Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 5422/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Văn Sửu
Ngày ban hành: 21/11/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5422/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN NGĂN CHẶN VÀ XỬ LÝ NGHIÊM, TRIỆT ĐỂ VIỆC VẬN CHUYỂN, TIÊU THỤ GÀ NHẬP LẬU, KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC, CHƯA QUA KIỂM DỊCH, KHÔNG ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CHỢ HÀ VĨ, CHỢ ĐẦU MỐI VÀ CÁC CHỢ KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương Hà Nội tại Tờ trình số 3935/TTr-SCT ngày 14 tháng 11 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt để việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- TT TU, TT HĐND TP; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo)
- Các PCT UBND TP;
- CVP, các PVP, NNNT, CT, TH;
- Lưu: VT, SCT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 

 

 

PHƯƠNG ÁN

NGĂN CHẶN VÀ XỬ LÝ NGHIÊM VIỆC VẬN CHUYỂN, TIÊU THỤ GÀ NHẬP LẬU, KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC, CHƯA QUA KIỂM DỊCH, KHÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CHỢ HÀ VĨ, CHỢ ĐẦU MỐI VÀ CÁC CHỢ KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5422/QĐ-UBND ngày 21/11/2012 của UBND Thành phố Hà Nội)

 

Cơ quan ban hành: UBND Thành phố Hà Nội

Cơ quan soạn thảo: Sở Công Thương

 

 

 

 

Hà Nội, tháng 11 năm 2012

 

 

MỤC LỤC

MỤC LỤC

PHẦN THỨ NHẤT

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

II. THỰC TRẠNG VIỆC VẬN CHUYỂN, KINH DOANH GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA CẦM NHẬP LẬU

1. Tình hình vi phạm

2. Phương thức thủ đoạn

3. Đối tượng, tuyến, địa bàn vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc

III. TỒN TẠI, HẠN CHẾ

IV. NGUYÊN NHÂN

PHẦN THỨ HAI - PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN

I. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật

II. Tăng cường liên kết vùng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ

III. Tổ chức mô hình đội cơ động, tổ cơ động liên ngành

IV. Đấu tranh đối với các đối tượng vận chuyển trên tuyến; tăng cường thanh tra, kiểm tra các địa điểm kinh doanh gia cầm tại chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác

V. Thành lập bổ sung chốt kiểm dịch liên ngành

VI. Tăng cường công tác quản lý chợ

VII. Tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ gia cầm tập trung

VIII. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện và kinh phí hoạt động

PHẦN THỨ BA - TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN

1. Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường):

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

3. Công an Thành phố:

4. Sở Y tế:

5. Sở Tài chính:

6. Sở Thông tin Truyền thông:

7. Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Thị Xã:

8. Phân công cụ thể trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm tại chợ Hà Vĩ:

9. Phân công cụ thể trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh giống gia cầm tại huyện Phú Xuyên

10. Chế độ thông tin, báo cáo, sơ kết hoạt động, khen thưởng, kỷ luật

11. Kinh phí thực hiện

KẾT LUẬN

 

PHẦN THỨ NHẤT

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Khoản 8 Điều 25 Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 quy định: Tổ chức, cá nhân khi lưu thông động vật, sản phẩm động vật phải chấp hành các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm phải có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh.

Trong thời gian gần đây, gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm xuất hiện ở nhiều địa phương như: tuyến biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh, Lào Cai,... từ đó xâm nhập vào thị trường Hà Nội, đặc biệt là ở chợ gia cầm Hà Vĩ - Thường Tín và các chợ đầu mối khác trên địa bàn Hà Nội.

Gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là gà thải, loại nhập lậu ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến sức khỏe con người như: nguy cơ truyền dịch bệnh, hóa chất tồn dư từ gia cầm sang con người. Hơn thế nữa, còn làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi trong nước.

Ở một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, đối với gà thải loại (gà hết chu kỳ đẻ trứng) quy định không được dùng làm thực phẩm cho con người, chỉ được làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi hoặc khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế sử dụng như ở Trung Quốc.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm, ngày 29/10/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho UBND Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công thương, Y tế, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Hà Nội; trước tiên xây dựng “Phương án ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt để việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác”.

II. THỰC TRẠNG VIỆC VẬN CHUYỂN, KINH DOANH GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA CẦM NHẬP LẬU

1. Tình hình vi phạm

Trong những tháng đầu năm 2012; việc nhập lậu gia cầm (gà thải loại không rõ nguồn gốc) đã có những diễn biến phức tạp, chỉ tính riêng chợ Hà Vĩ trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội, hàng ngày có khoảng 60 - 80 tấn gà/ngày (trong đó, gà nhập lậu từ 14-24 tấn/ngày) được đưa về tiêu thụ. Nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, do được kiểm soát chặt chẽ, các lực lượng chức năng đánh giá lượng gà nhập lậu về chợ này đã giảm hẳn, khoảng 2-3 tấn/ngày.

