BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 221/2013/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC TRÍCH LẬP, QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG ĐỐI
VỚI KIỂM SOÁT VIÊN VÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN VỐN NHÀ NƯỚC THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ
51/2013/NĐ-CP NGÀY 14/05/2013 CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ
quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc,
Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Căn cứ Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg ngày 7/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành
Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ
100% vốn điều lệ;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Tài chính doanh nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc trích lập, quản lý quỹ tiền lương,
thù lao, tiền thưởng đối với Kiểm soát viên và người đại diện vốn Nhà nước theo
quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ,
MỤC 1: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc trích lập,
quản lý quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Kiểm soát viên tại công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; người đại diện vốn
Nhà nước tại doanh nghiệp khác có vốn góp của chủ sở hữu; không áp dụng cho các
chức danh làm việc theo chế độ hợp đồng kinh tế (hợp đồng lao động, hợp đồng ủy
quyền).
Đối với Kiểm soát viên trong công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu có đặc thù riêng
(Trung tâm lưu ký chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán) thì thực hiện theo quy
định tại văn bản pháp luật đặc thù.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Kiểm soát viên trong công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
2. Người đại diện theo ủy quyền được
các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cử làm đại diện vốn nhà
nước tại các doanh nghiệp khác.
3. Cơ quan, tổ chức được phân công,
phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Một số từ ngữ trong Thông tư này được
hiểu như sau:
1. Chủ sở hữu bao gồm các Bộ, UBND
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành
viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (sau đây gọi là công ty TNHH MTV) bao gồm: Công
ty mẹ - Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ - Tổng công ty, Công
ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con, Công ty độc lập do nhà nước nắm
giữ 100% vốn điều lệ.
3. Doanh nghiệp khác là các công ty cổ
phần, công ty liên doanh, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn góp của chủ
sở hữu.
4. Kiểm soát viên công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (sau đây gọi là Kiểm soát
viên) là cá nhân do chủ sở hữu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại để giúp chủ sở hữu kiểm
soát việc tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, việc quản lý điều
hành công việc kinh doanh của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Tổng
Giám đốc (Giám đốc) tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, việc chấp
hành các quy định của chủ sở hữu, của pháp luật tại các đơn vị trực thuộc.
5. Người đại diện theo ủy quyền: là
công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước (Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh được Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh
nghiệp) được chủ sở hữu phần vốn nhà nước ủy quyền bằng
văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn nhà
nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (sau đây gọi là Người đại diện).
6. Người đại diện theo hợp đồng: là
cá nhân được chủ sở hữu phần vốn nhà nước ký hợp đồng để thực hiện quyền, trách
nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác
(sau đây gọi là Người đại diện theo hợp đồng).
Mục 2: TRÍCH LẬP, QUẢN LÝ QUỸ TIỀN
LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI KIỂM SOÁT VIÊN VÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN VỐN NHÀ NƯỚC
Điều 4. Thành lập
quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại diện vốn
nhà nước
Chủ sở hữu (Bộ quản lý ngành, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và Bộ Tài chính (đối với Kiểm
soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế nhà nước) thành lập và phê duyệt
quyết toán quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại
diện vốn nhà nước. Quỹ này do các đơn vị có chức năng quản lý tài chính kế toán
thuộc các Bộ quản lý ngành, Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, Sở
Tài chính thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản
lý và mở tài khoản riêng tại kho bạc nhà nước để tiếp nhận tiền lương, thù lao,
tiền thưởng của kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà
nước.
Điều 5. Trích lập
quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại diện vốn
nhà nước tại doanh nghiệp
1. Quý I hàng năm, căn cứ chế độ quy
định, doanh nghiệp xác định số tiền lương, thù lao theo kế hoạch phải trả cho
Kiểm soát viên; đối với người đại diện vốn nhà nước thì căn cứ vào nghị quyết đại
hội cổ đông của doanh nghiệp, để làm cơ sở trích vào chi phí sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp, trường hợp nghị quyết đại hội cổ đông của doanh nghiệp
có sau quý I thì doanh nghiệp tạm xác định số tiền lương, thù lao phải trả cho
người đại diện vốn nhà nước để trích vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp bằng mức kế hoạch của năm trước liền kề, sau khi có nghị quyết đại hội cổ
đông thì doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh số tiền lương, thù lao theo kế hoạch
phải trả cho người đại diện vốn nhà nước theo nghị quyết đại hội cổ đông.
2. Trước ngày 15 tháng đầu của từng
quý, doanh nghiệp thực hiện chuyển số tiền lương, thù lao theo quý về quỹ tiền
lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà nước
do Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
quản lý.
