HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
196/2008/NQ-HĐND
|
Mỹ
Tho, ngày 06 tháng 12 năm 2008
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ THU HÚT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
HÀNH CHÍNH, VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2008 - 2013 VÀ ĐẾN
NĂM 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHOÁ VII - KỲ HỌP THỨ 16
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân
dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2006 của Thủ Tướng
Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai
đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng
dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước;
Qua xem xét dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 148/TTr-UBND ngày 07 tháng
11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc ban hành chính sách đào
tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ, công chức hành chính, viên chức sự nghiệp tỉnh
Tiền Giang giai đoạn 2008 - 2013 và tầm nhìn đến năm 2015 và Báo cáo thẩm tra số
89/BC- BPC ngày 26 tháng 11 năm 2008 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ, công chức hành chính, viên chức
sự nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2008 - 2013 và đến năm 2015 như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG,
ĐIỀU KIỆN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, THU HÚT
1. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng
a) Cán bộ, công chức hành chính
đang công tác tại các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính Nhà nước; cán bộ, viên
chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các tổ chức chính trị -
xã hội cấp tỉnh, huyện, cán bộ ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thuộc
diện quy hoạch cán bộ của Tỉnh ủy;
b) Đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp;
c) Công chức xã, phường, thị trấn
(gọi tắt là công chức cấp xã);
d) Cán bộ chuyên trách và không
chuyên trách xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cán bộ cấp xã);
đ) Cán bộ đoàn thể cấp xã được cử
đi bồi dưỡng, tập huấn các lớp do đoàn thể tổ chức theo kế hoạch được duyệt;
e) Học sinh, sinh viên và đối tượng
tạo nguồn cho các chức danh công chức cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo
kế hoạch được duyệt.
2. Đối tượng thu hút
Những trường hợp sau được xem là
đối tượng thu hút:
a) Về cấp tỉnh, huyện công tác:
+ Người tốt nghiệp sau đại học
trong nước và ở nước ngoài;
+ Người tốt nghiệp đại học ở nước
ngoài.
b) Về cấp xã công tác:
+ Người tốt nghiệp đại học (hệ
chính quy).
3. Đối tượng tạo nguồn
Cán bộ, công chức khi trúng tuyển
hoặc đang học đại học, sau đại học, có quyết định cử đi học của cấp có thẩm quyền
và có cam kết về địa phương phục vụ sau khi kết thúc chương trình đào tạo theo
quy định.
4. Trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Đào tạo sau đại học trong nước
và nước ngoài gồm: Tiến sĩ, Thạc sĩ, chuyên khoa I, chuyên khoa II áp dụng cho
các đối tượng là cán bộ, công chức hành chính đang công tác tại các cơ quan Đảng,
cơ quan hành chính Nhà nước; cán bộ, viên chức đang công tác tại các đơn vị sự
nghiệp công lập; các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, cán bộ ngành dọc
Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thuộc diện quy hoạch cán bộ của Tỉnh ủy;
b) Đào tạo đại học ở nước ngoài
áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, công chức hành chính đang công tác tại các
cơ quan Đảng, cơ quan hành chính Nhà nước; cán bộ, viên chức đang công tác tại
các đơn vị sự nghiệp công lập; các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện
và đối tượng tạo nguồn;
c) Đào tạo đại học, cao đẳng,
trung cấp chuyên nghiệp ở trong nước áp dụng cho các đối tượng là công chức cấp
xã, cán bộ cấp xã; các đối tượng đào tạo theo địa chỉ sử dụng;
d) Đào tạo cao cấp chính trị, cử
nhân chính trị, trung cấp chính trị, cử nhân hành chính: áp dụng cho các đối tượng
quy định tại điểm a, c, d, đ của mục 1 phần I;
e) Bồi dưỡng, tập huấn: áp dụng
cho tất cả các đối tượng đã quy định tại mục 1 phần I.
