Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 431/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Hoàng Ngọc Đường
Ngày ban hành: 22/03/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 431/2011/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 22 tháng 03 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG KHU BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH NAM XUÂN LẠC, HUYỆN CHỢ ĐỒN, TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004; Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 23 tháng 7 năm 2001; Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính Phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 29/TTr-SNN ngày 08 tháng 3 năm 2011; Thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 15/BC- STP ngày 17 tháng 01 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về quản lý và bảo vệ rừng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, Giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn, UBND các xã Xuân Lạc, Nam Cường, Bản Thi, Đồng Lạc, Quảng Bạch, Yên Thịnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Ngọc Đường

 

QUY CHẾ

VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG KHU BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH NAM XUÂN LẠC, HUYỆN CHỢ ĐỒN, TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 431/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về quản lý, bảo vệ rừng và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, các giá trị văn hoá, hoạt động du lịch và các hoạt động liên quan khác tại Khu bảo tồn Loài & Sinh cảnh Nam Xuân Lạc (viết tắt là KBTL&SCNXL).

2. Đối tượng áp dụng của Quy chế này là tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở KBTL&SCNXL; các hộ gia đình sinh sống trong KBTL&SCNXL và vùng đệm KBTL&SCNXL.

Điều 2. Phạm vi quản lý, bảo vệ và phát triển rừng KBTL&SCNXL.

1. Vị trí địa lý: 105028’31’’ đến 105033’20’’ Kinh độ Đông. 22017’12’’ đến 22019’45’’ Vĩ độ Bắc.

2. Ranh giới vùng lõi Khu bảo tồn.

a) Phía Bắc giáp với xã Xuân Lạc: Bắt đầu từ cột mốc số 01 (thuộc khu rừng Thưa Tèo) đến cột mốc số 36 (thuộc khu rừng Phja Khao);

b) Phía Đông giáp với xã Đồng Lạc và 1 phần Phía Bắc của xã Quảng Bạch: Bắt đầu từ cột mốc số 60 (khu rừng Lũng Luồng) đến cột mốc số 80 (thuộc khu rừng Thưa Tèo);

c) Phía Nam giáp với xã Bản Thi: Bắt đầu từ cột mốc 47 (thuộc khu rừng Khuổi Kẹn) đến cột mốc số 59 (thuộc khu rừng Lũng Luồng);

d) Phía Tây giáp với xã Sơn Phú thuộc huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang: Bắt đầu từ cột mốc số 37 (thuộc khu rừng Phja Khao) đến cột mốc số 46 (thuộc khu rừng Khuổi Kẹn);

3. Vùng đệm KBTL & SCNXL bao gồm toàn bộ diện tích phần Phía Bắc xã Xuân Lạc và các xã giáp với vùng lõi của KBTL & SCNXL là Bản Thi, Đồng Lạc; Quảng Bạch; Yên Thịnh.

4. Tổng diện tích KBTL & SCNXL là 1.788ha, vùng đệm là 7.508ha.

5. Các phân khu chức năng của Khu bảo tồn.

a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nằm giữa Khu Bảo tồn có diện tích 1.646ha;

b) Phân khu phục hồi sinh thái nằm tiếp giáp với Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 142ha, gồm các khu rừng nằm ở phía Bắc và phía Nam ;

c) Phân khu Hành chính - Dịch vụ có diện tích 0,2ha nằm ở ngoài Khu bảo tồn tại xã Bản Thi, thuộc vùng đệm của khu bảo tồn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. KBTL & SCNXL là nơi có các cấu trúc địa chất học và địa lý tự nhiên, là khu vực có ranh giới đã được xác định là nơi cư trú của các loài động vật và thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, có giá trị bảo tồn; có các cảnh vật tự nhiên hoặc các khu vực tự nhiên có ranh giới đã được xác định cụ thể, KBTL & SCNXL bao gồm toàn bộ vùng lõi khu bảo tồn, vùng đệm không thuộc diện tích KBTL & SCNXL.

2. Vùng lõi trong Quy chế này là toàn bộ diện tích KBTL & SCNXL, bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính - dịch vụ.

