QUỐC HỘI
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do -Hạnh phúc
|
Số: 41/2005/QH11
|
Hà Nội , ngày 14 tháng 6 năm 2005
|
LUẬT
KÝ KẾT,GIA NHẬP VÀ THỰC
HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 41/2005/QH11
NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2005
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết
số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về việc ký kết,
gia nhập, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, giải
thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình
chỉ thực hiện điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước và
nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này những từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Điều ước quốc tế mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được
ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ
thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước,
hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi
hoặc văn kiện có tên gọi khác.
2. Giấy ủy quyền là văn bản của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định một hoặc nhiều người đại diện cho nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện một hoặc nhiều hành vi pháp lý
liên quan đến việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
3. Giấy ủy nhiệm là văn bản của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định một hoặc nhiều người đại diện cho nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế để thực hiện một hoặc
nhiều hành vi pháp lý liên quan đến việc đàm phán, thông qua văn bản điều ước
quốc tế tại hội nghị hoặc thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên.
4. Ký kết là những hành vi pháp
lý do người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán,
ký, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều
ước quốc tế.
5. Ký là hành vi pháp lý do người
có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện, bao gồm ký điều ước quốc tế
không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt và ký điều ước quốc tế phải phê chuẩn hoặc
phê duyệt.
6. Ký tắt là hành vi pháp lý do
người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện để xác nhận văn bản điều
ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự định ký là văn bản cuối
cùng đã được thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
7. Phê chuẩn là hành vi pháp lý
do Quốc hội hoặc Chủ tịch nước thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước
quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
8. Phê duyệt là hành vi pháp lý
do Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối
với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
9. Trao đổi văn kiện tạo thành điều
ước quốc tế là việc trao đổi thư, công hàm hoặc văn kiện có tên gọi khác tạo
thành điều ước quốc tế hai bên giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và
bên ký kết nước ngoài.
10. Gia nhập là hành vi pháp lý
do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của
điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ký điều ước quốc
tế đó, không phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế này đã có hiệu lực hay chưa có
hiệu lực.
11. Bảo lưu của nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam là tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khi ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhằm loại
trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước
quốc tế khi áp dụng đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
12. Điều ước quốc tế mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối
với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
13. Chấm dứt hiệu lực điều ước
quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện
để từ bỏ hiệu lực của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
thành viên.
14. Từ bỏ hoặc rút khỏi điều ước
quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện
để từ bỏ việc chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
15. Tạm đình chỉ thực hiện điều
ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực
hiện để tạm dừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
16. Bên ký kết nước ngoài là quốc
gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế.
17. Tổ chức quốc tế là tổ chức
liên chính phủ.
Điều 3. Nguyên tắc ký kết, gia nhập và
thực hiện điều ước quốc tế
Việc ký kết, gia nhập và thực hiện
điều ước quốc tế phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can
thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc
cơ bản khác của pháp luật quốc tế;
2. Phù hợp với các quy định của
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
3. Phù hợp với lợi ích quốc gia,
đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
4. Điều ước quốc tế nhân danh
Chính phủ không được trái với điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước;
5. Điều ước quốc tế có quy định
trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ
ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung,
bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ
Quốc hội phải được trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đàm
phán, ký hoặc gia nhập; trong trường hợp đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc
tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường
vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến;
6. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên; đồng thời có quyền đòi hỏi thành viên khác cũng phải tuân thủ điều
ước quốc tế đó.
Điều 4. Quản lý nhà nước về ký kết, gia
nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Nội dung quản lý nhà nước về ký
kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
1. Ban hành các văn bản quy phạm
pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
2. Tổ chức và bảo đảm thực hiện điều
ước quốc tế;
3. Tuyên truyền, phổ biến các điều
ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
4. Tuyên truyền, phổ biến và hướng
dẫn thi hành pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
5. Tổ chức lưu trữ, lưu chiểu, sao
lục, dịch, công bố và đăng ký điều ước quốc tế;
6. Thống kê, rà soát các điều ước
quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập;
7. Xây dựng kế hoạch dài hạn và
kế hoạch hằng năm về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
8. Giám sát, kiểm tra, thanh
tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều
ước quốc tế;
9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
liên quan đến việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
10. Hợp tác quốc tế trong việc
ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước về ký
kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
1. Chính phủ thống nhất quản lý
nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
2. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm
trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều
ước quốc tế.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm
vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý
nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Điều 6. Điều ước quốc tế và quy định của
pháp luật trong nước
1. Trong trường hợp văn bản quy
phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều
ước quốc tế.
2. Việc ban hành văn bản quy phạm
pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.
3. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung,
tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định
chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực
tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá
nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực
hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản
quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.
Điều 7. Các loại điều ước quốc tế
1. Điều ước quốc tế hai bên hoặc
nhiều bên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập bao gồm:
a) Điều ước quốc tế nhân danh
Nhà nước;
b) Điều ước quốc tế nhân danh
Chính phủ.
2. Điều ước quốc tế được ký kết
hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
a) Điều ước quốc tế do Chủ tịch
nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
b) Điều ước quốc tế về hòa bình,
an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
c) Điều ước quốc tế về quyền và
nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp;
d) Điều ước quốc tế về tổ chức
quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng;
đ) Điều ước quốc tế được ký kết
nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
3. Điều ước quốc tế được ký kết
hoặc gia nhập nhân danh Chính phủ trong các trường hợp sau đây:
a) Để thực hiện điều ước quốc tế
đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước;
b) Điều ước quốc tế về các lĩnh
vực, trừ các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
c) Điều ước quốc tế về các tổ chức
quốc tế, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
d) Điều ước quốc tế được ký kết
nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
Điều 8. Chấp nhận sự ràng buộc của điều
ước quốc tế
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế bằng một trong những hành
vi sau đây:
1. Ký điều ước quốc tế không phải
phê chuẩn hoặc phê duyệt;
2. Phê chuẩn điều ước quốc tế;
3. Phê duyệt điều ước quốc tế;
4. Trao đổi văn kiện tạo thành điều
ước quốc tế;
5. Gia nhập điều ước quốc tế;
6. Hành vi khác theo thỏa thuận
với bên ký kết nước ngoài.
CHƯƠNG II
KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC
TẾ
MỤC 1
ĐỀ XUẤT ĐÀM PHÁN, KÝ ĐIỀU
ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 9. Trách nhiệm đề xuất đàm phán,
ký điều ước quốc tế
1. Toà án nhân dân tối cao, Viện
kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau
đây gọi là cơ quan đề xuất) căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định
của pháp luật, yêu cầu hợp tác quốc tế, chủ động đề xuất với Chính phủ về việc
đàm phán, ký điều ước quốc tế.
2. Trước khi đề xuất với Chính
phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm
tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 10,
ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều
17 đến Điều 21 của Luật này và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. Trong trường hợp Bộ Ngoại
giao đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ
Tư pháp và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với
các cơ quan, tổ chức hữu quan đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước
quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.
4. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
xây dựng dự thảo điều ước quốc tế của bên Việt Nam; trong trường hợp dự thảo điều
ước quốc tế đã được bên ký kết nước ngoài chuẩn bị thì cơ quan đề xuất có trách
nhiệm nghiên cứu dự thảo đó, xây dựng phương án chấp nhận, sửa đổi, bổ sung hoặc
xây dựng dự thảo của bên Việt Nam.
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
trong việc kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao có trách
nhiệm kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế.
2. Nội dung kiểm tra đề xuất đàm
phán, ký điều ước quốc tế bao gồm:
a) Sự cần thiết, mục đích đàm
phán, ký điều ước quốc tế trên cơ sở đánh giá quan hệ giữa nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài;
b) Đánh giá sự phù hợp của điều
ước quốc tế với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế;
c) Đánh giá sự phù hợp của điều
ước quốc tế với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam;
d) Đánh giá sự phù hợp của điều
ước quốc tế đó với điều ước quốc tế về cùng một lĩnh vực mà Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên;
đ) Cấp ký, danh nghĩa ký, tên gọi,
hình thức, ngôn ngữ, hiệu lực, kỹ thuật văn bản điều ước quốc tế;
e) Việc tuân thủ trình tự, thủ tục
đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế;
g) Rà soát, đối chiếu văn bản điều
ước quốc tế bằng tiếng Việt với văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng nước ngoài.
Điều 11. Thẩm quyền, nội dung quyết định
đàm phán, ký điều ước quốc tế
1. Chủ tịch nước quyết định đàm
phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với người đứng đầu Nhà nước khác.
2. Chính phủ quyết định đàm
phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, nhân danh Nhà nước, trừ trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này.
Chính phủ có trách nhiệm báo cáo
Chủ tịch nước trước khi quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà
nước hoặc điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải được phê chuẩn.
3. Chính phủ trình Uỷ ban thường
vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái
hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban
thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi
bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc
hội; trong trường hợp đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản
quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội
cho ý kiến.
4. Chính phủ quyết định đàm
phán, ký điều ước quốc tế bằng văn bản với những nội dung sau đây:
a) Tên gọi, hình thức, ngôn ngữ
và danh nghĩa ký điều ước quốc tế;
b) Người đại diện, thẩm quyền của
người đại diện trong việc đàm phán, ký điều ước quốc tế;
c) Hiệu lực, việc áp dụng tạm thời
điều ước quốc tế;
d) Bảo lưu, chấp nhận hoặc phản
đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều
bên;
đ) ý kiến về nội dung điều ước
quốc tế và những vấn đề cần thiết khác;
e) Quyết định áp dụng trực tiếp
toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ
sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc
tế;
g) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất,
Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Điều 12. Trình tự, thủ tục trình, quyết
định đàm phán, ký điều ước quốc tế
1. Chậm nhất là ba mươi ngày trước
khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất có
trách nhiệm lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định
của Bộ Tư pháp, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý
kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ
quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý
kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính
phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày
nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều
này.
