BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/VBHN-BNV
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 6 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU PHÁP LỆNH CỰU CHIẾN BINH
Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm
2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến
binh có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 01 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định số 157/NĐ-CP ngày 24/11/2016 sửa đổi, bổ
sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh, có hiệu lực từ ngày
15/01/2017.
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Cựu chiến binh ngày 07 tháng 10
năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống
nhất ý kiến với Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam1
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh về cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh
Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với cựu chiến binh, Hội Cựu chiến
binh Việt Nam.
Điều 2. Cựu chiến binh
Cựu chiến binh theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Cựu
chiến binh là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tham gia đơn
vị vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ, cụ
thể như sau:
1. Cán bộ, chiến sĩ quy định tại khoản 1 Điều 2
Pháp lệnh Cựu chiến binh đã tham gia các đơn vị vũ trang do Đảng Cộng sản Việt
Nam tổ chức trước cách mạng Tháng 8 năm 1945 như Đội tự vệ đỏ, du kích Ba Tơ,
du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và các
đơn vị vũ trang khác do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo.
2. Cán bộ, chiến sĩ quy định tại khoản 2 Điều 2
Pháp lệnh Cựu chiến binh gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh
sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội
biên phòng, biệt động đã tham gia kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc,
làm nhiệm vụ quốc tế từ ngày 30-4-1975 trở về trước (ngày miền Nam hoàn toàn giải
phóng).
3. Cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu chống ngoại
xâm, bảo vệ Tổ quốc quy định tại khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh gồm:
a) Đội viên đội công tác vũ trang trong vùng địch tạm
chiếm ở miền Bắc từ ngày 20-7-1954 về trước (ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về
chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương).
b) Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích tập
trung ở miền Bắc từ ngày 27 tháng 01 năm 1973 trở về trước (ngày ký Hiệp định
Pari chấm dứt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc), đã tham gia chiến
đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở đơn vị tập trung theo quyết định thành lập
hoặc giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền2
c) Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích ở miền
Nam từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước, đã tham gia chiến đấu, trực tiếp
phục vụ chiến đấu theo sự quản lý, phân công hoặc giao nhiệm vụ của tổ chức, cơ
sở cách mạng có thẩm quyền3.
4. Công nhân viên quốc phòng quy định tại khoản 4 Điều
2 Pháp lệnh Cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống ngoại
xâm từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 về trước.
5. Cán bộ, chiến sĩ quy định tại khoản 5 Điều 2
Pháp lệnh Cựu chiến binh gồm:
a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan,
binh sĩ, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam4 đã tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, trực
tiếp phục vụ chiến đấu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ đã tham gia chiến
đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở đơn vị tập trung theo quyết định thành lập
hoặc giao nhiệm vụ của cơ quan đơn vị có thẩm quyền sau ngày 30 tháng 4 năm
19755.
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành
nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc6 đã phục viên, nghỉ hưu, chuyên ngành.
6. Những đối tượng quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Cựu
chiến binh và được cụ thể tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 2 của Nghị định này
không được công nhận là cựu chiến binh trong các trường hợp sau:
a) Người đầu hàng địch; phản bội; người vi phạm kỷ
luật bị tước danh hiệu quân nhân; công nhân viên quốc phòng bị kỷ luật buộc
thôi việc;
b) Người bị kết án tù mà chưa được xóa án tích.
7. Việc xác nhận cựu chiến binh:
a) Việc xác nhận cựu chiến binh được căn cứ vào hồ
sơ khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ, xuất ngũ, phục viên, nghỉ hưu tại địa
phương, do cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn nơi cựu chiến binh đang cư trú chủ
trì, phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp xác nhận;
b) Trường hợp hồ sơ bị thất lạc, việc xác nhận là cựu
chiến binh do cơ quan quân sự cấp xã nơi họ nhập ngũ phối hợp với Hội Cựu chiến
binh cùng cấp xem xét xác minh lời khai của họ và lập danh sách để Ủy ban nhân
dân nơi họ nhập ngũ xác nhận;
c) Việc xác nhận là cựu chiến binh trong các cơ
quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào hồ sơ khi tiếp nhận cựu chiến binh về cơ quan,
tổ chức, đơn vị và do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó xác nhận.
8. Việc kết nạp hội viên Hội Cựu chiến binh Việt
Nam thực hiện theo quy định của Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hướng dẫn
của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Điều 3. Ngày truyền thống của Cựu
chiến binh
1. Ngày 6 tháng 12 hàng năm là ngày truyền thống cựu
chiến binh.