3. Cuối năm khi có quyết toán quỹ tiền
lương, thù lao của kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà nước, doanh nghiệp
thực hiện trích bổ sung vào chi phí để có nguồn bổ sung chuyển về quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại diện vốn
nhà nước đối với trường hợp số quyết toán cao hơn số tạm trích. Trường hợp số tạm
trích cao hơn số quyết toán thì doanh nghiệp thực hiện hạch toán giảm chi phí sản
xuất kinh doanh trong năm khoản chênh lệch giữa số tạm trích đầu năm và số quyết
toán, đồng thời doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo để chủ sở hữu hoặc Bộ Tài
chính (đối với Kiểm soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế nhà nước) biết
và chuyển trả lại khoản chênh lệch.
4. Tiền thưởng của Kiểm soát viên và
người đại diện: Công ty TNHH MTV, doanh nghiệp khác quyết định chi thưởng cho
kiểm soát viên, người đại diện cùng thời điểm với quyết định chi thưởng cho
viên chức quản lý, cán bộ công nhân viên của công ty và thực hiện chuyển tiền
thưởng phải trả cho Kiểm soát viên, người đại diện về quỹ tiền lương, thù lao,
tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà nước tại Bộ quản lý
ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Bộ Tài
chính (đối với Kiểm soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế nhà nước).
Điều 6. Quản lý quỹ tiền lương,
thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà nước
1. Quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng
của Kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà nước được theo dõi tại tài khoản
riêng ở kho bạc nhà nước do đơn vị có chức năng quản lý tài chính kế toán thuộc
các Bộ quản lý ngành, Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài
chính thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm chủ
tài khoản (có tên chủ tài khoản, số tài khoản tại kho bạc
nhà nước, mã số đơn vị quan hệ với ngân sách). Người đứng
tên chủ tài khoản là thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền theo quy định,
đồng thời cử cán bộ phụ trách kế toán để theo dõi tài khoản quỹ.
2. Các đơn vị làm chủ tài khoản quỹ
tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà
nước có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng; mở sổ sách kế toán để
theo dõi các phát sinh liên quan đến tài khoản của quỹ, định kỳ hàng quý có đối
chiếu số phát sinh, số dư với kho bạc nhà nước.
3. Cuối kỳ kế toán,
các đơn vị có chức năng quản lý tài chính kế toán thuộc các Bộ quản lý ngành, Cục
Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính thuộc Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có trách nhiệm lập báo cáo quyết
toán quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại diện
vốn nhà nước theo quy định, báo cáo chủ sở hữu hoặc Bộ Tài chính (đối với Kiểm
soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế nhà nước) xem xét, phê duyệt.
Điều 7. Chi trả
tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà
nước
1. Căn cứ kết quả đánh giá hoàn thành
nhiệm vụ Kiểm soát viên và người đại diện của Chủ sở hữu hoặc Bộ Tài chính (đối
với Kiểm soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế nhà nước); căn cứ vào
tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao, kết quả, hiệu quả làm việc của Kiểm
soát viên và người đại diện, chủ sở hữu hoặc Bộ Tài chính (đối với Kiểm soát
viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế nhà nước) quyết định mức chi trả tiền
lương, thù lao cho Kiểm soát viên, người đại diện. Hàng tháng, Kiểm soát viên
và người đại diện được chi trả 80% của số tiền lương, thù lao theo kế hoạch năm
chia 12 tháng; số còn lại (theo số quyết toán lương của doanh nghiệp) được chi
trả vào cuối năm trên cơ sở mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao do chủ sở hữu
hoặc Bộ Tài chính (đối với Kiểm soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế
nhà nước) đánh giá, cụ thể như sau:
a) Kiểm soát viên và người đại diện
được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên sẽ được chi trả phần tiền
lương, thù lao còn lại.
b) Kiểm soát viên, người đại diện bị
đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không được chi trả phần tiền lương, thù
lao còn lại.
2. Thù lao Kiểm soát viên không
chuyên trách, người đại diện vốn không chuyên trách được tính theo công việc và
thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của Kiểm soát viên
chuyên trách, người đại diện vốn chuyên trách. Trường hợp người được cử tham
gia Kiểm soát viên không chuyên trách, người đại diện vốn không chuyên trách tại
nhiều công ty TNHH MTV, doanh nghiệp khác thì mức chi tối đa không được vượt
quá 50% mức tiền lương thực tế đang hưởng tại cơ quan, đơn
vị cử Kiểm soát viên, người đại diện.
