ỦY
BAN NHÂN DÂN
QUẬN THỦ ĐỨC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2011/CT-UBND
|
Thủ
Đức, ngày 21 tháng 4 năm 2011
|
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC SOẠN THẢO, KIỂM TRA VÀ TỰ
KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN THỦ ĐỨC
Trong những
năm qua, công tác soạn thảo, kiểm tra và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
(sau đây gọi tắt văn bản quy phạm pháp luật là văn bản) trên địa bàn quận có bước
chuyển biến rõ nét; đặc biệt, kể từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực
pháp luật. Tuy nhiên, công tác soạn thảo văn bản của một số cơ quan được giao
chủ trì soạn thảo văn bản và Ủy ban nhân dân các phường vẫn còn một số mặt hạn
chế làm ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản khi được ban hành như: một số văn
bản được ban hành chưa đúng trình tự, thủ tục; chưa thực hiện đúng quy trình
góp ý, thẩm định dự thảo văn bản trước khi trình Ủy ban nhân dân quận hoặc Ủy
ban nhân dân phường ban hành, từ đó dẫn đến việc một số văn bản được ban hành
còn sai sót về nội dung và hình thức. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là
do cán bộ, công chức chưa nghiên cứu sâu, kỹ các văn bản quy phạm pháp luật của
cấp trên về ban hành, kiểm tra và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Để Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Nghị định
số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân; Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của
Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định số
17/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí
Minh ban hành Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Ủy ban nhân dân các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Quyết
định số 17/2007/QĐ-UBND) được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả; đảm bảo văn bản
quy phạm pháp luật được ban hành mang tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất
và có tính khả thi cao; đồng thời để khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong
công tác soạn thảo, kiểm tra và tự kiểm tra văn bản, đáp ứng được yêu cầu phát
triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn quận. Ủy ban nhân
dân quận yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận và Ủy
ban nhân dân các phường thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
I. NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ VỊ TRÍ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC SOẠN
THẢO, KIỂM TRA VÀ TỰ KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Tiếp tục tổ
chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nghiệp vụ và nâng cao ý thức tuân thủ pháp
luật, pháp chế Xã hội chủ nghĩa và trật tự kỷ cương hành chính của lãnh đạo và
cán bộ, công chức trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật;
2. Phòng Tư
pháp thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra văn bản, rà soát văn bản và thực
hiện thẩm định các dự thảo văn bản do Ủy ban nhân dân quận ban hành. Thực hiện
công tác kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân dân phường ban hành;
3. Chủ tịch Ủy
ban nhân dân phường cần quan tâm hơn nữa đến công tác soạn thảo văn bản của Ủy
ban nhân dân phường, thường xuyên thực hiện tự kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân
dân phường ban hành.
II. TUÂN THỦ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP
LUẬT
1. Đề xuất
chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm: Phòng Tư pháp có
trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận đề xuất danh mục văn bản
cần ban hành đưa vào Chương trình lập quy hàng năm của Ủy ban nhân dân thành phố
và gửi về Sở Tư pháp theo quy định;
2. Nâng cao
trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, mối quan hệ phối hợp của các phòng, ban,
đơn vị trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
a) Cơ quan được
giao chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm tuân thủ đúng quy trình về soạn
thảo, lấy ý kiến góp ý, thẩm định, trình hồ sơ dự thảo văn bản đã được quy định
từ Điều 15 đến Điều 19 (đối với văn bản của Ủy ban nhân dân quận) và từ Điều 20
đến Điều 22 (đối với văn bản của Ủy ban nhân dân phường) của Quy định ban hành
kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND .
b) Việc tổ chức
lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản:
- Tùy theo
tính chất, nội dung của dự thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể áp dụng
một hoặc nhiều hình thức lấy ý kiến như:
+ Tổ chức họp,
hội nghị, hội thảo, tọa đàm;
+ Đưa dự thảo
lên trang Web của Ủy ban nhân dân quận;
+ Phát phiếu
thăm dò ý kiến đối với những nội dung chủ yếu của dự thảo;
+ Gửi dự thảo
để góp ý bằng văn bản;
+ Các hình thức
khác phù hợp với từng đối tượng được lấy ý kiến. (Theo quy định tại Điều 7 của
Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND).
- Đối với những
dự thảo văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, liên
quan đến các cá nhân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận trực tiếp vận động
(các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, công thương gia, những người
tiêu biểu trong các dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân trong nước),
liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và
các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, thì phải gửi
dự thảo văn bản cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận để lấy ý kiến đóng
góp.
c) Các phòng,
ban, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận và Ủy ban nhân dân các phường khi
được đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản có trách nhiệm nghiên cứu dự
thảo văn bản một cách toàn diện, đảm bảo chất lượng của ý kiến đóng góp cho dự
thảo, tránh việc góp ý mang tính hình thức, chung chung và chỉ quan tâm đến nội
dung công việc được giao cho phòng, ban, đơn vị mình.
d) Cơ quan thẩm
định văn bản (Phòng Tư pháp quận) phải đảm bảo khách quan khi thực hiện thẩm định;
văn bản thẩm định phải đảm bảo chất lượng và đúng thời hạn quy định.