4. Chính phủ quyết định:
a) Đàm phán, ký điều ước quốc tế
trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất
trình hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc thông
báo ý kiến của Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái
hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban
thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi
bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc
hội;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định
về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước trong thời hạn mười
lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình trong trường hợp
Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
c) Báo cáo Chủ tịch nước về việc
đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm
b khoản này hoặc điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải được phê
chuẩn chậm nhất là mười lăm ngày trước khi quyết định đàm phán, ký điều ước quốc
tế;
d) Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội
cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được
quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội,
điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn
bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn
mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho
ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế quy định tại điểm d khoản 4 Điều này
trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
Trong trường hợp cho ý kiến về
việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp
luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến.
Điều 13. Trình tự, thủ tục Uỷ ban thường
vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế
1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho
ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế quy định tại điểm d
khoản 4 Điều 12 của Luật này tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
theo trình tự sau đây:
a) Đại diện Chính phủ thuyết
trình về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế;
b) Đại diện Uỷ ban đối ngoại, Hội
đồng dân tộc, Uỷ ban hữu quan của Quốc hội phát biểu ý kiến;
c) Đại diện các cơ quan, tổ chức
hữu quan được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;
d) Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo
luận;
đ) Chủ tọa phiên họp tóm tắt những
ý kiến của thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước
quốc tế;
e) Uỷ ban thường vụ Quốc hội
thông qua ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
2. Ý kiến của Uỷ ban thường vụ
Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản và là
cơ sở để Chủ tịch nước hoặc Chính phủ xem xét, quyết định đàm phán, ký điều ước
quốc tế đó.
Trong trường hợp cho ý kiến về
việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái với các văn bản quy phạm
pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến.
Điều 14. Nội dung tờ trình, báo cáo đề
xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế
Tờ trình, báo cáo đề xuất đàm
phán, ký điều ước quốc tế phải có những nội dung sau đây:
1. Sự cần thiết, yêu cầu, mục
đích đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế;
2. Nội dung chính của điều ước
quốc tế;
3. Tên gọi, hình thức, danh
nghĩa ký, người đại diện ký, ngôn ngữ, hiệu lực, hình thức hiệu lực, thời hạn
hiệu lực và việc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế;
4. Các quyền, nghĩa vụ phát sinh
từ điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
5. Đánh giá tác động chính trị,
kinh tế - xã hội và những tác động khác;
6. Đánh giá việc tuân thủ các
nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này;
7. Đánh giá sự phù hợp về nội
dung của điều ước quốc tế đó với điều ước quốc tế về cùng một lĩnh vực mà Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
8. Đánh giá mức độ tương thích
giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam;
9. Kiến nghị bảo lưu, chấp nhận
hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc
tế nhiều bên;
10. Kiến nghị về việc áp dụng trực
tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban
hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
11. Những vấn đề còn ý kiến khác
nhau giữa cơ quan đề xuất với các cơ quan, tổ chức hữu quan, giữa bên Việt Nam
với bên ký kết nước ngoài và kiến nghị biện pháp xử lý.
Điều 15. Hồ sơ trình về việc đàm phán,
ký điều ước quốc tế
1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất
trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế bao gồm:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất
có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
b) Văn bản điều ước quốc tế bằng
tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng
tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm
theo;
c) ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại
giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu
quan;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
2. Hồ sơ của Chính phủ trình hoặc
báo cáo Chủ tịch nước về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước
do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; đàm phán, ký điều
ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước; đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh
Chính phủ phải được phê chuẩn bao gồm:
a) Tờ trình hoặc báo cáo của
Chính phủ có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
b) Lý do của việc phải phê chuẩn
điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ;
c) Văn bản điều ước quốc tế bằng
tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng
tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm
theo;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
3. Hồ sơ của Chính phủ trình Uỷ
ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy
định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội,
Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ
sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường
vụ Quốc hội bao gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ có những
nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
b) Văn bản điều ước quốc tế bằng
tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng
tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm
theo;
c) Các tài liệu cần thiết khác.
Điều 16. Ngôn ngữ, hình thức của điều ước
quốc tế
l. Điều ước quốc tế hai bên phải
có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên Việt
Nam và bên ký kết nước ngoài. Văn bản bằng tiếng Việt phải được Bộ Ngoại giao
cho ý kiến trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký.
Trong trường hợp điều ước quốc tế
chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm dịch điều
ước quốc tế đó ra tiếng Việt và thống nhất với Bộ Ngoại giao để đối chiếu với
ngôn ngữ được ký của điều ước quốc tế trước khi trình Chính phủ về việc đàm
phán, ký.
2. Bản chính điều ước quốc tế
hai bên của phía Việt Nam phải được in trên giấy điều ước, đóng bìa điều ước,
đóng dấu nổi của Bộ Ngoại giao hoặc của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên
ký kết.
MỤC 2
THẨM ĐỊNH ĐIỀU ƯỚC QUỐC
TẾ
Điều 17. Điều ước quốc tế phải được thẩm
định
Điều ước quốc tế phải được thẩm
định trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký.
Điều 18. Phạm vi thẩm định điều ước quốc
tế
Điều ước quốc tế được thẩm định
về các nội dung sau đây:
1. Tính hợp hiến;
2. Mức độ tương thích với các
quy định của pháp luật Việt Nam;
3. Khả năng áp dụng trực tiếp
toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế;
4. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi
bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.
Điều 19. Thẩm quyền thẩm định điều ước
quốc tế
1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm
định điều ước quốc tế.
2. Trong trường hợp Bộ Tư pháp đề
xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc cơ quan khác đề xuất đàm phán, ký điều
ước quốc tế nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập
Hội đồng thẩm định để thẩm định điều ước quốc tế.
Thành phần của Hội đồng thẩm định
điều ước quốc tế có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ
và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Điều 20. Trình tự, thủ tục thẩm định điều
ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế trước khi trình Chính
phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.
2. Bộ Tư pháp hoặc Hội đồng thẩm
định điều ước quốc tế tiến hành thẩm định điều ước quốc tế. Kết quả thẩm định
được gửi đến cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ
ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định.
3. Trong trường hợp điều ước quốc
tế được thẩm định có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm
pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực
hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với
cơ quan đề xuất kiến nghị biện pháp xử lý.
Điều 21. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước
quốc tế
1. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều
ước quốc tế bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định,
trong đó đánh giá tính hợp hiến, mức độ tương thích giữa quy định của điều ước
quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ
hoặc một phần điều ước quốc tế, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban
hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Dự thảo tờ trình Chính phủ về
đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế;
c) Bản sao điều ước quốc tế bằng
tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng
tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm
theo;
d) ý kiến của các cơ quan, tổ chức
hữu quan;
đ) Các tài liệu cần thiết khác.
2. Số lượng hồ sơ gửi thẩm định
là năm bộ.
MỤC 3
ỦY QUYỀN ĐÀM PHÁN, KÝ ĐIỀU
ƯỚC QUỐC TẾ, ỦY NHIỆM THAM DỰ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ
Điều 22. Đàm phán, ký điều ước quốc tế
không cần Giấy ủy quyền, tham dự hội nghị quốc tế không cần Giấy ủy nhiệm
1. Chủ tịch nước, Thủ tướng
Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao không cần Giấy ủy quyền khi đàm phán, ký điều
ước quốc tế và không cần Giấy ủy nhiệm khi tham dự hội nghị quốc tế để đàm
phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế hoặc thực hiện điều ước quốc tế (sau
đây gọi là hội nghị quốc tế).
2. Người đứng đầu cơ quan đại diện
ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài không cần
Giấy ủy quyền để đàm phán, thông qua văn bản điều ước quốc tế giữa nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước tiếp nhận.
3. Người đứng đầu phái đoàn đại
diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế
hoặc cơ quan thuộc tổ chức này không cần Giấy ủy nhiệm để đàm phán, thông qua
văn bản điều ước quốc tế với tổ chức hoặc cơ quan đó.
Điều 23. Đàm phán, ký điều ước quốc tế
phải có Giấy ủy quyền, tham dự hội nghị quốc tế phải có Giấy ủy nhiệm
1. Việc đàm phán, ký điều ước quốc
tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế phải có Giấy ủy quyền hoặc Giấy ủy nhiệm, trừ
các trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này.
2. Trưởng đoàn đàm phán điều ước
quốc tế do Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác phải được Chủ tịch
nước ủy quyền bằng văn bản.
3. Trưởng đoàn đàm phán, ký điều
ước quốc tế nhân danh Chính phủ hoặc nhân danh Nhà nước do Chính phủ quyết định
đàm phán, ký phải được Chính phủ ủy quyền bằng văn bản.
4. Trưởng đoàn tham dự hội nghị
quốc tế phải được Chính phủ ủy nhiệm bằng văn bản.
Trong trường hợp phải ủy nhiệm
cho các thành viên của đoàn Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế theo quy định của
hội nghị thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định.
5. Người được ủy quyền đàm phán,
ký điều ước quốc tế hoặc ủy nhiệm tham dự hội nghị quốc tế phải là lãnh đạo cơ
quan đề xuất hoặc là người được cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định sau
khi đã lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao.
6. Trong trường hợp không cử người
đi ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài thì sau khi
thỏa thuận với Bộ Ngoại giao, cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định ủy quyền
hoặc ủy nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc người đứng đầu
phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại
tổ chức quốc tế, cơ quan thuộc tổ chức này hoặc người đại diện khác ký điều ước
quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế đó.
Điều 24. Thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy
quyền, Giấy ủy nhiệm
1. Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ
tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế, Giấy ủy nhiệm
tham dự hội nghị quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được quyết định
bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đàm phán, ký điều ước
quốc tế, tham dự hội nghị quốc tế.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký Giấy
ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế, Giấy ủy nhiệm tham dự Hội nghị quốc tế;
trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng được Bộ
trưởng ủy nhiệm ký.
3. Trong trường hợp quyết định ủy
quyền hoặc quyết định ủy nhiệm chưa xác định rõ người được ủy quyền hoặc được ủy
nhiệm, tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài của điều ước quốc tế thì
chậm nhất là năm ngày, trước ngày đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội
nghị quốc tế, cơ quan đề xuất có trách nhiệm thông báo bằng văn bản những thông
tin này cho Bộ Ngoại giao để hoàn thành thủ tục cấp Giấy ủy quyền hoặc Giấy ủy
nhiệm.
4. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
kịp thời trình Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định trong trường hợp có sự thay
đổi về người được ủy quyền hoặc người được ủy nhiệm; Bộ Ngoại giao hoàn thành
thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền hoặc Giấy ủy nhiệm theo quy định tại các
khoản 1, 2 và 3 Điều này sau khi có quyết định của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ.
MỤC 4
KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 25. Rà soát, đối chiếu văn bản điều
ước quốc tế
Trước khi tiến hành ký tắt điều
ước quốc tế, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao và
cơ quan nhà nước hữu quan rà soát, đối chiếu văn bản tiếng Việt với văn bản tiếng
nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.
Điều 26. Xác thực văn bản điều ước quốc
tế
1. Văn bản điều ước quốc tế được
xác thực theo thủ tục quy định tại điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa
bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài tham gia soạn thảo điều ước quốc tế đó.
2. Trong trường hợp không có thủ
tục quy định tại khoản 1 Điều này thì văn bản điều ước quốc tế được coi là xác
thực khi đại diện có thẩm quyền của bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài ký tắt
điều ước quốc tế hoặc ký điều ước quốc tế đó.
3. Văn bản điều ước quốc tế đã
được xác thực là văn bản cuối cùng của điều ước quốc tế đó.
Điều 27. Ký điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký và văn bản điều ước quốc tế, tổ
chức lễ ký điều ước quốc tế. Lễ ký được tổ chức trang trọng, trên bàn ký có quốc
kỳ Việt Nam và quốc kỳ của bên ký kết nước ngoài hoặc cờ của tổ chức quốc tế hữu
quan, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên.
2. Trong trường hợp cơ quan nhà
nước có thẩm quyền đã quyết định cho ký điều ước quốc tế nhưng chưa thể tổ chức
ký được thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời báo cáo và kiến nghị biện
pháp xử lý với Chính phủ, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp.
3. Trong trường hợp có những
thay đổi liên quan đến danh nghĩa ký, quyền, nghĩa vụ của bên Việt Nam, quy định
trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ
ban thường vụ Quốc hội hoặc có những thay đổi cơ bản khác so với nội dung văn bản
điều ước quốc tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký thì điều
ước quốc tế chỉ được ký sau khi có quyết định cho ký của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền.
Điều 28. Ký điều ước quốc tế trong chuyến
thăm của Đoàn cấp cao
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký và văn bản điều ước quốc tế được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký trong chuyến thăm của Đoàn cấp
cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam.
2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
kịp thời báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền,
đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp trong trường hợp điều ước quốc
tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký, nhưng chưa thể tổ
chức ký được trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của
Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam.
3. Bộ Ngoại giao chủ trì hoặc phối
hợp rà soát, đối chiếu văn bản cuối cùng của điều ước quốc tế, phối hợp với bên
nước ngoài tổ chức lễ ký điều ước quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao Việt
Nam tại nước ngoài hoặc của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam, trừ trường hợp
có thỏa thuận khác với bên ký kết nước ngoài hoặc quyết định khác của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền.
Điều 29. Trách nhiệm gửi văn bản điều ước
quốc tế sau khi ký
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
gửi Bộ Ngoại giao bản chính điều ước quốc tế, bản dịch bằng tiếng Việt trong
trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài, bản ghi điện tử
nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để hoàn thành thủ
tục về điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày điều ước quốc tế
hai bên được ký ở trong nước hoặc kể từ ngày đoàn đàm phán, ký điều ước quốc tế
ở nước ngoài về nước.
2. Trong trường hợp người đứng đầu
cơ quan đại diện ngoại giao hoặc phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế ký điều ước quốc tế thì người
ký có trách nhiệm báo cáo, gửi ngay bản sao điều ước quốc tế đã ký cho Bộ Ngoại
giao và trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ký phải gửi bản chính điều ước
quốc tế đến cơ quan đề xuất.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ
ngày nhận được bản chính điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất thực hiện trách nhiệm
quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
gửi Bộ Ngoại giao bản sao điều ước quốc tế nhiều bên đã được cơ quan lưu chiểu điều
ước quốc tế nhiều bên chứng thực, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, bản
ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để
hoàn thành thủ tục về điều ước quốc tế trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận
được bản sao điều ước quốc tế do cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên gửi
đến.
MỤC 5
PHÊ CHUẨN ĐIỀU ƯỚC QUỐC
TẾ
Điều 30. Đề xuất phê chuẩn điều ước quốc
tế
1. Cơ quan đề xuất trình Chính
phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế sau khi
lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan
trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký phải được phê chuẩn.
Trong trường hợp Bộ Ngoại giao
là cơ quan đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao trình Chính phủ
để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế đó sau khi
lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Trong trường hợp Chủ tịch nước
trình Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế thì Văn phòng Chủ tịch nước
phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế đến cơ
quan thẩm tra.
Điều 31. Điều ước quốc tế phải được phê
chuẩn
Những điều ước quốc tế sau đây
phải được phê chuẩn:
1. Điều ước quốc tế có quy định
phải phê chuẩn;
2. Điều ước quốc tế được ký nhân
danh Nhà nước;
3. Điều ước quốc tế được ký nhân
danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật
của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có quy định liên quan đến ngân
sách nhà nước.
Điều 32. Thẩm quyền, nội dung quyết định
phê chuẩn điều ước quốc tế
1. Quốc hội quyết định phê chuẩn
điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước
khác; phê chuẩn các điều ước quốc tế khác theo đề nghị của Chủ tịch nước.
2. Chủ tịch nước quyết định phê
chuẩn điều ước quốc tế quy định tại Điều 31 của Luật này, trừ
trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Quyết định phê chuẩn điều ước
quốc tế có những nội dung sau đây:
a) Tên điều ước quốc tế được phê
chuẩn, thời gian và địa điểm ký;
b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận
hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc
tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;
c) Quyết định áp dụng trực tiếp
toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ
sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường
vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế được phê chuẩn;
d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất,
Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ tục phê
chuẩn và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.
Điều 33. Điều ước quốc tế phải được thẩm
tra
Điều ước quốc tế trình Quốc hội
phê chuẩn phải được thẩm tra.
Điều 34. Phạm vi thẩm tra điều ước quốc
tế
Điều ước quốc tế được thẩm tra về
các nội dung sau đây:
1. Sự cần thiết phê chuẩn điều ước
quốc tế;
2. Việc tuân thủ trình tự, thủ tục
đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế;
3. Tính hợp hiến và mức độ tương
thích với các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
4. Khả năng áp dụng trực tiếp
toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế;
5. yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi
bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc
hội để thực hiện điều ước quốc tế.
Điều 35. Thẩm quyền thẩm tra điều ước
quốc tế
Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội là
cơ quan chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế. Hội đồng dân tộc, Uỷ ban khác của Quốc
hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực Hội đồng,
Uỷ ban phụ trách hoặc theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Điều 36. Trình tự, thủ tục thẩm tra điều
ước quốc tế
1. Văn phòng Chủ tịch nước phối
hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế đến cơ quan
chủ trì thẩm tra và cơ quan tham gia thẩm tra điều ước quốc tế chậm nhất là hai
mươi ngày trước ngày bắt đầu phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội và chậm nhất
là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
2. Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ
chức phiên họp để thẩm tra điều ước quốc tế với sự tham gia của cơ quan tham
gia thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể
từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm tra.
3. Việc thẩm tra điều ước quốc tế
được tiến hành theo trình tự sau đây:
a) Đại diện Chính phủ thuyết
trình về điều ước quốc tế.
b) Các đại biểu tham dự phiên họp
nêu câu hỏi và đại diện Chính phủ trình bày bổ sung;
c) Đại diện Thường trực Uỷ ban đối
ngoại phát biểu ý kiến;
d) Đại diện Thường trực Hội đồng,
Thường trực Uỷ ban tham gia thẩm tra và đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tham
dự phiên họp phát biểu ý kiến;
đ) Thành viên Uỷ ban đối ngoại
thảo luận.
Trong quá trình thẩm tra, đại diện
Chính phủ trình bày bổ sung ý kiến để làm rõ vấn đề mà Uỷ ban đối ngoại, đại biểu
tham dự phiên họp thẩm tra nêu ra hoặc yêu cầu;
e) Chủ tọa phiên họp kết luận; đối
với những vấn đề quan trọng và cần thiết thì chủ tọa phiên họp lấy biểu quyết.
4. Báo cáo thẩm tra điều ước quốc
tế trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải phản ánh đầy đủ ý kiến của
thành viên Uỷ ban đối ngoại và ý kiến của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban tham gia thẩm
tra.
Báo cáo thẩm tra được gửi đến Quốc
hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo thời hạn do pháp luật quy định.
Điều 37. Hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước
quốc tế
Hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước
quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình của Chủ tịch nước về
việc đề nghị phê chuẩn điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng
nước ngoài;
3. Các tài liệu cần thiết khác.
Điều 38.
Trình tự, thủ tục trình, quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc phê chuẩn
điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản chính
hoặc bản sao điều ước quốc tế quy định tại Điều 29 của Luật này.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý
kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ
quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý
kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính
phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế trong
thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ
quan, tổ chức hữu quan.
4. Chính phủ trình Chủ tịch nước
quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày
nhận được hồ sơ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
5. Chủ tịch nước xem xét, quyết
định phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận
được hồ sơ do Chính phủ trình hoặc trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế chậm
nhất là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
6. Quốc hội quyết định phê chuẩn
điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội.
Điều 39. Trình tự, thủ tục Quốc hội xem
xét, phê chuẩn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội
Quốc hội xem xét, phê chuẩn điều
ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự sau đây:
1. Chủ tịch nước báo cáo về đề
nghị phê chuẩn điều ước quốc tế;
2. Đại diện Chính phủ thuyết
trình về điều ước quốc tế;
3. Đại diện Uỷ ban đối ngoại của
Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra;
4. Quốc hội thảo luận tại phiên
họp toàn thể về những nội dung cơ bản của điều ước quốc tế; trước khi thảo luận
tại phiên họp toàn thể, Tổ hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội có thể thảo luận về nội
dung điều ước quốc tế.
