Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 26/NQ-CP 2020 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW phát triển bền vững kinh tế biển

Số hiệu: 26/NQ-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 05/03/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

.CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/NQ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2018 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 26/TTr-BTNMT ngày 29 tháng 05 năm 2019,

QUYẾT NGHỊ:

Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những nội dung chủ yếu sau đây:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. MỤC ĐÍCH

1. Đối với Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan.

2. Đối với Kế hoạch 5 năm đến năm 2025

Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 nhằm triển khai các chủ trương lớn, khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển.

Thực hiện tốt Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 là điều kiện căn bản và quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

II. YÊU CẦU

1. Yêu cầu chung

Quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW trong suốt quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ.

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế biển Việt Nam, xây dựng thương hiệu biển Việt Nam; tạo được sự bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng biển, ven biển và hải đảo; bảo đảm tính khả thi trong huy động và sử dụng nguồn lực, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước.

Bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

2. Yêu cầu cụ thể

Triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, trên cơ sở xem xét một cách khách quan, toàn diện năng lực triển khai, điều kiện thực hiện của từng bộ, ngành, địa phương.

Đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Bảo đảm tích hợp, lồng ghép, không trùng lặp, liên tục và kế thừa kết quả thực hiện trong giai đoạn trước của các nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương. Xác định một số nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030.

B. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP

I. KẾ HOẠCH TỔNG THỂ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

1. Về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ

- Định kỳ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về biển, hải đảo theo hướng ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, phát huy văn minh sinh thái biển, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế, hiệu quả đầu tư công của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển bền vững kinh tế biển; phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

- Tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức và vận hành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý về biển, hải đảo có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, hiện đại. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các bên liên quan thông qua các cơ chế, công cụ điều phối cụ thể. Kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản lý các đảo, quần đảo, bãi ngầm, bãi cạn lúc chìm lúc nổi và vùng ven biển.

- Định kỳ hằng năm đánh giá chỉ số tổng hợp quản trị biển và hải đảo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo chuẩn mực quốc tế làm cơ sở tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Định kỳ 05 năm hai lần thực hiện chỉ số đánh giá tổng hợp thực hiện các mục tiêu và nội dung trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, trên cơ sở đó có giải pháp, phương án phù hợp để nâng cao hiệu quả quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ. Định kỳ 5 năm thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và đề ra những chủ trương phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới.

2. Về phát triển kinh tế biển, ven biển

a) Du lịch và dịch vụ biển

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng.

- Thí điểm phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác. Xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế. Tổ chức các lễ hội tôn vinh văn hóa biển, ẩm thực biển, tạo sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến các vùng biển, đảo của Việt Nam song song với việc khơi dậy lòng yêu nước của người dân.

- Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển, đảo, các tuyến du lịch ra đảo xa. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ cứu hộ, cứu nạn; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch và dịch vụ biển.

b) Kinh tế hàng hải

- Phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hình thành những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu kinh tế, đô thị - công nghiệp ven biển.

- Nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.

- Phát triển đội tàu vận tải biển theo hướng hiện đại với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; tăng sức cạnh tranh để chủ động hội nhập trong khu vực và thế giới.

- Phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics để giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, góp phần tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

c) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác

- Tiếp tục tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống tại các bể trầm tích vùng nước sâu xa bờ nhằm gia tăng trữ lượng khoáng sản, dầu khí.

- Nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

- Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp có tính dẫn dắt và hạt nhân cho chuỗi hoạt động dầu khí, khoáng sản; tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển, trao đổi và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dầu khí, khoáng sản.

d) Nuôi trồng và khai thác hải sản

- Tập trung phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hoá, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

- Ưu tiên chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản trên các vùng biển; đẩy mạnh phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ, viễn dương theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; điều chỉnh số lượng tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản trên từng vùng biển hiệu quả, bền vững. Hiện đại hóa công tác quản lý tàu cá, công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, công tác bảo quản sản phẩm sau khai thác với các công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và phù hợp với quy định quốc tế.

- Tiếp tục hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thủy sản đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và tiêu thụ.

- Xây dựng và vận hành các mô hình tổ chức sản xuất trong nuôi trồng và khai thác hải sản hợp lý; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của môi trường và nguồn lợi thủy sản; nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

- Xây dựng hải đảo thành trạm cung cấp, tiếp tế nhu yếu phẩm, hậu cần khai thác thủy sản, bến bãi neo đậu trong trường hợp có bão biển, cung cấp các nguồn năng lượng và sơ chế hải sản cho tàu cá đánh bắt xa bờ.

đ) Công nghiệp ven biển

- Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn.

- Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hoá dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.

- Đảm bảo mục tiêu, định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của vùng trên cơ sở hài hòa lợi ích của địa phương, của vùng với lợi ích của quốc gia.

- Đổi mới đồng bộ về cơ chế, chính sách tạo bứt phá trong phát triển bền vững công nghiệp ven biển, bảo đảm giải quyết tốt đồng thời các vấn đề về môi trường, xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội.

e) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới

- Phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị.

- Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như rừng ngập mặn, dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển...

- Hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng tái tạo; ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

g) Phát triển các vùng biển

- Vùng biển và vẹn biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình): Tiếp tục xây dựng khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển; Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển quốc tế, trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ; phát triển chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản ven bờ và xa bờ ở cả Quảng Ninh và Hải Phòng.

- Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ (Thanh Hoá - Bình Thuận): Phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch; phát triển các trung tâm du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá.

- Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh): Phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí; Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Đông Nam Bộ, phát triển chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản ven bờ và xa bờ.

- Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang): Xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

h) Phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển

- Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn sóng, chắn cát, kè chính trị trên một số tuyến luồng hàng hải bảo đảm ổn định khai thác luồng.

- Đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

- Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển hạ tầng cho kinh tế biển, ven biển.

3. Về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển

- Bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục tại các hải đảo.

- Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, hải đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân; thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển; tiếp tục thống kê, đánh giá chỉ số phát triển con người tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và so sánh với chỉ số phát triển con người trung bình của cả nước hằng năm.

- Xây dựng, hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển, bao gồm: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế và nguồn kinh phí hoạt động.

- Duy trì, phục hồi và phát triển các lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên, duy trì, phát triển các trung tâm văn hóa đặc trưng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

- Phổ biến nền tảng kiến thức khoa học về các hệ sinh thái biển và hải đảo; thường xuyên thực hiện các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của biển và đại dương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

- Triển khai thực hiện việc giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, khả năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học.

- Xây dựng cơ chế đồng bộ trong việc quản lý hành lang bảo vệ bờ biển, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

4. Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển

- Đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điêu tra cơ bản biển.

- Hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc: công nghệ sinh học biển, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có.

- Đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế làm việc và cống hiến cho sự nghiệp biển đảo của Nước nhà.

- Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thúc đẩy và tham gia tích cực các hoạt động quốc tế hưởng ứng Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững.

5. Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng

- Tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

- Hoàn chỉnh việc tích hợp, số hoá cơ sở dữ liệu về biển và hải đảo của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ bảo đảm việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu biển, hải đảo của các bộ, ngành, địa phương.

- Đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường và thực hiện việc thu gom, xử lý.

- Triển khai thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu khoa học làm cơ sở xác định, đề xuất mở rộng và thành lập mới các khu bảo tồn biển.

- Bảo đảm cơ chế quản lý thống nhất và tăng cường năng lực trong công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học biển; xây dựng và thực hiện quy chế trao đổi thông tin và phối hợp xây dựng các khu bảo tồn biển liên quốc gia với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế.

- Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết hệ thống các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn biển; xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, đầm phá, bãi triều - cửa sông, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.

- Đầu tư xây dựng trung tâm cứu hộ động vật biển tại một số khu bảo tồn biển.

- Đầu tư xây dựng hệ thống đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

- Nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần; phòng, chống biển xâm thực, xói sạt lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn; hoàn thiện chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai.

- Đầu tư, đưa vào hoạt động ít nhất một vệ tinh chuyên dụng, phục vụ việc giám sát thiên tai, môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng, củng cố lực lượng, hệ thống trang thiết bị quan trắc, giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hoá chất độc trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển. Kết nối, trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường sinh thái biên với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước khác, tổ chức quốc tế có liên quan.

6. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế

- Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ vùng trời, các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

- Xây dựng lực lượng vững mạnh, nòng cốt là Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, kết hợp cùng lực lượng các quân khu ven biển, kiểm ngư, dân quân tự vệ biển... bảo đảm năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực thi pháp luật trên biển, nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống trên các vùng biển, đảo và các hoạt động phát triển kinh tế biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển thông qua hoạt động kinh tế - quốc phòng.

- Củng cố vững chắc thể trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vùng biển, đảo. Tăng cường năng lực ứng phó, giải quyết có hiệu quả các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống khu vực biển.

- Xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển và hải đảo vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt cho bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biển, đảo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế khu vực biển, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để chống phá, gây mất ổn định chính trị và trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh tại vùng ven biển, hải đảo.

- Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế khu vực biển.

- Đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất và khai thác biển; khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn trên các vùng biển xa, vừa phát triển kinh tế vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo; tiếp tục xây dựng các khu kinh tế quốc phòng tại các đảo, quần đảo.

II. KẾ HOẠCH 5 NĂM ĐẾN NĂM 2025

1. Về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ

- Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương bảo đảm hiện đại, đồng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn cao. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, giữa trung ương với địa phương về công tác biển, đảo. Kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan thường trực, giúp việc cơ quan điều phối; thành lập Văn phòng thường trực tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Tăng cường năng lực cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo.

- Kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển ở các địa phương có biển do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người đứng đầu và tăng cường cơ sở vật chất, năng lực quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục biển và hải đảo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

- Xác định phạm vi, ranh giới quản lý biển giữa các địa phương có biển, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về biển, đảo có hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng lấn, tranh chấp trên biển.

- Rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về biển và hải đảo. Sơ kết việc thi hành và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn làm cơ sở xây dựng các dự án luật có liên quan về quản lý vùng bờ, khai thác, sử dụng các vùng biển và quản lý các hải đảo; xây dựng các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý hoạt động lấn biển, quản lý hải đảo, quản lý đất ngập nước ven biển; xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu thống kê quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển, bộ tiêu chí và chỉ số tổng hợp quản lý vùng biển cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo chuẩn mực quốc tế.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW; trọng tâm là lập Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, làm công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng và ban hành Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Xây dựng và đưa vào vận hành ổn định, thông suốt cơ chế phối hợp, liên thông trong cấp phép nhận chìm ở biển, xả nước thải vào môi trường biển, giao khu vực biển nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.