5. Điều kiện đào tạo, bồi dưỡng
và thu hút
a) Điều kiện đào tạo, bồi dưỡng
- Cán bộ, công chức, viên chức
phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương,
chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
- Có tên trong kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức do Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt hàng năm, 5 năm;
- Được cấp có thẩm quyền ra quyết
định cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn;
- Trình độ đào tạo và chuyên môn
phải phù hợp với công việc đang đảm trách;
- Có trình độ, kiến thức, năng lực
đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.
b) Điều kiện thu hút, tạo nguồn
- Sau đại học: thu hút đối với
người có bằng tốt nghiệp sau đại học được đào tạo trong nước hoặc ở nước ngoài,
có trình độ chuyên môn ngành, nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế, văn hoá
xã hội của tỉnh.
- Đại học: thu hút đối với người
có bằng tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi, xuất sắc (hệ chính quy) được đào tạo
trong nước hoặc ở nước ngoài, có trình độ chuyên môn ngành, nghề phù hợp với
nhu cầu bố trí công tác của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh;
- Tạo nguồn: người trúng tuyển
hoặc đang học đại học và sau đại học ở nước ngoài, có trình độ chuyên môn
ngành, nghề phù hợp với ngành nghề tỉnh cần thu hút, có nguyện vọng và cam kết
về tỉnh công tác, đồng thời đáp ứng các điều kiện thu hút theo quy định thì được
xem là đối tượng tạo nguồn cán bộ, công chức.
c) Độ tuổi áp dụng chính sách
đào tạo và thu hút
- Độ tuổi áp dụng đối với cán bộ,
công chức được cử đi đào tạo:
+ Nghiên cứu sinh : Nam không
quá 45 tuổi, nữ không quá 40 tuổi;
+ Cao học: Nam không quá 40 tuổi,
nữ không quá 35 tuổi;
+ Chuyên khoa II: Nam không quá
50 tuổi, nữ không quá 45 tuổi;
+ Chuyên khoa I: Nam không quá
45 tuổi, nữ không quá 40 tuổi;
+ Đại học: không quá 30 tuổi.
- Độ tuổi áp dụng đối với đối tượng
thu hút, tạo nguồn:
+ Nghiên cứu sinh: không quá 40
tuổi;
+ Cao học: không quá 35 tuổi;
+ Chuyên khoa II: không quá 40
tuổi;
+ Chuyên khoa: không quá 35 tuổi;
+ Đại học: không quá 25 tuổi.
6. Quyền lợi của người được hưởng
chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút
- Cán bộ, công chức, viên chức
được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan bố trí thời gian và hỗ trợ kinh phí
theo chế độ quy định;
- Cán bộ, công chức, viên chức
trong thời gian được cử đi dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng được hưởng nguyên
lương và các chế độ khác theo quy định;
- Đối tượng thu hút, tạo nguồn
được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp với trình độ đào tạo và được
tạo điều kiện phát huy chuyên môn, nghiệp vụ.