Trong quá trình thảo luận, cơ
quan đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế được trình bày bổ sung về những vấn đề
liên quan đến nội dung điều ước quốc tế;
5. Quốc hội biểu quyết thông qua
nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
Điều ước quốc tế được phê chuẩn
khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Chủ tịch Quốc hội
ký chứng thực nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế. Chủ tịch nước ký lệnh
công bố nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.
Điều 40. Hồ sơ trình về việc phê chuẩn điều
ước quốc tế
1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất
trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc
tế bao gồm:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất,
trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về
việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối
bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên;
kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa
đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ
ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng
nước ngoài;
c) ý kiến của Bộ Ngoại giao và
các cơ quan, tổ chức hữu quan;
d) Dự kiến kế hoạch tổ chức thực
hiện điều ước quốc tế;
đ) Các tài liệu cần thiết khác.
2. Hồ sơ của Chính phủ trình Chủ
tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế bao gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ, trong
đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về việc
phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước
ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng
trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc
ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để
thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng
nước ngoài;
c) Các tài liệu cần thiết khác.
3. Hồ sơ của Chủ tịch nước trình
Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế bao gồm:
a) Tờ trình của Chủ tịch nước,
trong đó nêu rõ lý do đề nghị Quốc hội quyết định phê chuẩn, đánh giá tác động
của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc
phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế
nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước
quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng
nước ngoài;
c) Các tài liệu cần thiết khác.
Điều 41. Thông báo về việc phê chuẩn điều
ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho
bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc
phê chuẩn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Chủ tịch nước
ký lệnh công bố nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế hoặc
kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc
tế.
2. Chủ tịch nước ký văn kiện phê
chuẩn điều ước quốc tế hai bên. Văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế hai bên có
các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 32 của Luật
này và các nội dung cần thiết khác.
Bộ Ngoại giao tiến hành thủ
tục trao đổi văn kiện phê chuẩn với bên ký kết nước ngoài trong trường hợp điều
ước quốc tế hai bên có quy định hoặc có thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài về
việc phải hoàn thành thủ tục trao đổi văn kiện phê chuẩn để điều ước quốc tế có
hiệu lực.
3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký
văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc
tế nhiều bên.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm
ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều
bên.
4. Bộ Ngoại
giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của điều ước
quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày điều ước quốc tế hai bên đã được
phê chuẩn có hiệu lực hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu
điều ước quốc tế nhiều bên về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối
với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
MỤC 6
PHÊ DUYỆT ĐIỀU ƯỚC QUỐC
TẾ
Điều 42. Đề xuất phê duyệt điều ước quốc
tế
Cơ quan đề xuất trình
Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản
của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong trường hợp điều ước quốc
tế đã ký phải được phê duyệt; trong trường hợp Bộ Ngoại giao là cơ quan đề xuất
phê duyệt điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao trình Chính phủ quyết định phê duyệt
điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Điều 43. Điều ước quốc tế phải được phê
duyệt
Những điều ước quốc tế sau đây
phải được phê duyệt:
1. Điều ước quốc tế nhân danh
Chính phủ có quy định phải phê duyệt;
2. Điều ước quốc tế nhân danh
Chính phủ có quy định trái với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của
Chính phủ;
3. Điều ước quốc tế nhân danh
Chính phủ có quy định phải hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.
Điều 44. Thẩm quyền, nội dung quyết định
phê duyệt điều ước quốc tế
1. Chính phủ quyết định phê
duyệt điều ước quốc tế quy định tại Điều 43 của Luật này.
2. Quyết định phê duyệt điều ước
quốc tế có những nội dung sau đây:
a) Tên điều ước quốc tế, thời
gian và địa điểm ký;
b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận
hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc
tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;
c) Quyết định áp dụng trực
tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; kiến nghị hoặc quyết định sửa đổi,
bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban
thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế được phê duyệt;
d) Trách nhiệm của cơ quan
đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ
tục phê duyệt và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.
Điều 45. Trình tự, thủ tục trình, quyết
định phê duyệt điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc phê duyệt
điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản chính
hoặc bản sao điều ước quốc tế quy định tại Điều 29 của Luật này.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý
kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ
quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý
kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính
phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ
ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
4. Chính phủ quyết định phê duyệt
điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ
quan đề xuất trình.
Điều 46. Hồ sơ trình về việc phê duyệt điều
ước quốc tế
Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình
Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình của cơ quan đề xuất,
trong đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về
việc phê duyệt, thời điểm phê duyệt, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối
bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên;
kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa
đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ
ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng
nước ngoài;
3. ý kiến của Bộ Ngoại giao và
các cơ quan, tổ chức hữu quan;
4. Dự kiến kế hoạch tổ chức thực
hiện điều ước quốc tế;
5. Các tài liệu cần thiết khác.
Điều 47. Thông báo về việc phê duyệt điều
ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho
bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc
phê duyệt điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Chính phủ
quyết định phê duyệt.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký
văn kiện phê duyệt điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc
tế nhiều bên.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm
ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều
bên.
3. Bộ Ngoại
giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của điều ước
quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày điều ước quốc tế đã được phê
duyệt có hiệu lực hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều
ước quốc tế nhiều bên về ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 48. Trao đổi văn kiện tạo thành điều
ước quốc tế
1. Việc trao đổi văn kiện giữa
bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài tạo thành điều ước quốc tế hai bên, nếu
văn kiện được trao đổi có quy định.
2. Quy định tại các điều từ Điều 9 đến Điều 29 của Luật này được áp dụng đối với việc trao
đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.
CHƯƠNG III
GIA NHẬP ĐIỀU ƯỚC QUỐC
TẾ NHIỀU BÊN
Điều 49. Trách nhiệm đề xuất gia nhập điều
ước quốc tế nhiều bên
1. Cơ quan đề xuất căn cứ vào
nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, yêu cầu hợp tác quốc tế chủ động
đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên.
2. Trước khi đề xuất với Chính
phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra
bằng văn bản của Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 10 của Luật
này, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều 17 đến Điều 21 của Luật này và ý kiến của các cơ quan, tổ
chức hữu quan.
3. Trong trường hợp Bộ Ngoại
giao trình Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên thì phải lấy ý
kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu
quan.
Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với
các cơ quan, tổ chức hữu quan đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập điều ước
quốc tế nhiều bên về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc
gia.
4. Trong trường hợp Chủ tịch nước
trình Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên thì Văn phòng Chủ
tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra đến cơ quan
thẩm tra.
Điều 50. Thẩm quyền, nội dung quyết định
gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
1. Quốc hội quyết định gia nhập điều
ước quốc tế nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước.
2. Chủ tịch nước quyết định gia
nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Nhà nước, điều ước quốc tế nhiều bên
có quy định phải phê chuẩn, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quyết định gia nhập
điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Chính phủ.
4. Quyết định gia nhập điều ước
quốc tế nhiều bên có những nội dung sau đây:
a) Tên điều ước quốc tế được gia
nhập, thời gian và địa điểm ký hoặc thông qua;
b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận
hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc
tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;
c) Quyết định áp dụng trực tiếp
toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ
sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường
vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện điều ước quốc tế được gia nhập;
d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất,
Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc hoàn thành thủ tục gia
nhập và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.
Điều 51. Trình tự, thủ tục trình, quyết
định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
1. Chậm nhất là ba mươi ngày trước
khi trình Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên, cơ quan
đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, ý kiến
thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý
kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ
quan đề xuất trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý
kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Chính
phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên trong thời hạn mười lăm ngày, kể
từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản
1 Điều này.
4. Chính phủ quyết định:
a) Gia nhập điều ước quốc tế nhiều
bên nhân danh Chính phủ trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ do cơ quan đề xuất trình hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của Quốc hội, Uỷ
ban thường vụ Quốc hội về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có điều khoản
trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ
ban thường vụ Quốc hội hoặc điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ
sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường
vụ Quốc hội;
b) Trình
Chủ tịch nước về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này trong
thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
c) Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội
cho ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có điều khoản trái hoặc
chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường
vụ Quốc hội hoặc điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ
hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội
trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất
trình.
5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho
ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều
này theo trình tự quy định tại Điều 13 của Luật này.
6. Chủ tịch nước quyết định:
a) Gia nhập điều ước quốc tế nhiều
bên quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này trong thời hạn
mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình;
b) Trình Quốc hội quyết định gia
nhập điều ước quốc tế nhiều bên quy định tại khoản 1 Điều 50 của
Luật này chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
7. Quốc hội quyết định gia nhập điều
ước quốc tế nhiều bên tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương tự quy định
tại Điều 39 của Luật này; trước khi trình Quốc hội thì điều
ước quốc tế phải được thẩm tra theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại các
điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Luật này.
Điều 52. Hồ sơ trình về việc gia nhập điều
ước quốc tế nhiều bên
1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất
trình Chính phủ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất
có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật này;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại
giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu
quan;
d) Danh sách các thành viên của điều
ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc
phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc
tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập
điều ước quốc tế nhiều bên;
đ) Dự kiến kế hoạch tổ chức thực
hiện điều ước quốc tế;
e) Các tài liệu cần thiết khác.
2. Hồ sơ của Chính phủ trình Chủ
tịch nước về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ, trong
đó đánh giá tác động của điều ước quốc tế nhiều bên đối với Việt Nam; kiến nghị
về việc gia nhập, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký
kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc
áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi
bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc
hội để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) Danh sách các thành viên của điều
ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc
phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc
tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập
điều ước quốc tế nhiều bên;
d) Ý kiến của Uỷ ban thường vụ
Quốc hội, Quốc hội trong trường hợp đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên
quy định tại điểm c khoản 4 Điều 51 của Luật này;
đ) Các tài liệu cần thiết khác.
3. Trong trường hợp Chính phủ
trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế
nhiều bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều 51 của Luật này
thì hồ sơ của Chính phủ bao gồm những nội dung quy định tại các điểm a, b, c và
đ khoản 2 Điều này.