- Định kỳ 05 năm hai lần tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, đồng thời huy động sự hợp tác và các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

- Nghiên cứu xây dựng và đưa vào hoạt động Quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam với sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong nước và các đối tác quốc tế; nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển.

- Xây dựng và thí điểm triển khai mô hình quản trị biển thông minh, tiên tiến ứng dụng công nghệ hiện đại tại một số đô thị lớn ven biển và các hải đảo, bao gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau; xây dựng hệ thống truyền dữ liệu, thông tin liên lạc trên nền tảng công nghệ tiên tiến thông minh phục vụ cho các hải đảo.

- Đa dạng hoá hình thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tri thức về biển và hải đảo tới nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình truyền thông về biển và hải đảo đến năm 2030.

2. Về phát triển kinh tế biển, ven biển

a) Du lịch và dịch vụ biển

- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó tập trung phát triển du lịch và dịch vụ biển phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 36-NQ/TW.

- Rà soát, xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi cho công tác quy hoạch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú cho người nước ngoài ở Việt Nam để tạo sự phát triển đột phá cho du lịch và dịch vụ biển; sửa đổi, bổ sung danh mục ưu đãi đầu tư bao gồm các dự án du lịch tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển bền vững du lịch tại các vùng ven biển và hải đảo.

- Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về du lịch theo hướng hội nhập, hướng đến tiêu chuẩn cao của khu vực và quốc tế.

- Xây dựng và phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại một số tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang. Thí điểm phát triển du lịch sinh thái tại một số đảo xa bờ.

b) Kinh tế hàng hải

- Tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng (Lạch Huyện), Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; các cảng chuyên dùng quy mô lớn cho các liên hợp luyện kim, lọc hoá dầu, trung tâm nhiệt điện sử dụng than. Đối với cảng cửa ngõ quốc tế Bà Rịa - Vũng Tàu (khu bến cảng Cái Mép), bố trí vốn đầu tư nâng cấp hạ thấp cao độ đáy luồng vào bến cảng Cái Mép để có thể đón các tàu lớn trọng tải đến 200.000 tấn (18.000 TEU). Đồng thời, cải tạo nâng cấp các cảng đầu mối hiện có; xây dựng có trọng điểm một số cảng địa phương theo chức năng, quy mô phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động vốn. Phát triển cảng tại các huyện đảo với quy mô phù hợp để tiếp nhận hàng hoá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Đầu tư nâng cấp, nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải; lắp đặt, bảo trì hệ thống báo hiệu; đầu tư xây mới, bảo trì các đèn biển, nhà trạm... bao gồm các quần đảo và các đảo tiền tiêu thuộc chủ quyền của Việt Nam.

- Tiếp tục phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dụng có trọng tải lớn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu, tuyến quốc tế, các tuyến ven biển, vận tải than phục vụ nhà máy nhiệt điện, vận tải dầu thô phục vụ nhà máy lọc dầu, ga, khí hoá lỏng, xi măng... Tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn khai thác tuyến vận tải hành khách ven biển, từ đất liền ra đảo. Tiếp tục phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

- Nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đội tàu biển.

- Phát triển dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ; góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa; tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý cảng biển, hãng tàu biển nước ngoài để thu hút nguồn hàng thông qua cảng biển Việt Nam.

c) Khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác

- Nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, tận thăm dò dầu khí các bể trầm tích có tiềm năng đang khai thác, bao gồm bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Sông Hồng và Malay - Thổ Chu.

- Đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò các bể nước sâu xa bờ; nghiên cứu, thăm dò các dạng hydrocarbon phi truyền thống (băng cháy, khí than, khí sét, dầu trong sét...).

- Gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản đáy biển, đặc biệt là các khoáng sản có giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược.

- Áp dụng, cập nhật công nghệ cao trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối sản phẩm dầu, khí và các khoáng sản biển khác, bảo đảm hiệu quả cao, nâng cao hệ số thu hồi dầu khí, đặc biệt là các mỏ nhỏ, mỏ cận biển và tiết kiệm các nguồn lực khác, bảo vệ tốt tài nguyên sinh thái.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi và khuyến khích phục vụ công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác hiệu quả, an toàn dầu khí, khoáng sản theo từng giai đoạn.

d) Nuôi trồng và khai thác hải sản

- Chuyển đổi từ các mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ, nơi có hệ sinh thái đặc thù, nhạy cảm, nguồn lợi thủy sản có chiều hướng suy giảm và dễ chồng lấn với các hoạt động kinh tế khác ra vùng lộng và vùng khơi.

- Xây dựng và vận hành các mô hình nơi cư trú nhân tạo cho các loài sinh vật biển, mô hình nhà màng công nghệ cao có độ bền chịu biến đổi khí hậu biển, đảo và tận dụng các sản phẩm của các giải pháp xử lý môi trường, xử lý phụ phẩm thủy sản để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân trên các hải đảo, góp phần bảo vệ quốc phòng và an ninh trên các vùng biển, đảo. Ứng dụng công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng phục vụ khai thác thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thân thiện môi trường.

- Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thủy sản phục vụ phát triển kinh tế biển như khai thác thủy sản, nuôi biển, các công trình trên các vùng hải đảo và các ngư trường trọng điểm; khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt là hình thức hợp tác công tư trong các lĩnh vực thủy sản như nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản, xuất khẩu hải sản, hiện đại hóa hệ thống hậu cần nghề cá.

- Tiếp tục xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đặc biệt là trên các đảo quan trọng nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác hiệu quả trên các vùng biển xa bờ; xây dựng và vận hành 6 trung tâm nghề cá lớn, trong đó có 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm.

- Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản làm cơ sở quy hoạch, tổ chức sản xuất và quản lý đối với khai thác hải sản; nghiên cứu, áp dụng các phương pháp, ngư cụ, thiết bị khai thác tiên tiến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả.

- Thành lập, hỗ trợ một số doanh nghiệp nòng cốt khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản ở vùng biển xa bờ và viễn dương.

đ) Công nghiệp ven biển

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dự án sử dụng công nghệ nguồn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.

- Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị.

- Điều chỉnh quy hoạch các ngành công nghiệp có sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và gia tăng phát thải khí nhà kính.

- Huy động các nguồn lực ngoài ngân sách trung ương và có cơ chế, chính sách phù hợp cho đầu tư phát triển công nghiệp ven biển.

e) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới

- Ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng biển mới và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

- Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo.

- Phát triển các dự án điện gió tại một số tỉnh có tiềm năng, trước hết là tại các tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau.

g) Phát triển các vùng biển

- Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ biển tại vùng có tiềm năng, lợi thế tại một số địa phương ven biển.

- Xây dựng mô hình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mô hình hệ sinh thái bền vững cho các biển, hải đảo tại các vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

- Xây dựng quy trình sản xuất khép kín dựa trên công nghiệp nuôi trồng, khai thác, chế biến, xử lý các sản phẩm ngành thủy sản kết hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu ở các hải đảo làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế biển và hải đảo bền vững.

h) Phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển

- Đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp một số tuyến luồng hàng hải quan trọng: Hòn Gai - Cái Lân, Nghi Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Ba Ngòi, Cái Mép - Thị Vải, Trần Đề; cải tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn sóng, chắn cát, kè chính trị tại một số cửa biển.

- Xây dựng các đèn biển, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại đặc biệt về năng lượng, y tế, nước ngọt,... khu vực quần đảo Trường Sa.

- Tiếp tục xây dựng tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch.

- Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các cảng biển, bến neo đậu, cầu cảng tại các vũng, vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, đặc biệt là hạ tầng cầu cảng tại một số đảo như Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Trường Sa, Thổ Chu... để tăng cường khả năng tiếp cận điểm đến từ biển.

- Ưu tiên bố trí nguồn lực nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhằm đảm bảo kết nối, phát triển hệ thống đô thị ven biển, đảo và quần đảo của Việt Nam theo hướng bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

- Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng về nước sạch và thủy lợi cấp, tiêu thoát nước cho phát triển các ngành kinh tế, sinh hoạt, du lịch, dịch vụ tại các vùng ven biển, các đảo có người sinh sống.

3. Về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển

- Xây dựng các giải thưởng về biển và đại dương nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia các hoạt động về biển và hải đảo.

- Thống kê, đánh giá chỉ số phát triển con người tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và so sánh với chỉ số phát triển con người trung bình của cả nước hằng năm.

- Rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng kinh tế - xã hội tại các đảo có người dân sinh sống; bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục trên các đảo có người dân sinh sống còn thiếu hoặc chưa có.

- Ban hành bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo; 100% các xã đảo độc lập có trạm y tế xã đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo; 70% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2 và được trang bị hệ thống trợ giúp y tế từ xa; đầu tư cho 04 trung tâm cấp cứu 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển; 06 bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo và đóng mới 01 tàu biển có chức năng là tàu bệnh viện, trang bị thêm tính năng cấp cứu y tế cho 1 - 2 tàu cảnh sát biển; 100% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển.

- Nâng cao điều kiện làm việc và nhận thức về an toàn, an ninh hàng hải cho người đi biển và ngư dân.

- Đánh giá hiện trạng thiết chế văn hóa và xây dựng các giải pháp nhằm duy trì thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển, bao gồm bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế, cơ sở vật chất và nguồn kinh phí hoạt động.

- Phục hồi, nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm văn hóa biển đặc trưng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, trước hết là tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kiên Giang.

- Biên soạn và đưa vào chương trình giáo dục các tài liệu về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biến dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên; giáo dục nâng cao nhận thức về biển, đại dương cho cộng đồng dân cư tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Rà soát, đánh giá việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

4. Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển

- Xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về biển và hải đảo theo hướng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển; nghiên cứu gắn với điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển liên quan tới phóng xạ, năng lượng nguyên tử.

- Triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học biển đến năm 2025 được ban hành theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

- Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế biển của địa phương có biển; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học và công nghệ biển gắn với doanh nghiệp.

- Tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao.

5. Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng

- Ưu tiên xây dựng và triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.

- Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia; triển khai việc tích hợp và số hoá cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ bảo đảm việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu biển, đảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang và thành phố Hải Phòng.

- Đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường tại các địa phương có biển; xây dựng mô hình khép kín thu gom, phân loại, xử lý và tái sử dụng nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại tại các hải đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Hải Phòng,...

- Triển khai thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biên dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển ở Trung Bộ và Nam Bộ.

- Xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

- Tiếp tục hoàn thiện công tác thiết lập các khu bảo tồn biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg; thành lập ban quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng 16 khu bảo tồn biển thuộc hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam hoạt động hiệu quả; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển.

- Mở rộng phạm vi điều tra, thu thập số liệu về đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại các vùng biển, ven biển, ven đảo; hoàn thiện dữ liệu các khu vực có tiềm năng làm cơ sở đề xuất thành lập mới các khu bảo tồn biển.

- Điều tra bổ sung làm cơ sở đề xuất điều chỉnh mở rộng diện tích, các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển đã được thành lập.

- Phối hợp với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển tại vùng biển quốc gia và vùng biển quốc tế; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác xây dựng các khu bảo tồn biển liên quốc gia với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế.

- Tiếp tục hoàn thiện các ban quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng của 16 khu bảo tồn biển đã được phê duyệt trong quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam; xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư tại các khu bảo tồn biển Cát Bà, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Hòn Mun, Phú Quốc.

- Thực hiện các chương trình, đề án, dự án phục hồi và phát triển các hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển, đầm phá, bãi triều - cửa sông, rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển toàn quốc, trong đó ưu tiên các khu vực có tốc độ suy thoái nhanh.

- Thực hiện các dự án về đánh giá tính bền vững của các hệ thống tự nhiên, văn hóa sinh thái cho phát triển bền vững kinh tế biển.

- Thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại các thành phố Hạ Long, Hải Phòng, Hội An, Bạc Liêu, Phú Quốc.

- Thực hiện đầu tư, nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần khu vực Hải Phòng, Hội An; phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn; hoàn thiện chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai tại khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

- Tổ chức nghiên cứu, thực hiện đầu tư xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường biển, ứng phó có hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường biển, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

6. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế

- Nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, trong nước, tình hình Biển Đông liên quan việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; kịp thời tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

- Tăng cường bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh mạng, an ninh môi trường phục vụ triển khai thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển của Đảng, Nhà nước.

- Giải quyết ổn định các vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường, dân tộc, tôn giáo, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự an toàn ở các vùng biển và ven biển.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại các vùng ven biển, hải đảo và các khu vực có hoạt động kinh tế biển, nhất là trong quản lý cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài, quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

- Hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật khu vực biển. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh phục vụ bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, đáp ứng nhu cầu công tác bảo vệ an ninh, trật tự vùng biển, đảo.

- Chủ động, tích cực tham gia và đề xuất, thực hiện các sáng kiến hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là các hoạt động hợp tác biển trong khuôn khổ ASEAN và khu vực Thái Bình Dương.

- Phối hợp với các nước thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), thúc đẩy việc sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

- Thực hiện nghiêm túc các điều ước, thoả thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu thúc đẩy tham gia các điều ước quốc tế về các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển; thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.

- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Duy trì, thúc đẩy các cơ chế đàm phán, đối thoại giải quyết tranh chấp trên biển với các nước liên quan nhằm tăng cường đối thoại, hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên biển và tạo điều kiện để mở rộng hợp tác biển.

- Tăng cường hợp tác, tham gia tích cực, hiệu quả tại các tổ chức chuyên môn quốc tế và khu vực về biển nhằm tăng cường năng lực chuyên môn, khoa học - kỹ thuật, đồng thời góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của ta.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện việc triển khai Nghị quyết này; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW để báo cáo Chính phủ.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này; định kỳ 05 năm hai lần tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp đã đề ra từ diễn đàn lần trước và thảo luận, đề xuất các định hướng chiến lược, giải pháp mới với kết quả và thời hạn hoàn thành cụ thể theo yêu cầu của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

3. Các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát, đánh giá tổng thể và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo để thực hiện đầy đủ và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.

4. Bộ Ngoại giao thực hiện tốt công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia trên biển; chủ trì, điều phối công tác thông tin đối ngoại, điều ước, thỏa thuận quốc tế, dự báo chiến lược các vấn đề quốc tế liên quan đến chính sách phát triển các vùng biển Việt Nam; đẩy mạnh việc tham gia hiệu quả của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển. Tiếp tục triển khai các đề án và tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển với các nước láng giềng, xây dựng các đề án bảo vệ chủ quyền, quyền lợi của Việt Nam và tham gia các điều ước quốc tế về biển.

5. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển và hải đảo; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên các vùng biển, đảo; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; kiên trì xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định và trật tự pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững kinh tế biển.

6. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để chống phá; làm tốt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế khu vực ven biển, hải đảo.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan xác định các nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhiệm vụ thu hút các nguồn vốn khác trong và ngoài nước; ưu tiên và kịp thời bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai, phát huy hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết này; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

8. Bộ Tài chính trình các cấp có thẩm quyền cân đối nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết này cho các bộ, cơ quan trung ương trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

9. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiện toàn tổ chức bộ máy ở trung ương và địa phương có biển về quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo theo Nghị quyết này.

10. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về biển và hải đảo; Đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ định hướng công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong bối cảnh các thách thức mới nổi về an ninh môi trường biển và triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ khác, bảo đảm khoa học và công nghệ thực sự là khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

11. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao, cùng với khoa học và công nghệ làm khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

12. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng các đề án, dự án, nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức của nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển và hải đảo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nước ta trên Biển Đông, về tiềm năng, lợi thế và sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

13. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy các tuyến du lịch sinh thái tại một số đảo xa bờ.

14. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện tốt Luật Thủy sản năm 2017; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành thủy sản phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các quy hoạch chuyên ngành để phát triển thủy sản, chỉ đạo đầu tư xây dựng các trung tâm nghề cá lớn; thực hiện phòng, chống thiên tai từ biển; xây dựng các chính sách về nuôi trồng và khai thác thủy sản, bảo tồn biển; bảo tồn, phục hồi và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển, ven biển, ven đảo để đóng góp vào phát triển kinh tế biển, ven biển.

15. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị ven biển, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh; thực hiện tốt hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị ven biển, hải đảo.

16. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình có thẩm quyền ban hành, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chính sách, văn bản về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không phục vụ phát triển kinh tế biển; tham mưu đề xuất Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về hợp tác công - tư trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển.

17. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển kinh tế biển; phát triển các ngành công nghiệp ven biển có trọng tâm, trọng điểm và thân thiện với môi trường.

18. Các bộ, ngành ngoài các nhiệm vụ cụ thể nêu trên và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết này và chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng Kế hoạch thực hiện của bộ, ngành, địa phương mình và ban hành trong quý I năm 2020; tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ nhằm phát triển bền vững kinh tế biển; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện và trước tháng 12 hằng năm gửi báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

- Các bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển và kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được phân công theo Nghị quyết này trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Ủy ban nhân dân cấp tình trình Hội đồng nhân dân chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ được giao theo phân cấp ngân sách hiện hành.

- Chủ trì rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan đến biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết này, hoàn thành trước tháng 6 năm 2020 làm cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo phương pháp tích hợp, đa ngành.

- Tiếp tục thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những năm trước đây còn hiệu lực thi hành thuộc phạm vi điều chỉnh trên các vùng biển, ven biển và các hải đảo; đồng thời triển khai thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ trong Nghị quyết này (Phụ lục kèm theo).

II. Đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết./


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN(2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH TỔNG THỂ ĐẾN NĂM 2030 VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM ĐẾN NĂM 2025 THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2018 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ)

TT

Tên đề án, dự án, nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

I

VỀ QUẢN TRỊ BIỂN VÀ ĐẠI DƯƠNG, QUẢN LÝ VÙNG BỜ

Đến năm 2025

1

Rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Các bộ, ngành

Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương có liên quan

2

Sơ kết, tổng kết việc thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

3

Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

4

Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

5

Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

6

Đề án tăng cường năng lực và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đến năm 2030

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

7

Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

Giai đoạn 2026 - 2030

1

Đề án điều tra, đánh giá tổng thể và xếp hạng sức khỏe hệ sinh thái biển

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

II

VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN, VEN BIỂN

Đến năm 2025

1

Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

2

Đề án phát triển bền vững du lịch, dịch vụ biển và hải đảo Việt Nam đến năm 2030

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

3

Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

4

Dự án đầu tư hệ thống thông tin quản lý nghề cá

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

5

Dự án phát triển bền vững các xã đảo, huyện đảo tiền tiêu và một số đảo xa bờ gắn với du lịch sinh thái chất lượng cao, kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển

Các bộ, ngành, địa phương có liên quan

6

Dự án đầu tư xây dựng các đèn biển khu vực quần đảo Trường Sa

Bộ Giao thông vận tải

Các bộ, ngành, địa phương có liên quan

7

Đề án về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối khoáng sản biển; nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các nguồn tài nguyên khoáng sản biển

Bộ Công Thương

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

8

Đề án phát triển điện khí, năng lượng tái tạo tại vùng biển, ven biển và hải đảo

Bộ Công Thương

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

9

Đề án xây dựng, phát triển một số đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Bộ Xây dựng

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

III

VỀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, XÂY DỰNG VĂN HÓA BIỂN, XÃ HỘI GẮN BÓ, THÂN THIỆN VỚI BIỂN

Đến năm 2025

1

Đề án xây dựng, hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

2

Đề án xây dựng và quản lý khu dân cư sinh thái ven biển

Ủy ban Dân tộc

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

3

Đề án phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên các đảo và vùng ven biển; các chế độ, chính sách bảo đảm cho cán bộ y tế tình nguyện ra công tác trên các đảo và vùng bãi ngang ven biển.

Bộ Y tế

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

4

Đề án phát triển chuyên ngành y học biển

Bộ Y tế

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

5

Đề án hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu phát triển kinh tế biển để giải quyết an sinh xã hội tại vùng khó khăn ven biển và hải đảo

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

6

Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; phát triển và phục hồi các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ven biển Việt Nam góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển, ven biển

Ủy ban Dân tộc

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương có biển

7

Đề án thành lập Giải thưởng Việt Nam về biển và đại dương

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

8

Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

Giai đoạn 2026 - 2030

1

Đề án duy trì, phát triển các trung tâm văn hóa biển; bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển

Các bộ, ngành, địa phương có liên quan

IV

VỀ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC BIỂN

Đến năm 2025

1

Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về biển, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

2

Đồ án đưa các nội dung giáo dục về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào chương trình các cấp học và trình độ đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

3

Đề án xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển quốc gia đến năm 2030

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

4

Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực các trình độ giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề trình độ cao và đào tạo chuyển đổi nghề cho nhân dân vùng ven biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

5

Đề án phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

6

Đề án phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; nghiên cứu mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực ven biển, hải đảo.

