BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/VBHN-BGTVT
|
Hà Nội, ngày
25 tháng 12 năm 2018
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP DỊCH VỤ BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI
Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01
tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn
hàng hải, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP
ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng
hải, có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 10 năm 2018.
Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25
tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm
2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải;
Chính phủ ban hành Nghị định về điều kiện
cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải[1].
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về điều kiện cung cấp
dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, bao gồm:
a) Thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu
hàng hải, luồng hàng hải và tuyến hàng hải;
b) Thông báo hàng hải;
c) Khảo sát phục vụ Thông báo hàng hải;
d) Điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải;
đ) Khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng
nước cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; xây dựng và phát hành tài liệu,
ấn phẩm an toàn hàng hải;
e) Thông tin điện tử hàng hải;
g) Hoa tiêu hàng hải;
h) Thanh thải chướng ngại vật;
i) Nhập khẩu pháo hiệu hàng hải.
2. Các dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải khác
không quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân
Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến dịch vụ bảo đảm an toàn
hàng hải tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc (sau đây viết
tắt là vùng hoa tiêu bắt buộc) là phần giới hạn trong vùng nước cảng biển hoặc
khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi, được xác định từ vùng đón trả hoa tiêu đến
cầu cảng, bến cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, nhà máy đóng - sửa
chữa tàu biển, cảng dầu khí ngoài khơi và ngược lại mà tàu biển khi di chuyển
phải sử dụng hoa tiêu dẫn tàu theo quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Một
vùng hoa tiêu bắt buộc bao gồm một hoặc nhiều tuyến dẫn tàu.
2. Tuyến dẫn tàu là tuyến hành trình của tàu
thuyền do hoa tiêu dẫn từ vùng đón trả hoa tiêu vào cầu cảng, bến cảng, khu neo
đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, nhà máy đóng - sửa chữa tàu biển của một cảng
biển hoặc cảng dầu khí ngoài khơi thuộc vùng hoa tiêu bắt buộc.
3. Dịch vụ thông tin điện tử hàng hải là dịch vụ
thiết lập, quản lý vận hành và khai thác mạng viễn thông hàng hải; thực hiện
cung cấp dịch vụ thông tin duyên hải, các dịch vụ thông tin, điện tử khác để
duy trì thông tin cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, công
tác an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường hàng hải.
4. Thông báo hàng hải là văn bản cung cấp thông
tin, chỉ dẫn cho người đi biển và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo đảm an
toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
5. Pháo hiệu hàng hải là pháo hiệu sử dụng trong
công tác an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, bao gồm: Các loại pháo
hiệu, đuốc cầm tay và tín hiệu khói nổi thỏa mãn các quy định của pháp luật và
các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Điều 4. Nguyên tắc cung cấp
dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải
1. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bảo đảm an
toàn hàng hải tại Việt Nam chỉ được hoạt động khi bảo đảm tuân thủ các quy định
tại Nghị định này và quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải được cung cấp
phải phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành
viên và thực tế hoạt động hàng hải tại khu vực.
Chương II
ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP DỊCH
VỤ BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI
Mục 1. ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP DỊCH
VỤ THIẾT LẬP, VẬN HÀNH, DUY TRÌ, BẢO TRÌ BÁO HIỆU HÀNG HẢI, LUỒNG HÀNG HẢI VÀ
TUYẾN HÀNG HẢI
Điều 5. Điều
kiện cung cấp dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải,
khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải[2]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước,
luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là doanh nghiệp do Nhà nước nắm
giữ 100% vốn điều lệ; được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều lệ tổ
chức và hoạt động.
2. Người được giao phụ trách
lĩnh vực cung cấp dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải,
khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải phải tốt nghiệp
đại học kinh tế hoặc kỹ thuật và có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo đảm
an toàn hàng hải tối thiểu 05 năm.
3. Có cơ sở vật chất tối thiểu: có 01 cầu cảng,
xưởng sản xuất, bảo trì báo hiệu.
Điều 6. Điều
kiện cung cấp dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải
khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng[3]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước,
luồng hàng hải chuyên dùng phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là doanh nghiệp được thành lập
theo quy định của pháp luật.
2. Người được giao phụ trách lĩnh vực cung cấp dịch
vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước,
luồng hàng hải chuyên dùng phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kỹ thuật và có
kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải tối thiểu 05 năm.