7. Nghĩa vụ của người hưởng
chính sách đào tạo, thu hút và tạo nguồn
Các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng,
thu hút và tạo nguồn nêu trên khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải thực hiện
các nghĩa vụ sau đây:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập,
nâng cao trình độ lý luận, kiến thức, kỹ năng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ;
- Có ý thức trách nhiệm, thực hiện
đúng các quy định của cơ sở đào tạo;
- Thanh quyết toán kinh phí đào
tạo đúng quy định;
- Sau khi kết thúc chương trình
đào tạo, chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức, cơ quan quản lý;
- Cam kết công tác ổn định ít nhất
gấp 3 lần thời gian được cử đi đào tạo sau khi kết thúc chương trình đào tạo;
- Đối với các đối tượng là cán bộ,
công chức, viên chức khi được cử đi đào tạo: trong thời gian đào tạo mà tự ý bỏ
học, bỏ việc, không hoàn thành nhiệm vụ học tập hay đơn phương chấm dứt hợp đồng
làm việc hoặc không chấp hành đủ thời gian công tác như nội dung đã cam kết thì
phải bồi thường theo quy định hiện hành về bồi thường kinh phí đào tạo;
- Đối với các đối tượng thu hút,
tạo nguồn: trong thời gian đào tạo mà tự ý bỏ học, không hoàn thành nhiệm vụ học
tập hay khi đã được bố trí công tác mà bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng
làm việc hoặc không chấp hành đủ thời gian công tác như nội dung đã cam kết thì
phải bồi thường gấp 2 lần kinh phí đã nhận từ chính sách thu hút, tạo nguồn của
tỉnh. Đồng thời phải chịu xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
II. CHÍNH
SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
1. Đào tạo sau đại học ở trong
nước
Các đối tượng đào tạo sau khi có
văn bằng tốt nghiệp được hỗ trợ một lần:
a) Đối với lĩnh vực khoa học tự
nhiên và khoa học xã hội - nhân văn:
- Tiến sĩ: 70.000.000 đồng/người;
- Thạc sĩ: 60.000.000 đồng/người;
b) Đối với lĩnh vực khoa học kỹ
thuật - công nghệ:
- Tiến sĩ: 80.000.000 đồng/người;
- Thạc sĩ: 60.000.000 đồng/người;
- Bác sĩ Chuyên khoa II:
70.000.000 đồng/người;
- Bác sĩ Chuyên khoa I:
50.000.000 đồng/người.
2. Đào tạo đại học, sau đại học ở
nước ngoài
Các đối tượng đào tạo sau khi có
văn bằng tốt nghiệp được hỗ trợ một lần:
a) Đối với các trường hợp tốt
nghiệp ở các nước như Nhật, Mỹ:
- Tiến sĩ: 550.000.000 đồng/người;
- Thạc sĩ: 350.000.000 đồng/người;
- Đại học: 170.000.000 đồng/người.
b) Đối với các trường hợp tốt
nghiệp các nước còn lại:
- Tiến sĩ: 500.000.000 đồng/người;
- Thạc sĩ: 300.000.000 đồng/người;
- Đại học: 110.000.000 đồng/người.
c) Đối với các trường hợp được
nhận học bổng đào tạo đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc học liên kết (học
trong nước và có thời gian học ở nước ngoài), hoặc từ các chương trình dự án được
tài trợ thì Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định mức hỗ trợ từng trường hợp
cụ thể.
3. Đào tạo đại học, cao đẳng,
trung cấp chuyên nghiệp trong nước
a) Các đối tượng cán bộ, công chức
cấp xã khi được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo phù hợp với lĩnh vực đang công
tác và sau khi có văn bằng tốt nghiệp được hỗ trợ một lần:
- Đại học: 15.000.000 đồng/người;
- Cao đẳng: 8.000.000 đồng/người;
- Trung học: 5.000.000 đồng/người.
b) Đối với các đối tượng cán bộ,
công chức cấp xã; đối tượng tạo nguồn công chức cấp xã thuộc diện hộ nghèo, được
cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác thì được hỗ trợ
theo nhu cầu kinh phí của từng năm. Tổng kinh phí hỗ trợ bằng kinh phí hỗ trợ một
lần như điểm a, khoản này.
4. Đào tạo cao cấp chính trị, cử
nhân chính trị, cử nhân hành chính
Các đối tượng khi được cấp có thẩm
quyền cử đi đào tạo tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (hệ
chính quy) được hỗ trợ như sau:
- Học phí: thanh toán theo mức
thu của cơ sở đào tạo;
- Tài liệu: thanh toán theo mức
khoán (không cần chứng từ) gồm:
+ Cử nhân chính trị, cử nhân
hành chính: 1.000.000 đồng/người/khoá;
+ Cao cấp lý luận chính trị:
400.000 đồng/người/khoá.
- Sinh hoạt phí: hỗ trợ theo mức
khoán như sau:
+ Được cử đi học tập trung dài hạn
ở các tỉnh phía Nam (ngoài tỉnh) được trợ cấp 800.000 đồng/người/tháng đối với
nam, 900.000 đồng/người/tháng đối với nữ;
+ Được cử đi học tập trung dài hạn
ở các tỉnh phía Bắc được trợ cấp 900.000 đồng/người/tháng đối với nam,
1.000.000 đồng/người/tháng đối với nữ.
