Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 85/2020/TT-BCA quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân

Số hiệu: 85/2020/TT-BCA Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Công An Người ký: Tô Lâm
Ngày ban hành: 03/08/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/2020/TT-BCA

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ, GIẢI QUYẾT TỐ CÁO VÀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tố cáo ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Công an,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư­ này quy định việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trừ các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự; giải quyết tố cáo cán bộ, chiến sĩ vi phạm các quy định của Bộ Công an; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tư­ợng áp dụng

1. Cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

2. Người tố cáo, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bị tố cáo; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự là tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo chức năng của Bộ Công an.

3. Tố cáo cán bộ, chiến sĩ Công an vi phạm các quy định của Bộ Công an là tố cáo cán bộ, chiến sĩ Công an vi phạm về phẩm chất đạo đức, quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn cán bộ, chiến sĩ Công an và các quy định khác của Bộ Công an.

Điều 4. Áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo

1. Tố cáo của người nước ngoài và việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, người nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an nhân dân được áp dụng theo quy định của Luật Tố cáo; Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo (gọi tắt là Nghị định số 31/2019/NĐ-CP); Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (gọi tắt là Nghị định số 22/2019/NĐ-CP) và Thông tư này.

2. Trường hợp pháp luật khác có quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo khác với quy định của Thông tư này thì áp dụng theo quy định của pháp luật đó.

Chương II

TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN TỐ CÁO

Điều 5. Tiếp nhận thông tin tố cáo

Cá nhân, cơ quan, đơn vị Công an các cấp khi tiếp nhận thông tin tố cáo phải vào sổ và nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu (nếu có) để quản lý, theo dõi; đóng dấu “Đến” và ghi rõ ngày, tháng, năm nhận tố cáo. Cán bộ xử lý hoặc người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo quản, không để hư hỏng, thất lạc, không làm thay đổi hình thức và nội dung đơn tố cáo, văn bản hoặc các tài liệu khác ghi thông tin tố cáo và giữ bí mật thông tin người tố cáo.

Điều 6. Xử lý ban đầu thông tin tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Công an nhân dân

1. Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an phải tổ chức kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo để quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo; trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo thì thụ lý tố cáo, trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý và phải thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết việc thụ lý hoặc không thụ lý; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn có thể dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc;

b) Đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, nhưng thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, đơn vị tiếp nhận tố cáo phải chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP để xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo bằng văn bản cho người tố cáo và cơ quan Thanh tra Công an cùng cấp với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo biết;

c) Trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân, trong đó có cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân hoặc đã được hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi đơn tố cáo đến thì lưu đơn, không xử lý;

d) Trường hợp người tố cáo không trực tiếp tố cáo mà ủy quyền cho người khác tố cáo hoặc có căn cứ xác định người tố cáo không đủ năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện theo quy định của pháp luật thì lưu đơn, không xử lý;

đ) Trường hợp tố cáo đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, được kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản nhưng người tố cáo tiếp tục tố cáo mà không cung cấp thông tin, tình tiết mới thì không xem xét, xử lý và lưu đơn;

e) Trường hợp người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng quy định của pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; cơ quan, đơn vị Công an cấp dưới có dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo thì chuyển đơn hoặc hướng dẫn người tố cáo đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo để xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 37, khoản 1, 5 Điều 38 Luật Tố cáo.

2. Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó có trách nhiệm xem xét, giải quyết;

b) Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình thì chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết;

c) Cán bộ, chiến sĩ Công an không giữ chức vụ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi đang thi hành nhiệm vụ, công vụ nếu tiếp nhận thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thuộc phạm vi nhiệm vụ của mình thì phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình biết và tiến hành ngay việc xác minh nội dung tố cáo, áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật.

3. Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an trong tố tụng hình sự:

a) Tố cáo Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra mà hành vi bị tố cáo không liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp của người bị tố cáo. Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết theo quy định tại Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự;

b) Tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên và Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra thì chuyển ngay đến Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Tố cáo hành vi tố tụng hình sự của cán bộ, chiến sĩ Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ việc liên quan để xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự.

4. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ thuộc Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam cấp nào thì chuyển đến Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xem xét, giải quyết.

5. Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an trong thi hành án hình sự:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự của Phó Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc Cơ quan thi hành án hình sự cấp nào thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp đó xem xét, giải quyết;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp nào thì chuyển đến Thủ trưởng Công an cấp đó xem xét, giải quyết. Nếu người bị tố cáo là Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thì chuyển đến Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, giải quyết.

6. Tố cáo cán bộ, chiến sĩ Công an vi phạm các quy định khác của Bộ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì chuyển đến Thủ trưởng Công an cấp đó hoặc Thủ trưởng Công an cấp có thẩm quyền theo quy định của Bộ Công an xem xét, giải quyết theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 8 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP và quy định của Thông tư này. Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo thực hiện theo Điều 8 của Thông tư này, trừ những nội dung tố cáo thuộc lĩnh vực Bộ Công an có quy định khác.

7. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 7. Xử lý thông tin tố cáo không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan, đơn vị Công an nhận được thông tin tố cáo, nếu không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển đến cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết như sau:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức ngoài Công an nhân dân nhưng không có dấu hiệu tội phạm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, không thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an thì chuyển đến người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó xem xét, giải quyết theo quy định tại Điều 12 Luật Tố cáo hoặc chuyển đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Tố cáo và thông báo cho người tố cáo biết;

b) Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

2. Trường hợp nhận được thông tin tố cáo không thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân mà tố cáo đó được gửi đồng thời đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; tố cáo trùng nội dung đã được hướng dẫn chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết thì lưu đơn, không xử lý.

Chương III

TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ

Điều 8. Thẩm quyền giải quyết tố cáo

Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP. Trường hợp người bị tố cáo là cán bộ Công an xã, thị trấn không thuộc biên chế lực lượng Công an nhân dân thì thực hiện theo quy định tại Điều 12 Luật Tố cáo.

Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an thụ lý, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cp dưới có nội dung tố cáo phức tạp, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Công an.

Điều 9. Hình thức tố cáo

1. Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền theo quy định tại Điều 22 và khoản 1, 2 Điều 23 Luật Tố cáo.

2. Trường hợp phản ánh hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ Công an qua phương tiện thông tin đại chúng, đường dây điện thoại nóng hoặc qua cổng thông tin điện tử thì xử lý theo quy định của Chính phủ và Bộ Công an về công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều 10. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo

1. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP và các quy định khác của Bộ Công an.

2. Trường hợp người tố cáo rút tố cáo thì xử lý theo quy định tại Điều 33 Luật Tố cáoĐiều 4 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP. Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo mà phần nội dung tố cáo đó không thuộc quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân ra thông báo bằng văn bản việc không giải quyết tố cáo đối với nội dung đó và tiếp tục giải quyết các nội dung tố cáo còn lại theo quy định của Luật Tố cáo. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo, nếu nội dung tố cáo không thuộc quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân ra thông báo bằng văn bản chấp nhận việc rút tố cáo của người đó và tiếp tục giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo.

3. Việc xác minh, kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Quyết định xử lý tố cáo chỉ ban hành khi người bị tố cáo có vi phạm, cần phải áp dụng hình thức kỷ luật hoặc các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Người giải quyết tố cáo phải thông báo kết quả giải quyết tố cáo bằng văn bản cho người tố cáo, người bị tố cáo và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm. Kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (nếu có) phải được công khai theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP.

4. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo, người thân của người tố cáo; xử lý nghiêm minh cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Chương IV

TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC AN NINH, TRẬT TỰ

Điều 11. Thẩm quyền giải quyết tố cáo

Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Tố cáoĐiều 10 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP.

Điều 12. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo

Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự thực hiện theo quy định tại Điều 42 Luật Tố cáoĐiều 11, Điều 12 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP.