4. Hồ sơ của Chủ tịch nước trình
Quốc hội về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên bao gồm:
a) Tờ trình của Chủ tịch nước,
trong đó nêu rõ lý do đề nghị Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều
bên; đánh giá tác động của điều ước quốc tế nhiều bên đối với Việt Nam; kiến
nghị nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước
ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng
trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc
ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để
thực hiện điều ước quốc tế;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) Danh sách các thành viên của điều
ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc
phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc
tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập
điều ước quốc tế nhiều bên;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
Điều 53. Thông báo về việc gia nhập điều
ước quốc tế nhiều bên
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho
cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc gia nhập điều ước quốc tế
trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố nghị quyết
của Quốc hội về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên hoặc kể từ ngày nhận
được quyết định của Chủ tịch nước hoặc của Chính phủ về việc gia nhập điều ước
quốc tế nhiều bên.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký
văn kiện gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc
tế nhiều bên.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ
trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
3. Bộ Ngoại
giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của điều ước
quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn
mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc
tế nhiều bên.
CHƯƠNG IV
BẢO LƯU ĐIỀU ƯỚC QUỐC
TẾ NHIỀU BÊN
Điều 54. Bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
nêu rõ kiến nghị đưa ra bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên, yêu cầu, nội
dung, thời điểm tuyên bố bảo lưu trong tờ trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn,
phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên được phép bảo lưu và có điều
khoản mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần tuyên bố bảo lưu.
2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
nêu rõ kiến nghị chính thức khẳng định lại bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều
bên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố khi ký điều ước quốc tế đó
trong tờ trình Chính phủ về việc phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế nhiều
bên.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có
quyền quyết định việc bảo lưu điều ước quốc tế đó.
Điều 55. Thông báo về bảo lưu của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Cơ quan đề xuất phối hợp với
Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về bảo
lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký điều ước quốc tế
đó.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho
cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều
ước quốc tế có điều khoản mà Việt Nam tuyên bố bảo lưu hoặc phải khẳng định lại
bảo lưu đã tuyên bố khi ký điều ước quốc tế đó.
3. Bộ Ngoại giao thông báo cho
các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của tuyên bố bảo lưu của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với điều ước quốc tế trong thời hạn mười
lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế
nhiều bên.
Điều 56. Chấp nhận hoặc phản đối bảo
lưu của bên ký kết nước ngoài
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
nêu rõ yêu cầu, nội dung chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài;
kiến nghị thời điểm đưa ra chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và hậu quả pháp lý của
việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong tờ trình Chính phủ về việc ký, phê
chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp điều
ước quốc tế nhiều bên được phép bảo lưu nhưng phải có sự chấp nhận của các bên
ký kết đối với bảo lưu được đưa ra.
2. Trong trường hợp bên ký kết
nước ngoài đưa ra bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên sau khi cơ quan đề
xuất trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước
nhiều bên thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc
phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp
và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3. Hồ sơ của cơ quan đề xuất
trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu quy định tại khoản 2 Điều
này bao gồm:
a) Tờ trình của cơ quan đề xuất
có những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Bản sao điều ước quốc tế nhiều
bên, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ
Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
Điều 57. Thẩm quyền quyết định chấp nhận
hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
1. Quốc hội quyết định chấp nhận
hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều
bên mà Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
2. Chủ tịch nước quyết định chấp
nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế
nhiều bên mà Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.
3. Chính phủ quyết định chấp nhận
hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều
bên mà Chính phủ quyết định ký, phê duyệt hoặc gia nhập.
Việc chấp nhận hoặc phản đối bảo
lưu phải được thể hiện bằng văn bản.
Điều 58. Trình tự, thủ tục trình, quyết
định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
1. Trình tự, thủ tục trình, quyết
định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước
quốc tế nhiều bên được thực hiện tương tự quy định tại Điều
38 của Luật này.
2. Quốc hội quyết định chấp nhận
hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều
bên khi quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế đó hoặc sau khi nhận
được tờ trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu.
3. Chủ tịch nước, Chính phủ quyết
định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước
quốc tế nhiều bên khi quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước
quốc tế đó hoặc trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình bổ
sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu.
Điều 59. Thông báo về việc chấp nhận hoặc
phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài
1. Cơ quan đề xuất phối hợp với
Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên tuyên
bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu
của bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho
cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo
lưu của bên ký kết nước ngoài khi gửi các văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc
gia nhập điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký
thông báo đối ngoại về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu gửi cơ quan lưu chiểu
điều ước quốc tế nhiều bên trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm
ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều
bên.
4. Bộ Ngoại giao thông báo cho
các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của việc chấp nhận hoặc phản
đối bảo lưu trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ
quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
Điều 60. Rút bảo lưu hoặc rút phản đối
bảo lưu
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
trình Chính phủ về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến
bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quyết định đưa ra bảo lưu hoặc phản đối bảo lưu có quyền quyết định rút bảo lưu
hoặc rút phản đối bảo lưu đó.
Trình tự, thủ tục trình, quyết định
rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu được thực hiện tương tự quy định tại Điều 38 của Luật này.
Việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối
bảo lưu phải được thể hiện bằng văn bản.
3. Hồ sơ trình về việc rút bảo
lưu hoặc rút phản đối bảo lưu bao gồm:
a) Tờ trình về việc rút bảo lưu
hoặc rút phản đối bảo lưu, hậu quả pháp lý của việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối
bảo lưu;
b) Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;
c) Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ
Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
d) Các tài liệu cần thiết khác.
4. Thủ tục thông báo về việc rút
bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu được thực hiện tương tự quy định tại Điều 55 và Điều 59 của Luật này.
CHƯƠNG V
HIỆU LỰC, ÁP DỤNG TẠM
THỜI TOÀN BỘ HOẶC MỘT PHẦN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 61. Hiệu lực của điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế có hiệu lực đối
với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam theo thể thức và thời hạn được quy định trong điều ước quốc tế đó hoặc theo
thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Điều 62. áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc
một phần điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế hoặc một phần của
điều ước quốc tế có thể được áp dụng tạm thời trong thời gian hoàn thành thủ tục
để điều ước quốc tế có hiệu lực theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo
thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Điều 63. Chấm dứt áp dụng tạm thời toàn
bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
1. Việc áp dụng tạm thời toàn bộ
hoặc một phần điều ước quốc tế chấm dứt nếu bên Việt Nam thông báo cho bên ký kết
nước ngoài hoặc bên ký kết nước ngoài thông báo cho bên Việt Nam về việc chấm dứt
áp dụng tạm thời điều ước quốc tế đó, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định
khác hoặc bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài có thỏa thuận khác.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quyết định ký điều ước quốc tế có quyền quyết định chấm dứt áp dụng tạm thời
toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó.
3. Trình tự, thủ tục chấm dứt áp
dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế được thực hiện tương tự
quy định tại các điều 12, 14 và 15 của Luật này.
Điều 64. Thông báo về việc chấm dứt áp
dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao thông báo cho
bên ký kết nước ngoài quyết định của bên Việt Nam về việc chấm dứt áp dụng tạm
thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế hoặc trả lời của bên Việt Nam đối với
quyết định của bên ký kết nước ngoài về việc chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ
hoặc một phần điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho
các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một
phần điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày việc chấm dứt có
hiệu lực.
CHƯƠNG VI
LƯU CHIỂU, LƯU TRỮ,
SAO LỤC, CÔNG BỐ, ĐĂNG KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 65. Cơ quan lưu chiểu điều ước quốc
tế nhiều bên
Bộ Ngoại giao thực hiện việc lưu
chiểu điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam được chỉ định là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên
đó.
Điều 66. Nội dung lưu chiểu điều ước quốc
tế nhiều bên
1. Nội dung lưu chiểu điều ước
quốc tế nhiều bên bao gồm:
a) Lưu giữ bản chính của điều ước
quốc tế nhiều bên và Giấy ủy quyền;
b) Chứng thực bản sao điều ước
quốc tế nhiều bên, lập văn bản điều ước quốc tế nhiều bên bằng các thứ tiếng
theo quy định của điều ước quốc tế đó và gửi cho các thành viên điều ước quốc tế,
các quốc gia có quyền trở thành thành viên điều ước quốc tế nhiều bên;
c) Tiếp nhận văn bản chữ ký đối
với điều ước quốc tế nhiều bên, nhận và lưu giữ văn kiện, thông báo và các
thông tin có liên quan đến điều ước quốc tế đó;
d) Kiểm tra tính hợp thức và hợp
lệ của các chữ ký, văn kiện, thông báo hoặc thông tin liên quan đến điều ước quốc
tế nhiều bên;
đ) Thông báo cho các thành viên điều
ước quốc tế nhiều bên và các quốc gia có quyền trở thành thành viên điều ước quốc
tế nhiều bên về những văn kiện, thông báo và thông tin liên quan đến điều ước
quốc tế đó;
e) Thông báo cho các quốc gia có
quyền trở thành thành viên điều ước quốc tế nhiều bên về thời điểm đã nhận hoặc
lưu chiểu đủ số lượng văn bản chữ ký, văn kiện phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận
hoặc gia nhập để điều ước quốc tế đó có hiệu lực;
g) Đăng ký điều ước quốc tế nhiều
bên tại Ban thư ký của Liên hợp quốc.
2. Trong trường hợp bên Việt Nam
là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên mà bên ký kết nước ngoài khiếu
nại về việc lưu chiểu điều ước quốc tế đó thì Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với
các cơ quan nhà nước hữu quan trình Chính phủ xem xét, quyết định. Chính phủ
quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận
được hồ sơ do Bộ Ngoại giao trình.
Bộ Ngoại giao thông báo kết quả
giải quyết khiếu nại cho bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười lăm ngày, kể
từ ngày có quyết định của Chính phủ.
Điều 67. Lưu trữ điều ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao lưu trữ bản
chính điều ước quốc tế hai bên; bản chính điều ước quốc tế nhiều bên trong trường
hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc
tế nhiều bên; bản sao được chứng thực của điều ước quốc tế nhiều bên mà Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc
gia nhập điều ước quốc tế và các văn kiện khác có liên quan.