Theo báo cáo của UBND huyện Thường Tín, chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ có 162 ki ốt kinh doanh, bao gồm: 81 hộ kinh doanh thủy cầm, 65 hộ kinh doanh gia cầm, 16 hộ tạm nghỉ kinh doanh. Trong đó, thường xuyên có 16/65 hộ kinh doanh gia cầm là đầu nậu nhưng chưa đưa vào diện đối tượng để đấu tranh xử lý. Hiện tại có 50 hộ kinh doanh có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; việc thu thuế của các hộ kinh doanh rất khó khăn, hầu hết các hộ kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ thuế, mặc dù mức thu thuế thấp (100.000 đồng/ tháng).

Theo điều tra, nắm tình hình của các lực lượng chức năng, hiện tại có khoảng 11 đường dây có tổ chức vận chuyển gia cầm nhập lậu từ các tuyến biên giới phía Bắc đưa vào địa bàn Hà Nội tiêu thụ (Quảng Ninh: 03 đường dây; Bắc Ninh: 02 đường dây; Hải Dương: 01 đường dây; Thái Bình: 01 đường dây; Hà Nam: 01 đường dây; Bắc Giang: 02 đường dây; Lào Cai: 01 đường dây).

2. Phương thức thủ đoạn

Các đối tượng vận chuyển đã hình thành các đường dây có tổ chức, chuyên chở chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng; thường xuyên theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, thay đổi thời gian, địa điểm tập kết hàng vi phạm; sử dụng nhiều biển số giả trên một cung đường, tìm cách thay đổi lộ trình, ém hàng nếu thấy động, thậm chí huy động lực lượng, phương tiện chèn, ép khi bị kiểm tra, huy động hàng trăm người hỗ trợ tẩu tán hàng, trong khi lực lượng chức năng mỏng, trang thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, do đó khó có thể ngăn được việc tẩu tán hàng hóa.

3. Đối tượng, tuyến, địa bàn vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc

3.1. Đối tượng

- Các hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại chợ Hà Vĩ và các chợ đầu mối khác trên địa bàn Hà Nội.

3.2. Tuyến, địa bàn

a) Tuyến buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không,rõ nguồn gốc

Gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc chủ yếu vận chuyển về chợ Hà Vĩ và các chợ đầu mối khác trên địa bàn Hà Nội theo các tuyến:

- Tuyến Móng Cái, Quảng Ninh theo đường QL 18 về đường QL 5 đến Phố Nối theo đường 38, đường 39 về địa bàn huyện Khoái Châu, sau đó có thể đi về Hà Nội theo đường cầu Thanh Trì hoặc theo đường đê hữu sông Hồng qua phà Tứ Dân - Khoái Châu (Hưng Yên) sang chợ Hà Vỹ, Thường Tín, Hà Nội; Từ Móng Cái, Quảng Ninh theo đường QL 18 sang Bắc Ninh, Bắc Giang hoặc rẽ qua Thái Nguyên về Đông Anh, vào nội thành Hà Nội.

- Tuyến Lạng Sơn về Bắc Giang, Bắc Ninh hoặc qua Vĩnh Phúc, Phú Thọ tiêu thụ hoặc vào Hà Nội. Hoặc qua Bắc Ninh, Đông Anh, cầu Thăng Long vào nội thành.

- Tuyến Hà Nam, Hưng Yên về Hà Nội.

- Tuyến Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc về Hà Nội.

Ngoài các tuyến chính nói trên, gia cầm nhập lậu còn đưa qua Hải Phòng tập kết về Thái Bình và đưa về Hà Nội tiêu thụ.

Gần đây có hiện tượng các đối tượng ở Hải Dương, Bắc Ninh tổ chức vận chuyển gia cầm, con giống từ Cao Bằng vào sâu trong nội địa khi các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tuyến vận chuyển từ Lạng Sơn và Quảng Ninh.

b) Địa bàn tiêu thụ

- Chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín, tập trung vào các đường, ngõ đi vào chợ Hà Vĩ để tiêu thụ.

- Các chợ đầu mối khác trên địa bàn Thành phố.

