THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1699/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, MỞ RỘNG QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ NGHI
SƠN, TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2035, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng
6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày
17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP
ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý
quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP
ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh
Thanh Hóa và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung
xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm
2050 với những nội dung chính như sau:
1. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao
gồm: Toàn bộ diện tích huyện Tĩnh Gia (12 xã trong Khu kinh tế Nghi Sơn cũ và
các xã còn lại của huyện Tĩnh Gia); 03 xã: Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (thuộc
huyện Nông Cống) và 03 xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc (thuộc huyện Như
Thanh).
Tổng diện tích lập quy hoạch: 106.000
ha (trong đó, có 66.497,57 ha đất liền, hải đảo và 39.502,43 ha mặt nước biển).
Ranh giới cụ thể được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Quảng Xương, tỉnh
Thanh Hóa;
- Phía Nam giáp tỉnh Nghệ An;
- Phía Đông giáp Biển Đông;
- Phía Tây giáp các xã: Tượng Văn, Tượng
Lĩnh, Tượng Sơn, Công Liêm (huyện Nông Cống); Vườn Quốc
gia Bến En, xã Phúc Đường (huyện Như Thanh), tỉnh Thanh
Hóa.
2. Tính chất
- Là khu kinh tế biển đa ngành, đa
lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với
việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; vận hành theo cơ chế
ưu đãi đặc biệt; là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và
khu vực Bắc miền Trung;
- Là cụm đô thị công nghiệp, dịch vụ,
du lịch, đồng bộ và hiện đại với trung tâm là thành phố công nghiệp Nghi Sơn và
các đô thị Hải Ninh, Yên Mỹ, Thanh Tân, được phát triển theo mô hình đô thị
thông minh - xanh - bền vững;
- Là đầu mối giao thông quan trọng, cửa
ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng
phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường
bộ và cảng biển Nghi Sơn;
- Có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng.
3. Dự báo phát triển
dân số và đất xây dựng
a) Dân số
- Dự báo dân số đến năm 2025: Khoảng
400.000 người, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 260.000 người;
- Dự báo dân số đến năm 2035: Khoảng
500.000 người, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 420.000 người.
b) Đất xây dựng đến năm 2035 bao gồm:
- Đất công nghiệp, kho tàng: Khoảng
9.057,9 ha;
- Đất cảng: Khoảng 741,2 ha;
- Đất đô thị: Khoảng 6.012,7 ha;
- Đất các khu du lịch biển, khu sinh
thái: Khoảng 6.665,9 ha;
- Đất an ninh, quốc phòng: Khoảng
411,2 ha;
- Đất di tích, tôn giáo tín ngưỡng: Khoảng
360,5 ha;
- Đất nghĩa trang: Khoảng 100,0 ha;
- Đất hạ tầng kỹ thuật khác: Khoảng
3.708,0 ha.
4. Định hướng phát
triển không gian
a) Các định hướng phát triển không
gian:
Quy hoạch không gian tổng thể Khu
kinh tế Nghi Sơn được triển khai theo phân khu (diện) và mạng lưới (tuyến) như
sau:
- Hình thành mạng lưới kết nối các
khu vực đô thị, lấy khu vực đô thị trung tâm huyện Tĩnh Gia làm trung tâm tổng
hợp của Khu kinh tế Nghi Sơn, gắn với các chức năng hành chính, giáo dục, công
nghiệp triển khai R&D và nhà ở đô thị;
- Hình thành 02 vành đai xanh dựa
trên hệ thống núi rừng hiện hữu trong khu kinh tế. Vành đai thứ nhất là vùng đồi
núi bao quanh vùng lõi khu kinh tế gồm: Khu vực khu kinh tế cũ và khu vực đô thị
trung tâm Tĩnh Gia; vành đai thứ 2 là vùng đồi núi bao quanh khu vực phía Tây
và phía Đông Bắc của khu kinh tế mở rộng;
- Hình thành trục cảnh quan đô thị chủ
đạo của khu kinh tế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ đỉnh núi Các Sơn (là đỉnh
núi cao nhất trong khu vực) nối thẳng vị trí quy hoạch ga
đường sắt trung tâm, hướng tới đảo Mê. Các không gian