Bộ Công Thương

Các bộ, ngành có liên quan

7

Đề án phát triển nuôi trồng hải sản trên biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

Giai đoạn 2026 - 2030

1

Đề án nâng cấp Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thành viên cấp quốc gia

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan

2

Đề án nghiên cứu về sinh dược học biển ở vùng biển Việt Nam ứng dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biên

3

Đề án thành lập các trung tâm nghiên cứu tiên tiến, xuất sắc trong các lĩnh vực công nghệ giám sát biển, sinh học biển, y dược biển và xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về biển và hải đảo

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

4

Tiếp tục thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về biển, hải đảo giai đoạn 2026 - 2030

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

V

VỀ MÔI TRƯỜNG, ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI, BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG

Đến năm 2025

1

Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biến và hải đảo đến năm 2030

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành, địa phương có liên quan

2

Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% diện tích các vùng biển Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

3

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho lực lượng kiểm ngư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

4

Dự án đầu tư xây dựng mới trạm ra đa thời tiết và trạm thám không vô tuyến Trường Sa phục vụ công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, phục vụ phát báo quốc tế

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh Khánh Hoà

Giai đoạn 2026 - 2030

1

Tiếp tục triển khai “Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025”, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích các vùng biển Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển

VI

BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, ĐỐI NGOẠI VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ

Đến năm 2025

1

Đề án kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển, đảo

Bộ Quốc phòng

Các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có biển

2

Đề án tăng cường tiềm lực khoa học, kỹ thuật cho lực lượng Công an nhân dân phục vụ Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ Công an

Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có biển

3

Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có biển

4

Tiếp tục triển khai các đề án và tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển với các nước láng giềng; xây dựng các đề án bảo vệ chủ quyền, quyền lợi của Việt Nam và tham gia các điều ước quốc tế về biển

Bộ Ngoại giao

Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan

5

Đề án quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh

Bộ Quốc phòng

Các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có biển

6

Nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết và triển khai Đề án xây dựng khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa

Bộ Quốc phòng

Các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có biển

7

Đề án tham gia các thiết chế đa phương khu vực và quốc tế nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trên biển và an ninh phi truyền thống trên biển

Bộ Quốc phòng

Các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có biển

Giai đoạn 2026 - 2030

1

Đề án thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan

2

Nghiên cứu hình thành tập đoàn kinh tế biển của Quân đội từ các doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng thuộc Quân chủng Hải quân

Bộ Quốc phòng

Các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có biển

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 26/NQ-CP

Hanoi, March 05, 2020

 

RESOLUTION

PROMULGATING GOVERNMENT’S MASTER PLAN AND 5-YEAR PLAN FOR IMPLEMENTATION OF RESOLUTION NO. 36-NQ/TW DATED OCTOBER 22, 2018 BY 8TH CONFERENCE OF 12TH CENTRAL STEERING COMMITTEE OF THE COMMUNIST PARTY ON STRATEGY FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF VIETNAM’S OCEAN ECONOMY BY 2030, WITH VISIONS TOWARDS 2045

THE GOVERNMENT

Pursuant to Resolution No. 36-NQ/TW dated October 22, 2018 by the 8th Conference of the 12th Central Steering Committee of the Communist Party on strategy for sustainable development of Vietnam’s ocean economy by 2030, with visions towards 2045;

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;

At the request of the Minister of Natural Resources and Environment in the Proposal No. 26/TTr-BTNMT dated May 29, 2019,

HEREBY RESOLVES:

The Government’s master plan and 5-year plan for implementation of Resolution No. 36-NQ/TW dated October 22, 2018 by the 8th Conference of the 12th Central Steering Committee of the Communist Party on strategy for sustainable development of Vietnam’s ocean economy by 2030, with visions towards 2045, with the following basic contents, are promulgated:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

I. OBJECTIVES

1. For the master plan by 2030, with visions towards 2045:

Specify major guidelines, objectives, viewpoints, breakthrough tasks and main solutions for development of Vietnam’s ocean economy by 2030, with visions towards 2045, which are put forward in Resolution No. 36-NQ/TW; identify key tasks, formulate the roadmap to performance of such tasks and assign tasks to relevant ministries, central authorities and local governments.

2. For the 5-year plan by 2025:

Identify key and urgent tasks that must be prioritized by 2025 to implement major guidelines, perform breakthrough tasks and adopt main solutions for development of Vietnam’s ocean economy put forward in Resolution No. 36-NQ/TW.

Assign in-charge bodies and cooperating bodies for tasks as appropriate to capacity and ability to mobilize resources of the economy, including state budget, private investment, foreign investment and development aid.

Effective implementation of the 5-year plan by 2025 is a basic and crucial condition for the success of the master plan by 2030, with visions towards 2045.

II. REQUIREMENTS

1. General requirements

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Promote innovation and ensure sustainability in development of Vietnam’s ocean economy, build a brand for Vietnam’s oceans; achieve breakthroughs in efficient and appropriate use of territorial waters, coastal areas and islands; ensure feasibility in mobilization and use of resources, as suitable for domestic and international situations.  

Ensure Vietnam’s legitimate rights and interests in the South China Sea in accordance with international law on the sea, especially the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS).

2. Specific requirements

Adopt main solutions for sustainable development of Vietnam’s ocean economy put forward in Resolution No. 36-NQ/TW consistently based on impartial and comprehensive assessment of capacity of each ministry, central authority and local government.

Diversify, mobilize and use investment capital effectively, including state budget, private investment, foreign investment and development aid for sustainable development of the ocean economy.

Ensure integration, incorporation, non-overlapping, continuity and inheritance of past results of tasks assigned to ministries, central authorities and local governments. Specify some tasks for the 2026 - 2030 period.

B. CONTENTS AND SOLUTIONS

I. MASTER PLAN BY 2030, WITH VISIONS TOWARDS 2045

1. Marine and coastal zone management

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Continue to strengthen and reform organizational structure and operations of central and local marine and island authorities; develop capable, professional and modern officials in charge of marine and island management. Enhance effectiveness of cooperation between regulatory bodies, between the State and residential communities, enterprises and relevant parties via specific regulatory mechanisms and instruments. Strengthen organizational structure models and improve capacity for management of islands, archipelagoes, ocean banks, low-tide elevations and coastal areas.

- Annually carry out evaluation based on general marine and island management indicators for coastal provinces and central-affiliated cities, which shall provide the basis for enhancement of general management of natural resources and protection of marine and island environments. Assess achievement of the objectives and contents provided for in Resolution No. 36-NQ/TW based on a scoring system twice every 05 years to provide the basis for development of suitable solutions and plans for improvement of marine and coastal zone management. Prepare preliminary and summary reports on and comprehensive assessment of implementation of Resolution No. 36-NQ/TW and provide guidelines appropriate to the situation of the new period.

2. Ocean and coastal economy development

a) Ocean tourism and services

- Invest in development of technical facilities and infrastructure for tourism in key areas and areas being drivers of coastal and island tourism; enable different economic sectors to develop tourism services complexes, large-scale service projects, high quality recreational facilities and shopping malls, ecotourism, scientific exploration and community-based tourism.

- Pilot tourism routes to offshore waters and islands in combination with other ocean services. Further promote tourism and diversify ocean tourism brands, products and product lines meeting international standards on the basis of biodiversity conservation, promotion of the value of special natural, cultural and historical heritages of each region, and connection with international tourism routes. Hold festivals celebrating the ocean culture and ocean cuisine, attracting domestic and international tourists to Vietnam’s waters and islands while evoking citizens’ patriotism.

- Formulate mechanisms and policies encouraging people living by the sea to change their professions, engage in business directly and profit from tourism. Formulate incentive policies and mechanisms for tourism enterprises investing in sea and island ecotourism products and tourism routes to offshore islands. Formulate mechanisms and policies for development of rescue services; and enhancement of the roles of socio-professional organizations and residential communities in development of ocean tourism and services.

b) Maritime economy

- Develop seaports in accordance with general and consistent planning nationwide to meet requirements of national industrialization and modernization; provide technical facilities to enable Vietnam to integrate quickly and compete against other countries in the region and around the world in seaport operations. Form key points of contact for economic exchange with other countries to create drivers for development of coastal economic zones, urban zones and industrial parks.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Invest in modern freighters that have better quality and appropriate and safe structures, help mitigate environmental pollution and save energy; enhance competitiveness to facilitate proactive regional and global integration.

- Develop auxiliary services to transport and multimodal transport in a consistent manner, especially improving quality of logistics services to reduce logistics costs, connect transport infrastructure effectively and turn logistics services into a high added value sector, enhancing the economy’s competitiveness.

c) Extraction of oil, gas and other marine natural resources

- Continue to explore minerals, oil, gas and unconventional hydrocarbons in offshore sediment basins to increase mineral, oil and gas reserves.

- Improve extraction efficiency, increase recovery factors of marine natural resources in combination with deep processing; combine extraction and processing with environmental protection and marine biodiversity conservation in a harmonious manner.

- Focus on investment in leading and nucleus infrastructure and industrial parks of the oil, gas and mineral industries; promote international cooperation and technology development, exchange and transfer concerning oil, gas and minerals.

d) Mariculture and commercial fishing

- Focus on developing industrialized, modern and high tech mariculture and coastal mariculture.

- Prioritize conversion of some commercial fishing jobs that are destructive to aquatic resources and forbidden jobs to reduce fishing effort; boost development of offshore commercial fishing jobs in the industrialization direction, connecting sustainable fishing with aquatic resources protection and growth; make change to number of commercial fishing vessels and yield as appropriate to sustainable yield of aquatic resources in each sea. Modernize management of commercial fishing vessels, crew and vessel safety assurance and post-fishing product preservation with advanced technologies to promote ocean economy development, help assert Vietnam’s sovereignty and observe international regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Build and put into use sound manufacturing organization models for aquaculture and commercial fishing; increase yield, quality and efficiency as appropriate to environmental and aquatic resources conditions; improve living standards of fishing communities, and contribute to national defense and security on seas and islands.

- Turn islands into stations providing essential items and commercial fishing logistics, anchorages and wharves in case of sea storms, and locations providing energy and processing seafood for offshore commercial fishing vessels.

dd) Coastal industries

- Prioritize development of ecofriendly hi-tech industries, foundation industries and source technology.

- Promote ship and boat building and repair, petrochemistry, energy, mechanical engineering and processing industries and auxiliary industries as appropriate.