III. TỒN TẠI, HẠN CHẾ

- Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng (Công an, Quản lý thị trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chưa được chặt chẽ, do vậy thiếu các thông tin cảnh báo, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính bị động, chưa kịp thời. Về phân công và phối hợp, tùy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, địa bàn hoạt động của từng lực lượng đã được quy định cụ thể, tuy vậy, có lúc có nơi, nội dung phối hợp chưa cụ thể, chưa tạo mối liên kết để hình thành hệ thống kiểm soát theo tuyến (từ cửa khẩu biên giới vào thị trường nội địa hoặc trên tuyến biển với thị trường nội địa...), phối hợp giữa các lực lượng trên cùng một địa bàn và trong thực tiễn công tác đã bộc lộ một số vấn đề bãi cập như: chưa có sự chia sẻ thông tin để đưa ra các dự báo, còn bị động với tình hình; hoạt động thiếu phối hợp hoặc có sự phối hợp nhưng có lúc còn khó khăn, thủ tục còn rườm rà... dẫn tới hiệu quả đấu tranh chưa cao.

- Tình trạng kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch tại chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín đã được các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, xử lý trong thời gian vừa qua, tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.

IV. NGUYÊN NHÂN

a) Nguyên nhân khách quan

- Nguyên nhân chính của tình trạng ồ ạt nhập gà, bất chấp chất lượng kém, nguy cơ mang mầm bệnh cao... là do chênh lệch giá giữa gà nhập và gà trong nước, số lượng thu mua ổn định hơn việc thu mua ở các trang trại nhỏ lẻ trong nước. Cụ thể, giá gà thải loại không rõ nguồn gốc bán ra với giá từ 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái (Quảng Ninh) có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, khi về đến các chợ giá lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg. Vào những đợt loại thải tập trung của trại chăn nuôi nước xuất thì giá gà còn rẻ hơn rất nhiều, có thời điểm nhập chỉ có 25.000 đồng/kg tại Móng Cái nên càng thu hút các đầu nậu tham gia nhập lậu.

- Những đối tượng vận chuyển gà loại thải không rõ nguồn gốc được tổ chức thành đường dây, từ đầu biên giới, và thường vận chuyển vào thời điểm ban đêm, chập tối, sáng sớm và thường xuyên bố trí người theo dõi lực lượng kiểm tra, do vậy rất khó khăn cho công tác kiểm tra, bắt giữ nên hiệu quả công tác đấu tranh còn hạn chế.

- Tại Bến phà Tứ Dân - Khoái Châu (Hưng Yên), An Cảnh - Thường Tín vào chợ đầu mối Hà Vĩ, các đầu nậu đã lôi kéo người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại xã Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên và xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội tham gia tiếp tay, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Một bộ phận người dân vẫn còn dễ dãi trong tiêu dùng thực phẩm, chấp nhận mua gà không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá rẻ; cá biệt một bộ phận người dân có thói quen ăn uống thích sự dai, giòn của thịt gà thải, loại, không thấy được mối nguy hại của tồn dư kháng sinh, những chất kích thích để tăng trưởng, tạo màu của trứng... Mặt khác, đứng trước các hiện tượng thực phẩm nhập lậu kém chất lượng, người tiêu dùng chưa có thói quen đấu tranh hay phản ứng quyết liệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm nhập lậu kém chất lượng nói chung và gà không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng có lý do để tồn tại và phát triển.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Kinh phí và trang bị của các lực lượng thực thi công vụ còn thiếu, không đảm bảo hoạt động. Các trang thiết bị hỗ trợ, thuốc khử trùng cho việc phòng chống độc hại khi bắt giữ gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y chưa được cấp phát mà chủ yếu do các đơn vị cơ sở tự trang bị, mua sắm, nên gây tâm lý e ngại cho cán bộ trực tiếp bắt giữ, xử lý.

- Công tác phối hợp giữa các lực lượng còn nhiều hạn chế, sự phân tán, chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động của các cơ quan chức năng, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

- Chế tài xử lý đối với gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc còn thiếu, chưa đủ tính nghiêm minh với đối tượng vi phạm.

- Việc đấu tranh chứng minh gia cầm nhập lậu trong nhiều trường hợp khó khăn do đây là hàng hóa không có nhãn và thiếu thông tin để phân biệt gia cầm trong nước và gia cầm nhập khẩu. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng nhằm hợp thức hóa gia cầm nhập lậu bằng biện pháp nhập lậu rồi chăn thả trong nội địa trong một thời gian ngắn để biến tướng thành gia cầm nội địa.

- Chính phủ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chưa có công bố chính thức về chất lượng gà thải, loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc, làm cơ sở khuyến cáo người dân và hộ kinh doanh.

