BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3508/QĐ-BVHTTDL
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 10
năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN BẢO TỒN KHẨN CẤP VÀ HỖ TRỢ, TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC
BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC, BÀI TRỪ HỦ TỤC Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC
THIỂU SỐ (THUỘC ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT
NAM ĐẾN NĂM 2020” THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1270/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 7 NĂM 2011 CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ)
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP
ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg
ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm
2020’’;
Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
2763/QĐ-BVHTTDL ngày 26 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch về việc phê duyệt đề cương và giao nhiệm vụ xây dựng Dự án “Bảo tồn khẩn
cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài
trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” thuộc Đề án “Bảo tồn, phát triển
văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Văn
hóa dân tộc,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án “Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ,
tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng
đồng bào dân tộc thiểu số” thuộc Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc
thiểu số Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7
năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ với những nội dung sau:
1. Tên Dự án:
“Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa
các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
2. Cơ quan chủ quản Dự án: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Các cơ quan phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc,
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc
phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu
số rất ít người, các địa phương có thủy điện.
4. Thời gian thực hiện Dự án: Từ năm 2013 đến năm 2020, chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ năm 2013 đến năm
2015.
- Giai đoạn 2: Từ năm 2016 đến năm
2020.
5. Đối tượng, địa bàn thực hiện Dự
án:
- Đối tượng: Các dân tộc thiểu số rất
ít người (gồm các dân tộc: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu
Péo (dưới 1.000 người), Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao,
Ngái (dưới 5.000 người), Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha và La Hủ (dưới 10.000 người);
các dân tộc thiểu số vùng di dân tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện.
- Địa bàn: Các địa phương có dân tộc
thiểu số rất ít người, các địa phương có thủy điện.
6. Mục tiêu của Dự án:
a) Mục tiêu tổng quát:
- Bảo tồn và phát huy các giá trị văn
hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số rất ít người; đưa các dân tộc
thiểu số rất ít người ra khỏi tình trạng mai một, mất bản
sắc văn hóa.
- Hỗ trợ các dân tộc vùng di dân tái
định cư xây dựng các công trình thủy điện bảo tồn, phát
huy văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa tại
nơi định cư mới.
- Xây dựng, củng cố phát triển hệ thống
thiết chế văn hóa phù hợp; đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tại các
thôn, bản vùng đồng bào các dân tộc rất ít người, các dân tộc vùng di dân tái định
cư xây dựng các công trình thủy điện góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.
- Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy
mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn
lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa vùng các dân tộc
thiểu số có nguy cơ cao mai một bản sắc văn hóa.
b) Mục tiêu cụ
thể:
Giai đoạn 1 (2013-2015)
- Đối với đối tượng hưởng lợi là các
dân tộc rất ít người:
+ Kiểm kê, đánh giá thực trạng về di
sản văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa của các dân tộc rất ít người.
+ Hỗ trợ bảo tồn và phát triển không
gian văn hóa, bảo tồn 30 làng truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số rất
ít người, trong đó tập trung ưu tiên cho các dân tộc có số dân dưới 1.000 người.
+ Hỗ trợ bảo tồn, phát triển một số
nghề truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, trong đó tập
trung ưu tiên cho các dân tộc có số dân dưới 1.000 người.
+ Hỗ trợ bảo tồn, phát triển các di sản
văn hóa, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số rất ít người,
trong đó tập trung ưu tiên cho các dân tộc có số dân dưới 1.000 người. Tập
trung nguồn lực hỗ trợ bảo tồn trang phục truyền thống; tiếng nói, chữ viết của
các dân tộc rất ít người. Tạo điều kiện để các dân tộc bảo tồn, phát huy trang
phục truyền thống, tiếng nói, chữ viết thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ
dân gian, các hình thức giao lưu văn hóa trên địa bàn và cấp khu vực, toàn quốc.
+ Hỗ trợ tăng cường năng lực của các
chủ thể văn hóa, đề cao các nghệ nhân, người có uy tín
trong cộng đồng để họ nhận thức, tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo
tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập
huấn, trao truyền văn hóa dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia.