- Tiền nghỉ: nếu cơ sở đào tạo
không bố trí chỗ ở thì được thanh toán theo mức khoán 900.000 đồng/người/tháng;
- Tiền tàu xe: được thanh toán
lượt đi và về khi kết thúc khoá học; các trường hợp đi học ở các tỉnh phía Bắc
còn được thanh toán lượt đi và về trong dịp nghỉ tết, nghỉ hè.
5. Các đối tượng quy định tại mục
1 phần I khi được cử đi đào tạo tại Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học Tiền
Giang và tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thì được ngân sách hỗ
trợ học phí, tiền tài liệu, lệ phí thi đầu vào và chi phí thi tốt nghiệp.
Riêng các đối tượng là công chức
cấp xã, cán bộ cấp xã, cán bộ đoàn thể cấp xã, sinh viên, học sinh, đối tượng tạo
nguồn, đại biểu Hội đồng nhân dân thì được hỗ trợ thêm tiền ăn: 15.000 đồng/người/ngày.
6. Bồi dưỡng, tập huấn
a) Bồi dưỡng, tập huấn trong tỉnh
- Các đối tượng là cán bộ, công
chức hành chính đang công tác tại các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính Nhà nước;
cán bộ, viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các tổ chức
chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, đại biểu Hội đồng nhân nhân cấp tỉnh, huyện
đi bồi dưỡng, tập huấn theo kế hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu có khoảng
cách từ cơ quan đến cơ sở đào tạo là 10km trở lên thì được hỗ trợ tiền ăn từ
ngày khai giảng đến ngày kết thúc khoá học 15.000 đồng/ngày/người;
- Các đối tượng là công chức cấp
xã, cán bộ cấp xã, cán bộ đoàn thể cấp xã, sinh viên, học sinh, đối tượng tạo
nguồn, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đi bồi dưỡng, tập huấn theo kế hoạch
do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hỗ trợ:
+ Tiền ăn: tính từ ngày khai giảng
đến ngày kết thúc khoá học là 15.000 đồng/ngày/người;
+ Tiền nghỉ: nơi nghỉ do cơ sở
đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo, nếu không bố trí được thì hỗ trợ 8.000 đồng/người/ngày;
+ Tiền tàu xe: được thanh toán
lượt đi và lượt về theo giá cước hiện hành.
b) Bồi dưỡng, tập huấn ngoài tỉnh
Các đối tượng là cán bộ, công chức
hành chính đang công tác tại các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính Nhà nước; cán
bộ, viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các tổ chức
chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, đại biểu Hội đồng nhân nhân cấp tỉnh, huyện
khi được cử đi bồi dưỡng, tập huấn ngoài tỉnh:
- Nếu thời gian học dưới 7 ngày
thì thanh toán theo chế độ công tác phí hiện hành, tiền tài liệu và học phí (nếu
có);
- Nếu thời gian học từ 7 ngày trở
lên thì được thanh toán các khoản như sau:
+ Tiền tài liệu, học phí, tiền
tàu xe (hoặc vé máy bay theo đối tượng quy định);
+ Tiền nghỉ: tối đa không quá 120.000
đồng/ngày/người;
+ Tiền
ăn : 25.000 đồng/ngày/người.
III. CHẾ ĐỘ
THU HÚT
1. Hỗ trợ một lần đối với người
tốt nghiệp (có bằng) sau đại học trong nước về công tác tại đơn vị công lập cấp
tỉnh, huyện
- Tiến sĩ: 80.000.000 đồng/người;
- Thạc sĩ: 60.000.000 đồng/người;
- Bác sĩ Chuyên khoa II:
70.000.000 đồng/người;
- Bác sĩ Chuyên khoa I:
50.000.000 đồng/người.