chính và điểm nhấn đô thị được tổ chức xoay quanh trục chủ đạo này;
- Phân vùng đất liền Khu kinh tế Nghi
Sơn thành 05 khu vực như sau:
+ Khu cảng Nghi Sơn và phụ cận (gồm
các xã: Nghi Sơn, Hải Hà, Hải Thượng, Hải Yến, Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Bình): Là
khu vực trọng điểm phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn. Trong đó tập trung phát
triển công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ, tổng kho dầu thô và hóa chất, các
kho xăng dầu, khí hóa lỏng, cảng biển, dịch vụ logistics, hậu cần cảng và một số
chức năng khác;
+ Khu phía Nam (gồm các xã: Tùng Lâm,
Tân Trường, Trường Lâm, Phú Lâm): Là khu vực phát triển logistics, cảng cạn,
công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng, tổng
kho dầu thô và hóa chất v.v... Đây là khu vực trọng yếu về giao thông với Quốc
lộ 1A, nút giao đường bộ cao tốc, đường sắt Bắc Nam, ga và đường sắt cao tốc. Là khu vực cửa ngõ
của tỉnh Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn ở phía Nam,
hình thành liên kết vùng với tỉnh Nghệ An (đặc biệt là thị xã Hoàng Mai);
+ Khu đô thị trung tâm (gồm thị trấn
Tĩnh Gia và các xã: Ninh Hải, Hải Nhân, Hải Hòa, Bình
Minh, Hải Thanh, Nguyên Bình, Xuân Lâm, Trúc Lâm): Là trung tâm thành phố với
các hoạt động thương mại, dịch vụ, hành chính - chính trị, văn hóa - xã hội, vv…. Phía Tây khu đô thị trung tâm phát triển chuyên
biệt về giáo dục, đào tạo và công nghiệp triển khai R&D, công nghiệp ứng dụng
công nghệ cao;
+ Khu Đông Bắc (gồm các xã: Hải Châu,
Hải An, Tân Dân, Hải Lĩnh, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Triêu Dương, Ngọc Lĩnh, Hùng
Sơn, Định Hải, Anh Sơn và trung tâm là khu đô thị Hải Ninh): Là cửa ngõ phía Bắc
của Khu kinh tế Nghi Sơn, có dải ven biển dài 15 km. Quy hoạch phát triển du lịch
biển kết hợp với đô thị; phát triển khu công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ,
công nghiệp chế biến thủy, hải sản, tổng kho đông lạnh;
+ Khu phía Tây (gồm các xã: Công
Chính, Công Bình, Yên Mỹ, Các Sơn, Phú Sơn, Yên Lạc, Thanh Tân, Thanh Kỳ): Là
khu vực phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí gắn
với bảo vệ môi trường tự nhiên của Khu kinh tế Nghi Sơn với trung tâm là hồ Yên
Mỹ, ngoài ra khai thác phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái
tạo, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông, lâm sản,...
b) Phân khu chức năng:
- Không gian các khu công nghiệp: Tổng
diện tích đất công nghiệp đến năm 2035 khoảng 9.057,9 ha, bao gồm: Khu Đông Bắc
khoảng 1.720,0 ha; Khu đô thị trung tâm khoảng 781,0 ha; Khu cảng Nghi Sơn khoảng
2.733,4 ha; Khu phía Nam khoảng 1.431,5 ha; Khu phía Tây khoảng 2.392,0 ha; sau
năm 2035 sẽ phát triển thêm 3.000 ha đất công nghiệp về phía Tây Bắc Khu kinh tế
Nghi Sơn theo trục đường Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn;
- Không gian các khu đô thị: Tổng diện
tích đất phát triển các khu đô thị đến năm 2035 khoảng 6.012,7 ha, bao gồm: Đô
thị Tĩnh Gia khoảng 5.573,0 ha; đô thị Yên Mỹ khoảng 439,7 ha;
- Không gian các khu du lịch biển,
khu sinh thái: Tổng diện tích đất phát triển các khu du lịch
biển, khu sinh thái đến năm 2035 khoảng 6.665,9 ha, bao gồm: Các khu du lịch biển
khoảng 432,1 ha; các khu du lịch sinh thái khoảng 6.233,9 ha (gồm: Khu sinh
thái, công viên chuyên đề, sân Gofl hồ Hao Hao khoảng 1.619,0 ha; Khu sinh thái
hồ Khe Sanh khoảng 92,7; Khu sinh thái sông Bạng khoảng 890,0 ha; Khu sinh thái
hồ Quế Sơn khoảng 160,0 ha; Khu sinh thái đảo Nghi Sơn khoảng 126,6 ha; Khu
sinh thái rừng Trường Lâm khoảng 553,9 ha; Khu sinh thái, sân golf hồ Khe Tuần,
hồ Kim Giao 1 khoảng 455,0 ha; Khu sinh thái, sân golf hồ Yên Mỹ khoảng 1.660,0
ha; Khu phục vụ du lịch hồ Yên Mỹ khoảng 101,7 ha; Khu sinh thái hồ Khe Lau khoảng
337,0 ha; Khu vui chơi giải trí cao cấp đảo Hòn Mê khoảng 238,0 ha) và các điểm
du lịch nhỏ lẻ khác, với nhiều loại hình đa dạng như: du lịch biển, đảo, du lịch
sinh thái rừng, hồ, du lịch sinh thái tâm linh; ...