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên của rừng.

- Phân khu phục hồi sinh thái là khu vực được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để rừng phục hồi, tái sinh tự nhiên.

- Phân khu dịch vụ - hành chính là khu vực để xây dựng các công trình làm việc và sinh hoạt của Ban Quản lý, các cơ sở nghiên cứu - thí nghiệm, dịch vụ du lịch.

3. Vùng đệm là vùng rừng, vùng đất nằm sát ranh giới với vùng lõi có tác dụng ngăn chặn hoặc giảm nhẹ sự xâm hại Khu bảo tồn.

4. Tổ chức trong Quy chế này được hiểu là các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

5. Ban Quản lý trong Quy chế này được hiểu là Ban Quản lý KBTL & SCNXL, có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu bảo tồn.

6. Giá trị thiên nhiên: Gồm toàn bộ hệ thống núi đá vôi, với những cảnh quan đẹp hoang sơ tự nhiện; các sinh cảnh tự nhiên quan trọng có ý nghĩa đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học; các loài động, thực vật quý hiếm đang bị đe doạ.

7. Giá trị văn hoá: Các phong tục tập quán đặc trưng của các dân tộc thiểu số; di vật, bảo vật quốc gia lưu giữ trong nhân dân.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức quản lý, bảo vệ

1. KBTL & SCNXL được quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật, phát triển và sử dụng rừng bền vững, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển Khu bảo tồn.

2. Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phải có các mục tiêu cụ thể để sử dụng hợp lý các giá trị của Khu bảo tồn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

3. Các hoạt động ở KBTL & SCNXL phải tuân thủ theo Quy chế này và theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nguồn kinh phí và nguyên tắc quản lý tài chính

1. Nguồn kinh phí:

- Kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước cấp theo biên chế hành chính, sự nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

- Kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp theo các dự án đầu tư.

- Nhận viện trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước và tổ chức hợp tác quốc tế.

2. Nguyên tắc quản lý tài chính:

- Ngân sách Nhà nước cấp theo biên chế cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo nguyên tắc quản lý quỹ lương của đơn vị hành chính sự nghiệp.

- Ngân sách Nhà nước cấp theo các dự án đầu tư được quản lý và thanh quyết toán theo hạng mục công trình sau khi được nghiệm thu.

- Kinh phí từ viện trợ và hợp tác quốc tế quản lý theo văn kiện dự án đã ký và theo nguyên tắc quản lý nguồn viện trợ hợp tác quốc tế do Bộ Tài chính quy định và cơ quan có thẩm quyền quy định.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG, BẢO TỒN ĐA DẠNG SỊNH HỌC VÀ BẢO VỆ CÁC GIÁ TRỊ KHU BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH NAM XUÂN LẠC

Mục 1. QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Điều 6. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

1. Nghiêm cấm các hành vi sau:

a) Chặt phá, khai thác rừng.

b) Săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng. c) Thu thập mẫu vật trái phép trong rừng.

d) Đào bới đất rừng, các hoạt động làm thay đổi cảnh quan rừng

e) Huỷ hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng.

f) Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng. g) Vi phạm quy định về phòng, trừ sinh vật hại rừng.

h) Lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng.

i) Khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp.

j) Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ động, thực vật rừng trái với quy định của pháp luật.

k) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

z) Chăn thả gia súc vào rừng.

l) Nuôi, trồng, thả vào rừng các loài động, thực vật không có nguồn gốc bản địa. Trong trường hợp đặc biệt phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định.

m) Khai thác tài nguyên sinh vật, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác; làm thay đổi diễn biến tự nhiên của rừng; làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tự nhiên của các loài sinh vật rừng; mang vào rừng các loại cưa xẻ, công cụ khai thác lâm sản, hoá chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng.

n) Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất rừng trái pháp luật.

o) Phá hoại các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát triển rừng.

p) Các hành vi khác xâm hại đến tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng.

2. Đối với hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và thực tập phải thực hiện theo quy định tại Điều 14 Quy chế này.

