BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2835/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC
BỘ Y TẾ TRONG CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP
ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP
ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật;
Căn cứ Thông tư số 14/2014/TT-BTP
ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số
59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi
hành pháp luật;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp
chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
giữa các đơn vị thuộc Bộ Y tế trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
về y tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký, ban hành.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Pháp chế; thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng
cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Cổng thông
tin điện tử Bộ (để đăng tin);
- Lưu: VT, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ Y TẾ TRONG CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH
PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ
(Ban
hành kèm theo Quyết định số: 2835/QĐ-BYT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định về mục đích,
nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ
Y tế trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về y tế (sau đây gọi
tắt là theo dõi tình hình thi hành pháp luật).
Điều 2. Mục
đích phối hợp
1. Tập trung nguồn lực bảo đảm thực
hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm về theo dõi tình hình thi hành pháp luật
theo chương trình, kế hoạch công tác của Bộ Y tế.
2. Đề cao trách
nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa
đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp trong quá trình theo dõi tình hình thi hành
pháp luật.
3. Tạo sự gắn kết, liên thông giữa
công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với các
công tác pháp chế khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Điều 3. Nguyên
tắc phối hợp
1. Việc phối hợp trong công tác theo
dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của từng đơn vị đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt và theo quy định
của pháp luật có liên quan.
2. Phân công trách nhiệm công vụ rõ
ràng của từng đơn vị trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
3. Việc phối hợp trong công tác theo
dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời, có kiểm
tra, giám sát để bảo đảm chất lượng hoạt động của công tác này.
Chương II
NỘI DUNG VÀ
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 4. Đề xuất
lĩnh vực trọng tâm trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
1. Trước ngày 15 tháng 11 hằng năm,
các đơn vị thuộc Bộ Y tế đề xuất lĩnh vực trọng tâm trong công tác theo dõi
tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mình cho năm sau gửi về
Vụ Pháp chế.
Lĩnh vực trọng tâm trong công tác
theo dõi tình hình thi hành pháp luật được đề xuất căn cứ vào các yếu tố sau
đây:
a) Là lĩnh vực có nhiều khó khăn, vướng
mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành;
b) Có văn bản quy phạm pháp luật mới
ban hành hoặc văn bản quy phạm pháp luật đã qua ba năm thi hành, cần thiết phải
sửa đổi, bổ sung;
c) Lĩnh vực mà Nghị quyết của Quốc hội
về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm tiếp theo, các Nghị quyết có liên
quan của Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát, về chất vấn và trả lời chất
vấn, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đề cập
đến.
2. Vụ Pháp chế có trách nhiệm tổng hợp,
nghiên cứu, đề xuất lĩnh vực trọng tâm trong công tác theo dõi tình hình thi
hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế vào chương trình, kế hoạch
theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm sau.
Điều 5. Xây dựng
Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật
1. Kế hoạch theo dõi tình hình thi
hành pháp luật phải xác định từng nội dung cụ thể, đơn vị chủ
trì, đơn vị phối hợp thực hiện, thời gian thực hiện, kết quả đầu ra và thời
gian hoàn thành các nhiệm vụ.
2. Trước ngày 30 tháng 12 hằng năm, Vụ
Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Y tế xây dựng, trình Bộ trưởng
Bộ Y tế ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp
luật, trong đó có lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được đề nghị của Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm
tham gia ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật
tại Khoản 2 Điều này.
4. Sau thời hạn 30 ngày làm việc, kể
từ ngày Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch theo dõi tình
hình thi hành pháp luật về y tế hằng năm, Thủ trưởng các đơn vị có Kế hoạch
theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực được giao.
Điều 6. Cung cấp
thông tin về tình hình thi hành pháp luật
1. Trong quá trình thực hiện chức
năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, các đơn vị thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm phản
ánh, cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật để
đề xuất kiểm tra, theo dõi đột xuất; điều tra, khảo sát về tình hình thi hành
pháp luật.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện
chương trình, kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật hằng năm, các đơn
vị thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp
luật thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình theo đề nghị của Vụ Pháp chế.
Điều 7. Kiểm tra,
điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật
1. Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ,
Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra, điều
tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao
(có thể lồng ghép Kế hoạch kiểm tra, điều tra, khảo sát
vào Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật chung của đơn vị).
