CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2016/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 01 năm 2016
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỀ TĂNG CƯỜNG VI CHẤT DINH DƯỠNG VÀO THỰC PHẨM
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật An
toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tăng cường
vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về vi chất dinh dưỡng bắt buộc
tăng cường vào thực phẩm, thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng và
trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tăng cường vi chất
dinh dưỡng vào thực phẩm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá
nhân (sau đây gọi chung là cơ sở) sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh
dưỡng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng dùng trong nước và các cơ quan,
tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Nghị định này không áp dụng đối với cơ sở xuất
khẩu thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và cá nhân làm nghề sản xuất muối
thủ công.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Vi chất dinh dưỡng là các vitamin, chất khoáng
hoặc chất vi lượng khác cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự
sống cho cơ thể con người.
2. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là
việc chủ động đưa thêm một hay nhiều vi chất dinh dưỡng vào một số thực phẩm với
hàm lượng nhất định mà cơ thể cần để phòng ngừa, khắc phục tình trạng thiếu hụt
vi chất dinh dưỡng của người dân trong cộng đồng.
Điều 4. Mục đích tăng cường vi
chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Việc bắt buộc tăng cường một số vi chất dinh dưỡng
vào thực phẩm được quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này
nhằm:
1. Tăng cường I-ốt vào muối quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định này để phòng, chống bệnh bướu cổ,
đần độn và các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra.
2. Tăng cường sắt vào bột mỳ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định này để phòng, chống thiếu máu
thiếu sắt và khắc phục các hậu quả do thiếu máu thiếu sắt gây ra như chậm tăng
trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ.
3. Tăng cường kẽm vào bột mỳ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định này để cải thiện tăng trưởng
góp phần nâng cao tầm vóc con người; phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa,
biệt hóa tế bào, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương, suy giảm chức
năng sinh dục.
4. Tăng cường vitamin A vào dầu thực vật quy định tại
Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định này để phòng, chống khô mắt,
mù lòa và khắc phục các hậu quả như còi cọc, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A
gây ra và góp phần tăng cường sức đề kháng cơ thể.
Chương II
VI CHẤT DINH DƯỠNG VÀ THỰC
PHẨM BẮT BUỘC TĂNG CƯỜNG VI CHẤT DINH DƯỠNG
Điều 5. Vi chất dinh dưỡng bắt
buộc tăng cường vào thực phẩm
1. Vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực
phẩm bao gồm I-ốt, sắt, kẽm và vitamin A.
2. Vi chất dinh dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều này
phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phải phù hợp với quy định
của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Điều 6. Thực phẩm bắt buộc tăng
cường vi chất dinh dưỡng
1. Các thực phẩm sau đây bắt buộc tăng cường vi chất
dinh dưỡng tương ứng:
a) Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến
thực phẩm phải được tăng cường I-ốt;
b) Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được
tăng cường sắt và kẽm;
c) Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu
đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực
vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.
2. Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng quy định
tại Khoản 1 Điều này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phải
phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Chương III
TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC BẮT
BUỘC TĂNG CƯỜNG VI CHẤT DINH DƯỠNG VÀO THỰC PHẨM
Điều 7. Trách nhiệm của các Bộ
1. Trách nhiệm của Bộ Y tế
a) Quản lý an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất,
kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh dưỡng;
b) Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
vi chất dinh dưỡng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; tổ chức việc cấp
giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định
an toàn thực phẩm đối với vi chất dinh dưỡng sản xuất trong nước và nhập khẩu,
thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng nhập khẩu; xác nhận nội dung quảng cáo
đối với vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng nhập khẩu;
cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh vi chất dinh dưỡng;
c) Chủ trì tổ chức việc thực hiện các quy định của
pháp luật đối với tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm;
d) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định
của pháp luật đối với sản xuất, kinh doanh vi chất dinh dưỡng; thanh tra, kiểm
tra đột xuất đối với quá trình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm tăng
cường vi chất dinh dưỡng thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác trong các trường
hợp quy định tại Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP
ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
đ) Tổ chức, cung cấp thông tin khoa học, chính xác
về vai trò, tác dụng của thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; thông tin,
giáo dục, truyền thông chính sách, pháp luật về thực phẩm tăng cường vi chất
dinh dưỡng; tác hại của thiếu vi chất dinh dưỡng đối với sức khỏe của người dân
trong cộng đồng.
2. Trách nhiệm của Bộ Công Thương
a) Quản lý an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất,
kinh doanh, nhập khẩu bột mỳ, dầu thực vật tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc
phạm vi quản lý;
b) Tổ chức xác nhận nội dung quảng cáo đối với bột
mỳ, dầu thực vật tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc phạm vi quản lý; cấp giấy
chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh
doanh bột mỳ, dầu thực vật tăng cường vi chất dinh dưỡng;
c) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của
pháp luật đối với sản xuất, kinh doanh bột mỳ, dầu thực vật tăng cường vi chất
dinh dưỡng.
3. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Quản lý an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất,
kinh doanh, nhập khẩu muối tăng cường vi chất dinh dưỡng;
b) Tổ chức xác nhận nội dung quảng cáo đối với muối
tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc phạm vi quản lý; cấp giấy chứng nhận cơ sở
đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh muối tăng cường
vi chất dinh dưỡng;
c) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của
pháp luật đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu muối tăng cường vi chất dinh
dưỡng.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương thực hiện quản lý an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực
phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng trên phạm vi địa phương và theo sự phân cấp.
2. Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức tiếp nhận bản công bố hợp
quy hoặc xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm
tăng cường vi chất dinh dưỡng được sản xuất trên địa bàn.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công
Thương chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương trong việc tổ chức việc xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm đối với thực
phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều
kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tăng cường
vi chất dinh dưỡng được sản xuất trên địa bàn theo phân cấp của Bộ quản lý
chuyên ngành.
4. Thanh tra, kiểm tra thực phẩm và cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng trên địa bàn theo phân cấp của
Bộ quản lý chuyên ngành.
5. Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về tác
dụng của thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và tác hại của thiếu vi chất
dinh dưỡng đối với người dân tại địa phương.
Điều 9. Trách nhiệm của cơ sở sản
xuất, kinh doanh vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng
1. Tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất
dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thực hiện theo đúng quy định
của Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm vi
chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng không đạt quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật về an
toàn thực phẩm.
3. Cơ sở sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh
dưỡng phải tự mua vi chất dinh dưỡng để sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất
dinh dưỡng của cơ sở mình.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 3 năm 2016.
2. Lộ trình bắt buộc áp dụng đối với việc tăng cường
vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm như sau:
a) Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng quy định
tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định này bắt buộc áp dụng sau
01 (một) năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực;
b) Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng quy định
tại các Điểm b và c Khoản 1 Điều 6 Nghị định này bắt buộc áp
dụng sau 02 (hai) năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
3. Nghị định số 163/2005/NĐ-CP
ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng muối I-ốt cho
người ăn hết hiệu lực theo lộ trình quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.
4. Bãi bỏ quy định về quản lý an toàn thực phẩm đối
với thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng quy định tại Điểm e Khoản
2 Điều 20 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn
thực phẩm theo lộ trình quy định tại Khoản 2 Điều này.
5. Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng quy định
tại Điều 6 Nghị định này đã sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu
trước ngày thực hiện lộ trình quy định tại Khoản 2 Điều này được tiếp tục lưu
thông theo hạn sử dụng ghi trên bao bì của sản phẩm đó.
Điều 11. Trách nhiệm
thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, tổ
chức việc thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan,
tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|