- Ensure objectives and orientations concerning development of coastal economic zones are suitable for the capacity, potential and strengths of each locality/region on the basis of harmonization of local/regional interests and national interests.

- Consistently reform mechanisms and policies enabling breakthroughs in sustainable development of coastal industries, ensure environmental and social issues are resolved properly and concurrently, improve efficient use of natural resources, save energy and develop social infrastructures.

e) Renewable energy and new ocean economic sectors

- Boost development of sectors manufacturing equipment of service to the renewable energy sector, aiming to master some technologies, designs and equipment manufacturing.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Support investment in programs for investigation into and pilot production and building of model points of use of renewable energy; grant incentive to taxes imposed upon import of new equipment and technologies and equipment manufacturing and trade; protect copyright on valuable technical innovations and inventions in the field of renewable energy and new ocean economic sectors.

g) Territorial waters development

- Northern waters and coasts (Quang Ninh - Ninh Binh): continue to develop Quang Ninh and Hai Phong into centers of the ocean economy; Quang Ninh into a national tourism center connected with large international tourism centers of the region and around the world; Hai Phong into a center of logistics services for international seaports and large commercial fishing center connected with fishing grounds of the Gulf of Tonkin; and boost aquatic product processing and coastal and offshore aquaculture in both Quang Ninh and Hai Phong.

- North Central and Central waters and coasts (Thanh Hoa - Binh Thuan): build deep-water international transshipment hubs and specialized seaports connected with clean industries, renewable energy, electricity, oil and gas and industrial complexes; develop large tourism centers; seafood farming, exploitation and processing, commercial fishing infrastructures and logistics services.

- Southeastern waters and coasts (Ba Ria - Vung Tau - Ho Chi Minh City): develop international container ports, seaport logistics services, maritime safety assurance services, oil and gas industry, auxiliary industries and oil and gas services; develop Ba Ria - Vung Tau into a large commercial fishing center connected with Southeastern fishing grounds, boost coastal and offshore aquatic product processing and aquaculture.

- Coasts and waters of the Mekong delta (Tien Giang - Ca Mau - Kien Giang): develop Phu Quoc into a strong and international marine ecotourism and services center; boost the gas industry, gas processing,  LNG power generation, renewable energy, seafood farming and exploitation, logistics services and infrastructures for commercial fishing; connect with large economic centers in the region and around the world.

h) Marine and coastal infrastructures development

- Upgrade breakwaters, sand-drift dikes and regulatory embankments along some navigational channels, ensuring stable operation of such channels.

- Invest in roads connecting seaports with domestic and international regions, contributing to sustainable development of the ocean economy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Improvement of living conditions, fostering of the ocean culture and ocean-friendly society

- Provide sufficient socio-economic infrastructures, especially those for power, fresh water, communication, healthcare and education on islands.

- Ensure that people living and working on waters and islands can access and use quality healthcare services to improve their health; comply with all international regulations on assurance of maritime healthcare; continue to evaluate human development index of 28 coastal provinces and central-affiliated cities and compare with the whole country’s annual average human development index.

- Formulate, complete and develop cultural institutions for marine and coastal residential communities, including facilities, organizational structure, personnel, regulation and funding.

- Preserve, restore and promote historical and cultural sites/monuments and festivals; preserve cultural spaces and natural structures and heritages, maintain and develop signature cultural centers in coastal provinces and central-affiliated cities.

- Popularize scientific knowledge on marine and island ecosystems; regularly launch campaigns raising the community’s awareness of the importance of seas to socio-economic development for coastal provinces and central-affiliated cities.

- Educate on the sea, adaptation to climate change and sea level rise and natural disaster prevention for students at all education levels.

- Formulate consistent mechanisms for management of coastal setbacks and assurance of people’s right to access the sea in coastal provinces and central-affiliated cities.

4. Marine human resources development, science and technology

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Establish centers for scientific research and application of state-of the-art technologies such as marine biotechnology, space technology for marine surveillance and deep seabed exploitation based on inheritance and development of existing resources.

- Train high-quality marine human resources; provide mechanisms for attracting domestic and foreign high-quality personnel, scientists and experts that can contribute to the cause of Vietnam’s seas and islands.

- Promote cooperation with and utilize assistance from international and regional organizations and partners for development of marine infrastructures and human resources, scientific research and application of modern technology to ocean economic sectors, environmental protection, natural disaster prevention and adaptation to climate change and sea level rise. Boost and actively participate in international activities supporting the United Nations Decade of Ocean Science for Sustainable Development.

5. The environment, response to natural disasters, climate change and sea level rise

- Continue to review, develop and carry out schemes, projects and tasks of the key program for baseline surveys of marine and island natural resources and environments.

- Complete digitalization and integration of marine and island databases of ministries, central authorities and local governments into the national marine database; upgrade technological infrastructures to ensure data input, update, use and sharing for marine and island information systems and databases of ministries, central authorities and local governments.

- Invest in and reinforce infrastructures and equipment in a synchronized manner for systems for collection and treatment of hazardous waste, household solid waste and waste water in accordance with environmental regulations and collect and treat these types of waste.

- Implement planning for coastal metro areas, economic zones, industrial parks and industry clusters approved by competent authorities in a sustainable manner based on ecosystems, smart adaptation to climate change and sea level rise, and compliance with regulations of law on environmental protection.

- Formulate and carry out scientific research and investigation schemes, projects and tasks that provide the basis for determination of and proposal for expansion and establishment of marine protected areas effectively.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Implement general planning and detailed planning for marine protected areas and conservation areas for aquatic resources; build some essential infrastructures that support operations of management boards of marine protected areas; formulate and implement mechanisms and policies for job change and livelihood creation for residential communities living in and near marine protected areas.

- Continue to carry out programs, schemes, projects and tasks concerning restoration and development of coral reef, seagrass bed, lagoon, tidal flat - estuary, mangrove forest and coastal protection forest ecosystems.

- Invest in establishment of marine animal rescue centers in some marine protected areas.

- Invest in building of smart metropolises capable of adapting to climate change and sea level rise in coastal provinces and central-affiliated cities.

- Upgrade warning systems for natural disasters, earthquakes and tsunamis; prevent coastal erosion, coastal landslides, floods and saltwater intrusion; complete disaster risk financing and insurance policies.

- Invest in and put into use at least one specialized satellite for natural disaster, marine environment, climate change and sea level rise surveillance; strengthen personnel and equipment for monitoring of and automatic warning about environmental quality, response to environmental emergencies and hazardous chemicals in the sea; manage marine waste, especially plastic waste; improve marine environmental quality. Connect, exchange, share and update information and databases concerning marine natural resources and environment with other countries in Asia-Pacific and relevant international organizations and countries.

6. National defense and security, foreign affairs and international cooperation

- Utilize the collective strength, maintain independence, sovereignty and territorial integrity; protect airspace, territorial waters and islands of the Fatherland.

- Build strong forces, with the core being the navy, air force, marine police and border guards, and promote cooperation with the forces of coastal military zones, fisheries surveillance force, marine militia and self-defense forces, etc. to manage and protect sovereignty over seas and islands, ensure law enforcement on the sea, improve capacity of forces in charge of natural disaster prevention and mitigation and marine rescue, provide support for citizens to work and live in territorial waters and on islands and for activities for development of the ocean economy; establish the all-people national defense posture and people's security posture on the sea via economic - national defense activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Train coastal and island police forces capable in all aspects, which shall be the core forces for maintaining political security, public order and social safety in territorial waters and on islands, contributing to safety and security protection for residents, workers and marine economic activities, and for foiling plots where marine and island issues are exploited to threaten political stability and order, discipline and safety in coastal areas and on islands.

- Invest in modern equipment, pay attention to personnel training, enhance law enforcement effectiveness as well as cooperation and combat capabilities of forces involved in protection of sovereignty over seas and islands, national interests and safety and security for the people and marine economic activities.

- Boost seafood production and commercial fishing; encourage people to settle on islands and work on offshore seas for economic development and sea and island protection purposes; continue to build national defense - economic zones on islands and archipelagoes.

II. 5-YEAR PLAN BY 2025

1. Marine and coastal management

- Strengthen and modernize central and local marine and island authorities in a consistent manner; develop capable officials with great expertise. Enhance effectiveness of cooperation in marine and island tasks between regulatory bodies and between central and local governments. Strengthen the interdisciplinary regulatory body that is in charge of directing implementation of the strategy for sustainable development of the ocean economy in a unified manner and is headed by the Prime Minister; assign the Ministry of Natural Resources and Environment as the standing body that assists such regulatory body; establish a standing office at Vietnam Administration of Seas and Islands. Enhance capacity of the Ministry of Natural Resources and Environment and Vietnam Administration of Seas and Islands to enable them to assist the Government and the Prime Minister with general and unified state management of seas and islands.

- Strengthen the interdisciplinary regulatory body that is in charge of directing implementation of the strategy for sustainable development of the ocean economy of each coastal province in a unified manner and is headed by the Chairperson of the People’s Committee of such province; enhance facilities and capacity for general and unified state management of seas and islands of Departments of Natural Resources and Environment and sea and island authorities of coastal provinces and central-affiliated cities.

- Determine sea management scope and boundaries between coastal localities, ensuring effective and efficient state management of seas and islands, and preventing overlapping management and ocean disputes.

- Review and assess policies and legislation on seas and islands in a comprehensive manner. Prepare preliminary reports on implementation of and amendment to the Law on Natural Resources and Environment of Seas and Islands; research scientific and practical bases to provide the basis for formulation of relevant bills concerning coastal zone management, use of territorial waters and island management; formulate decrees and other legislative documents on land reclamation management, island management and management of coastal wetlands; develop national statistical indicators and criteria for sustainable development of the ocean economy, and indicators and criteria for general territorial waters management for coastal provinces and central-affiliated cities in accordance with international standards.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Increase investment in forces in charge of law enforcement, baseline surveys and general and unified management of seas and islands, which contribute to sustainable development of the ocean economy.

- Summarize and assess implementation of the strategy for sustainable natural resources extraction and use and marine environment protection by 2020 with visions towards 2030; strategy for integrated coastal zone management by 2020 with visions towards 2030, which shall serve as the basis for formulation and promulgation of the strategy for sustainable natural resources extraction and use and marine and island environments protection by 2030 with visions towards 2045 and strategy for general coastal zone management by 2030 with visions towards 2045.

- Develop and put into use mechanisms for cooperation and connection in granting of permits for sea dumping, discharge of waste water into seas and allocation of sea areas to enhance efficiency of management of natural resources extraction and use and marine environment protection.