- Không gian cảng: Tổng diện tích đất
phát triển cảng đến năm 2035 khoảng 741,2 ha, bao gồm: Bến thủy nội địa - Khu
Đông Bắc khoảng 6,2 ha; Bến cảng - Khu cảng Nghi Sơn khoảng 735,0 ha.
5. Định hướng phát
triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
a) Định hướng quy hoạch giao thông
- Giao thông đối ngoại
+ Đường bộ: Nâng cấp, mở rộng: Tuyến
đường Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đường Nghi Sơn - Bãi
Trành; đường 525; đường 512; đường 529; xây dựng mới: Cao tốc Bắc Nam; tuyến đường
bộ ven biển; đường nối Quốc lộ 1A với đường Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu
kinh tế Nghi Sơn; bố trí các nút giao thông và các tuyến đường gom đảm bảo theo
quy định;
+ Đường sắt: Xây dựng mới ga trung
chuyển tại xã Trường Lâm thay thế ga Khoa Trường và ga Trường Lâm kết hợp cảng
cạn Depot-ICD và trung tâm logistics; nâng cấp, mở rộng ga Văn Trai (tại xã Hải Nhân) hiện tại thành ga hành khách chính nhằm đáp ứng
nhu cầu vận tải hành khách cho Khu kinh tế Nghi Sơn; xây dựng tuyến đường sắt nối
từ ga hàng hóa tại Cảng Nghi Sơn ra ga trung chuyển tại xã Trường Lâm qua hầm
chui núi Bằng Me, núi Thung; xây dựng ga đường sắt tại cảng biển tiếp giáp với
Khu bến cảng container số 2; xây dựng ga hành khách đường sắt cao tốc Bắc Nam tại
xã Phú Lâm;
+ Đường thủy: Mở rộng khu bến cảng
container 2 về phía Đông và phía Nam hết vùng nước tỉnh Thanh Hóa; mở rộng thêm
cảng biển từ phía Bắc nhà máy Lọc hóa dầu đến giáp đường Đông Tây 2; xây dựng
khu phát triển dịch vụ Logistics; nạo vét luồng cảng và nâng cấp cầu cảng Nghi
Sơn đáp ứng cỡ tàu từ 70.000DWT - 100.000DWT. Nâng cấp cảng Lạch Bạng kết hợp với
âu tàu tránh trú bão; nạo vét luồng lạch sông Yên đoạn từ phao số 0 đến cầu
Ghép; nạo vét luồng lạch sông Bạng, xây dựng kè dọc 2 bên sông khai thác du lịch
cảnh quan ven sông Bạng; quy hoạch các tuyến du lịch trên biển và các bến thuyền
du lịch tại xã Hải Thanh và khu vực đảo Biện Sơn;
+ Hàng không: Sử dụng sân bay tại huyện
Thọ Xuân, khoảng cách đến Khu kinh tế Nghi Sơn khoảng 65 km.
