VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 86/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 3 năm 2020
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ
VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Ngày 02 và 05 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch
COVID-19. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các
Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng (dự họp ngày
05/3/2020), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Đồng chí Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (dự họp
ngày 05/3/2020), đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng và các Bộ: Y tế,
Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, Tài chính, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, các
Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng
mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19), lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà
Nội.
Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, báo
cáo và kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ý kiến của các
Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo:
1. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương nỗ
lực phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương, nhất là đội ngũ y tế, lực
lượng quân đội, công an ở tất cả các tuyến, Ban chỉ đạo quốc gia, đại sứ Việt
Nam tại các nước (đặc biệt là đại sứ tại Trung Quốc, Hàn Quốc). Kết quả phòng,
chống dịch đến hôm nay là đáng mừng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và
tăng thêm niềm tin trong nhân dân.
2. Chính phủ kiên trì chỉ đạo thực hiện “mục tiêu
kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu là
kiên quyết phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, kể cả phải
chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Đây là yêu cầu cao
nhất của Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đòi hỏi các cấp,
các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm.
3. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện
đúng phương châm phòng, chống dịch là khẩn trương, kiên quyết, bình tĩnh, đúng
mức, không chủ quan, không chần chừ, chủ động phát hiện và ngăn chặn triệt để,
quyết tâm không để dịch bệnh lây lan; thực hiện đầy đủ tinh thần Tuyên bố của
Chủ tịch ASEAN 36 là gắn kết và chủ động thích ứng. Các cơ quan chức năng phải
phát huy mạnh mẽ vai trò của mình đồng thời dựa vào nhân dân, cộng đồng trong
phòng, chống dịch.
4. Trước diễn biến mới phức tạp của dịch bệnh tại
nhiều nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:
a) Kiên quyết thực hiện việc cách ly theo quy định
đối với người đến từ vùng dịch. Đối với các trường hợp đặc biệt (thực hiện công
vụ, ngoại giao, chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao...) được
nhập cảnh nhưng phải qua kiểm tra và áp dụng các biện pháp phù hợp bảo đảm tuân
thủ chặt chẽ các yêu cầu phòng, chống dịch.
- Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện nghiêm giải pháp
cách ly tập trung đối với người đến từ vùng dịch vào Việt Nam theo đúng chỉ đạo
của Ban chỉ đạo quốc gia; tiếp tục bố trí thêm các cơ sở để bảo đảm tiếp nhận
và thực hiện cách ly người về từ vùng dịch trong thời gian tới đây; lưu ý điều
tiết để không tập trung cách ly tại một số địa phương; phòng tránh lây nhiễm
chéo tại các khu vực cách ly tập trung; tổ chức tiếp nhận, bảo đảm điều kiện
sinh hoạt của người thuộc diện cách ly với tinh thần chu đáo, văn minh, quan
tâm hơn đối với người nước ngoài.
- Bộ Y tế chỉ đạo việc bảo đảm trang bị, vật tư y tế
cần thiết, vệ sinh công cộng cho cơ sở và lực lượng phòng chống dịch, đặc biệt
là đối với các cơ sở cách ly tập trung; chỉ đạo việc sàng lọc người bị cách ly
tập trung, các trường hợp không có biểu hiện bệnh và không đến từ hoặc đi qua
vùng dịch thì chuyển về địa phương để theo dõi, giám sát theo đúng hướng dẫn của
Bộ Y tế, bảo đảm chặt chẽ.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp
Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có phương án huy động một
số cơ sở khách sạn, cơ sở lưu trú cụ thể làm cơ sở cách ly (khi đã hết các cơ sở
cách ly do quân đội bố trí).
- Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường hỗ trợ
nhân lực, trang thiết bị, vật tư cho các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn;
giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cộng đồng.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhất là tại các tỉnh,
thành phố có sân bay khẩn trương chuẩn bị các cơ sở cách ly (ngoài các cơ sở do
quân đội đã bố trí);
b) Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an và các Bộ,
ngành có liên quan cần hoàn thiện và chi tiết hóa kế hoạch điều chuyển nhân lực
y tế và các nguồn lực khác bảo đảm hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các nơi
trong tình huống dịch xảy ra; tiếp tục diễn tập khả năng phản ứng nhanh, tập
trung phối hợp liên ngành, liên địa phương trong phòng chống dịch; phải có kế
hoạch dự phòng về địa điểm, cơ sở cách ly, chỗ ở, nhu yếu phẩm cho người được
cách ly khi triển khai cách ly trên diện rộng.