Mục 2. ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP DỊCH
VỤ KHẢO SÁT PHỤC VỤ CÔNG BỐ THÔNG BÁO HÀNG HẢI
Điều 7. Điều
kiện cung cấp dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và
tuyến hàng hải phục vụ công bố Thông báo hàng hải[4]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải phục vụ
công bố Thông báo hàng hải phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là doanh nghiệp do Nhà nước
nắm giữ 100% vốn điều lệ; được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều lệ
tổ chức và hoạt động.
2. Người được giao phụ trách
lĩnh vực cung cấp dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng
và tuyến hàng hải phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kỹ thuật và có kinh nghiệm
hoạt động trong lĩnh vực khảo sát hàng hải tối thiểu 05 năm.
3. Có trang thiết bị khảo sát chuyên dùng tối
thiểu gồm: máy đo sâu hồi âm; thiết bị xác định tọa độ, độ cao; máy rà quét chướng
ngại vật; thiết bị triều ký tự ghi; máy bù sóng; thiết bị đo vận tốc sóng âm
trong môi trường nước và phần mềm khảo sát chuyên dụng.
Điều 8. Điều
kiện cung cấp dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng
phục vụ công bố Thông báo hàng hải[5]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng phục vụ công bố Thông
báo hàng hải phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là doanh nghiệp được thành lập
theo quy định của pháp luật.
2. Người được giao phụ trách
lĩnh vực cung cấp dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên
dùng phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kỹ thuật và có kinh nghiệm hoạt động
trong lĩnh vực khảo sát hàng hải tối thiểu 05 năm.
3. Có trang thiết bị khảo sát chuyên dùng tối
thiểu gồm: máy đo sâu hồi âm; thiết bị xác định tọa độ, độ cao; máy rà quét chướng
ngại vật; thiết bị triều ký tự ghi; máy bù sóng; thiết bị đo vận tốc sóng âm
trong môi trường nước và phần mềm khảo sát chuyên dụng.
Mục 3. ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP
DỊCH VỤ THÔNG BÁO HÀNG HẢI
Điều 9. Thông báo hàng hải
1. Thông báo hàng hải bao gồm:
a) Thông báo hàng hải về hoạt động của báo hiệu
hàng hải: Thiết lập mới, thay đổi đặc tính hoạt động, tạm ngừng hoạt động, tạm
ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động của báo hiệu hàng hải;
b) Thông báo hàng hải về các thông số kỹ thuật của
luồng hàng hải, vùng nước trước cầu cảng và các khu nước, vùng nước;
c) Thông báo hàng hải về chướng ngại vật nguy hiểm
mới phát hiện;
d) Thông báo hàng hải về khu vực thi công công
trình trên biển hoặc trên luồng hàng hải;
đ) Thông báo hàng hải về công trình ngầm, công
trình vượt qua luồng hàng hải;
e) Thông báo hàng hải về phân luồng giao thông
hàng hải hoặc hạn chế lưu thông, tạm ngừng hoạt động của luồng hàng hải;
g) Thông báo hàng hải về khu vực biển hạn chế hoặc
cấm hoạt động hàng hải;
h) Thông báo hàng hải về các thông tin truyền
phát lại, thông tin chỉ dẫn hàng hải liên quan đến hoạt động hàng hải;
i) Công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao
thông trong lãnh hải Việt Nam.
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông báo hàng
hải thực hiện các thông báo quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này.
3. Cảng vụ hàng hải thực hiện thông báo hàng hải
quy định tại các điểm e, g và h khoản 1 Điều này.
4. Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện thông báo
hàng hải quy định tại điểm i khoản 1 Điều này.
Điều 10. Điều
kiện đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông báo hàng hải[6]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
thông báo hàng hải quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này
phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là doanh nghiệp do Nhà nước
nắm giữ 100% vốn điều lệ; được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều lệ
tổ chức và hoạt động.
2. Người được giao phụ trách
lĩnh vực cung cấp dịch vụ thông báo hàng hải phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc
kỹ thuật và có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực hàng hải tối thiểu 05 năm.
Mục 4. ĐIỀU
KIỆN CUNG CẤP DỊCH VỤ ĐIỀU TIẾT BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI
Điều 11. Điều
kiện cung cấp dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng
nước và luồng hàng hải công cộng[7]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điều
tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng
phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là doanh nghiệp do Nhà nước
nắm giữ 100% vốn điều lệ; được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều lệ
tổ chức và hoạt động.
2. Người được giao phụ trách lĩnh vực cung cấp dịch
vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc
kỹ thuật và có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điều tiết bảo đảm an toàn
hàng hải tối thiểu 05 năm.