- Hold a forum for sustainable development of Vietnam’s ocean economy twice every 5 years to assess implementation of Resolution No. 36-NQ/TW and mobilize cooperation in and resources for sustainable development of the ocean economy.

- Establish and put into use a fund for promotion of sustainable development of Vietnam’s ocean economy with the participation of domestic economic sectors and international partners; research and formulate a national target program for sustainable development of the ocean economy.

- Build and pilot advanced and smart marine administration models that apply modern technology in some large coastal metropolises and on islands, including Hai Phong, Da Nang, Ba Ria - Vung Tau, Kien Giang and Ca Mau; establish a data and information transmission system based on advanced and smart technology for islands.

- Diversify educational contents on the Communist Party’s guidelines and state policies and laws, knowledge about seas and islands and methods for delivery of these contents to citizens, overseas Vietnamese and the international community. Formulate and launch a seas and islands awareness program by 2030.

2. Ocean and coastal economy development

a) Ocean tourism and services

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Review, formulate and promulgate incentive policies for human resources planning, training and development, tourism promotion, and exit, transit and stay of foreigners in Vietnam to achieve breakthroughs in ocean tourism and services; amend list of investment incentives, including tourism projects in key areas and areas being drivers of sustainable tourism development in coastal zones and on islands.

- Formulate the national tourism standards in accordance with ASEAN standards; review and complete national tourism standards and regulations with the aim of integration and high levels of regional and international standards.

- Build and develop high quality seaside resorts in Quang Ninh, Khanh Hoa and Kien Giang. Pilot ecotourism on some offshore islands.

b) Maritime economy

Upgrade, dredge and maintain navigational channels; install and maintain signaling systems; maintain lighthouses, stations, etc. on archipelagoes and front-line islands over which Vietnam has sovereignty and build new ones.

- Continue to develop modern and well performing Vietnamese vessels; focus on large specialized vessels capable of import and export transport, international transport, coastal transport, transport of coal for thermal power plants, transport of crude oil for oil refineries, LNG plants, cement plants, etc. Continue to improve coastal and land-to-island passenger transport and ensure safety thereof. Continue to develop auxiliary services to maritime transport and multimodal transport in a consistent manner, especially improvement of logistics services quality.

- Increase market share of import and export transport. Develop coastal and land-to-island passenger transport routes. Concurrently, enhance state management, reform institutions and policies to provide transparent and advantageous legal frameworks, reform administrative procedures to resolve difficulties, remove barriers and encourage all economic sectors to invest in vessels.

- Develop maritime transport services in consistency with seaports, focus on utilizing domestic maritime transport routes to lighten road traffic load; reduce costs and increase payload. Take full advantage of seaport locations, especially international gateway ports, to attract large vessels transporting imports and exports over long distances; promote cooperation with foreign port authorities and shipping lines to attract traffic to Vietnamese seaports.

c) Extraction of oil, gas and other marine natural resources

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Boost search for oil and gas in offshore deepwater basins; search for unconventional hydrocarbons (methane hydrate, coal gas, shale gas, shale oil, etc.).

- Connect oil and gas exploration with investigation into and exploration and assessment of seabed mineral resource potential, especially minerals of high value and strategic significance.

- Apply up-to-date high technology to exploration, extraction, processing and distribution of petroleum products and other marine minerals to ensure high efficiency, increase recovery factor, especially for small mines and seaside mines, save other resources and protect ecological resources properly.

- Review, amend and complete legislative documents while formulating mechanisms and policies facilitating efficient and safe oil, gas and mineral exploration and extraction for each period of time.

d) Mariculture and commercial fishing

- Convert from small-scale aquaculture models with outdated technology to commercial models that apply modern and sustainable technology and protect the environment; move fishing grounds from coastal waters, where there are peculiar and sensitive ecosystems, decreasing aquatic resources and other economic activities, to inshore zones and offshore zones.

- Build and put into use artificial shelter models for sea life and hi-tech poly-greenhouse models able to withstand climate change on seas and islands, and utilize products from environmental remediation solutions and aquaculture by-product processing to enhance economic performance and increase income of fishing communities on islands, contributing to national defense and security in territorial waters and on islands. Apply high and energy-saving technologies to commercial fishing to increase productivity and promote ecofriendliness.

- Formulate, promulgate and implement policies prioritizing investment in aquaculture infrastructures that contribute to development of the ocean economy such as commercial fishing, mariculture, structures on islands and key fishing grounds; encourage foreign investment in and privatization, especially public-private collaboration, of the aquatic product industry such as seafood farming, exploitation, processing, preservation and export, and modernization of fishing logistics.

- Continue to build fishing ports and asylum harbors for commercial fishing vessels, especially on important islands, to assist fishers in commercial fishing in offshore waters; establish and put into use 6 large commercial fishing centers, 5 of which shall be connected to key fishing grounds.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Establish and support some core enterprises with exploitation, farming and processing of aquatic products in offshore waters.

dd) Coastal industries

- Promote attraction of investment in and development of ecofriendly hi-tech industries and projects on application of source technology in coastal economic zones and industrial parks.

- Prioritize development of deep processing industries and high technology application to increase value.

- Revise planning for industries using fossil fuels, which poses risk of environmental pollution and increase of greenhouse gases.

- Mobilize resources besides central government budget and provide suitable mechanisms and policies for investment in coastal industries.

e) Renewable energy and new ocean economic sectors

- Prioritize investment in renewable energy on islands for production and daily living while ensuring national defense and security.

- Formulate incentive policies and mechanisms for Vietnamese and foreign individuals and business entities to cooperate in investment in new ocean and renewable energy sources on the basis of mutual benefit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Develop wind power projects in some potential provinces, starting with Binh Thuan, Bac Lieu and Ca Mau.

g) Territorial waters development

- Focus on ocean services and tourism development in potential and favorable areas in some coastal localities.

- Build models of sustainable development in response to climate change and sea level rise, and sustainable ecosystem models for seas and islands in territorial waters and along the North Central coast, Central coast and Mekong delta coast.

- Formulate closed production procedures based on aquatic product farming, exploitation and processing industries in connection with development of hi-tech agriculture responding to climate change on islands, which shall provide the basis for sustainable ocean and island economy development.

h) Marine and coastal infrastructures development

- Upgrade some important navigational channels such as Hon Gai - Cai Lan, Nghi Son, Cua Lo, Da Nang, Quy Nhon, Ba Ngoi, Cai Mep - Thi Vai, and Tran De; upgrade breakwaters, sand-drift dikes and regulatory embankments at some estuaries.

- Build lighthouses and modern infrastructures, especially for energy, healthcare, fresh water, etc., in a synchronized manner on the Spratly Islands.

- Continue to build roads along Vietnam’s coasts following planning.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Prioritize allocation of resources for building modern infrastructures in a synchronized manner, ensuring that Vietnam’s coastal metropolises, islands and archipelagoes are connected and developed towards sustainability and sovereignty over seas and islands are protected.

- Invest in infrastructures for clean water and irrigation for development of economic sectors, daily living, tourism and services in coastal zones and on inhabited islands.

3. Improvement of living conditions, fostering of the ocean culture and ocean-friendly society

- Hand out sea-related awards to encourage Vietnamese and foreign organizations and individuals to engage in sea- and island-related activities.

- Enumerate and assess human development index of 28 coastal provinces and central-affiliated cities and compare with the whole country’s annual average human development index.

- Assess the state of existing socio-economic infrastructures on inhabited islands; provide sufficient socio-economic infrastructures, especially infrastructures for power, fresh water, communication, healthcare and education lacking on inhabited islands.

- Promulgate standard healthcare criteria for territorial waters and islands; ensure that 100% of independent insular communes have commune-level healthcare stations that meet such criteria; and 70% of hospitals and healthcare centers at island district level are capable of performing surgical procedures of grade 2 hospitals and are equipped with a remote medical assistance system; invest in 04 115 emergency centers capable of cooperating in emergency aid and emergency transporting by sea; 06 hospitals with a center for admission and treatment of patients suffering from diseases endemic to seas and islands; 01 hospital ship and equipment for emergency aid for 1 - 2 marine police ships; ensure that 100% of freighters - offshore vessels adhere to international regulations on maritime healthcare.

- Improve working conditions and raise the awareness of maritime safety and security of seafarers and fishers.

- Assess existing cultural institutions and produce solutions for maintaining cultural institutions of marine and coastal residential communities, including organizational structure, personnel, regulation, facilities and funding.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Compile and incorporate documents on seas, survival skills, adaptation to climate change and sea level rise, and natural disaster prevention into educational programs; raise the awareness of the sea of residential communities in provinces and central-affiliated cities.

- Review and evaluate establishment of coastal setbacks in coastal provinces and central-affiliated cities.

4. Marine human resources development, science and technology

- Develop a national marine and island science and technology program with the aim of innovation promotion and application of advanced technological and scientific achievements; boost research and establishment of scientific grounds for formulation and completion of policies and legislation on sustainable development of the ocean economy; and connect research with baseline surveys of marine natural resources and environment related to radioactivity and atomic energy.

- Implement the program for development of basic sciences in the field of marine science by 2025 promulgated together with the Prime Minister’s Decision No. 562/QD-TTg dated April 25, 2017.

- Perform research tasks in connection with ocean economy development demand of coastal localities; perform scientific and technological research tasks in connection with enterprises.

- Focus on training and developing marine human resources, especially high quality workforce.

5. The environment, response to natural disasters, climate change and sea level rise

- Prioritize formulation and implementation of the key program for baseline surveys of marine and island natural resources and environments by 2030.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Invest in and reinforce infrastructures and equipment in a synchronized manner for systems for collection and treatment of hazardous waste, household solid waste and waste water in accordance with environmental regulations in coastal localities; build closed models of collection, classification, treatment and reuse of waste water, household solid waste and hazardous waste on islands in Quang Ninh, Da Nang, Khanh Hoa, Binh Thuan, Kien Giang, Ca Mau, Hai Phong, etc.

- Implement planning for coastal metro areas, economic zones, industrial parks and industry clusters in a sustainable manner based on ecosystems, smart adaptation to climate change and sea level rise, centralized waste water treatment systems and compliance with environmental regulations and standards in coastal Central and Southern provinces and central-affiliated cities.

- Formulate and launch the national action plan for management of marine plastic litter by 2030.

- Finish establishing marine protected areas approved by the Prime Minister in Decision No. 742/QD-TTg; establish management boards and invest in infrastructures for 16 marine protected areas of Vietnam’s marine protected area system; formulate and implement mechanisms and policies for sustainable livelihood creation and job change for residential communities living in and near marine protected areas.