3. Đối với Ban Quản lý:

a) Khi thả những loài động vật cần thiết bổ sung cho nhu cầu bảo tồn động vật được thả vào rừng phải là động vật bản địa khoẻ mạnh, không có bệnh tật, số lượng của từng loài thả vào rừng phải phù hợp với vùng sống, nguồn thức ăn của chúng và bảo đảm cân bằng sinh thái của khu rừng.

b) Trường hợp cần thiết có thể tạo thêm nguồn thức ăn, nước uống cho động vật.

c) Được lập các tuyến đường mòn, lều trú chân, cắm biển chỉ dẫn theo quy hoạch và dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt khi tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.

Điều 7. Trong phân khu phục hồi sinh thái

1. Nghiêm cấm các hành vi quy định tại Khoản 1, Điều 5 Quy chế này.

2. Chỉ được phép thực hiện các hành vi quy định tại Điều 14 Quy chế này.

3. Đối với Ban Quản lý:

a) Được phép thực hiện các hành vi quy định tại Khoản 3, Điều 5 Quy chế này;

b) Được sử dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để điều chỉnh mật độ, cấu trúc, nâng cao chất lượng và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng và hệ sinh thái khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Được mở các trục đường chính, xây dựng công trình để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp phục vụ các hoạt động dịch vụ - du lịch theo quy hoạch và dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 8. Trong phân khu Hành chính - Dịch vụ

1. Nghiêm cấm các hành vi quy định tại Khoản 1, Điều 5 Quy chế này.

2. Chỉ được phép thực hiện các hành vi quy định tại Điều 14 Quy chế này.

3. Đối với Ban Quản lý:

a) Được phép thực hiện các hành vi quy định tại Khoản 3, Điều 5 Quy chế này;

b) Được xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ cho việc quản lý, nghiên cứu khoa học và tổ chức các hoạt động dịch vụ - du lịch theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng các công trình, dịch vụ du lịch phải được phép của Ban Quản lý và cấp có thẩm quyền.

Điều 9. Trong Vùng đệm KBTL & SCNXL

1. Các công trình xây dựng kinh tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt không được làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cảnh quan môi trường của KBTL & SCNXL; phải có kiến trúc phù hợp nhằm tăng thêm giá trị thẩm mỹ của KBTL & SCNXL, đồng thời phải có biện pháp xử lý chất thải, chống ô nhiễm, góp phần gìn giữ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

2. Nghiêm cấm các hành vi quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 18 Quy chế này.

3. Việc làm nương rẫy, thâm canh phải thực hiện theo quy hoạch của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Ban Quản lý có trách nhiệm tổ chức cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, sử dụng hợp lý lâm sản và các tài nguyên tự nhiên, các dịch vụ du lịch sinh thái để góp phần nâng cao thu nhập và gắn sinh kế của người dân với các hoạt động của KBTL & SCNXL.

5. Chính quyền, cơ quan Nhà nước, Tổ chức xã hội trên địa bàn có trách nhiệm lập dự án đầu tư phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng nông thôn để ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư, đồng thời thiết lập quy chế trách nhiệm của cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình trong việc bảo vệ rừng và bảo vệ các loài động vật hoang dã ở KBTL & SCNXL.

Điều 10. Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại rừng trong KBTL & SCNXL

1. Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Đồn, Uỷ ban nhân dân các xã Xuân Lạc, Bản Thi, Đồng Lạc, Quảng Bạch, Yên Thịnh phối hợp với Ban Quản lý xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng. Khi xảy ra cháy rừng phải kịp thời huy động mọi lực lượng, đảm bảo chữa cháy rừng có hiệu quả;

2. Ban Quản lý có trách nhiệm lập phương án, kế hoạch phòng trừ sâu bệnh hại rừng và tổ chức thực hiện có hiệu quả; khi đưa các loài động, thực vật vào Khu bảo tồn phải được kiểm tra, kiểm dịch theo quy định nhà nước hiện hành.