Điều 12. Điều
kiện cung cấp dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng
nước, luồng hàng hải chuyên dùng[8]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điều
tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên
dùng phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là doanh nghiệp được thành lập
theo quy định của pháp luật.
2. Người được giao phụ trách lĩnh vực cung cấp dịch
vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kỹ
thuật và có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điều tiết bảo đảm an toàn hàng
hải tối thiểu 05 năm.
Mục 5. ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP DỊCH
VỤ KHẢO SÁT, XÂY DỰNG VÀ PHÁT HÀNH HẢI ĐỒ VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN, LUỒNG HÀNG HẢI
VÀ TUYẾN HÀNG HẢI; XÂY DỰNG VÀ PHÁT HÀNH TÀI LIỆU, ẤN PHẨM AN TOÀN HÀNG HẢI
Điều 13. Điều
kiện về tổ chức và vốn của doanh nghiệp[9]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khảo sát, xây dựng
và phát hành hải đồ vùng nước cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; xây
dựng và phát hành tài liệu, ấn phẩm hàng hải phải đáp ứng các điều kiện về tổ
chức và vốn như sau: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật,
do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê
duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động.
Điều 14. Điều
kiện về nhân lực và cơ sở vật chất[10]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước cảng biển, luồng hàng hải và
tuyến hàng hải; xây dựng và phát hành tài liệu, ấn phẩm hàng hải phải đáp ứng
các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất như sau:
1. Người được giao phụ trách
lĩnh vực cung cấp dịch vụ khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước cảng
biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải xây dựng và phát hành tài liệu, ấn phẩm
hàng hải phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kỹ thuật và có kinh nghiệm hoạt động
trong lĩnh vực khảo sát hàng hải tối thiểu 05 năm.
2. Có trang thiết bị khảo sát chuyên dùng tối
thiểu gồm: máy đo sâu hồi âm; thiết bị xác định tọa độ, độ cao; máy rà quét chướng
ngại vật; thiết bị triều ký tự ghi; máy bù sóng; thiết bị đo vận tốc sóng âm
trong môi trường nước; phần mềm khảo sát chuyên dụng và phần mềm biên tập, xuất
bản hải đồ giấy và hải đồ điện tử.
Mục 6. ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP DỊCH
VỤ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HÀNG HẢI
Điều 15. Điều
kiện về tổ chức và vốn của doanh nghiệp[11]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin điện tử
hàng hải phải đáp ứng các điều kiện về tổ chức và vốn như sau: Là doanh nghiệp
được thành lập theo quy định của pháp luật, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động.
Điều 16. Điều
kiện về nhân lực và cơ sở vật chất[12]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin điện tử
hàng hải phải đáp ứng điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất như sau: Người được
giao phụ trách lĩnh vực cung cấp dịch vụ thông tin điện tử hàng hải phải tốt
nghiệp đại học trở lên thuộc các lĩnh vực thông tin hàng hải hoặc điện tử viễn
thông và phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thông tin điện tử hàng hải
tối thiểu 05 năm
Mục 7. ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP DỊCH
VỤ HOA TIÊU HÀNG HẢI
Điều 17. Điều kiện về tổ chức
và vốn của doanh nghiệp
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải
là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, do Nhà nước nắm giữ
tối thiểu 75% vốn điều lệ.
Điều 18. Điều
kiện về nhân lực, cơ sở vật chất[13]
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
hoa tiêu hàng hải phải đáp ứng các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất như
sau:
1. Người được giao phụ trách
lĩnh vực cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải phải là hoa tiêu ngoại hạng.
2. Có đủ số lượng hoa tiêu tối
thiểu đã được cấp giấy chứng nhận vùng hoạt động phù hợp với tuyến dẫn tàu được
giao. Việc xác định số lượng hoa tiêu tối thiểu các hạng và số lượng phương tiện
tối thiểu để đưa, đón hoa tiêu được thực hiện như sau:
a) Số lượng hoa tiêu tối thiểu
các hạng được tính căn cứ theo tuyến dẫn tàu, số lượng tàu và trọng tải tàu hoạt
động trên tuyến trong 03 năm trước đó (đối với tuyến dẫn tàu mới mở thì số lượng
hoa tiêu tối thiểu các hạng được tính căn cứ trên số lượng tàu và trọng tải tàu
dự báo hoạt động trên tuyến đó trong 03 năm đầu tiên); số ngày làm việc tối đa
hàng năm của người lao động theo quy định của pháp luật. Số lượng hoa tiêu tối
thiểu trên mỗi tuyến phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu cung cấp dịch vụ hoa
tiêu dẫn tàu và tối thiểu 10% dự trữ trên tổng số hoa tiêu.