2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
gửi Bộ Ngoại giao bản chính hoặc bản sao được chứng thực và bản dịch bằng tiếng
Việt của điều ước quốc tế theo thời hạn quy định tại Điều 29 của
Luật này.
Điều 68. Sao lục điều ước quốc tế
Bộ Ngoại giao sao lục điều ước
quốc tế có hiệu lực gửi Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ để báo cáo, gửi
các cơ quan, tổ chức hữu quan để thực hiện, gửi Văn phòng Chính phủ để đăng
Công báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn mười lăm
ngày, kể từ ngày nhận được điều ước quốc tế hai bên có hiệu lực hoặc ba mươi
ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều
bên về hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Điều 69. Công bố điều ước quốc tế
1. Điều ước quốc tế có hiệu lực
đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố trên Công báo của
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Niên giám điều ước quốc tế, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết
định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp có yêu cầu
không công bố điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định sau
khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức
hữu quan.
2. Trong thời hạn mười lăm ngày,
kể từ ngày nhận được bản sao điều ước quốc tế có hiệu lực do Bộ Ngoại giao gửi,
Văn phòng Chính phủ đăng điều ước quốc tế đó trên Công báo của nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Hằng năm, Bộ Ngoại giao tổ chức
biên soạn và ấn hành Niên giám điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam ký kết hoặc gia nhập.
Điều 70. Đăng ký điều ước quốc tế
Bộ Ngoại giao đăng ký tại Ban
thư ký của Liên hợp quốc điều ước quốc tế hai bên có hiệu lực đối với nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế nhiều bên có hiệu lực trong
trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan lưu chiểu điều ước
quốc tế nhiều bên.
CHƯƠNG VII
THỰC
HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
MỤC 1
KẾ
HOẠCH THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 71. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc
tế
1. Cơ quan đề xuất căn cứ vào
tính chất, nội dung của điều ước quốc tế, nhiệm vụ và quyền hạn được giao trình
Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
2. Kế hoạch thực hiện điều ước
quốc tế bao gồm những nội dung sau đây:
a) Lộ trình thực hiện điều ước
quốc tế;
b) Dự kiến phân công trách nhiệm
của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
c) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung,
bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
d) Các biện pháp tổ chức, quản
lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện điều ước quốc tế;
đ) Tuyên truyền, phổ biến điều ước
quốc tế.
Điều 72. Trình tự, thủ tục trình phê
duyệt kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan về dự thảo kế hoạch thực hiện điều ước
quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về hiệu lực
của điều ước quốc tế đó.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý
kiến trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn mười
lăm ngày, kể từ ngày nhận được trả lời của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định
kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận
được dự thảo kế hoạch do cơ quan đề xuất trình.
Điều 73. Triển khai kế hoạch thực hiện điều
ước quốc tế
1. Sau khi Thủ tướng Chính phủ
quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất và các cơ quan,
tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ
chức triển khai thực hiện kế hoạch đó.
2. Trong quá trình thực hiện kế
hoạch, nếu phát sinh vấn đề liên quan đến việc giải thích, sửa đổi, bổ sung,
gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc
tế thì cơ quan đề xuất tiến hành các thủ tục theo quy định tại các mục 2, 3 và
4 của Chương này.
MỤC 2
GIẢI
THÍCH ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 74. Điều ước quốc tế được giải
thích
Điều ước quốc tế được giải thích
trong các trường hợp sau đây:
1. Có đề nghị giải thích điều ước
quốc tế của bên ký kết nước ngoài;
2. Có đề nghị giải thích điều ước
quốc tế của cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan;
3. Các trường hợp cần thiết
khác.
Điều 75. Yêu cầu và căn cứ giải thích điều
ước quốc tế
1. Điều ước quốc tế phải được giải
thích phù hợp với tinh thần, mục đích và nội dung của điều ước quốc tế và nghĩa
thông thường của những thuật ngữ được sử dụng trong điều ước quốc tế đó.
2. Căn cứ để giải thích điều ước
quốc tế bao gồm:
a) Văn bản điều ước quốc tế và
các phụ lục kèm theo điều ước quốc tế đó;
b) Thỏa thuận có liên quan đến điều
ước quốc tế của toàn bộ thành viên điều ước quốc tế khi ký kết điều ước quốc tế
đó;
c) Văn kiện có liên quan đến điều
ước quốc tế do thành viên điều ước quốc tế đưa ra khi ký kết điều ước quốc tế
đó và được các thành viên khác chấp nhận;
d) Thỏa thuận về việc giải thích
hoặc thực hiện các quy định của điều ước quốc tế giữa các thành viên điều ước
quốc tế sau khi ký điều ước quốc tế đó;
đ) Thực tiễn giải thích điều ước
quốc tế được các thành viên điều ước quốc tế công nhận;
e) Quy định của pháp luật quốc tế
được áp dụng trong quan hệ giữa các thành viên điều ước quốc tế.
3. Trong trường hợp đã áp dụng những
căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này để giải thích nhưng kết quả giải thích vẫn
chưa rõ ràng hoặc bất hợp lý thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào việc
chuẩn bị điều ước quốc tế, hoàn cảnh ký kết điều ước quốc tế và những căn cứ
khác để giải thích.
Điều 76. Thẩm quyền, nội dung quyết định
giải thích điều ước quốc tế
1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội tự
mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Uỷ ban
trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận và đại biểu
Quốc hội quyết định việc giải thích điều ước quốc tế trong các trường hợp sau
đây:
a) Điều ước quốc tế do Quốc hội
quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập;
b) Điều ước quốc tế có quy định
trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội;
điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn
bản quy phạm pháp luật của Quốc hội;
c) Điều ước quốc tế có quy định
trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban
thường vụ Quốc hội; điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi
bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
d) Các trường hợp cần thiết khác.
2. Chính phủ tự mình hoặc theo đề
nghị của cơ quan đề xuất quyết định việc giải thích điều ước quốc tế được ký kết
hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước và nhân danh Chính phủ, trừ các trường hợp quy
định tại khoản 1 Điều này.
3. Quyết định giải thích điều ước
quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản. Văn bản giải thích điều ước quốc tế có
những nội dung sau đây:
a) Tên, thời gian và địa điểm ký
điều ước quốc tế được giải thích;
b) Nội dung giải thích điều ước
quốc tế;
c) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất,
Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Điều 77. Trình tự, thủ tục trình, quyết
định giải thích điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu
quan trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị giải thích điều
ước quốc tế do bên ký kết nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại giao chuyển đến hoặc
do cơ quan, tổ chức hữu quan của Việt Nam yêu cầu.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý
kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười
lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
trình Chính phủ về việc giải thích điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi
ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định
tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quyết định:
a) Giải thích điều ước quốc tế
quy định tại khoản 2 Điều 76 của Luật này trong thời hạn ba
mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình; trong trường hợp
giải thích điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước thì phải báo cáo Chủ tịch nước
chậm nhất là mười lăm ngày trước khi quyết định giải thích điều ước quốc tế đó;
b) Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội
về việc giải thích điều ước quốc tế quy định tại điểm c và điểm
d khoản 1 Điều 76 của Luật này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận
được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
c) Trình Chủ tịch nước để Chủ tịch
nước trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích điều ước quốc tế quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 76 của Luật này trong thời hạn
30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
5. Chủ tịch nước trình Uỷ ban
thường vụ Quốc hội giải thích điều ước quốc tế quy định tại điểm c khoản 4 Điều
này trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
6. Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải
thích điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ
do Chủ tịch nước hoặc Chính phủ trình.
Điều 78. Hồ sơ trình, báo cáo về việc
giải thích điều ước quốc tế
Hồ sơ trình, báo cáo về việc giải
thích điều ước quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình hoặc báo cáo trong
đó nêu rõ yêu cầu, căn cứ giải thích điều ước quốc tế, đề xuất nội dung giải
thích điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế và bản
dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được
ký bằng tiếng nước ngoài;
3. Đề nghị giải thích điều ước
quốc tế của bên ký kết nước ngoài hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan của Việt
Nam;
4. ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ
Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
5. Các tài liệu cần thiết khác.
Điều 79. Thông báo về việc giải thích điều
ước quốc tế
1. Trong trường hợp bên ký kết
nước ngoài đề nghị giải thích điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao thông báo cho
bên ký kết nước ngoài về nội dung giải thích điều ước quốc tế của bên Việt Nam
trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải thích của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp sau khi bên Việt Nam
thông báo về nội dung giải thích điều ước quốc tế mà bên ký kết nước ngoài có đề
nghị mới về giải thích điều ước quốc tế đó thì trình tự, thủ tục giải thích điều
ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại Điều 77 của Luật
này.
2. Trong trường hợp cơ quan nhà
nước hữu quan của Việt Nam đề nghị giải thích điều ước quốc tế thì cơ quan đề
xuất thông báo cho cơ quan này về nội dung giải thích điều ước quốc tế trong thời
hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải thích điều ước quốc tế của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Trong trường hợp bên Việt Nam
đề nghị bên ký kết nước ngoài giải thích điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao
thông báo cho cơ quan đề xuất, cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam về nội
dung giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười
lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải thích điều ước quốc tế của bên ký kết
nước ngoài.
Trường hợp sau khi bên ký kết nước
ngoài thông báo về nội dung giải thích điều ước quốc tế mà bên Việt Nam có đề
nghị mới về giải thích điều ước quốc tế đó thì trình tự, thủ tục giải thích điều
ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại Điều 77 của Luật
này.
MỤC 3
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG, GIA HẠN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 80. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều
ước quốc tế
Điều ước quốc tế được sửa đổi, bổ
sung, gia hạn theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa
bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Điều 81. Thẩm quyền, nội dung quyết định
sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
1. Quốc hội quyết định sửa đổi,
bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
2. Chủ tịch nước quyết định sửa
đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn
hoặc gia nhập.
3. Chính phủ quyết định sửa đổi,
bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập
hoặc ký nhưng không phải phê chuẩn.
