạch của mình để xác định các điều kiện khu vực.

4. Khi bên Nhập khẩu nhận được yêu cầu về xác định điều kiện khu vực của Bên xuất khẩu và xác định rằng các thông tin do Bên nhập khẩu cung cấp là đầy đủ, Bên nhập khẩu sẽ bắt đầu quá trình đánh giá trong khoảng thời gian hợp lý.

5. Để phục vụ việc đánh giá này, Bên xuất khẩu sẽ cấp quyền tiếp cận hợp lý, khi được yêu cầu, cho Bên nhập khẩu để tiến hành kiểm tra, thử nghiệm và các thủ tục liên quan khác.

6. Theo yêu cầu của Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu phải thông báo cho Bên xuất khẩu về tình trạng của việc đánh giá.

7. Khi Bên nhập khẩu công nhận các điều kiện khu vực của Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu sẽ thông báo quyết định đó cho Bên xuất khẩu bằng văn bản và áp dụng các biện pháp đó trong một khoảng thời gian hợp lý.

8. Nếu việc đánh giá các bằng chứng đưa ra bởi Bên xuất khẩu không đem lại kết quả công nhận các điều kiện khu vực từ Bên nhập khẩu, thì Bên nhập khẩu phải cung cấp cho Bên xuất khẩu lý do và cơ sở của quyết định này bằng văn bản trong một khoảng thời gian hợp lý.

9. Các Bên tham gia vào việc đánh giá công nhận các điều kiện khu vực được khuyến khích, trên cơ sở đồng thuận của các bên, báo cáo kết quả cho Ủy ban về Hàng hóa.

Điều 5.7: Phân tích rủi ro

1. Các Bên sẽ tăng cường hợp tác về phân tích rủi ro phù hợp với Hiệp định SPS đồng thời cân nhắc các quyết định liên quan của Ủy ban SPS của WTO và các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế.

2. Khi tiến hành phân tích rủi ro, Bên nhập khẩu phải:

(a) đảm bảo rằng quá trình phân tích rủi ro được lập thành văn bản và cung cấp cho bên xuất khẩu có liên quan hoặc các bên còn lại có cơ hội nhận xét, theo cách thức do Bên nhập khẩu xác định;

(b) xem xét các phương án quản lý rủi ro mà không hạn chế thương mại hơn mức yêu cầu1 để đạt được mức độ bảo vệ an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật phù hợp; và

(c) chọn một phương án quản lý rủi ro không hạn chế thương mại hơn mức cần thiết để đạt được mức độ bảo vệ an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật phù hợp, có cân nhắc đến tính khả thi về kinh tế và kỹ thuật.

3. Theo yêu cầu của Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu sẽ thông báo cho Bên xuất khẩu về tiến độ của quá trình phân tích rủi ro theo yêu cầu cụ thể, và bất kỳ sự chậm trễ nào có thể xảy ra trong quá trình này.

4. Ngoại trừ các biện pháp khẩn cấp, không Bên nào được ngừng nhập khẩu hàng hóa của một Bên khác vì lý do Bên nhập khẩu đang tiến hành xem xét một biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, nếu Bên nhập khẩu cho phép nhập khẩu sản phẩm của bên còn lại tại thời điểm bắt đầu quá trình đánh giá.

Điều 5.8: Thanh kiểm tra2

1. Khi tiến hành thanh kiểm tra, mỗi Bên phải xem xét đến các quyết định của Ủy ban SPS của WTO và các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế.

2. Việc thanh kiểm tra phải dựa trên hệ thống và được thực hiện để đánh giá hiệu quả của các biện pháp kiểm soát theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu nhằm đưa ra các bảo đảm cần thiết và đáp ứng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của Bên nhập khẩu.3

3. Trước khi tiến hành thanh kiểm tra, Bên nhập khẩu và Bên xuất khẩu có liên quan cần trao đổi thông tin về mục tiêu và phạm vi của cuộc thanh kiểm tra và các vấn đề có liên quan cụ thể đến việc bắt đầu tiến hành thanh kiểm tra.

4. Bên nhập khẩu sẽ cung cấp cho Bên xuất khẩu cơ hội để nhận xét về kết quả của cuộc thanh kiểm tra và xem xét các nhận xét đó trước khi đưa ra bất cứ quyết định cuối cùng và thực hiện bất kỳ hành động nào. Bên nhập khẩu sẽ cung cấp báo cáo hoặc bản tóm tắt của mình, đưa ra kết luận bằng văn bản cho Bên xuất khẩu trong một khoảng thời gian hợp lý. Bên nhập khẩu sẽ thông báo cho Bên xuất khẩu nếu cần có yêu cầu cung cấp báo cáo hoặc bản tóm tắt đó.

