NGHỊ QUYẾT
VỀ CHIẾN LƯỢC DÂN
SỐ TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2007-2010 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VII- KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ vào mục tiêu chiến lược dân số Việt
Nam và Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII;
Sau khi nghe Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo
“Chiến lược Dân số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2007- 2010, tầm nhìn đến năm 2020”;
Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá
- Xã hội và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất
Chiến lược dân số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2007- 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Trong bối cảnh chung của cả nước
và tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, định hướng Chiến lược dân số
tỉnh Bến Tre cần tập trung giải quyết các vấn đề:
- Tiếp tục thực hiện mục tiêu
giảm sinh, giảm sinh con thứ ba để duy trì mức sinh thay thế đã đạt được.
- Thực hiện từng bước và có
trọng điểm từng yếu tố của chất lượng dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư
để phát triển nguồn nhân lực đồng thời từng bước hình thành nguồn nhân lực chất
lượng cao.
- Hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu
dân cư để góp phần khai thác, sử dụng yếu tố dân số, lồng ghép yếu tố dân số
vào việc hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển của tỉnh.
Hội đồng nhân dân tỉnh thống
nhất mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Chiến lược dân số như sau:
1. Mục tiêu tổng quát :
Kiên trì thực hiện chủ trương
mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức
hợp lý. Từng bước nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà để đáp ứng nguồn nhân lực
phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế – xã hội.
Thực hiện đồng bộ các yếu tố dân số, nhằm phát huy tốt nhất nguồn nhân lực sẵn
có.
2. Mục tiêu cụ thể :
a) Mục tiêu 1
Phấn đấu đến năm 2020, quy mô
dân số trung bình dưới 1.500.152 người.
b) Mục tiêu 2
Nâng cao chất lượng dân số về
thể chất, trí tuệ, tinh thần. Phấn đấu 2010 chỉ số phát triển con người (HDI)
đạt không thấp hơn khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức bình quân so cả
nước vào năm 2020.
c) Các chỉ tiêu cơ bản
- Phấn đấu giảm
tỷ suất sinh trung bình hàng năm 0,05%o.
- Quy mô dân số đạt: ≤ 1.410.510
người vào năm 2010, năm 2020 : ≤ 1.500.152 người.
- Tổng tỷ suất sinh : 1,18 con
(năm 2010) ; 1,06 con (năm 2020).
- Tăng tỷ lệ cặp vợ chồng thực
hiện các biện pháp tránh thai (CPR) hằng năm 0.5% để đạt đến mức 80% vào 2020.
- Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên
giảm, để đến năm 2010 ở mức dưới 4%, đến năm 2020 dưới 3%.
- Tỷ lệ nạo,
phá thai giảm hằng năm 5% so năm trước.
- Tỷ lệ trẻ dưới
5 tuổi suy dinh dưỡng đạt dưới 20% vào năm 2010. Năm 2020 dưới 18%.
- Tỷ lệ dân cư đô thị đạt 20%
vào năm 2010 và trên 40% vào năm 2020.
- Phổ cập bậc trung học đạt
50% xã, phuờng, thị trấn vào năm 2010 (riêng Thị xã đạt 80%); đạt 100% vào năm
2020.
- Chỉ số khối lượng cơ thể
(BMI) của vị thành niên - thanh niên đạt trên 60% tốt (20-24) vào 2020.
- Tuổi thọ bình quân vào năm
2010 đạt 72 tuổi trở lên.
- Quản lý dân số thông qua hệ
cơ sở dữ liệu dân cư. Đáp ứng nhu cầu sử dụng các thông tin dữ liệu dân cư trong
hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vào năm 2010.
Điều 2. Hội
đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện
Nghị quyết. Trong quá trình thực hiện cần tập trung một số giải pháp sau:
1. Tập trung nâng cao nhận
thức về SKSS/KHHGĐ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững trong chuyển đổi
hành vi cho các đối tượng, trên cơ sở cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và
phù hợp. Tập trung truyền thông cho đối tượng vị thành niên - thanh niên, vùng
kinh tế khó khăn, vùng biển.
2. Nâng cao chất lượng chăm
sóc SKSS/KHHGĐ, từng bước đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho đối tượng. Nâng cao chất
lượng chăm sóc bà mẹ, trẻ em.
3. Nâng cao năng lực thu thập,
xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về dân cư. Triển khai chương trình ”Hệ cơ
sở dữ liệu dân cư” đến tận xã, phường, thị trấn nhằm sử dụng, khai thác, phục
vụ cho việc quản lý và hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa
phương.
4. Tăng cường vai trò của gia
đình. Nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể
chất, trí tuệ, tinh thần. Nâng cao dân trí; tập trung nâng cao chất lượng giáo
dục - đào tạo đồng bộ với việc thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề và
giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm từng bước hình thành và sử dụng
nguồn nhân lực có chất lượng.
5. Huy động sức mạnh tổng hợp
của toàn xã hội tham gia công tác dân số. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi cá
nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng tự nguyện và chủ động tham gia công
tác dân số. Xây dựng chính sách nhằm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và
chính sách của Nhà nước về dân số. Đưa chính sách DS-SKSS/KHHGĐ và vấn đề bình
đẳng giới vào quy ước cộng đồng.
6. Quản lý chặt chẽ và sử dụng
có hiệu quả các nguồn kinh phí. Nhà nước đảm bảo kinh phí từ ngân sách (kinh
phí từ chương trình mục tiêu và ngân sách địa phương) cho hoạt động của công
tác dân số, đồng thời khuyến khích huy động các nguồn lực khác ở trong và ngoài
nước. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.
7. Nâng cao chất lượng đào tạo
cán bộ chuyên trách và bồi dưỡng Cộng tác viên Dân số, Gia đình, Trẻ em, nhằm
đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác dân số trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện
đại hoá.
8. Kiện toàn bộ máy, nâng cao
năng lực hoạt động của ngành Dân số, Gia đình, Trẻ em trong tỉnh.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân
tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giúp Hội đồng nhân dân
tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh khoá VII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 02 tháng 5 năm 2007 và có hiệu
lực sau mười ngày kể từ ngày thông qua./.