b) Số lượng phương tiện tối thiểu
để đưa, đón hoa tiêu được xác định căn cứ vào số lượt tàu được dẫn hàng năm của
doanh nghiệp hoa tiêu và điều kiện hàng hải tại khu vực dẫn tàu.
c) Cục Hàng hải Việt Nam công bố
số lượng hoa tiêu tối thiểu các hạng và số lượng phương tiện tối thiểu để đưa,
đón hoa tiêu của mỗi tuyến dẫn tàu; giao vùng hoa tiêu bắt buộc và tuyến dẫn
tàu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoa tiêu theo nguyên tắc một tuyến dẫn
tàu chỉ do một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải đảm nhận.
Điều 19. Thủ tục giao tuyến
dẫn tàu
1. Hồ sơ đề nghị giao tuyến dẫn tàu bao gồm:
a) Văn bản đề nghị theo Mẫu
số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Danh sách hoa tiêu kèm theo bản sao Giấy chứng
nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và bản sao Giấy chứng nhận vùng hoạt
động hoa tiêu hàng hải của từng hoa tiêu;
c) Bản kê khai phương tiện đưa, đón hoa tiêu kèm
theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký của phương tiện đó.
2. Trình tự giao tuyến dẫn tàu:
a) Công ty hoa tiêu gửi hồ sơ quy định tại khoản
1 Điều này trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp
khác theo quy định đến Cục Hàng hải Việt Nam;
b) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy
đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; trường
hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn công ty hoa
tiêu hoàn thiện lại hồ sơ;
c) Trường hợp nhận qua hệ thống bưu chính hoặc bằng
hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản gửi
công ty hoa tiêu nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét thẩm định hồ sơ và
xin ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 03 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao
thông vận tải có văn bản trả lời; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng
văn bản và nêu rõ lý do để Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản trả lời cho công ty
hoa tiêu;
đ) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam
quyết định giao tuyến dẫn tàu cho công ty hoa tiêu.
Mục 8. ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP DỊCH
VỤ THANH THẢI CHƯỚNG NGẠI VẬT
Điều 20. Điều
kiện về tổ chức của doanh nghiệp[14]
Tổ chức cung cấp dịch vụ thanh thải chướng ngại
vật phải là doanh nghiệp, được thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Điều kiện về cơ sở
vật chất
Bảo đảm đủ phương tiện và trang thiết bị phù hợp
để thanh thải chướng ngại vật và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Mục 9. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH
VỤ NHẬP KHẨU PHÁO HIỆU HÀNG HẢI
Điều 22. Điều
kiện kinh doanh dịch vụ nhập khẩu pháo hiệu hàng hải[15]
1. Là doanh nghiệp được thành lập
theo quy định của pháp luật.
2. Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa
cháy theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Thủ tục cấp Giấy
phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu
hàng hải, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị nhập khẩu pháo hiệu hàng hải,
trong đó ghi rõ chủng loại, số lượng, nước sản xuất, quy cách sản phẩm, đặc điểm
và công dụng, ký mã hiệu, thời hạn sử dụng của từng loại; thời hạn nhập khẩu;
b) Bản dịch có chứng thực Giấy chứng nhận xuất xứ
của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước sản xuất xác nhận việc pháo hiệu
hàng hải đã được thử nghiệm phù hợp với các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc
tế;
c) Báo cáo của tổ chức, cá nhân về tình hình thực
hiện Giấy phép nhập khẩu của năm trước đó và bản theo dõi Giấy phép nhập khẩu của
Chi cục Hải quan cửa khẩu (nếu có).
2. Trình tự cấp giấy phép:
a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ quy định tại khoản
1 Điều này trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp
khác theo quy định đến Bộ Giao thông vận tải;
b) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy
đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; trường
hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá
nhân hoàn thiện lại hồ sơ;
c) Trường hợp nhận qua hệ thống bưu chính hoặc bằng
hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi
tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
d) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi xin ý kiến Bộ Quốc
phòng và Bộ Công an;
đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được văn bản xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Trường hợp quá thời hạn nói trên, Bộ Quốc
phòng, Bộ Công an không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý với nội dung xin ý
kiến của Bộ Giao thông vận tải;
e) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được văn bản tham gia ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông
vận tải cấp Giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ
lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Giao
thông vận tải phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
3. Bộ Giao thông vận tải không cấp Giấy phép nhập
khẩu pháo hiệu hàng hải trong trường hợp pháo hiệu hàng hải đã hết thời hạn sử
dụng hoặc có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Hiệu lực thi hành[16]
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01 tháng 7 năm 2017; riêng các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ nhập khẩu
pháo hiệu hàng hải có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Bãi bỏ các Nghị định và quy định sau:
a) Nghị định số 173/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 11
năm 2007 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải;
b) Nghị định số 49/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6
năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 173/2007/NĐ-CP
ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu
hàng hải;
c) Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục cấp giấy
phép quy định tại Mục II (Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép
và thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải) của Phụ lục II (Danh mục hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành) ban hành kèm theo
Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các
hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Điều 25. Điều khoản chuyển
tiếp
Các doanh nghiệp đang thực hiện việc cung cấp dịch
vụ bảo đảm an toàn hàng hải trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì vẫn
được tiếp tục thực hiện; trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này.