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được đề nghị của đơn vị chủ trì, Vụ Pháp chế có trách nhiệm tham gia
ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch kiểm tra, điều tra, khảo
sát; cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra, điều tra, khảo sát.
2. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với
các đơn vị thuộc Bộ Y tế xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra, điều
tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thuộc Bộ Y tế quản lý
(có thể lồng ghép Kế hoạch kiểm tra, điều tra, khảo sát vào Kế hoạch theo dõi
tình hình thi hành pháp luật chung của Bộ Y tế);
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được đề nghị của Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tham
gia ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch kiểm tra, điều tra, khảo sát; cử đại diện
tham gia đoàn kiểm tra, điều tra, khảo sát.
Điều 8. Xử lý kết
quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật
1. Đơn vị thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm
xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật do đơn vị thực hiện.
Văn bản xử lý kết quả theo dõi tình
hình thi hành pháp luật phải được gửi đến Vụ Pháp chế để theo dõi chung, trường
hợp nội dung xử lý liên quan đến các đơn vị khác thuộc Bộ Y tế thì gửi đến các
đơn vị này để thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực được
phân công phụ trách.
2. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với
các đơn vị thuộc Bộ Y tế xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Các đơn vị thuộc Bộ Y tế có liên quan
đến nội dung xử lý có trách nhiệm tham gia ý kiến đối với việc xử lý kết quả
theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Vụ Pháp chế có trách nhiệm báo cáo Thứ
trưởng phụ trách lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Y tế kết quả xử lý theo dõi tình hình
thi hành pháp luật.
Điều 9. Xây dựng
Báo cáo về tình hình thi hành pháp luật về y tế hằng năm
1. Trước ngày 15 tháng 9 hằng năm,
các đơn vị thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm gửi Báo cáo theo dõi tình hình thi hành
pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách về Vụ Pháp chế.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được đầy đủ Báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ Y tế gửi về, Vụ Pháp
chế có trách nhiệm tổng hợp Báo cáo, nghiên cứu, rà soát để xây dựng dự thảo Báo cáo theo dõi thi
hành pháp luật về y tế hằng năm.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được dự thảo Báo cáo theo dõi thi hành pháp luật về
y tế hằng năm của Vụ Pháp chế gửi, các đơn vị có trách nhiệm tham gia ý kiến và
gửi ý kiến bằng văn bản để Vụ Pháp chế tổng hợp, hoàn thiện
Báo cáo, trình Bộ trưởng ký gửi Bộ Tư pháp.
Điều 10. Xây dựng
báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất
1. Báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất
về tình hình thi hành pháp luật được xây dựng trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính
phủ, Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức có liên quan;
b) Khi phát hiện vướng mắc, bất cập của
các quy định pháp luật hoặc thấy cần thiết phải áp dụng các biện pháp nhằm kịp
thời ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra cho đời sống xã hội;
c) Báo cáo về kết quả xử lý các kiến
nghị theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Các đơn vị thuộc Bộ được giao chủ
trì xây dựng Báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất có quyền đề nghị các đơn vị có
liên quan phối hợp xây dựng báo cáo để trình Lãnh đạo Bộ
ký gửi cơ quan, đơn vị có liên quan. Các đơn vị được đề nghị có trách nhiệm phối
hợp, cung cấp thông tin, số liệu và các nội dung theo yêu cầu của đơn vị chủ trì trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Kinh
phí thực hiện
Căn cứ vào nội dung theo dõi tình hình
thi hành pháp luật quy định tại Chương II Quy chế này, trên cơ sở nội dung chi
quy định tại Điều 3 và mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư liên
tịch số 192/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập
dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho
công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; các đơn vị thuộc Bộ lập dự toán
chi tiết kinh phí bảo đảm cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
trong dự toán kinh phí hằng năm của cơ quan, đơn vị.
Hằng năm, các đơn vị căn cứ vào khối
lượng công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lập dự toán kinh
phí thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về y tế vào dự
toán chung của cơ quan, đơn vị và quản lý, sử dụng, thanh quyết toán theo quy định
của pháp luật.
Điều 12. Tổ chức
thi hành
1. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm
tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Quy chế này.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Y tế có trách
nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này./.