Điều 5.9: Chứng nhận

1. Khi áp dụng các yêu cầu chứng nhận, mỗi Bên cần cân nhắc đến các quyết định có liên quan của Ủy ban SPS của WTO, và các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế.

2. Bên xuất khẩu phải đảm bảo rằng các tài liệu, bao gồm cả giấy chứng nhận, được yêu cầu bởi Bên nhập khẩu và cung cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu, để chứng minh việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Bên nhập khẩu, phải ngôn ngữ Tiếng Anh, trừ phi Bên nhập khẩu và Bên xuất khẩu đồng ý khác.4 Khi Bên nhập khẩu yêu cầu các tài liệu như vậy, Bên nhập khẩu sẽ cố gắng đưa ra các yêu cầu đối với các tài liệu đó bằng tiếng Anh. Khi được yêu cầu, Bên nhập khẩu sẽ cung cấp bản tóm tắt hoặc giải thích về các yêu cầu đó.

3. Các Bên thừa nhận rằng Bên nhập khẩu, khi thích hợp, có thể cho phép việc đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật được cung cấp bằng hình thức khác ngoài giấy chứng nhận và rằng các hệ thống khác nhau có thể có khả năng đáp ứng các mục tiêu an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật giống nhau.

4. Trong trường hợp chứng nhận là cần thiết cho việc trao đổi thương mại một mặt hàng, Bên nhập khẩu sẽ đảm bảo rằng các yêu cầu chứng nhận đó chỉ được áp dụng trong phạm vi cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người, động thực vật.

5. Không ảnh hưởng đến quyền kiểm soát nhập khẩu của mỗi Bên, Bên nhập khẩu phải chấp nhận các chứng nhận do các cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu cấp phù hợp với các yêu cầu và quy định của Bên nhập khẩu.

Điều 5.10: Kiểm tra nhập khẩu

1. Khi áp dụng các biện pháp kiểm tra nhập khẩu, mỗi Bên cần xem xét các quyết định liên quan của Ủy ban SPS của WTO và các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế.

2. Việc kiểm tra nhập khẩu, được tiến hành theo luật, quy định và các yêu cầu an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Bên nhập khẩu, sẽ dựa trên các rủi ro về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật gắn với việc nhập khẩu. Trong trường hợp việc kiểm tra nhập khẩu phát hiện ra sự không tuân thủ, quyết định và hành động cuối cùng của Bên nhập khẩu sẽ phù hợp với rủi ro an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật có liên quan đến việc nhập khẩu sản phẩm không tuân thủ đó.

3. Nếu bên Nhập khẩu cấm hoặc hạn chế nhập khẩu một mặt hàng của Bên xuất khẩu dựa trên cơ sở không tuân thủ của hàng hóa đó bị phát hiện trong quá trình kiểm tra nhập khẩu, Bên nhập khẩu sẽ thông báo cho nhà xuất khẩu hoặc đại diện của họ và, nếu Bên nhập khẩu thấy cần thiết, cho Bên xuất khẩu biết về trường hợp không tuân thủ này.

4. Khi Bên nhập khẩu xác định xảy ra sự không tuân thủ ở mức độ nghiêm trọng đáng kể hoặc có sự tái diễn không tuân thủ việc đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật liên quan đến lô hàng xuất khẩu, các Bên liên quan sẽ, theo yêu cầu của một Bên, thảo luận về trường hợp không tuân thủ đó nhằm đảm bảo rằng các biện pháp xử lý thích hợp được thực hiện để giảm thiểu sự không tuân thủ đó.

Điều 5.11: Các biện pháp khẩn cấp

1. Khi một Bên áp dụng một biện pháp khẩn cấp cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, động thực vật và có thể ảnh hưởng đến thương mại, Bên đó phải ngay lập tức thông báo đến các Bên xuất khẩu có liên quan bằng văn bản thông qua đầu mối liên hệ hoặc các Điểm liên lạc được chỉ định tại Điều khoản 5.15 (Đầu mối liên hệ và Các cơ quan có thẩm quyền) hoặc các kênh liên lạc đã được thiết lập sẵn của các Bên.