Điều 26. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm
ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật
phục vụ việc cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; hướng dẫn và chủ trì,
phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có liên quan tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
|
XÁC THỰC VĂN
BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn
Văn Thể
|
PHỤ LỤC
CÁC MẪU VĂN BẢN SỬ DỤNG TRONG HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ
BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI
(Kèm theo Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính
phủ)
Mẫu số
|
Tên mẫu văn
bản
|
Mẫu số 01
|
Đơn đề nghị giao tuyến dẫn tàu hoa tiêu
hàng hải
|
Mẫu số 02
|
Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải
|
Mẫu số 01
TÊN CÔNG TY
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:.............
|
.........,
ngày.... tháng.... năm 20.....
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Giao tuyến dẫn tàu hoa tiêu hàng hải
Kính gửi: Cục
Hàng hải Việt Nam.
Tên công ty:..........................................................................................................
Người đại diện theo pháp luật:..............................................................................
Mã số đăng ký kinh doanh:
Địa chỉ:.................................................
Số điện thoại liên hệ:..............................
Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam giao tuyến dẫn tàu
hoa tiêu hàng hải dưới đây cho công ty.....................................:
1. Tuyến dẫn tàu.................. thuộc vùng
hoa tiêu bắt buộc..................................
2. Tuyến dẫn tàu.................. thuộc vùng
hoa tiêu bắt buộc..................................
...............................................................................................................................
Văn bản kèm theo:
1. Danh sách hoa tiêu các hạng (kèm theo bản sao
Giấy chứng nhận khả năng hoa tiêu hàng hải và bản sao Giấy chứng nhận vùng hoạt
động hoa tiêu hàng hải của từng hoa tiêu).
2. Bản kê khai phương tiện đưa, đón hoa tiêu
(kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký của phương tiện đó).
Kính đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết
định./.
|
GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
Mẫu số 02
BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:..../..../GP-BGTVT
|
Hà Nội,
ngày..... tháng..... năm.....
|
GIẤY PHÉP
Nhập khẩu pháo hiệu hàng hải
BỘ GIAO THÔNG
VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số.../2016/NĐ-CP ngày..... tháng
6 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải;
Căn cứ công văn số....................................
của....................................................
Cho phép:.............. (ghi tên, số Giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc Giấy chứng nhận đầu tư), ngày cấp, cơ quan cấp;
địa chỉ, điện thoại của tổ chức, cá nhân đề nghị nhập khẩu) nhập khẩu pháo hiệu
hàng hải với chủng loại, số lượng như sau:
1.............................................................................................................................
2.............................................................................................................................
3.............................................................................................................................
(Ghi rõ chủng loại, số lượng, ký mã hiệu, nước sản
xuất của từng loại pháo hiệu).
Tổ chức cá nhân được phép nhập khẩu pháo hiệu
hàng hải có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng
hóa, chất lượng hàng hóa và sử dụng đúng mục đích cho phép.
Giấy phép có giá trị đến ngày........
tháng....... năm......./.
Nơi nhận:
- Tổ chức, cá nhân đề nghị nhập khẩu;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Công an;
- Lưu: VT,......
|
BỘ TRƯỞNG
(THỨ TRƯỞNG)
|
[1] Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có căn cứ ban hành như sau.
“Căn
cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt
Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn
cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ
lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh
doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2014;
Căn cứ Luật doanh nghiệp
ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định
sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh
trong lĩnh vực hàng hải.”
[2] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[3] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[4] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[5] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[6] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[7] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[8] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[9] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 2 của Nghị
định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định
về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[10] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[11] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[12] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[13] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[14] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[15] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 14 Điều 2 của
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy
định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 24
tháng 10 năm 2018.
[16] Điều 7 của Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều
của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có
hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 10 năm 2018 quy định như sau:
“Điều
7. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này./.”