- Expand scope of investigation into and collection of figures on biodiversity and natural and socio-economic conditions of territorial waters, coastal zones and areas near islands; collect full data on potential locations for new marine protected areas.

- Carry out additional investigation to provide the basis for proposed expansion of area and functional zones of existing marine protected areas.

- Cooperate with other countries and international organizations in the search for sponsorships and financial and technical assistance to enhance capacity for marine biodiversity conservation in Vietnam’s territorial waters and international waters; research and propose mechanisms and policies for cooperation in establishment of cross-national marine protected areas with other countries in the region and international organizations.

- Continue to improve management boards and invest in infrastructures of the 16 marine protected areas included in the planning for Vietnam’s marine protected area system; formulate and implement mechanisms and policies for livelihood creation and job change for residential communities living in Cat Ba, Ly Son, Cu Lao Cham, Hon Mun and Phu Quoc marine protected areas.

- Carry out programs, schemes and projects concerning restoration and development of coral reef, seagrass bed, lagoon, tidal flat - estuary, mangrove forest and coastal protection forest ecosystems across the country, prioritizing areas experiencing rapid degradation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Invest in building of smart metropolises capable of adapting to climate change and sea level rise in Ha Long city, Hai Phong, Hoi An, Bac Lieu and Phu Quoc.

- Upgrade warning systems for natural disasters, earthquakes and tsunamis in Hai Phong and Hoi An; prevent coastal erosion, coastal landslides, floods and saltwater intrusion; complete disaster risk financing and insurance policies for provinces located in the Mekong delta.

- Organize research, invest in workforce and equipment for automatic monitoring, forecasting and warning systems for marine environmental quality, effective response to environmental emergencies and hazardous chemicals in the sea; manage marine waste, especially plastic waste; improve marine environmental quality

6. National defense and security, foreign affairs and international cooperation

- Grasp situations around the world, in the region, in Vietnam and on the South China Sea related to implementation of Resolution No. 36-NQ/TW; promptly seek guidance and perform tasks and adopt solutions concerning assurance of national defense and security, public order and social security satisfactorily, contributing to sustainable development of Vietnam’s ocean economy.

- Strengthen economic security, domestic political security, cultural and ideological security, cyber security and environmental security to facilitate proper implementation of guidelines and solutions provided for in Resolution No. 36-NQ/TW and planning and plans related to sustainable ocean economy development of the Communist Party and the State.

- Properly resolve complicated and lengthy disputes and lawsuits, especially lawsuits concerning land, environmental pollution, ethnic groups and religion, preventing trouble spots from forming in territorial waters and coastal zones.

- Enhance state management of security and order in coastal zones, on islands and in areas hosting marine economic activities, especially in management of stay, entry and exit of foreigners, and management of business lines subject to security and order requirements.

- Establish forces in charge of national defense and security and law enforcement on the sea. Promote the national defense and security industry to support sovereignty protection, security and order assurance and sustainable development of Vietnam’s ocean economy. Enhance capacity for production of dual-use national defense and security goods, meeting requirements of protection of sea and island security and order.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Cooperate with other countries in proper implementation of the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea (DOC), facilitate achievement of a South China Sea Code of Conduct that is effective and compliant with international law, including UNCLOS.

- Properly fulfill regional and international marine agreements to which Vietnam is a signatory; research into and facilitate participation in conventions on natural resources management, environmental protection and marine scientific research; encourage formulation of regional and international cooperation frameworks for prevention, control and reduction of marine plastic litter. Establish and put into use an international marine plastic litter center in Vietnam.

- Continue to promote international cooperation and utilize assistance from international organizations and partners for development of marine infrastructures and human resources, application of modern technology and science to ocean economic sectors, environmental protection, natural disaster prevention and adaptation to climate change and sea level rise.

- Preserve and facilitate mechanisms for negotiation and dialogue for resolution of ocean disputes with relevant countries to promote dialogues, peace, resolution of ocean disputes and maritime cooperation.

- Further cooperate with and actively and effectively participate in international and regional marine organizations to broaden professional and scientific - technological knowledge as well as protecting Vietnam’s legitimate maritime rights and interests.

C. IMPLEMENTATION

I. RESPONSIBILITIES OF MINISTRIES, CENTRAL AUTHORITIES AND LOCAL GOVERNMENTS

1. The national steering committee for implementation of the strategy for sustainable development of Vietnam’s ocean economy by 2030 with visions towards 2045 (hereinafter referred to as “national steering committee”) shall direct the implementation of this whole Resolution; and submit periodic preliminary/summary reports on and comprehensive assessment of implementation of Resolution No. 36-NQ/TW to the Government.

2. Ministry of Natural Resources and Environment shall act as the standing body taking charge and cooperating with relevant bodies in assisting the national steering committee with monitoring, expediting and summarizing the progress and preparing periodic preliminary/summary reports on and assessment of implementation of this Resolution; holding the forum for sustainable development of Vietnam’s ocean economy twice every 5 years to inspect and expedite adoption of solutions put forward in the previous forum and to discuss and propose strategic orientations and new solutions with specific expected outcomes and schedule at the request of the national steering committee, the Prime Minister and the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Ministry of Foreign Affairs shall perform tasks concerning maritime boundaries satisfactorily; take charge in and direct foreign information services, tasks concerning international agreements and strategic forecasting of international matters related to Vietnam’s territorial waters development policies; increase Vietnam’s effective participation in international forums for sustainable development of the ocean economy. Continue to launch schemes and negotiate resolution of maritime issues with neighboring countries, formulate schemes for protection of Vietnam's sovereignty and rights and ratify maritime conventions.

5. Ministry of National Defense shall take charge and cooperate with relevant ministries, central authorities and local governments in ensuring national defense and security in territorial waters and on islands; building the Vietnam People’s Army into a revolutionary, formal and elite army that is gradually heading towards modernity with some forces heading straight to modernity; continuously strengthening the all-people national defense posture in territorial waters and on islands; ensuring capacity for issue resolution and preservation of Vietnam’s independence, sovereignty, sovereign rights, jurisdiction and maritime interests; persevering in fostering and maintaining a peaceful, stable environment and legal order to facilitate sustainable development of the ocean economy.

6. Ministry of Public Security shall take charge and cooperate with the Ministry of National Defense and relevant bodies in foiling plots where marine and island issues are exploited; prevention of crimes and violations against regulations of law on national security and public safety and order to ensure political security, national security, public order, social safety, and security and safety for residents, workers and economic activities in coastal areas and on islands.

7. Ministry of Planning and Investment shall take charge and cooperate with the Ministry of Finance, Ministry of Natural Resources and Environment and relevant bodies in identifying the tasks requiring state funding and tasks funded by other domestic and foreign sources; prioritizing and promptly allocating resources to accelerate and carry out the tasks and solutions put forward in this Resolution effectively; researching and formulating mechanisms and policies for mobilization, management and utilization of resources for tasks of sustainable development of the ocean economy.

8. Ministry of Finance shall submit balanced funding for recurrent expenditure of central government budget, which shall be allocated to ministries and central government authorities for performance of the tasks provided for in this Resolution and included in annual budget estimate, to competent authorities in accordance with regulations of the Law on State Budget.

9. Ministry of Home Affairs shall take charge and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in strengthening central and local marine and island authorities of coastal localities in accordance with this Resolution.

12. Ministry of Information and Communications shall take charge and cooperate with the Central Propaganda and Training Commission, Ministry of Natural Resources and Environment and relevant ministries, central authorities and local governments in formulating schemes, projects and tasks aiming to raise the awareness of overseas Vietnamese and the international community of guidelines and policies of the Communist Party and the State on seas and islands, protection of Vietnam's legitimate rights and interests in the South China Sea, and potential, advantages and course of sustainable development of Vietnam’s ocean economy.

13. Ministry of Culture, Sports and Tourism shall organize proper implementation of the Government’s Resolution No. 103/NQ-CP dated October 06, 2017 introducing the Government’s action plan on Resolution No. 08-NQ/TW dated January 16, 2017 by the 12th Politburo on developing tourism into a key economic sector; and urgently formulate mechanisms and policies for enhancement of ecotourism routes on some offshore islands.

14. Ministry of Agriculture and Rural Development shall organize proper implementation of the 2017 Law on Fishery; take charge and cooperate with relevant ministries, central authorities and local governments in submitting the strategy for development of the fishing industry in accordance with the strategy for sustainable development of Vietnam’s ocean economy by 2030 with visions towards 2045 and specialized planning for fishery development to the Prime Minister for approval, organizing implementation of such strategy and planning, and directing establishment of large commercial fishing centers; prevent oceanic natural disasters; formulate policies on aquaculture, commercial fishing and marine conservation; conserve, restore and develop marine and coastal ecosystems and ecosystems around islands in a sustainable manner to contribute to ocean and coastal economy development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

16. Ministry of Transport shall take charge and cooperate with relevant regulatory bodies in formulating and promulgating or submitting policies and documents on development of road, railway, maritime, inland waterway and air transport infrastructures of use to development of the ocean economy to competent authorities for promulgation, and direct implementation of such polices and documents; advise and submit proposals on public-private collaboration in ocean economy development tasks to the national steering committee.

17. Ministry of Industry and Trade shall take charge and cooperate with relevant regulatory bodies in formulating and promulgating or submitting policies on new energy and renewable energy development and economical and efficient energy use to competent authorities for promulgation, provide guidelines for and inspect implementation of such policies; and develop eco-friendly coastal industries in a targeted manner.

18. Besides the abovementioned tasks, ministries, central authorities and People’s Committees of provinces and central-affiliated cities shall perform the following:

- Based on the tasks assigned in this Resolution and other assigned duties, formulate and promulgate their own plans for implementation of the strategy for sustainable development of Vietnam’s ocean economy by 2030 with visions towards 2045 before the end of the first quarter of 2020; adopt solutions facilitating major changes in a consistent and robust manner for sustainable development of the ocean economy; prepare periodic preliminary and summary implementation reports and submit implementation reports to the Ministry of Natural Resources and Environment before December every year, which shall submit a consolidated report to the national steering committee, the Prime Minister and the Government.

- Ministries and central government authorities shall allocate capital for investment in development and funding for recurrent expenditure for performance of the tasks assigned in this Resolution, which shall be added to annual budget estimate, according to regulations of the Law on State Budget.

- Each provincial People's Committee shall propose allocation of funding from local government budget for performance of assigned activities and tasks to the People's Council of its province.

- Take charge in reviewing and amending planning, plans, schemes, projects and tasks concerning seas and islands under their management or formulating new ones in consistency with Resolution No. 36-NQ/TW and this Resolution before June 2020 to provide the basis for the Ministry of Planning and Investment to formulate the general planning and strategy for socio-economic development by 2030, with visions towards 2050.

- Cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment and Ministry of Planning and Investment in formulating the national marine spatial planning, general planning for sustainable extraction and use of coastal zone natural resources and general planning and strategy for socio-economic development by 2030 with visions towards 2045 in an integrated and interdisciplinary manner.

- Continue to implement legislative documents, directives, resolutions and decisions promulgated by the Government and the Prime Minister that are in effect and applicable to territorial waters, coastal zones and islands; and, concurrently, carry out schemes, projects and tasks provided for in this Resolution (in the Appendix enclosed therewith).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

P.P. THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

APPENDIX

LIST OF SCHEMES, PROJECTS AND TASKS FOR IMPLEMENTATION OF MASTER PLAN BY 2030 AND 5-YEAR PLAN BY 2025 FOR IMPLEMENTATION OF RESOLUTION NO. 36-NQ/TW DATED OCTOBER 22, 2018 BY 8TH CONFERENCE OF 12TH CENTRAL STEERING COMMITTEE OF THE COMMUNIST PARTY ON STRATEGY FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF VIETNAM’S OCEAN ECONOMY BY 2030, WITH VISIONS TOWARDS 2045

(Promulgated together with the Government’s Resolution No. 26/NQ-CP dated February 05, 2020)

No.

Name of scheme/project/task

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Cooperating body

I

MARINE AND COASTAL ZONE MANAGEMENT

By 2025

1

Review and complete mechanisms, policies and legislation for implementation of Resolution No. 36-NQ/TW dated October 22, 2018 by the 8th Conference of the 12th Central Steering Committee of the Communist Party on strategy for sustainable development of Vietnam’s ocean economy by 2030, with visions towards 2045

Ministries, central authorities

Ministry of Justice, Ministry of Natural Resources and Environment and relevant ministries, central authorities and local governments

2

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministry of Natural Resources and Environment

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

3

The National Assembly’s Resolution on increase of investment in baseline surveys and general and unified management of seas and islands, contributing to sustainable development of the ocean economy

Ministry of Natural Resources and Environment

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

4

National marine spatial planning for 2021 - 2030, with visions towards 2045

Ministry of Natural Resources and Environment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5

Formulate national statistical indicators for seas and islands and assessment criteria for strong marine nation

Ministry of Planning and Investment

Ministry of Natural Resources and Environment, relevant ministries and central authorities and local governments of coastal localities

6

Scheme for capacity enhancement and technical facilities modernization for general management of natural resources and protection of marine and island environments by 2030

Ministry of Natural Resources and Environment

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

7

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministry of Natural Resources and Environment

Central Propaganda and Training Commission, Ministry of Information and Communications, relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

For 2026 – 2030

1

Scheme for investigation into and general assessment and ranking of marine ecosystem health

Ministry of Natural Resources and Environment

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

II

OCEAN AND COASTAL ECONOMY DEVELOPMENT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1

Scheme for development of ocean clusters in connection with establishment of strong ocean economic centers; development of coastal eco-industrial parks and economic zones

Ministry of Planning and Investment

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

2

Scheme for sustainable development of Vietnam's ocean and island services and tourism by 2030

Ministry of Culture, Sports and Tourism

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

3

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministry of Agriculture and Rural Development

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

4

Project on investment in information system for commercial fishing management

Ministry of Agriculture and Rural Development

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

5

Project on sustainable development of front-line insular districts, insular communes and some offshore islands in connection with high quality ecotourism and national defense and security

Ministry of Culture, Sports and Tourism and People’s Committees of coastal provinces and central-affiliated cities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6

Project on building of lighthouses in the Spratly Islands

Ministry of Transport

Relevant ministries, central authorities and local governments

7

Scheme for research on and application of high technology to exploration, extraction, processing and distribution of marine minerals; and increase of extraction efficiency and recovery factor for marine natural resources

Ministry of Industry and Trade

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

8

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministry of Industry and Trade

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

9

Scheme for building and development of some modern coastal metro areas and metropolises based on smart, green growth and ecological models in connection with sustainable tourism development and adaptation to climate change

Ministry of Construction

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

III

IMPROVEMENT OF LIVING CONDITIONS, FOSTERING OF THE OCEAN CULTURE AND OCEAN-FRIENDLY SOCIETY

By 2025

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Scheme for formulation, completion and development of cultural institutions for marine and coastal residential communities

Ministry of Culture, Sports and Tourism

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

2

Scheme for establishment and management of coastal ecological residential communities

Committee for Ethnic Minority Affairs

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

3

Scheme for development of healthcare networks on islands and in coastal zones; and benefits offered to health officials working on islands and in some coastal zones voluntarily

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

4

Scheme for maritime medicine development

Ministry of Health

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

5

Scheme for targeted assistance allocated from ocean economy development revenues for provision of social security benefits for coastal disadvantaged areas and islands

Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Scheme for conservation and enhancement of cultural values; and development and restoration of traditional festivals of ethnic minorities living along Vietnam’s coastline to diversify marine and coastal tourism products

Committee for Ethnic Minority Affairs

Ministry of Culture, Sports and Tourism and local governments of coastal localities

7

Scheme for granting of Vietnam’s sea awards

Ministry of Natural Resources and Environment

Central Propaganda and Training Commission, Ministry of Information and Communications, relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

8

Scheme for conversion of some commercial fishing jobs that are destructive to aquatic resources and the environment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

For 2026 – 2030

1

Scheme for preservation and development of  ocean cultural centers; conservation of cultural spaces and natural structures and heritages in coastal provinces and central-affiliated cities

Ministry of Culture, Sports and Tourism and People’s Committees of coastal provinces and central-affiliated cities

Relevant ministries, central authorities and local governments

IV

MARINE HUMAN RESOURCES DEVELOPMENT, SCIENCE AND TECHNOLOGY

By 2025

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

National marine and island science and technology program for 2021 – 2025

Ministry of Science and Technology

Ministry of Natural Resources and Environment, relevant ministries and central authorities and local governments of coastal localities

2

Project incorporating educational contents about seas, survival skills, and adaptation to climate change and sea level rise into educational programs

Ministry of Education and Training

Ministry of Natural Resources and Environment, relevant ministries and central authorities and local governments of coastal localities

3

Scheme for establishment of national marine natural resources and environment monitoring and surveillance network by 2030

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

4

Scheme for training and development of vocational trainees, especially training for highly skilled jobs and training for job change for people living in coastal zones for the purpose of sustainable development of Vietnam’s ocean economy

Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs

Ministry of Natural Resources and Environment, relevant ministries and central authorities and local governments of coastal localities

5

Scheme for development of investigation, survey and research vessels

Ministry of Natural Resources and Environment

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Scheme for development of renewable energy equipment manufacturing industries; and further application of renewable energy in coastal areas and on islands

Ministry of Industry and Trade

Relevant ministries and central authorities

7

Scheme for development of industrialized, high tech and ecofriendly mariculture

Ministry of Agriculture and Rural Development

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

For 2026 – 2030

1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministry of Natural Resources and Environment

Ministry of Science and Technology and relevant ministries, central authorities and local governments

2

Scheme for research into marine biopharmacy in Vietnam’s territorial waters for application to food, cosmetics and pharmaceutical industries

Vietnam Academy of Science and Technology

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

3

Scheme for establishment of advanced research centers for marine medicine, marine biology and marine surveillance technology and building of key national marine and island laboratories

Ministry of Science and Technology

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4

Continue to carry out the national marine and island science and technology program for 2026 – 2030

Ministry of Science and Technology

Ministry of Natural Resources and Environment, relevant ministries and central authorities and local governments of coastal localities

V

THE ENVIRONMENT, RESPONSE TO NATURAL DISASTERS, CLIMATE CHANGE AND SEA LEVEL RISE

By 2025

1

Key program for baseline surveys of marine and island natural resources and environments by 2030

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Relevant ministries, central authorities and local governments

2

Scheme for expansion and establishment of marine protected areas and areas for aquatic resources protection and marine ecosystem restoration by 2025 to ensure that marine and coastal protected areas account for 3% of area of Vietnam’s territorial waters

Ministry of Agriculture and Rural Development

Ministry of Natural Resources and Environment, relevant ministries and central authorities and local governments of coastal localities

3

Project on investment in modern fisheries surveillance equipment and facilities

Ministry of Agriculture and Rural Development

Ministry of National Defense, relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Project on establishment of weather radars and radiosonde stations in the Spratly Islands for forecasting and warning of dangerous weather phenomena and international Morse code communication

Ministry of Natural Resources and Environment

Relevant ministries and central authorities, and People’s Committee of Khanh Hoa

For 2026 – 2030

1

Continue to implement scheme for expansion and establishment of marine protected areas and areas for aquatic resources protection and marine ecosystem restoration by 2025 to ensure that marine and coastal protected areas account for 6% of area of Vietnam’s territorial waters

Ministry of Agriculture and Rural Development

Ministry of Natural Resources and Environment, relevant ministries and central authorities and local governments of coastal localities

VI

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

By 2025

1

Scheme for combining economy with national defense and security in management and protection of sovereignty and security of national borders on seas and islands

Ministry of National Defense

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

2

Scheme for enhancement of scientific and technological potential for People’s Police Force for implementation of scheme for sustainable development of Vietnam’s ocean economy by 2030, with visions towards 2045

Ministry of Public Security

Ministry of National Defense, relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Scheme for international cooperation in sustainable development of Vietnam's ocean economy by 2030

Ministry of Natural Resources and Environment

Ministry of Foreign Affairs, relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

4

Continue to implement schemes and negotiate to resolve maritime issues with neighboring countries; formulate schemes for protection of Vietnam’s sovereignty and rights and ratify maritime conventions

Ministry of Foreign Affairs

Ministry of National Defense and relevant ministries and central authorities

5

Scheme for island and sea area planning for national defense and security tasks

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

6

Formulate detailed planning and implement scheme for establishment of economic - national defense zone on Spratly Islands

Ministry of National Defense

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

7

Scheme for participation in regional and international multilateral institutions to ensure maritime security and order and non-conventional maritime security

Ministry of National Defense

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1

Scheme facilitating establishment of  regional and international cooperation frameworks for prevention, control and reduction of marine plastic litter

Ministry of Natural Resources and Environment

Ministry of Foreign Affairs and relevant ministries and central authorities

2

Research on and establish the Army’s ocean economy corporation from economic - national defense enterprises of the navy

Ministry of National Defense

Relevant ministries and central authorities, and local governments of coastal localities

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 05/03/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


17.575

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.18.135
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!