2. Các Bên xuất khẩu có liên quan có thể yêu cầu thảo luận với Bên áp dụng biện pháp khẩn cấp nêu tại Khoản 1. Các cuộc thảo luận như vậy sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt. Mỗi Bên tham gia vào các cuộc thảo luận sẽ cố gắng cung cấp thông tin liên quan và phải xem xét thích đáng mọi thông in được cung cấp thông qua các cuộc thảo luận.

3. Nếu một Bên áp dụng một biện pháp khẩn cấp, thì Bên đó sẽ xem xét lại biện pháp đó sau một khoảng thời gian hợp lý hoặc theo yêu cầu của Bên xuất khẩu. Bên nhập khẩu có thể, nếu cần thiết, yêu cầu các thông tin liên quan và Bên xuất khẩu sẽ cố gắng cung cấp các thông tin liên quan hỗ trợ cho Bên nhập khẩu trong việc xem xét biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng. Bên nhập khẩu sẽ cung cấp kết quả của việc xem xét cho Bên xuất khẩu theo yêu cầu. Nếu biện pháp khẩn cấp đó được duy trì sau khi đã xem xét, Bên nhập khẩu phải xem xét lại biện pháp đó định kỳ dựa trên thông tin sẵn có mới nhất và theo yêu cầu, sẽ giải thích lý do của việc tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp đó.

Điều 5.12: Minh bạch

1. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch như được nêu trong Phụ lục B của Hiệp định SPS

2. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin về việc xây dựng, thông qua và áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật có thể có ảnh hưởng đáng kể đến thương mại giữa các Bên.

3. Khi thực hiện Điều khoản này, các Bên sẽ tính đến các quyết định có liên quan của Ủy ban SPS của WTO và các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế.

4. Mỗi Bên phải thông báo các biện pháp được đề xuất hoặc các thay đổi đối với các biện pháp an toàn thực phẩm hoặc kiểm dịch động thực vật có thể có ảnh hưởng đáng kể đến thương mại của các Bên khác thông qua Hệ thống đăng thông báo các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật trực tuyến của WTO, các đầu mối liên hệ được chỉ định theo Điều 5.15 (Đầu mối liên hệ và Cơ quan có thẩm quyền ), hoặc các kênh liên lạc đã được thiết lập của các Bên.

5. Trừ khi các vấn đề khẩn cấp về bảo vệ sức khỏe nảy sinh hoặc có nguy cơ phát sinh, hoặc biện pháp có tính chất tạo thuận lợi thương mại, một Bên thông thường sẽ cho phép một khoảng thời gian ít nhất là 60 ngày để các Bên khác đưa ra ý kiến bằng văn bản sau khi đưa ra thông báo theo khoản 4. Bên này sẽ xem xét các yêu cầu hợp lý từ Bên khác để kéo dài thời gian tiếp nhận góp ý.

6. Là một phần của thời hạn tiếp nhận góp ý nêu tại khoản 5, theo yêu cầu của một Bên khác và nếu phù hợp và khả thi, Bên thông báo sẽ xem xét bất kỳ mối quan tâm nào về khoa học hoặc thương mại và sự sẵn có của các giải pháp thay thế mà Bên kia có thể nêu ra liên quan đến biện pháp được đề xuất.

7. Theo yêu cầu, trong vòng 30 ngày kể từ ngày yêu cầu, một Bên phải cung cấp cho Bên yêu cầu các tài liệu hoặc bản tóm tắt các tài liệu mô tả các yêu cầu của dự thảo các biện pháp kiểm dịch động hoặc thực vật được thông báo cho WTO theo khoản 4, bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

8. Sau khi thông báo các biện pháp vệ sinh hoặc kiểm dịch động thực vật cho WTO, theo yêu cầu, một Bên sẽ cung cấp cho Bên yêu cầu các tài liệu hoặc bản tóm tắt các tài liệu mô tả các yêu cầu của các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật đã được thông qua, trong một khoảng thời gian hợp lý theo thỏa thuận của các Bên liên quan, bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

9. Một Bên, theo yêu cầu hợp lý của Bên khác, sẽ cung cấp thông tin liên quan và làm rõ về bất kỳ biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật nào cho Bên yêu cầu, trong một khoảng thời gian hợp lý, bao gồm:

(a) các yêu cầu vệ sinh hoặc kiểm dịch động thực vật áp dụng cho việc nhập khẩu các sản phẩm cụ thể;

(b) tình trạng hồ sơ của Bên yêu cầu; và

(c) thủ tục cho phép nhập khẩu các sản phẩm cụ thể.