đ) Việc giải
trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải
trung thực, đầy đủ những nội dung thẩm định. Đối với những nội dung còn ý kiến
khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định, những nội dung mà cơ
quan soạn thảo bổ sung thêm hoặc không đưa vào dự thảo sau khi dự thảo đã được
thẩm định thì văn bản giải trình phải phân tích cơ sở pháp lý, vấn đề thực tiễn
và nêu quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo để Ủy ban nhân dân quận có đủ
thông tin khi xem xét thông qua.
3. Hồ sơ
trình dự thảo văn bản:
a) Phải thực
hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung đã được quy định tại Quyết định số
17/2007/QĐ-UBND .
Tờ trình về dự
thảo phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Quy định
và mẫu được ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND .
Ủy ban nhân
dân quận chỉ xem xét thông qua dự thảo văn bản khi đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ
tục quy định.
b) Văn phòng Ủy
ban nhân dân quận có trách nhiệm rà soát và hoàn trả lại hồ sơ cho cơ quan soạn
thảo bổ sung nếu hồ sơ trình dự thảo chưa đầy đủ theo quy định.
III. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC KIỂM TRA VÀ TỰ KIỂM TRA VĂN BẢN
QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Tăng cường
công tác tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền:
a) Phòng Tư
pháp thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân quận tự kiểm tra văn bản do Ủy ban
nhân dân quận ban hành; kịp thời kiến nghị Ủy ban nhân dân quận bãi bỏ, sửa đổi,
bổ sung những văn bản có nội dung không còn phù hợp. Thực hiện kiểm tra văn bản
do Ủy ban nhân dân phường ban hành.
b) Các phòng,
ban, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận có trách nhiệm phối hợp với Phòng
Tư pháp thường xuyên tự kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban
nhân dân quận ban hành nhằm kịp thời kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù
hợp.
c) Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các phường tăng cường chỉ đạo công chức phụ trách các lĩnh vực
chuyên môn liên quan phối hợp với công chức phụ trách công tác Tư pháp - Hộ tịch
thường xuyên tự kiểm tra, rà soát văn bản do Ủy ban nhân dân phường ban hành.
2. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thông tin báo cáo 6 tháng, năm
đã được quy định tại Mục IV Chỉ thị số 16/2006/CT-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2006
của Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Thực hiện
việc lưu trữ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định
số 09/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về
công tác văn thư.
IV. NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRỰC TIẾP THAM
GIA CÔNG TÁC SOẠN THẢO, KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Các phòng,
ban, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận và Ủy ban nhân dân các phường có
trách nhiệm bố trí, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công
tác soạn thảo, kiểm tra và tự kiểm tra văn bản tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng
về công tác văn bản.
2. Phòng Nội
vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp rà soát đội ngũ công chức Tư pháp quận,
phường; công chức làm công tác pháp chế trong các phòng, ban, đơn vị trực thuộc
Ủy ban nhân dân quận đảm bảo trình độ chuyên môn theo quy định; Đánh giá năng lực,
trình độ của công chức Tư pháp, công chức làm công tác pháp chế, trên cơ sở đó
tham mưu Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo thực hiện thống nhất.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước
trong công tác soạn thảo và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời giám
sát việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật.
2. Yêu cầu Thủ
trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận và Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các phường thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công
tác soạn thảo, kiểm tra và tự kiểm tra văn bản và Chỉ thị này; đồng thời phải
xem công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đúng trình tự, thủ tục là một
trong những tiêu chí để xét thi đua của cơ quan, đơn vị.
3. Ủy ban
nhân dân quận sẽ phê bình, kiểm điểm Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc
Ủy ban nhân dân quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường thực hiện không
nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác soạn thảo và kiểm tra văn bản
và Chỉ thị này.
Phòng Tư pháp
chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân quận theo dõi, thống kê, báo
cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân quận hình thức xử lý đối với phòng, ban, đơn vị
trực thuộc Ủy ban nhân dân quận và Ủy ban nhân dân phường vi phạm.
4. Giao Phòng
Tư pháp đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; kịp thời tổng hợp những
khó khăn, vướng mắc và tham mưu Ủy ban nhân dân quận giải quyết theo thẩm quyền
hoặc dự thảo văn bản để Ủy ban nhân dân quận kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền
của Thành phố xem xét, giải quyết.
Chỉ thị này
có hiệu lực thi hành sau 07 (Bảy) ngày, kể từ ngày ký ban hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trương Văn Thống
|