4. Quyết định sửa đổi, bổ sung,
gia hạn điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản với những nội dung sau đây:
a) Tên của điều ước quốc tế được
sửa đổi, bổ sung, gia hạn; thời gian, địa điểm ký và thời điểm có hiệu lực;
b) Nội dung sửa đổi, bổ sung, thời
gian gia hạn điều ước quốc tế;
c) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất,
Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Điều 82. Trình tự, thủ tục trình, quyết
định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu
quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị về việc sửa đổi,
bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế do bên ký kết nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại
giao chuyển đến hoặc do cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam yêu cầu.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý
kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười
lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế trong thời hạn
ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức
quy định tại khoản 1 Điều này.
Chậm nhất là chín mươi ngày trước
khi điều ước quốc tế chấm dứt hiệu lực, cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình
Chính phủ về việc gia hạn hiệu lực của điều ước quốc tế, trừ trường hợp điều ước
quốc tế có quy định khác hoặc bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài có thoả thuận
khác.
4. Chính phủ quyết định:
a) Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều
ước quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật này trong
thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định
sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế quy định tại khoản 2
Điều 81 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ do cơ quan đề xuất trình.
5. Chủ tịch nước quyết định:
a) Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều
ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật này trong
thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình;
b) Trình Quốc hội quyết định sửa
đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế quy định tại khoản
1 Điều 81 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ do Chính phủ trình.
6. Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ
sung, gia hạn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương
tự quy định tại Điều 39 của Luật này; trước khi trình Quốc
hội thì điều ước quốc tế phải được thẩm tra theo trình tự, thủ tục tương tự quy
định tại các điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Luật này.
Điều 83. Hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ
sung, gia hạn điều ước quốc tế
Hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ
sung, gia hạn điều ước quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình, trong đó nêu rõ mục
đích, yêu cầu, cơ sở pháp lý và hậu quả pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung, gia
hạn điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được
ký bằng tiếng nước ngoài;
3. Đề nghị về việc sửa đổi, bổ
sung, thời gian gia hạn điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan
nhà nước hữu quan của Việt Nam;
4. ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ
Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
5. Các tài liệu cần thiết khác.
Điều 84. Thông báo về việc sửa đổi, bổ
sung, gia hạn điều ước quốc tế
1. Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ
quan đề xuất thông báo cho bên ký kết nước ngoài về việc sửa đổi, bổ sung, gia
hạn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước
quốc tế đó.
2. Bộ Ngoại
giao thông báo cho cơ quan đề xuất và các cơ quan nhà nước hữu quan về việc sửa
đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày
việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế có hiệu lực.
MỤC 4
CHẤM
DỨT HIỆU LỰC, TỪ BỎ, RÚT KHỎI, TẠM ĐÌNH CHỈ THỰC HIỆN TOÀN BỘ HOẶC MỘT PHẦN ĐIỀU
ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 85. Căn cứ chấm dứt hiệu lực, từ bỏ,
rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
1. Việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ,
rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế được thực
hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt
Nam và bên ký kết nước ngoài.
2. Điều ước quốc tế bị chấm dứt
hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện trong những trường hợp sau
đây:
a) Theo quy định của điều ước quốc
tế hoặc theo thỏa thuận của toàn bộ thành viên điều ước quốc tế đó;
b) Có điều ước quốc tế được ký kết
sau quy định về cùng một nội dung với điều ước quốc tế đó;
c) Do hậu quả của việc vi phạm điều
ước quốc tế đó;
d) Do đối tượng điều chỉnh của điều
ước quốc tế đó không còn tồn tại hoặc bị hủy bỏ;
đ) Do sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh
khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế làm ảnh hưởng đến việc thực hiện điều
ước quốc tế đó;
e) Do cắt quan hệ ngoại giao hoặc
quan hệ lãnh sự;
g) Do xung đột với một quy phạm
bắt buộc mới được hình thành của pháp luật quốc tế.
3. Điều ước quốc tế nhiều bên có
thể bị tạm đình chỉ thực hiện theo thỏa thuận của một số thành viên điều ước quốc
tế đó.
Điều 86. Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ
thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do có điều ước quốc tế được ký
kết sau về cùng một nội dung
1. Điều ước quốc tế giữa bên Việt
Nam và thành viên khác chấm dứt hiệu lực nếu bên Việt Nam và thành viên này ký
một điều ước quốc tế mới về cùng một nội dung, trừ trường hợp quy định tại khoản
2 Điều này.
2. Điều ước quốc tế được ký trước
quy định tại khoản 1 Điều này tạm đình chỉ thực hiện trong trường hợp có thỏa
thuận giữa bên Việt Nam và thành viên khác của điều ước quốc tế đó.
Điều 87. Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ
thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do hậu quả của việc vi phạm điều
ước quốc tế
1. Trong trường hợp bên ký kết nước
ngoài vi phạm nghiêm trọng điều ước quốc tế hai bên mà Việt Nam là thành viên
thì bên Việt Nam có quyền chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ
hoặc một phần điều ước quốc tế đó.
2. Trong trường hợp có sự vi phạm
rõ ràng điều ước quốc tế của một hoặc nhiều thành viên điều ước quốc tế nhiều
bên mà Việt Nam là thành viên thì bên Việt Nam có quyền:
a) Thỏa thuận với các thành viên
khác về việc chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều
ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên này với thành
viên vi phạm hoặc giữa bên Việt Nam và các thành viên này với nhau;
b) Tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ
hoặc một phần điều ước quốc tế nhiều bên trong quan hệ giữa bên Việt Nam và
thành viên vi phạm điều ước quốc tế đó khi bên Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng
do vi phạm này gây ra;
c) Tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ
hoặc một phần điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành
viên khác khi vi phạm này làm thay đổi cơ bản việc bên Việt Nam và các thành
viên khác tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế đó.
Điều 88. Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút
khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do đối tượng điều chỉnh không còn
tồn tại hoặc bị hủy bỏ
1. Bên Việt Nam có quyền chấm dứt
hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi điều ước quốc tế trong trường hợp đối tượng gắn liền
với việc thực hiện điều ước quốc tế đó không còn tồn tại hoặc đã bị hủy bỏ.
2. Bên Việt Nam có quyền tạm
đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong trường hợp việc không thể thực hiện
được điều ước quốc tế đó chỉ là tạm thời.
Điều 89. Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút
khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh
khi ký kết hoặc gia nhập
1. Bên Việt Nam có quyền viện dẫn
sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế để chấm
dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế đó trong
trường hợp sự tồn tại của hoàn cảnh đó là cơ sở chủ yếu để bên Việt Nam đồng ý
chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế và thay đổi đó làm thay đổi cơ bản
phạm vi các nghĩa vụ mà bên Việt Nam còn phải thực hiện theo điều ước quốc tế.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này
không áp dụng đối với điều ước quốc tế xác định đường biên giới quốc gia giữa
bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Điều 90. Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ
thực hiện điều ước quốc tế do cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự
Trong trường hợp cắt quan hệ ngoại
giao hoặc quan hệ lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thành
viên khác của điều ước quốc tế mà việc tồn tại quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ
lãnh sự là điều kiện không thể thiếu được để thực hiện điều ước quốc tế thì cơ
quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc chấm dứt hiệu lực hoặc tạm
đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế đó.
Điều 91. Chấm dứt hiệu lực điều ước quốc
tế do xung đột với một quy phạm bắt buộc mới hình thành của pháp luật quốc tế
Điều ước quốc tế đang có hiệu lực
mà xung đột với quy phạm bắt buộc mới hình thành của pháp luật quốc tế thì vô
hiệu và bị chấm dứt hiệu lực.
Điều 92. Tạm đình chỉ thực hiện điều ước
quốc tế nhiều bên theo thỏa thuận của một số thành viên điều ước quốc tế
1. Bên Việt Nam có thể ký kết thỏa
thuận với một số thành viên của điều ước quốc tế nhiều bên về việc tạm đình chỉ
thực hiện một số quy định của điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt
Nam và các thành viên này trong các trường hợp sau đây:
a) Điều ước quốc tế có quy định
cho phép việc thỏa thuận giữa các thành viên trong việc tạm đình chỉ thực hiện điều
ước quốc tế;
b) Việc tạm đình chỉ không bị điều
ước quốc tế đó cấm, với điều kiện không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ
phát sinh từ điều ước quốc tế của các thành viên khác còn lại và không mâu thuẫn
với đối tượng và mục đích của điều ước quốc tế đó.
2. Bên Việt Nam thông báo cho
các thành viên khác còn lại về việc ký kết thỏa thuận và các quy định cụ thể của
điều ước quốc tế mà bên Việt Nam có ý định tạm đình chỉ thực hiện, trừ trường hợp
điều ước quốc tế đó có quy định khác.
Điều 93. Thẩm quyền, nội dung quyết định
chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
1. Quốc hội quyết định chấm dứt
hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Quốc hội
quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
2. Chủ tịch nước quyết định chấm
dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Chủ tịch
nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.
3. Chính phủ quyết định chấm dứt
hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Chính phủ
quyết định phê duyệt, gia nhập, ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn.
4. Quyết định chấm dứt hiệu lực,
từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn
bản với những nội dung sau đây:
a) Tên điều ước quốc tế bị chấm
dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, thời gian, địa điểm ký
và thời hạn có hiệu lực của điều ước quốc tế;
b) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất,
Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Điều 94. Trình tự, thủ tục trình, quyết
định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu
quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị về việc chấm dứt
hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do bên ký kết
nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại giao chuyển đến hoặc do cơ quan nhà nước hữu
quan của Việt Nam yêu cầu.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý
kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười
lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm
trình Chính phủ về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực
hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được trả lời
bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quyết định:
a) Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút
khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản
3 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ do cơ quan đề xuất trình;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định
chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy
định tại khoản 2 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười
lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
5. Chủ tịch nước quyết định:
a) Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút
khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định tại khoản
2 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ do Chính phủ trình;
b) Trình Quốc hội quyết định chấm
dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định
tại khoản 1 Điều 93 của Luật này trong thời hạn mười lăm
ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
6. Quốc hội quyết định chấm dứt
hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế tại kỳ họp
Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại Điều 39 của
Luật này; trước khi trình Quốc hội thì điều ước quốc tế phải được thẩm tra
theo trình tự, thủ tục tương tự quy định tại các điều từ Điều
34 đến Điều 37 của Luật này.