10. Bên xuất khẩu phải cung cấp thông tin kịp thời và thích hợp cho các Bên có liên quan thông qua các đầu mối liên lạc được chỉ định theo Điều 5.15 (Đầu mối liên hệ và Cơ quan có thẩm quyền) hoặc các kênh liên lạc đã được thiết lập của các Bên, khi có sự thay đổi đáng kể về tình trạng sức khỏe động thực vật hoặc các vấn đề an toàn thực phẩm ở Bên xuất khẩu đó có thể ảnh hưởng đến thương mại.

11. Bên nhập khẩu phải cung cấp thông tin kịp thời và thích hợp cho các Bên liên quan thông qua các đầu mối liên lạc được chỉ định theo Điều 5.15 (Đầu mối liên hệ và Cơ quan có thẩm quyền) hoặc các kênh liên lạc đã được thiết lập của các Bên, nếu có:

(a) việc không tuân thủ an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật ở mức độ đáng kể hoặc tái diễn liên quan đến các lô hàng xuất khẩu được xác định bởi Bên nhập khẩu; hoặc

(b) một biện pháp an toàn thực phẩm hoặc kiểm dịch động thực vật được áp dụng tạm thời chống lại hoặc ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của một Bên khác được coi là cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người, động vật hoặc thực vật trong lãnh thổ Bên nhập khẩu.

12. Bên xuất khẩu, trong chừng mực có thể và nhanh nhất có thể, phải cung cấp thông tin cho Bên nhập khẩu nếu Bên xuất khẩu xác định rằng một lô hàng xuất khẩu có thể liên quan đến một rủi ro mất an toàn thực phẩm hoặc kiểm dịch động thực vật đáng kể đã được xuất khẩu.

Điều 5.13: Hợp tác và Tăng cường năng lực

1. Các Bên sẽ tìm hiểu các cơ hội hợp tác hơn nữa giữa các Bên, bao gồm tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác và trao đổi thông tin, về các vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật mà hai bên cùng quan tâm, phù hợp với Chương này, tùy thuộc vào sự sẵn có của các nguồn lực thích hợp.

2. Bất kỳ hai hoặc nhiều Bên nào cũng có thể hợp tác về bất kỳ vấn đề nào, bao gồm cả các đề xuất trong lĩnh vực cụ thể, có cùng mối quan tâm theo Chương này.

3. Khi tiến hành các hoạt động hợp tác, các Bên sẽ nỗ lực phối hợp với các chương trình làm việc song phương, khu vực hoặc đa phương, với mục tiêu tránh trùng lặp không cần thiết và tận dụng tối đa các nguồn lực.

4. Các Bên được khuyến khích chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các hoạt động hợp tác của mình với các Bên khác tại Ủy ban về Hàng hóa.

Điều 5.14: Tham vấn kỹ thuật

1. Khi một Bên cho rằng một biện pháp an toàn thực phẩm hoặc kiểm dịch động thực vật đang ảnh hưởng đến thương mại của mình với một Bên khác, thì Bên đó có thể thông qua các đầu mối liên hệ được chỉ định theo Điều 5.15 (Đầu mối liên hệ và Cơ quan có thẩm quyền) hoặc các kênh liên lạc đã được thiết lập, yêu cầu giải thích chi tiết về biện pháp an toàn thực phẩm hoặc biện pháp kiểm dịch động thực vật. Bên kia sẽ nhanh chóng trả lời mọi yêu cầu giải thích như vậy

2. Một Bên có thể yêu cầu tổ chức tham vấn kỹ thuật với một Bên khác nhằm giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào về các vấn đề cụ thể phát sinh từ việc áp dụng biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Bên được yêu cầu sẽ nhanh chóng trả lời bất kỳ yêu cầu hợp lý nào về việc tham vấn đó. Các Bên tham vấn sẽ nỗ lực hết sức để đạt được một giải pháp thỏa đáng đồng thuận.

3. Khi một Bên yêu cầu tham vấn kỹ thuật, việc tham vấn này sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ khi có thỏa thuận khác. Việc tham vấn như vậy phải nhằm mục đích giải quyết vấn đề trong vòng 180 ngày kể từ ngày yêu cầu hoặc theo khung thời gian do các Bên tham vấn đồng thuận.

4. Việc tham vấn kỹ thuật có thể được thực hiện thông qua hội nghị trực tuyến, hội nghị cầu truyền hình hoặc thông qua bất kỳ hình thức nào khác do các Bên tham vấn đồng thuận.