PHẦN THỨ HAI - PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN

I. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật

UBND quận, huyện, thị xã và UBND phường, xã, thị trấn (đặc biệt là UBND huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên, UBND xã Lê Lợi và UBND xã Đại Xuyên) tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm và các đối tượng liên quan hiểu rõ việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc là trái pháp luật, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây nguy hại sức khỏe, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước.

II. Tăng cường liên kết vùng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ

UBND Thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh biên giới, các địa phương giáp với tỉnh biên giới xây dựng quy chế phối hợp kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm từ biên giới đến nội thành Hà Nội; trọng tâm là triệt để ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn thực phẩm ngay từ tuyến biên giới.

III. Tổ chức mô hình đội cơ động, tổ cơ động liên ngành

Thành lập 01 Đội cơ động liên ngành Thành phố (có 03 Tổ công tác) do lực lượng Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường, phòng An ninh kinh tế, phòng Cảnh sát kinh tế, phòng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông - Vận tải, Thú y, Y tế.

Đội cơ động liên ngành của Thành phố có trách nhiệm tuần tra, kiểm tra lưu động, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật; đề xuất thanh tra công vụ đối với những cán bộ, công chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị là thành phần trong đội cơ động liên ngành Thành phố, có trách nhiệm chủ động bố trí nhân lực, phương tiện; riêng kinh phí hoạt động sẽ do lực lượng Quản lý thị trường chủ trì xây dựng trình Thành phố phê duyệt.

IV. Đấu tranh đối với các đối tượng vận chuyển trên tuyến; tăng cường thanh tra, kiểm tra các địa điểm kinh doanh gia cầm tại chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác

Đội cơ động liên ngành Thành phố triệt để đấu tranh với các đầu nậu, các đường dây có tổ chức vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh khi phát hiện vi phạm: tiến hành xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý.

Trong quá trình xử lý vi phạm, cần tạm giữ phương tiện vận chuyển trong thời gian dài, nếu tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể tịch thu phương tiện.

Tăng cường điều tra, nắm tình hình, lập danh sách các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên nghiệp, thống kê các phương tiện thường xuyên vận chuyển, nhất là các phương tiện đã bị phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Thường xuyên thông tin với các lực lượng chức năng trên địa bàn lân cận với Hà Nội (Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên...) để đấu tranh có hiệu quả đối với các đối tượng vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc đưa vào chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác trên địa bàn Hà Nội.

Xây dựng đường dây nóng tiếp nhận thông tin phục vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong đấu tranh ngăn chặn gia cầm không rõ nguồn gốc.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các địa điểm kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm về việc tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm.

V. Thành lập bổ sung chốt kiểm dịch liên ngành

UBND Thành phố quyết định thành lập bổ sung chốt kiểm dịch liên ngành tại bến đò An Cảnh, huyện Thường Tín, để kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm từ đường thủy vào chợ Hà Vĩ.

UBND huyện Thường Tín quyết định thành lập bổ sung chốt kiểm dịch liên ngành tại bến đò Tự Nhiên, huyện Thường tín, để kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm từ địa bàn tỉnh Hưng Yên vào chợ Hà Vĩ.

VI. Tăng cường công tác quản chợ

Hộ kinh doanh tại các chợ, đặc biệt là chợ Hà Vĩ phải có đầy đủ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Ban Quản lý chợ tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm thực hiện đúng quy định pháp luật, không vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Ban quản lý chợ đề xuất với UBND cấp xã nơi có chợ gia cầm hoạt động, không tiếp tục ký hợp đồng cho thuê ki ốt đối với những hộ kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật, còn để xảy ra tình trạng kinh doanh, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

VII. Tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ gia cầm tập trung

Lực lượng chức năng các cấp, trọng tâm là lực lượng cán bộ thú y cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia cầm tại các cơ giết mổ gia cầm tập trung.

Kiên quyết xử lý chủ cơ sở giết mổ gia cầm tập trung thu mua, tiêu thụ, giết mổ thuê gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

VIII. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện và kinh phí hoạt động

Kinh phí và trang bị của các lực lượng thực thi còn thiếu, không đảm bảo hoạt động. Phương tiện chuyên dụng phục vụ cho công tác kiểm tra còn thiếu, các trang thiết bị hỗ trợ, thuốc khử trùng cho việc chống độc hại cho các lực lượng chức năng khi bắt giữ gia cầm không rõ nguồn gốc chưa được cấp phát gây tâm lý e ngại cho cán bộ trực tiếp bắt giữ, xử lý. Do vậy, phải hỗ trợ kịp thời kinh phí và phương tiện chuyên dụng, trang thiết bị cho các đơn vị tham gia kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn việc kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, sản phẩm không rõ nguồn gốc. Trong công tác tiêu hủy hàng hóa vi phạm: có cơ chế tài chính phục vụ cho công tác tiêu hủy được nhanh chóng và thuận tiện.