Các đô thị lớn, đông dân cư, đặc biệt là Thành phố
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch cách ly trên diện rộng.
c) Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ngoại
giao, các cơ quan báo chí tiếp tục làm tốt công tác truyền thông về phòng, chống
dịch bệnh, về Việt Nam là điểm đến an toàn, có môi trường tốt cả trước mắt và
lâu dài. Thông tin đến nhân dân, đến cộng đồng quốc tế phải minh bạch chính
xác, công khai, kịp thời; phải hướng dẫn đầy đủ cho nhân dân về các biện pháp
phòng ngừa dịch bệnh.
d) Bộ Ngoại giao đề xuất thực hiện chế độ visa phù
hợp với tinh thần hạn chế tối đa người từ vùng dịch đến Việt Nam, thông báo trước
với các nước liên quan.
Tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực cấp theo quy định
tại Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ đối với
người gốc Việt và thân nhân đang cư trú ở Hàn Quốc và Italia. Các Bộ: Y tế, Ngoại
giao, Công an, Quốc phòng cùng các cơ quan liên quan triển khai cụ thể việc thực
hiện, đảm bảo thời gian dự lệnh 3 ngày để kịp thời thông báo cho những người bị
ảnh hưởng.
Ban Chỉ đạo phòng quốc gia phòng, chống dịch
COVID-19 chỉ đạo các thành viên tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để kịp
thời đề xuất việc tiếp tục áp dụng biện pháp nêu trên cũng như việc điều chỉnh
chính sách visa phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại các nước và vùng lãnh thổ
khác.
Đại sứ quán Việt Nam tại các nước khuyến cáo người
nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài (ở khu vực có dịch ở nước sở tại) hạn
chế nhập cảnh Việt Nam trong thời gian có dịch, tuân thủ hướng dẫn về các biện
pháp phòng chống dịch Covid-19 của nước sở tại, không đến các khu vực đang có dịch
và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước sở tại đã khuyến
cáo. Trường hợp thật sự cần thiết phải nhập cảnh Việt Nam, phải được cách ly
theo quy định.
đ) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không hạn
chế các chuyến bay giữa Việt Nam và các nước, vùng có dịch.
5. Về kinh phí, phương tiện, vật tư phục vụ phòng,
chống dịch:
a) Các bộ, ngành, địa phương sử dụng kinh phí
phòng, chống dịch bảo đảm chặt chẽ, đúng mức, kịp thời và hiệu quả. Việc mua sắm
phải bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ
b) Đồng ý thành lập Tổ công tác do Bộ Y tế chủ trì,
phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định giá, phương thức mua khẩu
trang, vật tư y tế, bảo đảm chặt chẽ.
Bộ Y tế tính toán chặt chẽ, đề xuất với Thủ tướng
Chính phủ bằng văn bản về việc mua máy thở với số lượng phù hợp trong ngày 06
tháng 3 năm 2020; rà soát lại mức kinh phí bổ sung để mua trang thiết bị dự
phòng.
c) Đồng ý Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu
trang dự trữ (cộng với 10 triệu ban đầu là 30 triệu chiếc) và một số khẩu trang
N95, bộ trang phục chống dịch, bộ chống dịch Tyvek.
d) Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất khẩu
trang phục vụ phòng, chống dịch và xuất khẩu, lưu ý bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu
sử dụng trong nước và có biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguyên
liệu đầu vào cho sản xuất.
đ) Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
nghiên cứu việc thành lập Quỹ vận động nhân dân phòng, chống dịch.
6. Ban chỉ đạo, các Thành viên Ban chỉ đạo, các địa
phương phải chủ động quyết định công việc theo thẩm quyền; chủ động phối hợp
trong xử lý các vấn đề cấp bách, liên quan; chỉ xin ý kiến những vấn đề vượt
quá thẩm quyền theo quy định.
7. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, đơn vị,
tổ chức và nhân dân tiếp tục ủng hộ, chủ động và chung tay cùng các cơ quan chức
năng tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, hạn chế các hoạt động tập
trung đông người không cần thiết.
Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, bản phải đề cao
trách nhiệm trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân, phát hiện
sớm các trường hợp nghi nhiễm và kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh
trên địa bàn.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan,
Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- Các Thành viên BCĐ quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp;
- UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH,
QHQT, QHĐP, TKBT, NC, KTTH, NN, CN;
- Lưu: VT, KGVX (3) Q
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|