2. Ngày truyền thống của Cựu chiến binh nhằm:
a) Tôn vinh, biểu dương sự cống hiến to lớn của Cựu
chiến binh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm
nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn
của dân tộc ta;
b) Động viên các thế hệ Cựu chiến binh giữ vững và
phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia cống hiến cho sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gương mẫu trong cuộc sống, là tấm gương sáng trong
giáo dục cho thế hệ trẻ.
3. Kịp thời tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày truyền
thống của cựu chiến binh; tuyên truyền về cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt
Nam; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi Cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn và những hoạt
động khác để động viên, giúp đỡ Cựu chiến binh.
Chương II
CỰU CHIẾN BINH
Điều 4. Chính sách đối với Cựu
chiến binh
1. Cựu chiến binh được hưởng các chế độ, chính sách
theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp
tiền, tài sản để đầu tư xây dựng nhà tình nghĩa, cơ sở dịch vụ chăm sóc, trung
tâm điều trị và phục hồi sức khỏe, câu lạc bộ văn hóa, thể thao, thể dục dưỡng
sinh đối với Cựu chiến binh và tài trợ cho các hoạt động giúp đỡ Cựu chiến binh
ở cộng đồng dân cư hoặc trung tâm điều trị, phục hồi sức khỏe.
3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân căn cứ
vào điều kiện cụ thể hỗ trợ Cựu chiến binh tổ chức tham quan du lịch, nghỉ
ngơi, điều dưỡng.
Điều 5. Quyền lợi của Cựu chiến
binh
1. Cựu chiến binh thuộc đối tượng người có công với
cách mạng được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi đối
với người có công với cách mạng.
2. Cựu chiến binh được ưu tiên tạo việc làm, giao đất,
giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển
kinh tế - xã hội:
a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan,
binh sĩ, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia
chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong thời kỳ xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ đã tham gia chiến
đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở đơn vị tập trung theo quyết định thành lập
hoặc giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sau ngày 30 tháng 4 năm
1975.
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành
nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc đã phục viên, nghỉ
hưu, chuyển ngành.
3. Nhà nước khuyến khích Cựu chiến binh thành lập
các hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp để
nhận đất, rừng, mặt nước, tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo
quy định của pháp luật.
4. Cựu chiến binh trong độ tuổi lao động được ưu
tiên: học nghề, tạo việc làm, tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức,
đơn vị phù hợp với sức khỏe và chuyên môn đào tạo, xuất khẩu lao động.
5. Cựu chiến binh thuộc diện nghèo theo chuẩn do
Chính phủ quy định được:
a) Ưu tiên cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh
theo chế độ bảo hiểm y tế;
b) Ưu tiên vay các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng
chính sách - xã hội để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm xóa đói, giảm nghèo;
chính quyền địa phương, Ngân hàng chính sách - xã hội có trách nhiệm tạo điều
kiện để Cựu chiến binh được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật.
6. 7Cựu chiến binh
tham gia kháng chiến từ ngày 30/4/1975 trở về trước hoặc tham gia chiến tranh bảo
vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975
được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế,
khi từ trần được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo
hiểm xã hội hiện hành.
7. Cựu chiến binh cô đơn, không nơi nương tựa,
không có nguồn thu nhập khi hết tuổi lao động được Hội Cựu chiến binh cơ sở đề
nghị, chính quyền địa phương xác nhận thì được ưu tiên tiếp nhận vào nuôi dưỡng,
chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng của8 xã hội;
cựu chiến binh được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật9.
8. Cựu chiến binh khi chết được chính quyền, cơ
quan, đơn vị, đoàn thể địa phương phối hợp với Hội Cựu chiến binh và gia đình tổ
chức tang lễ. Nghi thức tổ chức và phân cấp tổ chức tang lễ, mai táng phí, các
chế độ, chính sách khác thực hiện theo quy định hiện hành do Bộ Lao động Thương
binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt
Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện.
9. Cựu chiến binh trong các cơ quan10 làm công tác Hội Cựu chiến binh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo
quy định hiện hành, được tham gia thi tuyển vào các trường đào tạo của trung
ương, địa phương để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội. Kinh
phí đào tạo do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo chế độ đào tạo cán bộ, công chức
hiện hành.
10. Cựu chiến binh được hưởng các quyền lợi khác
theo quy định của pháp luật.