Trường hợp 50% mức tiền lương thực tế
của Kiểm soát viên, người đại diện đang hưởng tại cơ quan, đơn vị cử Kiểm soát
viên, người đại diện thấp hơn 20% tiền lương của Kiểm soát viên chuyên trách,
người đại diện vốn chuyên trách thì cơ quan, đơn vị cử Kiểm
soát viên, người đại diện quyết định mức chi thù lao cho Kiểm soát viên không
chuyên trách, người đại diện vốn không chuyên trách theo mức khống chế không vượt
quá 20% tiền lương của Kiểm soát viên chuyên trách tại công ty TNHH MTV, người
đại diện vốn chuyên trách ở doanh nghiệp khác.
Trường hợp công ty không có Kiểm soát
viên chuyên trách thì thù lao của Kiểm soát viên không chuyên trách được tính
tương ứng không quá 20% tiền lương của Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc. Trường
hợp công ty không có người đại diện chuyên trách thì thù
lao của người đại diện không chuyên trách được tính tương ứng không quá 20% mức
lương của người giữ chức vụ tương đương với người đại diện tại doanh nghiệp đó.
3. Hàng năm, căn cứ mức độ hoàn thành
nhiệm vụ được giao, chủ sở hữu quyết định chi thưởng cho Kiểm soát viên, người
đại diện tối đa không quá 90% mức tiền thưởng mà Kiểm soát viên, người đại diện
được hưởng. Phần còn lại, sẽ được chi trả sau khi kết thúc
nhiệm kỳ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của cả nhiệm kỳ của Kiểm
soát viên, người đại diện.
Trường hợp chưa kết thúc nhiệm kỳ
nhưng Kiểm soát viên, người đại diện không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ do được
điều động làm công tác khác hoặc nghỉ hưu, nghỉ chế độ thì chủ sở hữu xem xét,
quyết định mức chi trả cụ thể đối với phần tiền thưởng còn lại (10%) của khoảng
thời gian tham gia làm Kiểm soát viên, người đại diện.
4. Cuối năm, Chủ sở hữu hoặc Bộ Tài
chính (đối với Kiểm soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế nhà nước) quyết
định kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Kiểm soát viên, người đại
diện để làm căn cứ chi trả (phần còn lại) tiền lương, thù lao, tiền thưởng của
Kiểm soát viên, người đại diện. Số dư quỹ tiền lương, thù
lao, tiền thưởng của kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà nước còn dư được
chuyển năm sau để sử dụng tiếp.
5. Cuối quý 1 của năm sau, Chủ sở hữu
hoặc Bộ Tài chính (đối với Kiểm soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế
nhà nước) công khai kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Kiểm soát
viên, người đại diện; quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Kiểm soát viên
và người đại diện vốn nhà nước; mức tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập
bình quân hàng tháng, năm (năm trước liền kề) của Kiểm soát viên, người đại diện
trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ sở hữu hoặc Bộ Tài chính (đối với
Kiểm soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế nhà nước) và gửi về Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội để tổng hợp theo dõi.
Mục 3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2014. Các quy định tại Thông tư này được áp dụng từ
ngày 01 tháng 01 năm 2014.
a) Các quy định trước đây của các cơ
quan về chi trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho Kiểm
soát viên và người đại diện vốn nhà nước trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.
b) Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm
chủ sở hữu có cử Kiểm soát viên, người đại diện vốn doanh nghiệp tại các công
ty thành viên thì căn cứ vào quy định tại Thông tư này để xây dựng quy chế quy
định việc trích nộp, quản lý, chi trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho Kiểm
soát viên và người đại diện do công ty cử.
c) Đối với các trường hợp Chủ sở hữu
đã cử cán bộ công chức làm Kiểm soát viên ở Công ty TNHH MTV; ủy quyền cho cán
bộ công chức làm người đại diện chuyên trách ở doanh nghiệp khác trước ngày
Thông tư này có hiệu lực thi hành thì Chủ sở hữu soát xét lại đối tượng được cử:
- Nếu là cán bộ công chức của cơ quan
Chủ sở hữu thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
- Nếu không còn
là cán bộ công chức của cơ quan Chủ sở hữu thì thực hiện ký hợp đồng với Kiểm
soát viên, người đại diện từ ngày 01/01/2014.
2. Đối với các Bộ, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng
của Kiểm soát viên, người đại diện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành
thì thực hiện trích lập và chi trả theo quy định của các Bộ, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương. Số dư của quỹ đến
31/12/2013 được chuyển tiếp sang năm sau và thực hiện theo quy định tại Thông
tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có
khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem
xét, xử lý./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; các Phó TTCP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí Thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Kiểm toán nhà nước;
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;
- Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCDN (500).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu
|