- Giao thông đối nội
+ Đường chính đô thị có chỉ giới đường
đỏ từ 27.0 m ÷ 66.0 m, gồm: Tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn; đường
Đông Tây 1; đường Hải Hòa - Cảng hàng không Thọ Xuân đi
Khu kinh tế Nghi Sơn; đường Bắc Nam 2; đường Tân Trường - Thanh Tân; đường Vành
đai khu công nghiệp Tân Trường; ...
+ Đường liên khu vực có chỉ giới đường
đỏ từ 17.5 m ÷ 96.0 m, gồm: Trục chủ đạo trung tâm đô thị;
trục cảnh quan Định Hải - Hải Lĩnh; trục trung tâm phía Bắc Khu kinh tế Nghi
Sơn, nối khu công nghiệp phía Bắc với khu sinh thái biển phía Đông Bắc; đường Hải
Ninh - Hùng Sơn; đường Anh Sơn - Yên Mỹ; tuyến Yên Lạc 1; đường Đông đường sắt
Bắc Nam; đường phía Tây đường sắt Bắc Nam; đường Hải Nhân - Xuân Lâm; đường
Ninh Hải - Bình Minh; đường Hải Châu - Ngọc Lĩnh; đường
Anh Sơn - Ninh Hải; đường phía Đông đường sắt cao tốc Bắc Nam; ...
+ Đường chính khu vực có chỉ giới đường
đỏ từ 17.5 m ÷ 60.0 m, gồm: đường Bắc Nam 3; đường Bắc Nam
4; đường Đông Tây 2; đường Tĩnh Hải - Cảng cá; đường Hải Hòa - Bình Minh, Tân Dân - Hải Ninh; đường Bình Minh - Nguyên Bình; đường Hải
Lĩnh - Bình Minh; đường Hải Châu - Hải An; Tân Dân - Hải Ninh; đường Yên Lạc 2;
Hùng Sơn - Thanh Thủy; đường Triêu Dương - Hải Ninh, Hải An - Tân Dân, Các Sơn
- Định Hải, Yên Mỹ 1, 2, 3; các tuyến đường chính thuộc các khu công nghiệp;...
b) San nền thoát nước
- Giải pháp san nền: Độ dốc nền thoát
nước đảm bảo thoát nước mặt tốt; San lấp cục bộ, cân bằng đào đắp đối với khu vực
theo nguyên tắc xử lý cục bộ tại chỗ, cân bằng đào đắp trong từng công trình.
Các khu vực không tổ chức xây dựng sẽ giữ nguyên địa hình tự nhiên. Đối với các
khu dân cư hiện trạng đã tương đối ổn định, khi phát triển
xen cấy bổ sung xây dựng thêm công trình hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cũ cần
quản lý cao độ nền. Nền xây dựng phải đảm bảo phối kết hài hòa với khu vực xung quanh, không ảnh hưởng tới hướng thoát nước chung của
khu vực;
- Thoát nước mưa: Dùng hệ thống thoát
nước riêng hoàn toàn, thiết kế cống tự chảy và thoát ra nguồn tiếp nhận gần nhất;
mạng lưới thoát nước trải đều theo mạng lưới đường.
c) Cấp nước:
- Tổng nhu cầu dùng nước của Khu kinh
tế Nghi Sơn: 385.000 m3/ngày đêm;
- Nguồn nước: Giai đoạn đầu đến năm
2025 nhu cầu dùng nước 284.000 m3/ngày đêm, sẽ lấy nước từ hồ Sông Mực,
Yên Mỹ, Đồng Chùa, Hao Hao và hồ Cửa Đạt. Giai đoạn dài hạn đến năm 2035, nhu cầu
dùng nước 385.000 m3/ngày đêm, lấy từ nguồn nước hồ Bái Thượng, Sông
Mực, Yên Mỹ, Đồng Chùa, Hao Hao;
- Các công trình đầu mối:
+ Giai đoạn đến năm 2025: Nâng công
suất nhà máy nước sạch hiện có tại hồ Đồng Chùa từ 60.000 m3/ngày
đêm lên thành 90.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước sạch tại hồ Quế Sơn
công suất 60.000 m3/ngày đêm; xây dựng nhà máy nước tại hồ Hao Hao
công suất 105.000 m3/ngày đêm; xây dựng Nhà máy nước Tân Dân công suất
20.000 m3/ngày đêm; nâng cấp nhà máy nước tại xã Thăng Thọ, huyện
Nông Cống (nằm ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn) công suất từ
15.000 m3/ngày đêm lên 40.000 m3/ngày
đêm;
+ Giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến
năm 2050: Nâng cấp Nhà máy nước tại hồ Hao Hao công suất từ 105.000 m3/ngày
đêm lên thành 125.000 m3/ngày đêm; nâng cấp nhà máy nước tại xã
Thăng Thọ, huyện Nông Cống công suất từ 40.000 m3/ngày đêm lên thành
80.000 m3/ngày đêm; nâng cấp nhà máy nước tại xã Tân Dân công suất từ
20.000 m3/ngày đêm lên thành 30.000 m3/ngày đêm.