Điều 5.15: Đầu mối liên hệ và Cơ quan có thẩm quyền

1. Mỗi Bên, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với Bên đó:

(a) chỉ định một hoặc nhiều đầu mối liên lạc để tạo điều kiện liên lạc về các vấn đề được đề cập trong Chương này;

(b) thông báo cho các Bên khác về chi tiết liên hệ của đầu mối liên hệ hoặc các đầu mối liên hệ đó; và

(c) khi có nhiều hơn một đầu mối liên hệ được chỉ định, hãy chỉ định một đầu mối đóng vai trò đầu mối chính để trả lời các câu hỏi từ một Bên khác về đầu mối liên hệ thích hợp để liên lạc.

2. Mỗi Bên sẽ cung cấp cho các Bên còn lại, thông qua các đầu mối liên lạc, bản mô tả về các cơ quan có thẩm quyền của mình và sự phân chia chức năng nhiệm vụ của các cơ quan này.

3. Mỗi Bên sẽ thông báo cho các Bên còn lại về bất kỳ thay đổi nào đối với các đầu mối liên hệ và những thay đổi đáng kể trong cơ cấu, tổ chức và sự phân chia chức năng nhiệm vụ trong các cơ quan có thẩm quyền của mình. Mỗi Bên phải cập nhật thông tin này.

4. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực thi Chương này. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền của các Bên có thể hợp tác với nhau về các vấn đề được đề cập trong Chương này theo cách thức đã được thỏa thuận. Các Bên được khuyến khích chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về hoạt động hợp tác của các cơ quan có thẩm quyền của mình với Ủy ban Hàng hóa theo sự đồng thuận của các Bên.

Điều 5.16: Thực thi

Các Bên có thể, trên cơ sở đồng thuận, xây dựng các thỏa thuận song phương hoặc đa phương để đặt ra các hiểu biết và chi tiết được xác định bởi cả hai bên để áp dụng Chương này. Các Bên đã thông qua các thỏa thuận như vậy theo Chương này được khuyến khích, nếu các Bên cùng đồng ý, báo cáo các thỏa thuận đó cho Ủy ban về Hàng hóa.

Điều 5.17: Giải quyết tranh chấp

1. Chương 19 (Giải quyết tranh chấp) sẽ không áp dụng cho Chương này khi Hiệp định này có hiệu lực.

2. Việc không áp dụng Chương 19 (Giải quyết Tranh chấp) sẽ được xem xét lại sau hai năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực. Trong quá trình xem xét, các Bên sẽ xem xét thích đáng việc áp dụng Chương 19 (Giải quyết Tranh chấp) cho toàn bộ hoặc từng phần của Chương này. Việc xem xét lại như vậy sẽ được hoàn thành trong vòng ba năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực. Sau đó, các Bên nào đã sẵn sàng thì sẽ tiến hành áp dụng Chương 19 (Giải quyết Tranh chấp) cho Chương này giữa các Bên với nhau. Bên nào chưa sẵn sàng sẽ tham vấn các Bên khác và có thể áp dụng Chương 19 (Giải quyết Tranh chấp) cho Chương này khi Bên đó trở thành một bên của bất kỳ hiệp định thương mại tự do hoặc hiệp định kinh tế nào trong tương lai mà Bên đó có nghĩa vụ tương tự.

 

 

1 Nhằm phục vụ mục đích tại Đoạn (b) và (c), một phương án quản lý rủi ro không hạn chế thương mại hơn mức yêu cầu trừ khi có sẵn một phương án hợp lý khác, có tính đến tính khả thi về kinh tế và kỹ thuật, đạt được mức độ bảo vệ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật phù hợp, và ít hạn chế hơn đáng kể về thương mại.

2 Để rõ ràng hơn, mà không ảnh hưởng đến việc thực thi Điều khoản này, không có điều gì trong Điều khoản này ngăn cản một Bên áp dụng hoặc duy trì các yêu cầu halal đối với thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm theo luật Hồi giáo.

3 Để rõ ràng hơn, không điều gì trong điều khoản này ngăn cản Bên nhập khẩu tiến hành kiểm tra một cơ sở nhằm mục đích xác định xem cơ sở đó có đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Bên nhập khẩu hoặc đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật mà Bên nhập khẩu xác định là tương đương với các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Bên đó.

4 Để rõ ràng hơn, điều khoản này không ngăn cản các Bên cung cấp thêm các thông tin cho việc chứng nhận bằng các ngôn ngữ khác bên cạnh ngôn ngữ Tiếng Anh.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,837

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]