2. Hỗ trợ một lần đối với người
tốt nghiệp (có bằng) đại học, sau đại học ở nước ngoài về công tác tại đơn vị
hành chính, sự nghiệp công lập cấp tỉnh, huyện
- Đối với các trường hợp tốt
nghiệp ở các nước như Nhật, Mỹ:
+ Tiến sĩ: 550.000.000 đồng/người;
+ Thạc sĩ: 350.000.000 đồng/người;
+ Đại học: 170.000.000 đồng/người.
- Đối với các trường hợp tốt
nghiệp các nước còn lại:
+ Tiến sĩ: 500.000.000 đồng/người;
+ Thạc sĩ: 300.000.000 đồng/người;
+ Đại học: 110.000.000 đồng/người.
3. Thu hút đối với người tốt
nghiệp đại học (hệ chính quy) về công tác tại xã, phường, thị trấn
Sinh viên tốt nghiệp đại học (hệ
chính quy) có trình độ chuyên môn phù hợp với các chức danh cán bộ, công chức cấp
xã, cán bộ không chuyên trách, khi có quyết định tuyển dụng của cấp có thẩm quyền
theo phân cấp được hỗ trợ một lần:
- Tốt nghiệp loại xuất sắc:
20.000.000 đồng/người;
- Tốt nghiệp loại giỏi:
15.000.000 đồng/người;
- Tốt nghiệp loại khá, trung
bình : 10.000.000 đồng/người.
Ngoài ra, hỗ trợ hàng tháng cho
các đối tượng thu hút về xã, phường, thị trấn công tác, trong thời gian 03 năm
kể từ ngày nhận công tác cụ thể như sau:
- Làm việc tại xã: 400.000 đồng/người/
tháng;
- Làm việc tại thị trấn: 300.000
đồng/người/ tháng;
- Làm việc tại phường: 200.000 đồng/người/
tháng.
4. Các đối tượng có trình độ đại
học trở lên khi có quyết định tuyển dụng của cấp có thẩm quyền được hỗ trợ 15%
cho đủ 100% bậc lương khởi điểm trong suốt thời gian tập sự.
IV. KINH PHÍ
CHI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ THU HÚT
Các khoản kinh phí chi cho công
tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, thu hút, tạo nguồn, thăm hỏi sinh viên và quản
lý hành chính chi từ:
1. Kinh phí đào tạo do Sở Nội vụ
quản lý
a) Chi đào tạo sau đại học và đại
học ở nước ngoài;
b) Chi đào tạo sau đại học, đại
học, cao đẳng, trung học về chuyên môn nghiệp vụ trong nước;
c) Chi hỗ trợ một lần cho các đối
tượng thu hút, tạo nguồn có bằng tốt nghiệp sau đại học trong nước; tốt nghiệp
đại học, sau đại học ở nước ngoài về tỉnh, huyện công tác; tốt nghiệp đại học
(hệ chính quy) về xã, phường, thị trấn công tác;
d) Chi công tác bồi dưỡng, tập
huấn ngoài tỉnh đối với các đơn vị hành chính cấp tỉnh;
đ) Chi học phí các trường hợp đặc
biệt đào tạo theo địa chỉ sử dụng.
2. Kinh phí đào tạo do Ban tổ chức
Tỉnh ủy quản lý
Chi học phí, tiền tài liệu, sinh
hoạt phí, tiền nghỉ, tiền tàu xe đối với cán bộ, công chức được cử đi đào tạo
cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị, cử nhân hành chính (hệ chính quy)
tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
3. Kinh phí đào tạo do cấp huyện
quản lý
a) Chi cho công tác bồi dưỡng, tập
huấn ngoài tỉnh theo quy định: áp dụng với các đơn vị quản lý hành chính cấp
huyện;
b) Chi tiền học phí, tài liệu (nếu
có) và tiền ăn đối với các lớp bồi dưỡng, tập huấn trong tỉnh.