Điều 95. Hồ sơ trình về việc chấm dứt
hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
Hồ sơ trình về việc chấm dứt hiệu
lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
1. Tờ trình, trong đó nêu rõ lý
do, cơ sở pháp lý và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi,
tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế;
2. Bản sao điều ước quốc tế, bản
dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được
ký bằng tiếng nước ngoài;
3. Đề nghị chấm dứt hiệu lực, từ
bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài
hoặc cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam;
4. Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ
Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
5. Các tài liệu cần thiết khác.
Điều 96. Thông báo về việc chấm dứt hiệu
lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất phối hợp với
Bộ Ngoại giao thực hiện các thủ tục chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm
đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận
được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều
93 của Luật này.
Bộ Ngoại giao thông báo cho bên
ký kết nước ngoài về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực
hiện điều ước quốc tế hai bên đã được ký kết với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký
thông báo về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều
ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm
ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều
bên.
3. Bộ Ngoại
giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về việc chấm dứt hiệu lực, từ
bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm
ngày, kể từ ngày việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện
điều ước quốc tế có hiệu lực.
CHƯƠNG VIII
TRÁCH
NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
TRONG HOẠT ĐỘNG KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ
THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 97. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức,
cá nhân
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có
trách nhiệm tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
thành viên.
Điều 98. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
Trong việc thực hiện quản lý nhà
nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao có những
nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Chủ trì hoặc phối hợp soạn thảo
văn bản quy phạm pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
2. Chủ trì tổ chức thông tin,
tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật về ký kết, gia nhập và thực
hiện điều ước quốc tế;
3. Trình Chính phủ kế hoạch dài
hạn và kế hoạch hằng năm về việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
4. Báo cáo Chính phủ theo định kỳ
hằng năm hoặc theo yêu cầu; báo cáo Chủ tịch nước theo yêu cầu về hoạt động
ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
5. Hoàn thành các thủ tục đối
ngoại liên quan đến ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
6. Hoàn thành các thủ tục đối
ngoại để bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm điều ước quốc tế;
7. Trực tiếp tham gia phục vụ hoạt
động ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao
Việt Nam ở nước ngoài và của Đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam;
8. Hợp tác quốc tế trong việc ký
kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế theo thẩm quyền hoặc theo sự phân
công của Chính phủ;
9. Tổ chức lưu trữ, lưu chiểu,
sao lục, công bố và đăng ký điều ước quốc tế;
10. Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức
tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên;
11. Thống kê, rà soát điều ước
quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Điều 99. Trách nhiệm của cơ quan đề xuất
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
của mình, cơ quan đề xuất có những trách nhiệm sau đây:
1. Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế
hoạch hằng năm về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ;
kế hoạch hằng năm được gửi đến Bộ Ngoại giao chậm nhất vào ngày 15 tháng 10 năm
trước;
2. Chủ động đề xuất hoàn thành
thủ tục pháp lý đối với điều ước quốc tế;
3. Xây dựng lộ trình và biện
pháp cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập;
4. Chủ trì tổ chức hoặc phối hợp
tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập;
5. Kiến nghị Chính phủ những biện
pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam trong trường hợp điều ước quốc tế do mình đề xuất ký kết hoặc gia nhập bị
vi phạm;
6. Xây dựng báo cáo về tình hình
ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ chậm nhất vào ngày 15 tháng
11 hằng năm. Báo cáo của cơ quan đề xuất được xây dựng theo mẫu do Bộ Ngoại
giao quy định.
Trong trường hợp có yêu cầu, cơ
quan đề xuất báo cáo về tình hình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
với Chủ tịch nước, Chính phủ.
Điều 100. Trách nhiệm giám sát hoạt động
ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
1. Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc
hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu
Quốc hội có trách nhiệm giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước
quốc tế của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
2. Hoạt động giám sát được thực
hiện công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục do pháp luật quy
định và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân
chịu sự giám sát.
Điều 101. Phạm vi giám sát, chương
trình giám sát
1. Phạm vi giám sát hoạt động ký
kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
a) Giám sát việc thực hiện các
quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
b) Giám sát việc thực hiện điều
ước quốc tế.
2. Giám sát hoạt động ký kết,
gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là một nội dung thuộc chương trình giám
sát hằng năm của Quốc hội.
Điều 102. Các hoạt động giám sát
1. Quốc hội giám sát thông qua
các hoạt động sau đây:
a) Xem xét báo cáo về hoạt động
ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Chủ tịch nước, Chính phủ;
b) Xem xét báo cáo của Uỷ ban
thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến đối với việc đàm phán, ký, gia nhập điều
ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm
pháp luật của Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung,
bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội;
c) Xem xét điều ước quốc tế đang
có hiệu lực do Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định ký kết, gia nhập có dấu hiệu
trái với Hiến pháp;
d) Xem xét việc trả lời chất vấn
của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các
thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước
quốc tế.
2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám
sát thông qua các hoạt động sau đây:
a) Xem xét báo cáo về hoạt động
ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Chính phủ;
b) Xem xét tờ trình của Chính phủ
về việc đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được
quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội,
điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn
bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
c) Xem xét điều ước quốc tế đang
có hiệu lực do Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định ký kết, gia nhập có dấu hiệu
trái với Hiến pháp;
d) Xem xét việc trả lời chất vấn
của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các
thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước
quốc tế trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội.
3. Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của
Quốc hội giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
a) Xem xét báo cáo hoạt động ký
kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Chính phủ thuộc lĩnh vực Hội đồng,
Uỷ ban phụ trách hoặc theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
b) Trong trường hợp cần thiết,
yêu cầu Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát
nhân dân tối cao báo cáo về các vấn đề liên quan đến hoạt động ký kết, gia nhập
và thực hiện điều ước quốc tế mà Hội đồng, Uỷ ban quan tâm.
4. Đoàn đại biểu Quốc hội giám
sát thông qua các hoạt động sau đây:
a) Tổ chức Đoàn giám sát của
Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn giám sát
việc thực hiện các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều
ước quốc tế và việc thực hiện điều ước quốc tế tại địa phương;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá
nhân ở địa phương trả lời về những vấn đề liên quan đến hoạt động ký kết, gia
nhập và thực hiện điều ước quốc tế mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm;
c) Cử đại biểu Quốc hội trong
Đoàn tham gia Đoàn giám sát của các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện
các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và
việc thực hiện điều ước quốc tế tại địa phương khi có yêu cầu.
5. Đại biểu Quốc hội giám sát
thông qua các hoạt động sau đây:
a) Chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch
Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về
hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
b) Giám sát việc thực hiện các
quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và việc
thực hiện các điều ước quốc tế tại địa phương.
Điều 103. Thẩm quyền xem xét kết quả
giám sát
1. Căn cứ vào kết quả giám sát,
Quốc hội có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc
hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát
nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện điều ước quốc tế;
b) Yêu cầu Chính phủ quyết định
hoặc Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt hiệu lực,
từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
có dấu hiệu trái với Hiến pháp; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền
của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định;
c) Ra nghị quyết về việc trả lời
chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn trong trường hợp cần thiết.
2. Căn cứ vào kết quả giám sát,
Uỷ ban thường vụ Quốc hội có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu Chính phủ quyết định
hoặc Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt hiệu lực,
từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
có dấu hiệu trái với Hiến pháp; trong trường hợp quyết định này thuộc thẩm quyền
của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm điều
ước quốc tế tại Việt Nam; yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc Chính phủ trình Chủ
tịch nước quyết định về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ
thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong trường hợp phát hiện
hành vi vi phạm điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài gây thiệt hại đến lợi
ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; trong trường hợp quyết
định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định;
c) Ra nghị quyết về việc trả lời
chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn trong trường hợp cần thiết.
3. Căn cứ vào kết quả giám sát,
Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có các quyền sau đây:
a) Kiến nghị, yêu cầu Chính phủ,
cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất hoặc quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt
hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước
quốc tế do Chính phủ quyết định ký kết hoặc gia nhập có dấu hiệu trái với Hiến
pháp;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm điều
ước quốc tế tại Việt Nam; yêu cầu Chính phủ quyết định hoặc trình Chủ tịch nước
quyết định về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện
toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm
điều ước quốc tế của bên ký kết nước ngoài gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia,
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; trong trường hợp quyết định này
thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định.
4. Căn cứ vào kết quả giám sát,
Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có các quyền sau đây:
a) Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ
toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức,
cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến chính
sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước
quốc tế;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm điều
ước quốc tế tại địa phương.
Điều 104. Trách nhiệm của cơ quan, tổ
chức, cá nhân chịu sự giám sát
Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự
giám sát có trách nhiệm theo quy định tại Luật này và pháp luật về hoạt động
giám sát của Quốc hội.
CHƯƠNG IX
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 105. Kinh phí ký kết, gia nhập và
thực hiện điều ước quốc tế
Kinh phí ký kết, gia nhập và thực
hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ được bảo đảm từ
nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ khác.
Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc
cấp, sử dụng và quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động ký kết,
gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Điều 106. Điều khoản chuyển tiếp
1. Quốc hội, Chủ tịch nước,
Chính phủ quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên đã được ký kết hoặc gia nhập
trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân
trong trường hợp cần thiết.
2. Điều ước quốc tế được ký kết
nhân danh Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được
tiếp tục thực hiện cho đến khi chấm dứt hiệu lực theo quy định của điều ước quốc
tế đó; trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định về việc mặc nhiên gia hạn
hiệu lực, không quy định về thời hạn hiệu lực hoặc quy định có giá trị vô thời
hạn thì Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm đề xuất với cơ quan nhà nước
có thẩm quyền quyết định về việc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế đó.
3. Trong thời hạn một năm, kể từ
ngày Luật này có hiệu lực thi hành, căn cứ vào tình hình thực hiện điều ước quốc
tế, các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm sau đây:
a) Đề xuất áp dụng trực tiếp
toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đề xuất đàm phán, ký điều ước
quốc tế mới nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ để thay thế điều ước quốc
tế quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp cần thiết.
Điều 107. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành
từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.
2. Pháp lệnh về ký kết và thực
hiện điều ước quốc tế ngày 20 tháng 8 năm 1998 hết hiệu lực từ ngày Luật này có
hiệu lực thi hành.
3. Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14
tháng 6 năm 2005.