Điều 11. Đầu tư phát triển rừng

1. Ban Quản lý Khu bảo tồn xây dựng chiến lược, quy hoạch và các kế hoạch cụ thể về đầu tư và phát triển đối với từng loại rừng trong khu bảo tồn; dự toán kinh phí đảm bảo cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong Khu bảo tồn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện các biện pháp tái tạo các khu rừng theo quy định của pháp luật.

2. Được sử dụng các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ (nếu có) và tài trợ của các tổ chức, cá nhân, các dự án sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để đầu tư và phát triển rừng.

Điều 12. Trồng rừng, phục hồi rừng, cải tạo rừng

Ban Quản lý phải thực hiện các hoạt động sau:

1. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Duy trì diễn thế tự nhiên của rừng, không được trồng rừng hoặc thực hiện các tác động kỹ thuật lâm sinh khác.

2. Trong phân khu phục hồi sinh thái: Phải tôn trọng diễn thế tự nhiên; việc phục hồi hệ sinh thái rừng thực hiện chủ yếu bằng biện pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng; trường hợp cần phải trồng rừng để đảm bảo cấu trúc của rừng và thành phần các loài thực vật chủ yếu thì ưu tiên trồng cây bản địa của khu bảo tồn.

Mục 2. BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC, BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU BẢO TỒN LOÀI & SINH CẢNH NAM XUÂN LẠC

Điều 13. Các giá trị đặc trưng của Khu bảo tồn

1. Giá trị thiên nhiên: Gồm toàn bộ hệ thống núi đá vôi, với những cảnh quan đẹp hoang sơ tự nhiện; các sinh cảnh tự nhiên quan trọng có ý nghĩa đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học; các loài động, thực vật quý hiếm đang bị đe doạ.

2. Giá trị văn hoá: Các phong tục tập quán đặc trưng của các dân tộc thiểu số; di vật, bảo vật quốc gia lưu giữ trong nhân dân.

Điều 14. Bảo vệ, phát huy các giá trị của Khu bảo tồn

1. Nghiêm cấm các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quy chế này và các hành vi sau đây:

a) Làm thay đổi môi trường cảnh quan gây ảnh hưởng xấu đến Khu bảo tồn;

b) Vứt, xả rác thải trong Khu bảo tồn;

c) Khai thác các loại vật liệu xây dựng, đập phá đá và thạch nhũ tại các hang động; đốt, chặt, phá, bẻ, khắc, vẽ vào thân cây, vách đá hoặc có các hành vi khác làm thay đổi sự phát triển, tồn tại bình thường của cây và vật thể khác trong Khu bảo tồn;

d) Khai thác, thu hái, mua, bán mẫu vật, di vật, trái phép trong khu bảo tồn;

e) Tuyên truyền, phổ biến, trình diễn sai lệch nội dung và giá trị của Khu bảo tồn; làm thay đổi yếu tố nguyên gốc của Khu bảo tồn và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2) Phát huy giá trị Khu bảo tồn:

a) Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu các thành tựu khoa học, đóng góp về tinh thần và vật chất hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Khu bảo tồn;

b) Đẩy mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá nhằm khai thác các giá trị của Khu bảo tồn;

c) Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị của Khu bảo tồn;

d) Mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Khu bảo tồn; xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;

3. Ban Quản lý có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn, UBND huyện Chợ Đồn, UBND huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang thực hiện việc tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của Khu bảo tồn;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các sinh cảnh tự nhiên trong Khu bảo tồn.

Mục 3. HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, DU LỊCH, GIAO THÔNG TRONG KHU BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH NAM XUÂN LẠC

Điều 15. Hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và thực tập

1. Đối với tổ chức, cá nhân trong nước phải có kế hoạch hoạt động trong Khu bảo tồn được Ban Quản lý cho phép bằng văn bản.

2. Đối với tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài tiến hành độc lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân trong nước nghiên cứu khoa học phải có kế hoạch hoạt động trong Khu bảo tồn được Ban Quản lý Khu bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm phê duyệt và được UBND tỉnh Bắc Kạn đồng ý bằng văn bản.

