Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số
2827/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2008 về việc ban hành quy định phân cấp về tổ
chức bộ máy và quản lý công chức, viên chức của tỉnh Thừa Thiên Huế;
Để thực hiện Quyết định nêu trên, Uỷ ban Nhân
dân tỉnh hướng dẫn quy trình lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và cử công chức,
viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, như sau:
I. LẬP KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC
Việc lập kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn ngạch, tiêu
chuẩn chức danh lãnh đạo, nhu cầu đào tạo của cán bộ, công chức và khả năng ngân
sách của đơn vị.
Đầu tháng 10 hàng năm, Thủ trưởng
các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện và thành phố Huế báo cáo tình
hình thực hiện kế hoạch trong năm và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ, công chức năm sau, gửi Sở Nội vụ để thẩm định, tổng hợp kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh.
Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ
chức Tỉnh uỷ và Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổng hợp báo cáo Thường vụ Tỉnh
ủy tình hình thực hiện kế hoạch trong năm và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ, công chức năm sau.
Sau khi Thường vụ Tỉnh ủy thông
qua kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết
định giao chỉ tiêu cho các đơn vị thực hiện.
II. CỬ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
1. Nguyên tắc chọn, cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng
- Việc chọn, cử công chức, viên
chức đi học phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đối tượng theo quy hoạch, nhằm tiêu
chuẩn hoá đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.
- Việc chọn, cử công chức, viên
chức đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn phải thực hiện công khai, công
bằng, dân chủ. Khuyến khích công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ và bảo đảm quyền lợi của công chức, viên chức.
Đơn vị cử công chức, viên chức
đi học tập phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Số lượng công chức, viên
chức đi học trong giờ hành chính của mỗi đơn vị trong cùng một thời điểm không
vượt quá 30% tổng số công chức, viên chức của đơn vị.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện công chức, viên chức
được cử đi đào tạo, bồi dưỡng
- Có phẩm chất chính trị vững
vàng, tư cách đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tinh thần trách nhiệm cao và
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ và ngoại ngữ theo yêu cầu của từng khoá học.
- Có đủ sức khoẻ để đảm bảo nhiệm
vụ học tập.
Ngoài các điều kiện, tiêu chuẩn
trên, công chức, viên chức được chọn, cử đi học tập còn phải đáp ứng các điều
kiện, tiêu chuẩn cụ thể của từng khoá học và các quy định khác của pháp luật có
liên quan.
3. Thời gian và số lần được
cử đi học
- Công chức, viên chức chỉ được
cử đi học một lần trong một năm đối với khoá học có thời gian từ 03 tháng đến
dưới 06 tháng.
- Công chức, viên chức đã được
đi học từ 06 tháng đến dưới 01 năm, sau 01 năm kể từ khi kết thúc khoá học mới
được đăng ký theo học khoá học khác.
- Công chức, viên chức đã đi học
từ 01 năm trở lên, sau 02 năm kể từ khi kết thúc khoá học mới được đăng ký theo
học khoá học khác.
- Công chức, viên chức được
cử đi dự tuyển nhưng không trúng tuyển thì sau 01 năm kể từ thời điểm dự tuyển
mới được đăng ký khoá học khác.
Trường hợp công chức, viên chức
có thành tích học tập xuất sắc được cơ sở đào tạo đề nghị chuyển tiếp lên bậc
học cao hơn thì căn cứ đề nghị của Thủ trưởng đơn vị sử dụng công chức, viên
chức; lĩnh vực chuyên môn được ưu tiên đào tạo, Thủ trưởng đơn vị quản lý công chức,
viên chức xem xét quyết định.
4. Chế độ ưu tiên
Trong quá trình chọn, cử công
chức, viên chức đi học, có xem xét theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- Chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh
vực của cơ quan đơn vị;
- Thành tích công tác cao
hơn;
- Thời gian công tác tại đơn vị
nhiều hơn;
- Số lần được cử đi học ít
hơn;
- Công chức, viên chức có độ tuổi
cao hơn;
- Công chức, viên chức nữ;
- Công chức, viên chức đã có thời
gian thực tế tại cơ sở.
5.
Trách nhiệm của công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng
- Chấp hành nghiêm chỉnh các nội
quy, quy chế học tập của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
- Hoàn thành nhiệm vụ học tập theo đúng thời
gian và mục tiêu đã được xác định, báo cáo tiến độ học tập với đơn vị sử dụng
công chức, viên chức. Trường hợp vì lý do khách quan không theo học hết khoá
học phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị sử dụng và quản lý công chức, viên chức xem
xét, quyết định.
- Khi kết thúc khoá học, phải
báo cáo kết quả học tập, việc chấp hành chính sách, pháp luật, chế độ kỷ luật
trong thời gian học tập kèm theo các văn bằng, chứng chỉ và luận văn tốt nghiệp
(đối với khoá học có viết luận văn tốt nghiệp) về đơn vị quản lý công chức,
viên chức.
Công chức, viên chức được cơ quan
cử đi học phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định hiện hành nếu sau khi hoàn
thành khóa học mà tự ý bỏ việc hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước vì
lý do cá nhân.
6. Thẩm
quyền cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng
- Sở Nội vụ thẩm định trình
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định:
+ Cử công chức, viên chức đi
đào tạo, bồi dưõng đối với các chức danh lãnh đạo thuộc diện Ủy ban Nhân dân
tỉnh quản lý;
+ Cử đi đào tạo trên đại học
đối với công chức, viên chức thuộc diện quy hoạch của tỉnh;
+ Cử công chức, viên chức đi
đào tạo ở nước ngoài.
- Sở Nội vụ có trách nhiệm
theo dõi và kiểm tra việc thực hiện, hướng dẫn lập kế hoạch và cử công chức
viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
- Việc cử cán bộ, công chức
đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước phải thực hiện
theo Quyết định số 104/2005/QĐ-BNV ngày 03/10/2005 của Bộ Nội vụ.
- Thủ trưởng các sở, ban,
ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế quyết định cử
công chức, viên chức thuộc quyền quản lý đi đào tạo bồi dưỡng và gửi danh sách
về Sở Nội vụ để theo dõi.
Trong quá trình tổ chức thực
hiện nếu có gì trở ngại, không phù hợp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh,
Chủ tịch UBND thành phố Huế và các huyện báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nội
vụ) để xem xét, giải quyết./.