Chương V

XỬ LÝ, GIẢI QUYẾT TỐ CÁO LIÊN QUAN ĐẾN THẨM QUYỀN CỦA NHIỀU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VÀ TỐ CÁO CÓ NHIỀU NỘI DUNG KHÁC NHAU

Điều 13. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị Công an

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ có liên quan đến thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị Công an thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP.

Điều 14. Giải quyết tố cáo có nội dung khiếu nại

Trường hợp tố cáo có nội dung khiếu nại thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền phải phân loại riêng nội dung tố cáo, nội dung khiếu nại để giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại. Trường hợp nội dung khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì chuyển đến Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Tố cáo có nhiều nội dung, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau

Tố cáo có nhiều nội dung, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau thì phân loại riêng nội dung tố cáo theo từng lĩnh vực để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về tố cáo ở lĩnh vực đó.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ, GIẢI QUYẾT VÀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Điều 16. Trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các cấp

Thủ trưởng Công an các cấp có trách nhiệm chỉ đạo công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết và quản lý công tác giải quyết tố cáo thuộc phạm vi quản lý của mình.

Điều 17. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra và cơ quan chức năng khác

1. Thanh tra Công an các cấp có trách nhiệm giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp:

a) Tiếp nhận, phân loại, xử lý; kiểm tra, xác minh, báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cùng cấp khi được giao theo đúng quy định của pháp luật về tố cáo và quy định của Thông tư này;

b) Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, nắm tình hình việc chấp hành pháp luật liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết và quản lý công tác giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cấp dưới;

c) Xem xét, kết luận việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo khác mà Thủ trưởng Công an cấp dưới trực tiếp đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trừ tố cáo về tiêu chuẩn cán bộ;

d) Thực hiện công tác thanh tra đột xuất đối với đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý của Thủ trưởng Công an cùng cấp theo yêu cầu của việc giải quyết tố cáo khi được giao.

2. Cục Tổ chức cán bộ Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận, phân loại, xử lý thông tin tố cáo từ các nguồn chuyển đến; kiểm tra, xác minh, báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo về tiêu chuẩn cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Công an;

b) Phối hợp với Thanh tra Bộ Công an hoặc cơ quan chức năng cùng cấp xác minh, báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo vừa có nội dung liên quan đến tiêu chuẩn cán bộ, chiến sĩ Công an vừa có nội dung liên quan đến công tác chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Công an;

c) Đôn đốc việc xác minh, kết luận việc giải quyết tố cáo liên quan đến tiêu chuẩn cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cấp dưới.

3. Cơ quan Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh, đơn vị có chức năng làm công tác tổ chức cán bộ của đơn vị thuộc cơ quan bộ có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận, phân loại, xử lý thông tin tố cáo từ các nguồn chuyển đến; kiểm tra, xác minh, báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo về tiêu chuẩn cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cùng cấp; thông báo kết quả xử lý tố cáo cho Cơ quan Thanh tra cùng cấp để theo dõi, quản lý;

b) Phối hợp với Cơ quan Thanh tra hoặc cơ quan chức năng cùng cấp xác minh, báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo vừa có nội dung liên quan đến tiêu chuẩn cán bộ, chiến sĩ Công an vừa có nội dung liên quan đến công tác chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan bộ.

4. Văn phòng Bộ Công an, Phòng Tham mưu Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận và chuyển cho Cơ quan Thanh tra cùng cấp xử lý tố cáo từ các nguồn chuyển đến;

b) Tiếp nhận và chuyển đến Thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết các tố cáo được phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, đường dây điện thoại nóng (nếu có). Cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết phải thông báo kết quả giải quyết tố cáo trên cho cơ quan đã phản ánh, Cơ quan Thanh tra và Cơ quan Tổ chức cán bộ cùng cấp để thống nhất quản lý và phục vụ công tác quản lý cán bộ.