- Mạng lưới đường ống: Đầu tư xây dựng
thêm hệ thống công trình lấy, dẫn và chứa nước từ hồ Cửa Đạt về Khu kinh tế
Nghi Sơn.
d) Cấp điện:
- Tổng nhu cầu sử dụng điện của Khu
kinh tế Nghi Sơn giai đoạn đầu đến năm 2025: Công suất 1.303,3 MVA; dài hạn đến
năm 2035, tầm nhìn đến 2050: Công suất 2.737,1 MVA;
- Nguồn điện: Lấy từ hệ thống điện Quốc
gia khu vực miền Trung, thông qua lưới điện 500kV và 220kV;
- Lưới điện cao thế (220kV và 110kV):
+ Lưới 220kV: Xây dựng mới trạm 220
kV Nông Cống, công suất 2 x 250 MVA;
Trạm 220 kV Khu kinh tế Nghi Sơn, quy mô công suất 2 x
250 MVA, giai đoạn 2016 - 2020 lắp 01 máy 250 MVA; giai đoạn 2021
- 2025 lắp thêm 01 máy 250 MVA; xây dựng mới đường dây 220kV từ trạm 500 kV
Nghi Sơn đi trạm 220 kV Khu kinh tế Nghi Sơn, dây dẫn AC-2x330;
+ Lưới 110 kV: Được lấy nguồn từ các
trạm 220 kV của Khu kinh tế Nghi Sơn phân vùng phụ tải qua
các trạm trung gian 110 kV theo từng giai đoạn triển khai của
khu kinh tế.
đ) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường
- Quy hoạch thoát nước thải: Tổng lượng
nước thải đến năm 2025: 231.000 m3/ngày đêm; Tổng lượng thải đến năm
2035: 328.000 m3/ngày đêm. Mạng lưới thoát nước thải:
+ Nước thải sinh hoạt đô thị, cụm dân
cư độc lập và khu du lịch sau khi xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại được đưa về các
trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý đạt tiêu chuẩn
theo quy định trước khi xả vào môi trường;
+ Nước thải công nghiệp được xử lý sơ
bộ tại từng xí nghiệp sau đó đưa về các trạm xử lý nước thải tập trung để xử
lý. Chất lượng nước thải công nghiệp sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn theo quy
định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
- Thu gom và xử lý chất thải rắn: Mở
rộng Khu xử lý chất thải tại xã Trường Lâm quy mô từ 60 ha lên 108,7 ha với
công suất 2.500 tấn/ngày đêm phục vụ nhu cầu xử lý chất thải rắn cho toàn bộ
Khu kinh tế Nghi Sơn;
- Nghĩa trang, nghĩa địa: Mở rộng
nghĩa trang Khu kinh tế Nghi Sơn tại khu vực sườn núi Lâm Động xã Xuân Lâm và
xã Nguyên Bình khoảng 70 ha; xây dựng mới Nghĩa trang núi Bợm, quy mô khoảng 30
ha.
e) Thông tin liên lạc:
- Xây dựng phát triển hệ thống thông
tin liên lạc của Khu kinh tế Nghi Sơn phải đồng bộ với các hệ thống hạ tầng
khác. Hệ thống công nghệ, hạ tầng, mật độ thuê bao,... phù hợp với sự phát triển
chung của cả nước;
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng
kỹ thuật cho hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị hành chính sự
nghiệp và một số các đơn vị khác;
- Hoàn thành việc xây dựng mạng diện rộng,
phục vụ tốt các hoạt động kinh tế - xã hội.
