HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC

LỜI MỞ ĐẦU

Các Bên tham gia Hiệp định này,

NHẮC LẠI Tuyên bố chung về Khởi đồng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được thông qua bởi Người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ các nước Thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi tắt trong Hiệp định này là “ASEAN”) và Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Niu - Di - Lân tại Phờ-nôm-pênh, Cam-pu-chia ngày 20 tháng 11 năm 2012, cùng với Hướng dẫn các Nguyên tắc và Mục tiêu Đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực;

MONG MUỐN hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế công bằng, và tăng cường hợp tác kinh tế, sẽ xây dựng dựa trên mối liên kết kinh tế hiện có giữa các Bên thông qua Hiệp định này;

KỲ VỌNG tăng cường quan hệ đối tác kinh tế nhằm tạo ra các cơ hội việc làm mới, nâng cao mức sống, và cải thiện phúc lợi chung cho người dân các Bên;

TÌM KIẾM việc thiết lập các quy tắc rõ ràng và cùng có lợi nhằm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, bao gồm việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu;

XÂY DỰNG dựa trên các quyền và nghĩa vụ tương ứng của các Bên theo Hiệp ước Ma-ra-két về Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới, làm tại Ma-ra-két ngày 15 tháng 4 năm 1994, và các hiệp định thương mại tự do giữa Các quốc gia thành viên ASEAN và với các đối tác thương mại tự do của ASEAN, bao gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Niu-Di-Lân;

XEM XÉT đến trình độ phát triển khác nhau giữa các Bên, sự cần thiết có các hình thức linh hoạt phù hợp, bao gồm điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt, đặc biệt đối với Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, và Việt Nam khi cần thiết, và linh hoạt bổ sung cho các Bên là các Quốc gia kém phát triển;

CÂN NHẮC nhu cầu tạo thuận lợi cho sự tham gia nhiều hơn của Các Bên là các Quốc gia kém phát triển trong Hiệp định này để có thể thực hiện hiệu quả hơn các nghĩa vụ của mình và tận dụng các lợi ích từ Hiệp định này, bao gồm việc mở rộng các cơ hội thương mại và đầu tư cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu;

THỪA NHẬN rằng quản trị tốt và môi trường kinh doanh dễ dự đoán, minh bạch và nhất quán sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển thương mại và đầu tư;

TÁI KHẲNG ĐỊNH quyền của mỗi Bên nhằm theo đuổi các mục tiêu phúc lợi cộng đồng hợp pháp;

THỪA NHẬN rằng ba trụ cột phát triển bền vững phụ thuộc và tăng cường lẫn nhau, và rằng quan hệ đối tác kinh tế có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững; và

THỪA NHẬN THÊM hiệu quả tích cực mà các hiệp định và thỏa thuận thương mại khu vực có thể có trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực và toàn cầu, và vai trò của các thỏa thuận này trong việc tăng cường hệ thống thương mại đa phương mở, tự do và trên cơ sở luật lệ,

ĐÃ THỐNG NHẤT NHƯ SAU:

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,862

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]