5. Cơ quan điều tra, Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự các cấp trong Công an nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết tố cáo thuộc lĩnh vực của mình và báo cáo Thủ trưởng cùng cấp kết quả giải quyết tố cáo; đồng thời thông báo cho Cơ quan Thanh tra cùng cấp để giúp Thủ trưởng theo dõi kết quả giải quyết.

Điều 18. Quản lý công tác giải quyết tố cáo

1. Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của mình theo quy định tại Điều 59 của Luật Tố cáo.

2. Thủ trưởng Công an các cấp chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Công an cấp trên trực tiếp về việc quản lý công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của mình.

3. Thanh tra Bộ Công an giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân; theo dõi kết quả giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; theo dõi kết quả giải quyết tố cáo thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

4. Thanh tra Công an các cấp giúp Thủ trưởng cùng cấp thống nhất quản lý về công tác giải quyết tố cáo đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, địa phương mình; theo dõi kết quả giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự, kết quả giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cùng cấp; khi có yêu cầu và theo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm có trách nhiệm giúp Thủ trưởng cùng cấp báo cáo kết quả giải quyết tố cáo lên Thủ trưởng cấp trên trực tiếp (qua Cơ quan Thanh tra cùng cấp với Thủ trưởng cấp trên trực tiếp).

5. Cục Tổ chức cán bộ Bộ Công an và Cơ quan Tổ chức cán bộ Công an các đơn vị, địa phương giúp Thủ trưởng cùng cấp thống nhất quản lý về công tác giải quyết tố cáo liên quan đến tiêu chuẩn cán bộ thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cùng cấp. Hàng tháng, quý, 6 tháng, năm, Cục Tổ chức cán bộ Bộ Công an có trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết tố cáo lên Bộ trưởng và thông báo cho Thanh tra Bộ Công an biết, theo dõi; Cơ quan Tổ chức cán bộ Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm giúp Thủ trưởng cùng cấp báo cáo kết quả giải quyết tố cáo lên Thủ trưởng cấp trên trực tiếp (qua Cơ quan Thanh tra cùng cấp với Thủ trưởng cấp trên trực tiếp).

6. Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, Cơ quan Thi hành án hình sự các cấp trong Công an nhân dân giúp Thủ trưởng cùng cấp thống nhất quản lý về công tác giải quyết tố cáo thuộc lĩnh vực của mình. Hàng tháng, quý, 6 tháng, năm, Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an có trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết tố cáo lên Bộ trưởng và thông báo cho Thanh tra Bộ Công an biết, theo dõi; Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm giúp Thủ trưởng cùng cấp báo cáo kết quả giải quyết tố cáo lên Thủ trưởng cấp trên trực tiếp (qua Cơ quan Thanh tra cùng cấp với Thủ trưởng cấp trên trực tiếp).

Điều 19. Báo cáo công tác giải quyết tố cáo

1. Báo cáo về tố cáo và giải quyết tố cáo phải được tập hợp vào nội dung báo cáo tình hình kết quả công tác thanh tra Công an nhân dân theo tháng, quý, 6 tháng, năm gửi Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền. Chế độ báo cáo, thời hạn gửi báo cáo thực hiện theo quy định về chế độ báo cáo trong Công an nhân dân.

2. Báo cáo vụ việc phải gửi kịp thời theo yêu cầu của Thủ trưởng Công an cấp có thẩm quyền và quy định về chế độ báo cáo trong Công an nhân dân.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 9 năm 2020.

2. Thông tư số 10/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Tố cáo đã được thụ lý, đang xác minh và chưa có kết luận trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục giải quyết theo quy định của Thông tư 10/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

1. Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này. Thanh tra Công an các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này trong phạm vi đơn vị, địa phương mình.

2. Các Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp cục thuộc Cơ quan Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Thanh tra Bộ Công an) để có hướng dẫn kịp thời./.

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Tô Lâm

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 85/2020/TT-BCA ngày 03/08/2020 quy định về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


14.292

DMCA.com Protection Status
IP: 52.15.185.147
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!