3. Mọi tổ chức, cá nhân khi học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong Khu bảo tồn đều phải:

a) Chấp hành nội quy, quy chế quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Khu bảo tồn;

b) Tuân thủ sự hướng dẫn, kiểm tra của Ban Quản lý; khi tiến hành nghiên cứu khoa học trong Khu bảo tồn, chỉ được thực hiện theo phương pháp quan sát, ghi chép, quay phim, chụp ảnh; nếu sưu tầm mẫu vật, khai thác nguồn gen sinh vật rừng phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển rừng thì phải thực hiện theo quy định sau:

- Được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Phải làm rõ số loài, số lượng mẫu vật, gen sưu tầm và thời gian sưu tầm;

- Việc sưu tầm mẫu vật, nguồn gen của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu khoa học phải thực hiện theo sự hướng dẫn, quản lý, giám sát và phải nộp phí theo hợp đồng thoả thuận với Ban Quản lý Khu bảo tồn.

c) Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng và các quy định của pháp luật;

d) Chậm nhất là 14 ngày sau đợt nghiên cứu phải gửi báo cáo sơ bộ bằng văn bản về các hoạt động cho Ban Quản lý; sau 60 ngày kể từ khi công bố chính thức kết quả nghiên cứu, khảo sát điều tra báo cáo cho Ban Quản lý và Chi cục Kiểm lâm;

e) Mọi hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập không được gây tổn hại hoặc tạo ra nguy cơ gây tổn hại đến các đối tượng thuộc diện bảo vệ của Khu bảo tồn và không được gây ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của các sinh cảnh rừng;

f) Thanh toán tiền dịch vụ, thuế tài nguyên và các khoản chi phí khác (nếu có) theo quy định.

Điều 16. Hoạt động du lịch - dịch vụ

1. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong phát triển du lịch.

2. Đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động kinh doanh tổ chức các hoạt động du lịch:

a) Được liên doanh, liên kết với Ban Quản lý để đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái;

b) Các hộ gia đình, cá nhân đang sống trong vùng lõi Khu bảo tồn được phép thực hiện một số hoạt động dịch vụ - du lịch nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản lý và phải làm đầy đủ các thủ tục, nghĩa vụ về kinh doanh dịch vụ với các cấp, ngành có liên quan;

c) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động du lịch, thể thao phải được phép của Ban Quản lý và cấp có thẩm quyền;

d) Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý tổ chức các điểm tham quan sai quy hoạch để thu lệ phí;

e) Thông tin rõ ràng công khai, trung thực số lượng, chất lượng, giá cả các dịch vụ, hàng hoá cung cấp cho khách du lịch; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với khách du lịch, bồi thường thiệt hại cho khách do lỗi của mình gây ra;

f) Áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản của khách du lịch, thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền về tai nạn hoặc rủi ro có thể xảy ra với khách du lịch.

3. Đối với khách du lịch:

a) Khi đến thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, học tập phải đăng ký để được hướng dẫn làm các thủ tục và phải nộp phí (nếu có) đồng thời thực hiện nội quy, quy chế của Ban Quản lý;

b) Giữ gìn cảnh quan môi trường, bản sắc văn hoá, thuần phong mỹ tục; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự.

4. Ban Quản lý có trách nhiệm:

a) Tổ chức, thống nhất quản lý các hoạt động du lịch;

b) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát mọi hoạt động du lịch của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong Khu bảo tồn và xử lý hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định hiện hành;

c) Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Được phép liên doanh, liên kết với các chủ đầu tư khác đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái nhằm phát huy các giá trị của Khu bảo tồn.

Điều 17. Giao thông đường bộ

1. Mọi hoạt động giao thông đường bộ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và được sự cho phép của Ban Quản lý.

2. Nghiêm cấm các hành vi đào, khoan, mở đường dưới mọi hình thức vào vùng lõi Khu bảo tồn khi chưa được cơ quan cấp có thẩm quyền và Ban Quản lý cho phép.