Chương III
HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT
NAM
Điều 6. Nguyên tắc tổ chức, hoạt
động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Cựu chiến
binh Việt Nam được thực hiện theo Điều 9 Pháp lệnh Cựu chiến binh.
Điều 7. Tổ chức của Hội Cựu chiến
binh Việt Nam
1. Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị
- xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được tổ
chức từ Trung ương đến cơ sở gồm:
a) Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
b) Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
c) Hội Cựu chiến binh huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh;
d) Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn.
2. Tổ chức, biên chế bộ máy giúp việc của Hội Cựu
chiến binh các cấp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.
3. Hội Cựu chiến binh trong các cơ quan, tổ chức,
đơn vị được tổ chức như sau:
a) Hội Cựu chiến binh ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị
Trung ương mà tổ chức Đảng thuộc Đảng ủy khối cơ quan Trung ương thì tổ chức Hội
Cựu chiến binh đó trực thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
b) Hội Cựu chiến binh ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị
mà tổ chức Đảng thuộc cấp ủy địa phương thì tổ chức Hội Cựu chiến binh đó trực
thuộc Hội Cựu chiến binh cùng cấp đồng thời chịu sự chỉ đạo thống nhất về nghiệp
vụ của Hội Cựu chiến binh cấp trên.
4. 11Trong doanh
nghiệp nếu có đủ điều kiện thành lập Hội Cựu chiến binh thì được tổ chức như
sau:
a) Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng thì Hội Cựu
chiến binh cấp trên cơ sở cùng với tổ chức Đảng tại doanh nghiệp căn cứ vào điều
kiện cụ thể phối hợp với doanh nghiệp thành lập Hội Cựu chiến binh tại doanh
nghiệp đó.
b) Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, nếu
người lao động là cựu chiến binh có nhu cầu thành lập hội thì tổ chức Đảng cấp
trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp và Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở xem
xét, quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh tại doanh nghiệp đó.
Điều 8. Nhiệm vụ của Hội cựu
chiến binh Việt Nam
1. Nhiệm vụ, hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt
Nam thực hiện theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh.
2. Hội Cựu chiến binh Việt Nam có nhiệm vụ vận động,
tập hợp quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về, tiếp tục phát
huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia câu lạc bộ, Ban liên lạc Cựu quân nhân
và các hoạt động khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến
binh.
Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với
Bộ Quốc phòng hướng dẫn các cấp Hội và cơ quan quân sự địa phương thống nhất thực
hiện.
3. Tổ chức chăm lo, giúp đỡ Cựu chiến binh nâng cao
đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo,
làm giầu hợp pháp, tổ chức các hoạt động tình nghĩa để Cựu chiến binh tương trợ
giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Pháp lệnh Cựu
chiến binh.
4. Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của Cựu chiến binh quy định tại khoản 5 Điều 11 Pháp lệnh Cựu
chiến binh; Cựu chiến binh được hưởng các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn
phí theo quy định hiện hành. Văn phòng trợ giúp pháp lý của Hội Cựu chiến binh
và các tổ chức trợ giúp pháp lý khác có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn, thực hiện
trợ giúp pháp lý cho Cựu chiến binh theo quy định của pháp luật.
5. Hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Cựu chiến
binh Việt Nam theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh và thực
hiện theo quy định hiện hành.
Điều 9. Kinh phí, tài sản của Hội
Cựu chiến binh Việt Nam12
1. Nguồn kinh phí hoạt động của Hội Cựu chiến binh
bao gồm:
a) Nguồn thu hội phí;
b) Nguồn viện trợ, tài trợ;
c) Nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp, gồm:
- Kinh phí của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt
Nam và của Hội Cựu chiến binh các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương do ngân
sách Trung ương bảo đảm.
- Kinh phí của Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh, cấp huyện,
cấp xã và của Hội Cựu chiến binh các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương do
ngân sách địa phương bảo đảm.
d) Nguồn hỗ trợ từ các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp
và tổ chức khác;
đ) Các nguồn thu khác (nếu có).
2. Tài sản của Hội Cựu chiến binh bao gồm:
a) Tài sản Nhà nước giao;
b) Tài sản do cá nhân, tổ chức trong nước và nước
ngoài tài trợ, cho, tặng theo quy định của pháp luật.
3. Kinh phí hoạt động của tổ chức Hội Cựu chiến
binh trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu
tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và doanh nghiệp do
các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp đó bảo đảm và được hạch toán chi phí hoạt
động theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
4. Kinh phí, tài sản của Hội Cựu chiến binh được quản
lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
5. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán
kinh phí hoạt động của Hội Cựu chiến binh thực hiện theo quy định của Luật Ngân
sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và hướng dẫn của Bộ Tài
chính.”