6. Các chương trình,
dự án ưu tiên đầu tư:
- Công nghiệp: Đầu tư xây dựng kết cấu
hạ tầng các khu công nghiệp số 1, 2, 3, 4, 5, 6 nhằm đáp ứng nhu cầu đất công
nghiệp giai đoạn trước mắt; xúc tiến đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Lọc hóa dầu
Nghi Sơn, tổng kho dầu thô, hóa chất...; đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu khu vực phía Tây đô thị trung tâm nhằm kêu gọi đầu tư xây
dựng khu đào tạo, nghiên cứu và công nghiệp triển khai
R&D;
- Du lịch: Hình thành các trung tâm dịch
vụ du lịch ven biển khu vực từ sông Ghép đến hết xã Hải Thanh, đảo Biện Sơn, đảo
Hòn Mê; đầu tư xây dựng các công trình có tính chất tạo động
lực nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của đô thị Yên Mỹ;
kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án du lịch, sân gofl tại khu vực hồ Yên Mỹ và hồ
Hao Hao,...; quảng bá hình ảnh du lịch gắn với các tour tuyến du lịch tại khu
kinh tế và các khu du lịch lân cận;
- Đô thị: Thực hiện các dự án phát triển nhà ở gắn với hệ thống hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật cho
từng khu đô thị, đáp ứng việc cải tạo, sắp xếp tái định cư, nhà ở xã hội đáp ứng
nhu cầu của người dân và hình thành đô thị; xây dựng, cải tạo và bổ sung các
trung tâm chuyên ngành như trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, trung tâm
văn hóa, công viên vui chơi giải trí và thể dục thể thao. Xây dựng khu quảng
trường gắn với trục chính cảnh quan; cải tạo chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ
thuật, hạ tầng xã hội trong các khu dân cư hiện hữu; cải tạo hệ thống công
trình thoát nước mưa và hệ thống sông ngòi khu vực đô thị trung tâm kết hợp thiết
kế cảnh quan và môi trường đô thị;
- Hạ tầng kỹ thuật:
+ Cảng biển: Xây
dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật cảng biển; đầu tư mở rộng cảng về
phía Bắc và phía Nam; nạo vét luồng cảng và nâng cấp cầu cảng Nghi Sơn đáp ứng
cỡ tàu từ 70.000DWT- 100.000DWT;
+ Đường sắt: Xây dựng mới ga trung
chuyển kết hợp cảng cạn Depot- ICD và trung tâm logistics tại xã Trường Lâm
thay thế ga Khoa Trường và ga Trường Lâm;
+ Đường bộ: Hoàn thiện tuyến đường
ven biển chạy qua Khu kinh tế Nghi Sơn đi Nghệ An; xây dựng mới tuyến đường nối
Quốc lộ 1A với đường Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; xây dựng
mới tuyến đường Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn kết nối trực
tiếp vào cảng Nghi Sơn theo quy hoạch; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao
thông khung;
+ Nâng cấp, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ
thống cấp nước, cấp điện, viễn thông, thoát nước trong Khu kinh tế Nghi Sơn;
+ Đầu tư xây dựng các khu xử lý nước
thải tập trung cho Khu kinh tế Nghi Sơn hiện hữu và khu đô thị trung tâm; mở rộng
khu xử lý chất thải rắn tại xã Trường Lâm; mở rộng nghĩa trang nhân dân tại xã
Nguyên Bình và xây mới nghĩa trang núi Bợm.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
1. Công bố điều
chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến
năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy
định của pháp luật hiện hành.
2. Ban hành Quy định quản lý theo điều
chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn được duyệt.
3. Triển khai lập, xét duyệt các đồ
án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và điều chỉnh các đồ
án quy hoạch đã phê duyệt để phù hợp với đồ án Quy hoạch chung này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh
Hóa, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Thông tin và
Truyền thông, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương,
Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa;
- Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NN, NC, QHĐP;
- Lưu: VT, CN(2). PC
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng
|