Mục 4. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHU BẢO TỒN

Điều 18. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

1. Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cơ chế chính sách chương trình bảo vệ môi trường Khu bảo tồn, đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản xung quanh và liền kề với Khu bảo tồn; định kỳ tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường; tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Ban Quản lý có trách nhiệm tổ chức quản lý, kiểm tra giám sát và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong Khu bảo tồn; phối hợp với các tổ chức, cá nhân đang có các hoạt động khai thác mỏ xung quanh Khu bảo tồn, cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

3. Mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động tại Khu bảo tồn đều phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

a) Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Không xả rác, các chất thải, phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

4. Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch có nghĩa vụ sau:

a) Các tổ chức, cá nhân phải có bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm;

b) Thực hiện các yêu cầu của cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền về môi trường trong quá trình điều tra, xác định phạm vi, giới hạn mức độ nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường;

c) Cung cấp thông tin về môi trường liên quan đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ của mình cho các cơ quan chức năng và công bố thông tin về môi trường để cộng đồng dân cư biết;

d) Thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền về môi trường;

e) Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mục 5. HOẠT ĐỘNG CỦA DÂN CƯ TRONG KHU BẢO TỒN

Điều 19. Dân cư sinh sống trong Khu bảo tồn có trách nhiệm

1. Tuân thủ các quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng.

2. Thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường:

a) Thu gom, chuyển chất thải sinh hoạt, rác thải và xả nước thải đúng nơi quy định;

b) Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực;

c) Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quy ước thôn bản, bản cam kết bảo vệ môi trường.

3. Nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau:

a) Tuỳ tiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp;

b) Tuỳ tiện xây dựng nhà ở, mộ chí và các công trình kiến trúc khác trong Khu bảo tồn;

c) Sản xuất, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện săn bắn, bẫy bắt, khai thác động, thực vật hoang dã;

4. Việc sử dụng các công cụ, phương tiện phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống không làm ảnh hưởng hoặc phá vỡ môi trường tự nhiên và ô nhiễm môi trường;

5. Khi xây dựng, sửa chữa các công trình phải theo đúng quy hoạch và không được làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái tự nhiên của Khu bảo tồn.

6. Khuyến khích nhân dân cư trú trong Khu bảo tồn có các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; sử dụng các công cụ phương tiện phục vụ đời sống và sản xuất tôn tạo được giá trị truyền thống và không gây ô nhiễm môi trường.

Chương III

TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG KHU BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH NAM XUÂN LẠC

Điều 20. Trách nhiệm của các cơ quan cấp tỉnh

1. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện Quy chế này.

b) Thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt các chương trình, đề án, dự án về tuyên truyền, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư xây dựng, tài chính... của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.

c) Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy trình, quy phạm, các tiêu chuẩn, chính sách đầu tư cho Khu bảo tồn và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

2. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cơ chế chính sách chương trình bảo vệ môi trường Khu bảo tồn, đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản xung quanh và liền kề với Khu bảo tồn; định kỳ tổ chức đánh giá tác động đến hiện trạng môi trường phối hợp tổ chức các chương trình tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị cấp dưới trong việc bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn và tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho khu bảo tồn.

3. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính

a) Hàng năm cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt cho Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; phối hợp với các sở ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc đầu tư cho Khu bảo tồn.

b) Tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí, quản lý nguồn vốn đã phân bổ và kiểm tra, thanh quyết toán các chương trình dự án đã đầu tư cho khu bảo tồn.

4. Trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm

a) Hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định các chương trình, đề án, dự án về tuyên truyền, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư xây dựng, tài chính...của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.

b) Chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức cán bộ, tài chính và các lĩnh vực liên quan đến Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.

5. Trách nhiệm của các cơ quan cấp tỉnh khác: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm trong việc chỉ đạo, tổ chức quản lý các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, du lịch sinh thái, an ninh quốc phòng, công tác liên ngành, truy quét...trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.