+ Hỗ trợ xây dựng các Câu lạc bộ văn
hóa văn nghệ dân gian, nhà sinh hoạt cộng đồng các dân tộc rất ít người.
- Đối với đối tượng hưởng lợi là vùng
đồng bào các dân tộc di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện:
+ Kiểm kê, đánh giá thực trạng về văn
hóa truyền thống, đời sống văn hóa các dân tộc di dân tái định cư xây dựng các
công trình thủy điện.
+ Hỗ trợ bảo tồn, phát triển các di sản
văn hóa, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu vùng đồng bào các dân tộc phải di
dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện.
+ Hỗ trợ tăng cường năng lực của các
chủ thể văn hóa, đề cao các nghệ nhân, người có uy tín trong
cộng đồng để họ nhận thức, tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn
và phát huy văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn,
trao truyền văn hóa dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia.
+ Hỗ trợ xây dựng các Câu lạc bộ văn
hóa văn nghệ dân gian các dân tộc, trong đó tập trung hỗ trợ: Truyền dạy và
phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng,
nghệ nhân; phát triển đội ngũ nghệ nhân tại cơ sở (cấp huyện, xã, thôn/bản) sưu
tầm, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu trong cộng đồng.
Giai đoạn 2
(2016 - 2020):
- Đối với đối tượng hưởng lợi là các
dân tộc rất ít người:
+ Cơ bản hoàn thành việc bảo tồn khẩn
cấp và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc rất ít
người.
+ Tiếp tục hỗ trợ bảo tồn không gian
văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người tại 20 thôn, bản của 16 dân tộc
rất ít người.
+ Tiếp tục hỗ trợ bảo tồn, phát triển
một số nghề truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người.
+ Tiếp tục hỗ trợ bảo tồn, phát triển
các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số rất
ít người, trong đó tập trung nguồn lực hỗ trợ bảo tồn
trang phục truyền thống; tiếng nói, chữ viết của các dân tộc rất ít người. Tạo
điều kiện để các dân tộc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống, tiếng nói,
chữ viết thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, các hình thức giao
lưu văn hóa trên địa bàn và cấp khu vực, toàn quốc.
+ Tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực
của các chủ thể văn hóa, đề cao các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng
để họ nhận thức, tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn và phát
huy văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, trao
truyền văn hóa dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia.
+ Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các Câu lạc
bộ văn hóa văn nghệ dân gian, nhà sinh hoạt cộng đồng các dân tộc rất ít người.
- Đối với đối tượng hưởng lợi là vùng
đồng bào các dân tộc di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện:
+ Tiếp tục hỗ trợ bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu các dân tộc,
tập trung đầu tư bảo tồn các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống
có nguy cơ mai một cao: Các loại hình ca múa nhạc, các loại nhạc cụ truyền thống,
lễ hội truyền thống tiêu biểu; tiếng nói, chữ viết; trang phục truyền thống; bảo
tồn, phát huy kiến thức dân gian truyền thống, tri thức bản địa các dân tộc, tổ
chức phục dựng không gian diễn xướng văn hóa tiêu biểu của các số dân tộc tại
nơi định cư mới.
+ Tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực
của các chủ thể văn hóa, đề cao các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng
để họ nhận thức, tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn và phát
huy văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, trao
truyền văn hóa dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia.
+ Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các Câu lạc
bộ văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc; hoàn thành mục tiêu mỗi thôn, bản có
01 đội văn nghệ truyền thống để chủ thể văn hóa tự xây dựng, tổ chức hoạt động
văn hóa cộng đồng tại các thiết chế văn hóa cơ sở; hướng dẫn phục dựng bảo tồn
các lễ hội dân gian tiêu biểu trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số; Hỗ trợ kỹ năng sử dụng tri thức bản địa trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, định
hình, bảo tồn để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại
nơi định cư mới.