4. Kinh phí thường xuyên của đơn
vị
a) Chi công tác bồi dưỡng, tập
huấn ngoài tỉnh đối với các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, huyện;
b) Chi bồi dưỡng, tập huấn trong
tỉnh đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh, huyện;
- Đối với cấp tỉnh: chi hỗ trợ
tiền ăn theo quy định;
- Đối với cấp huyện: chi tiền
tàu xe và tiền nghỉ.
c) Chi hỗ trợ hàng tháng 15% cho
đủ 100% bậc lương khởi điểm trong thời gian tập sự đối với đối tượng có trình độ
đại học trở lên khi có quyết định tuyển dụng của cấp thẩm quyền về công tác tại
tỉnh, huyện, xã.
5. Kinh phí sự nghiệp đào tạo do
cấp xã quản lý
Chi tiền tàu xe và tiền nghỉ cho
các đối tượng đi bồi dưỡng, tập huấn gồm:
a) Công chức xã, phường, thị trấn;
b) Cán bộ chuyên trách và không
chuyên trách xã, phường, thị trấn ;
c) Cán bộ đoàn thể cấp xã được cử
đi bồi dưỡng, tập huấn các lớp do đoàn thể tổ chức theo kế hoạch được Ủy ban
nhân dân tỉnh phê duyệt.
6. Cơ sở đào tạo trong tỉnh
Chi tiền ăn cho các đối tượng
quy định tại điểm c, d, đ, e và đại biểu Hội đồng nhân dân không hưởng lương từ
ngân sách của mục 1 phần I và chi các chế độ khác theo quy định.
7. Chi phí cho Ban điều hành quản
lý Quỹ đào tạo
Ban điều hành quản lý Quỹ Đào tạo
của tỉnh được ngân sách chi từ nguồn dự toán được bố trí hàng năm cho Sở Nội vụ
(ngoài kinh phí của Quỹ Đào tạo), để:
a) Chi các khoản chi phí hành
chính khác;
b) Thù lao cho các thành viên có
liên quan phục vụ cho công tác quản lý đào tạo;
c) Chi thăm hỏi sinh viên có hoàn
cảnh đặc biệt.
Điều 2.
Đối với các trường hợp cán bộ, công chức, đối tượng thu hút, tạo nguồn (học
sinh tốt nghiệp THPT, sinh viên đi học ở nước ngoài) và cán bộ, công chức ngành
dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh cử đi đào tạo đại
học và sau đại học (trong và ngoài nước), còn đang đi học hoặc đã học xong
nhưng đến nay chưa bảo vệ luận văn, luận án tốt nghiệp được tiếp tục hỗ trợ
kinh phí (học phí, tài liệu, tiền ăn, tiền nghỉ, tàu xe, hỗ trợ làm luận văn tốt
nghiệp) theo mức chi tại Quyết định số 47/2006/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2006
của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thời điểm chấm dứt hiệu lực Quyết
định 47/2006/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh là ngày
31 tháng 12 năm 2011.
Điều 3.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn cụ thể và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Giao Ban Pháp chế Hội đồng nhân
dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng
nhân dân tỉnh Tiền Giang khoá VII, kỳ họp thứ 16 thông qua và có hiệu lực thi
hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này thay thế Nghị quyết
106/2006/NQ-HĐND ngày 27 tháng 9 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về đào tạo
cán bộ, công chức và nguồn cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2011./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (HN);
- UB. Pháp luật của Quốc hội;
- UB. VH-GD-TN-TN-NĐ của QH;
- VP. Quốc hội, VP. Chính phủ (HN);
- Ban Công tác đại biểu của UBTVQH (HN);
- Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính; Bộ GD-ĐT;
- Vụ Công tác đại biểu của VP. Quốc hội (HN);
- Vụ IV thuộc VP. Chính phủ (TP. HCM);
- Cơ quan Thường trực Bộ Nội vụ (TP. HCM);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- UBND, UBMTTQ tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Tòa án, Viện Kiểm sát tỉnh;
- Sở, ngành tỉnh;
- Báo Ấp Bắc, Đài PTTH tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND cấp huyện;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ
TỊCH
Đỗ Tấn Minh
|