Điều 21. Trách nhiệm của UBND và các cơ quan huyện Chợ Đồn

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện

a) Chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu bảo tồn trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bảo tồn.

b) Xây dựng các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp, định canh định cư cho các hộ trong vùng bảo tồn tham gia thực hiện để ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

c) Thành lập các Tổ liên ngành tổ chức truy quét, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản trong và xung quanh khu bảo tồn theo thẩm quyền.

d) Chỉ đạo UBND cấp xã và các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng Khu bảo tồn thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự xâm hại Khu bảo tồn.

đ) Quản lý, sử dụng tài nguyên rừng đúng quy định hiện hành của Nhà nước và quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được duyệt.

2. Trách nhiệm của các cơ quan cấp huyện

a) Phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc và UBND cấp xã tổ chức quản lý các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, du lịch sinh thái, an ninh quốc phòng, công tác liên ngành, truy quét...trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.

b) Tham gia trực tiếp vào các Tổ liên ngành của huyện hoặc tỉnh thành lập để truy quét mọi tổ chức, cá nhân vi phạm, xâm hại vào khu bảo tồn.

Điều 22. Trách nhiệm của UBND các xã Xuân Lạc, Đồng Lạc, Quảng Bạch, Yên Thịnh, Bản Thi

a) Tổ chức thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt; tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã thực hiện nghiêm Quy chế này và có những hoạt động tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng Khu bảo tồn; xây dựng và thực hiện các biện pháp ngăn chặn mọi đối tượng xâm hại vào Khu bảo tồn.

b) Thành lập Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã, để chủ động trong việc phòng ngừa, xác định các khu vực trọng điểm và tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trên địa bàn.

c) Phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Điều 23. Trách nhiệm của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc

1. Tổ chức thực hiện Quy chế này và phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, các ban ngành liên quan tuyền truyền quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định trong Quy chế.

2. Xây dựng kế hoạch hàng năm, 5 năm, các chương trình, đề án, dự án về tuyên truyền, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư xây dựng, tài chính...báo cáo Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Xây dựng hệ thống thông tin và lưu trữ cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc trên hệ thống máy vi tính.

4. Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các sinh cảnh tự nhiên trong Khu bảo tồn. Kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các Điều từ 12 đến 25 của Quy chế này.

5. Được quyền tịch thu, tiêu hủy tại chỗ các máy móc, dụng cụ, phương tiện, nhiên liệu, hóa chất vv... của tất cả các đối tượng đưa vào để khai thác khoáng sản trái phép trong Khu bảo tồn.

6. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ngăn chặn việc người dân mang các thiết bị, dụng cụ, phương tiện, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm...vào các khu vực cấm trong vùng bảo tồn để khai thác khoáng sản trái phép.

7. Tổ chức quản lý, kiểm tra giám sát và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong Khu bảo tồn; phối hợp với các tổ chức, cá nhân đang có các hoạt động khai thác mỏ xung quanh Khu bảo tồn ký cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

8. Quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán tài chính theo quy định hiện hành của Nhà nước; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính nhà nước có thẩm quyền.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Khen thưởng, kỷ luật

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của bản Quy chế này thì được khen thưởng; nếu ai vi phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Điều khản thi hành

1. Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có trách nhiệm phối hợp với các UBND các cấp, các Sở, Ban, ngành, cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế này.

2. Các cơ quan Báo, Đài của tỉnh, huyện tuyên truyền phổ biến rộng rãi nội dung của Quy chế này trên các phương tiện cho mọi người dân biết để tổ chức thực hiện.

3. Các tổ chức, cá nhân sinh hoạt trong khu bảo tồn và ngoài Khu bảo tồn có các hoạt động liên quan đến khu bảo tồn, phải chấp hành nghiêm túc các quy định nêu trong Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện Quy chế có điều gì chưa phù hợp đề nghị các cơ quan, đơn vị thông báo về Ban Quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung kịp thời ./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 431/2011/QĐ-UBND ngày 22/03/2011 về Quy chế quản lý và bảo vệ rừng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn do Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.799

DMCA.com Protection Status
IP: 18.219.176.215
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!