7. Nhiệm vụ trọng tâm của Dự án:
- Kiểm kê, đánh giá thực trạng về di
sản văn hóa, đời sống văn hóa của các dân tộc rất ít người,
các dân tộc di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện: Trên cơ sở thực
tế về nguồn lực, khảo sát điều tra tại một số địa bàn trọng
điểm: tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai,
Kon Tum để đánh giá thực trạng về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
rất ít người; đánh giá những tác động tích cực; những ảnh hưởng tiêu cực của việc
di dân xây dựng các công trình thủy điện trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng; đề
xuất xây dựng một số cơ chế chính sách để khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa
dân tộc của đồng bào các dân tộc khu vực tái định cư; hỗ trợ thiết lập các dịch
vụ, ngành nghề nhằm tạo điều kiện cho bà con ở những vùng có thủy điện có công
ăn việc làm để tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Kiến nghị các giải pháp đối
với các cấp chính quyền địa phương, các nhà đầu tư trong
quá trình khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng các công trình thủy điện.
- Bảo tồn không gian văn hóa truyền thống
của các dân tộc thiểu số rất ít người: Lựa chọn trong số 194 làng, bản các dân
tộc rất ít người sống tập trung để đầu tư, bảo tồn làng, bản truyền thống, gồm:
bảo tồn cảnh quan môi trường thiên nhiên, các giá trị văn hóa vật thể (kiến
trúc, nhà ở, trang phục, ẩm thực,...), văn hóa phi vật thể (phong tục, tập
quán, lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, tiếng nói, chữ viết, văn học dân
gian,...) gắn với không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc rất
ít người.
- Xây dựng, bảo tồn một số nghề truyền
thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người.
- Bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống
tiêu biểu các dân tộc thiểu số rất ít người và các dân tộc vùng di dân tái định
cư xây dựng các công trình thủy điện, bao gồm các loại
hình: Ca, múa, nhạc và mỹ thuật truyền thống các dân tộc; lễ hội truyền thống
tiêu biểu và trò chơi dân gian của các dân tộc; tiếng nói, chữ viết; trang phục
truyền thống; bảo tồn, phát huy kiến thức dân gian truyền thống; phong tục, tập
quán, văn hóa ẩm thực, tri thức bản địa các dân tộc thiểu số, các loại nhạc cụ
dân tộc, nghệ thuật kiến trúc, hội họa, phục dựng không
gian diễn xướng văn hóa tiêu biểu của các dân tộc.
- Tăng cường năng lực của các chủ thể
văn hóa, đề cao các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng để họ nhận thức,
tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn và phát huy văn hóa của
dân tộc mình thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn dưới sự hướng dẫn của
các chuyên gia.
- Xây dựng các Câu lạc bộ văn hóa văn
nghệ dân gian các dân tộc rất ít người, các dân tộc vùng di dân tái định cư xây
dựng các công trình thủy điện, trong đó tập trung hỗ trợ: Truyền dạy và phát
huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng, nghệ
nhân; phát triển đội ngũ nghệ nhân tại cơ sở (cấp huyện, xã, thôn/bản) sưu tầm,
phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu trong cộng đồng; xây dựng mỗi
thôn, bản 01 đội văn nghệ truyền thống để chủ thể văn hóa tự xây dựng, tổ chức
hoạt động văn hóa cộng đồng tại các thiết chế văn hóa cơ sở; hướng dẫn phục dựng
bảo tồn các lễ hội dân gian tiêu biểu trong đời sống cộng
đồng các dân tộc thiểu số; Hỗ trợ kỹ năng sử dụng tri thức bản địa trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường để đảm bảo cho quá trình phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
8. Giải pháp thực hiện Dự án:
a) Về lãnh đạo, chỉ đạo:
- Thống nhất và nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của các cấp, các ngành về văn hóa và thực hiện nhiệm vụ phát triển
văn hóa. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói
chung, đăc biệt là văn hóa các dân tộc có số dân rất ít người vào Nghị quyết của
các cấp ủy Đảng, kế hoạch nhà nước ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền,
giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các
ngành, đoàn thể và người dân về văn hóa và nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa
các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc rất ít người.
b) Về cơ chế chính sách:
- Xây dựng chính sách văn hóa trong
đó có nội dung ưu tiên bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc rất ít người;
tôn vinh, đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến văn hóa phi vật thể; chế độ thù lao, ưu tiên tuyển dụng
và đãi ngộ để thu hút cán bộ văn hóa về công tác tại vùng đồng bào dân tộc rất
ít người.