Điều 10. Chính sách, chế độ đối
với Cựu chiến binh đang làm công tác Hội Cựu chiến binh
1. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh chuyên
trách ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước13, hàng tháng ngoài tiền lương hiện hưởng, được hưởng phụ cấp chức
vụ lãnh đạo như người giữ chức vụ lãnh đạo cùng cấp của tổ chức chính trị - xã
hội khác; khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần
kinh tế khác áp dụng quy định này tùy điều kiện cụ thể của tổ chức, đơn vị
doanh nghiệp14.
2. Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh làm
công tác kiêm nhiệm ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, hàng tháng ngoài tiền lương hiện
hưởng, được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm như người giữ chức vụ lãnh đạo cùng cấp của
các đoàn thể chính trị - xã hội khác.
3. Cựu chiến binh được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng
làm công tác Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cấp huyện không hưởng lương
hưu, trợ cấp mất sức hàng tháng:
a) Cựu chiến binh được bầu cử, bổ nhiệm từ Trung
ương đến cấp huyện được hưởng lương theo quy định hiện hành và phụ cấp chức vụ
lãnh đạo như cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội khác cùng cấp. Việc đóng bảo hiểm
và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.
b) Người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế
đang làm công tác Hội Cựu chiến binh được hưởng lương và các chế độ chính sách15 theo quy định hiện hành. Việc đóng bảo hiểm và
thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.
4. 16Chủ tịch Hội Cựu
chiến binh xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) được hưởng lương,
phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009
của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ,
công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở
cấp xã đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4
năm 2013 của Chính phủ. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã được hưởng phụ cấp
như Phó Chủ tịch tổ chức chính trị - xã hội khác theo quy định hiện hành.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch và những người thuộc biên chế
của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương; Hội Cựu chiến binh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh được hưởng lương và các chế độ chính sách theo quy định hiện hành.
5. 17Cựu chiến binh đang hưởng lương
hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đảm
nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã; cựu chiến
binh tham gia công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh từ cấp huyện trở lên khi
thôi làm công tác hội thì được hưởng chế độ, chính sách như sau:
a) Ở cấp xã: Đối với Chủ tịch cứ mỗi năm tham gia
công tác hội được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng lương hiện hưởng
(gồm mức lương theo chức danh và phụ cấp chức vụ lãnh đạo); đối với Phó Chủ tịch
cứ mỗi năm công tác được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng phụ cấp hiện
hưởng; thời gian công tác để tính trợ cấp được thực hiện theo các quy định hiện
hành của Nhà nước.
b) Ở cấp huyện trở lên: Cứ mỗi năm tham gia công
tác hội được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng lương hiện hưởng (gồm mức
lương theo chức danh và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nếu có); thời gian công tác để
tính trợ cấp được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN,
TỔ CHỨC ĐỐI VỚI CỰU CHIẾN BINH, HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
Điều 11. Trách nhiệm của Chính
phủ
1. Trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, Chính
phủ ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ, chính
sách đối với cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
2. Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện các chính sách về cựu chiến binh, Hội
Cựu chiến binh Việt Nam theo các lĩnh vực được phân công.
3. Định kỳ hàng năm có chương trình làm việc với
Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam để nghe báo cáo tình hình hoạt động, những
kiến nghị, đề xuất của Hội Cựu chiến binh Việt Nam về các vấn đề liên quan đến
cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối
hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên
quan, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các cơ quan chức năng nghiên cứu,
xây dựng, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi đối với cựu
chiến binh.
2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo ngân
sách đã được phê duyệt, cơ sở vật chất, phương tiện theo quy định của nhà nước
để Hội Cựu chiến binh Việt Nam hoạt động có hiệu quả.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài
nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam hướng
dẫn việc thực hiện các chính sách về giao đất, giao rừng, giao mặt nước cho cựu
chiến binh.
4. Bộ Ngoại giao phối hợp với Trung ương Hội Cựu
chiến binh và các cơ quan chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện để Trung ương Hội
Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế theo
quy định hiện hành.
5. Bộ Tư pháp phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến
binh Việt Nam xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh theo quy định
của pháp luật.
6. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp,
tạo điều kiện để cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 13. Trách nhiệm của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp
1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đảm bảo kinh
phí để Hội Cựu chiến binh cùng cấp hoạt động; chăm lo đời sống vật chất, tinh
thần cho cựu chiến binh; tạo điều kiện để Hội Cựu chiến binh, Cựu chiến binh
tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
2. Định kỳ 6 tháng Ủy ban nhân dân các cấp làm việc
với Hội Cựu chiến binh cùng cấp để nghe báo cáo về công tác của Hội và giải quyết
các đề xuất, kiến nghị liên quan đến cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh.
Điều 14. Trách nhiệm của các
cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp18
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp, tạo điều
kiện để cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh các cấp hoạt động.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành19
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể
từ ngày đăng công báo.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành20
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối
hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt
Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi đối
với cựu chiến binh theo quy định tại Nghị định này.
2. Bộ Tài chính hướng dẫn việc đảm bảo kinh phí cho
hoạt động của Hội Cựu chiến binh trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm
chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường
xuyên và doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định này.
3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội
Cựu chiến binh Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn về thực hiện trợ
giúp pháp lý đối với cựu chiến binh.
4. Bộ Nội vụ phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến
binh Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện quy định
tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định này và các quy định tại Nghị định số 98/2014/NĐ-CP
ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính
trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh
tế.
5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Hội
Cựu chiến binh các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng công báo);
- Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT Nguyễn Trọng Thừa;
- Vụ pháp chế;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT.TH (05).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trọng Thừa
|
1 Nghị định số
157/NĐ-CP ngày 24/11/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày
12/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
Pháp lệnh Cựu chiến binh có căn cứ ban hành như sau:
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh Cựu chiến binh ngày 07 tháng 10
năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống
nhất ý kiến với Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung
Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh.
2 Tại điểm b khoản
3 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ bổ sung cụm
từ “đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở đơn vị tập trung” theo
quyết định thành lập hoặc giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo
quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016
của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2017
3 Tại điểm c khoản
3 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ bổ sung cụm
từ “đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu theo sự quản lý, phân
công hoặc giao nhiệm vụ của tổ chức, cơ sở cách mạng có thẩm quyền” theo quy định
tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính
phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2017.
4 Tại điểm a khoản
5 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ bãi bỏ cụm từ
“cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị
định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày
15/02/2017
5 Tại điểm a khoản
5 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ bổ sung đoạn
“Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến
đấu ở đơn vị tập trung theo quyết định thành lập hoặc giao nhiệm vụ của cơ quan
đơn vị có thẩm quyền sau ngày 30 tháng 4 năm 1975” theo quy định tại điểm b khoản
1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực
kể từ ngày 15/02/2017
6 Tại điểm b khoản
5 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ sửa đổi cụm
từ “tổ quốc” bởi cụm từ “Tổ quốc” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị
định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày
15/02/2017
7 Khoản 6 điều 5
Nghị định số 150/2006/NĐ-CP Ngày 12/12/2006 của Chính phủ được sửa đổi theo quy
định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính
phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2017.
8 Tại khoản 7 Điều
5 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ bổ sung từ “của” và
9 bổ sung cụm từ “cựu chiến binh được trợ giúp pháp lý theo quy định
của pháp luật” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định số
157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2017
10 Tại khoản
9 Điều 5 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ thay thế cụm
từ “biên chế” bởi cụm từ “các cơ quan” theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định
số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày
15/01/2017
11 Khoản 4 Điều 7
Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ được bổ sung theo quy
định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính
phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2017
12 Điều 9 Nghị định
số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ được sửa đổi theo quy định tại khoản
4 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực
kể từ ngày 15/01/2017
13 Tại khoản 1 Điều
10 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ bổ sung cụm từ
“doanh nghiệp nhà nước” theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số
157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày
15/01/2017.
14 Tại khoản 1 Điều
10 Nghị đinh số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ bổ sung cụm từ
“khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế
khác áp dụng quy định này tùy điều kiện cụ thể của tổ chức, đơn vị doanh nghiệp”
theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của
Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2017.
15 Bổ sung cụm từ
“và các chế độ chính sách” tại điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định số
150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ theo quy định tại khoản 5 Điều 1
Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ
ngày 15/01/2017.
16 Khoản 4 và 17
khoản 5 Điều 10 Nghị đinh số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ được
sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày
24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2017.
18 Điều này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày
24/11/2016 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2017.
19 Điều 2 Nghị định
số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ quy định hiệu lực thi hành từ ngày
15 tháng 01 năm 2017.
20 Điều này được
sửa đổi theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của
Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2017.