- Tăng cường sự phối hợp của các cơ
quan, ban, ngành trong việc xây dựng và thực thi cơ chế,
chính sách, trong đó có chính sách về văn hóa; tránh việc
chồng chéo hoặc bỏ sót, thiếu kiểm tra, giám sát trong thực hiện các chính sách
đầu tư, hỗ trợ của nhà nước đối với các dân tộc rất ít người.
- Kêu gọi các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp; tư nhân đầu tư, hỗ trợ
cho mục tiêu bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc rất ít người. Huy động sức
dân trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Khuyến khích mọi người dân, mọi tổ chức tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, như: Kinh doanh dịch
vụ văn hóa, vui chơi giải trí để người dân các dân tộc rất ít người, các dân tộc
vùng di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện
chủ động tham gia các hoạt động văn hóa, góp phần phát triển bền vững trên địa
bàn.
c) Về phát triển nguồn nhân lực:
- Xây dựng chính sách ưu tiên việc đào
tạo đội ngũ cán bộ văn hóa cho các dân tộc rất ít người, bảo đảm chế độ ưu đãi
để họ có thể trở về công tác ở địa phương.
- Thực hiện chính sách miễn, giảm học
phí cho học sinh là người dân tộc rất ít người theo học các bộ môn nghệ thuật
truyền thống dân tộc tại Trường văn hóa, nghệ thuật và du lịch các cấp.
- Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cấp xã, chủ nhiệm nhà văn hóa, chủ nhiệm
các câu lạc bộ văn hóa, đội trưởng các đội văn nghệ quần
chúng trên địa bàn xã, thôn/bản các dân tộc có số dân rất ít người để từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác
văn hóa trên địa bàn.
9. Về nguồn vốn thực hiện Dự án:
- Do các dân tộc rất ít người còn khó
khăn về mọi mặt, cần nguồn hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà
nước để thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa
các dân tộc rất ít người từ nay đến năm 2020.
+ Ngân sách Trung ương: Phân bổ cho các
nhiệm vụ theo kế hoạch hàng năm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây
dựng, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
+ Ngân sách địa phương đối ứng vốn
Trung ương hỗ trợ theo quy định. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách của địa phương
thực hiện các nhiệm vụ của Dự án.
- Lồng ghép các chương trình, Đề
án, Dự án để tăng hiệu quả đầu tư cho các thôn/bản: Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Chương trình mục
tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011-2015, Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26
tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển
kinh tế-xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ
Lao”; các dự án nghiên cứu bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.
- Lồng ghép nguồn kinh phí chi thường
xuyên của các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện các nhiệm vụ mang tính thường
xuyên của Dự án.
- Tiếp tục hợp tác và giao lưu quốc tế
về văn hóa, tranh thủ các nguồn vốn của nước ngoài cho bảo tồn, phát huy và
phát triển văn hóa, trong đó đặc biệt ưu tiên cho đối tượng hưởng lợi là các
dân tộc rất ít người, các dân tộc vùng di dân tái định cư xây dựng các công
trình thủy điện.
Điều 2. Giao Vụ Văn hóa dân tộc, Vụ Kế hoạch, Tài chính
chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ và Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch các tỉnh, thành có liên quan triển khai thực hiện Dự án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc,
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban Dân tộc,
Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động
- Thương binh và Xã hội (để phối hợp);
- UBND, Sở VHTTDL các tỉnh có đồng
bào dân tộc thiểu số rất ít người, các tỉnh có thủy điện (để thực hiện);
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, Vụ VHDT, Nh. 70.
|
BỘ TRƯỞNG
Hoàng Tuấn Anh
|