PHẦN THỨ BA - TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trong phương án này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc sự phân công nhiệm vụ trong phương án và phân công cụ thể dưới đây:

1. Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường):

Chủ trì Đội/Tổ cơ động liên ngành.

Chỉ đạo các Đội QLTT kết hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các chợ, các nhà hàng ăn uống trên địa bàn được phân công.

Làm đầu mối tiếp nhận thông tin kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về đấu tranh gia cầm không rõ nguồn gốc. Cử công chức tham gia các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của Thành phố.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chỉ đạo cơ quan Thú y tăng cường kiểm tra tại các chợ và cơ sở giết mổ, thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trực tại các chốt kiểm dịch 24/24h. Phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch khống, giấy chứng nhận kiểm dịch giả. Kiên quyết và xử lý nghiêm đối với các cán bộ tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ trì trong việc xử lý tiêu hủy đối với các sản phẩm gia cầm và gia cầm nhập lậu bị tịch thu, tiêu hủy.

3. Công an Thành phố:

Giữ vai trò nòng cốt chỉ đạo các phòng chức năng điều tra, trinh sát tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và chủ trì phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tiêu thụ tại chợ Hà Vĩ và các chợ đầu mối khác.

Cử cán bộ, chiến sỹ tham gia Đội/Tổ cơ động liên ngành, chốt kiểm dịch động vật liên ngành.

4. Sở Y tế

Cử cán bộ, công chức tham gia Đội/Tổ cơ động liên ngành, các đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

5. Sở Tài chính:

Trên cơ sở dự toán của ngành, đảm bảo nguồn kinh phí trong quá trình kiểm tra, phát hiện, thu giữ và tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bao gồm: chế độ chính sách đối với cán bộ trực tiếp đi làm công tác kiểm tra, kiểm soát; kinh phí giám định chất lượng hàng hóa, chi thưởng đột xuất cho tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác này.

6. Sở Thông tin Truyền thông:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng phương án thông tin truyền thông đến đối tượng kinh doanh, vận chuyển gia cầm, Sản phẩm và người tiêu dùng không kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

7. Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Thị xã:

- Chỉ đạo Ban chỉ đạo 127 Quận, huyện, thị xã tổ chức phối hợp các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm việc kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc đưa vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các cơ sở dịch vụ ăn uống theo phân cấp.

- Triển khai Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ của Thành phố trên địa bàn, kiên quyết không cho các điểm giết mổ gia cầm tồn tại nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giết mổ gia cầm nhập lậu, gia cầm không nguồn gốc xuất xứ.

- Chỉ đạo các Ban quản lý chợ theo phân cấp quản lý lập cam kết không kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Nếu chợ nào để xảy ra hiện tượng kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, đề nghị Ban quản lý chợ phải làm kiểm điểm, nếu để tái phạm tùy theo mức độ kỷ luật thậm chí thay trưởng Ban quản lý chợ.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến trên các hệ thống thông tin của địa phương về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thông tin về vấn đề gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, thậm chí nêu tên những gia đình và hộ kinh doanh có vi phạm về kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu đã bị xử lý.

- Bố trí ngân sách của địa phương để tổ chức kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền, truyền thông trên địa bàn quản lý.

8. Phân công cụ thể trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm tại chợ Hà Vĩ:

8.1. Đối với Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín: Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm tại chợ Hà Vĩ và các đối tượng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào chợ Hà Vĩ tiêu thụ. Thành lập 01 Tổ công tác chuyên trách và các lực lượng liên ngành của huyện để tập trung chỉ đạo.

8.2. Đối với Ủy ban nhân dân xã Lê Lợi: Thực hiện công tác rà soát, phân loại, đối chiếu thực tế để lập danh sách điều tra cơ bản các thương nhân kinh doanh gia cầm tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ và trên địa bàn xã đảm bảo chính xác, đầy đủ và khoa học; có một bộ phận thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ để kiểm tra, kiểm soát, thông tin kịp thời về việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm tại chợ Hà Vĩ.

9. Phân công cụ thể trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh giống gia cầm tại huyện Phú Xuyên

UBND huyện Phú Xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hộ kinh doanh ấp nở, vận chuyển, kinh doanh giống gia cầm trên địa bàn huyện.

10. Chế độ thông tin, báo cáo, sơ kết hoạt động, khen thưởng, kỷ luật

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ, có liên quan thực hiện trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý (chậm nhất là ngày 25 tháng cuối quý) hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND Thành phố và/hoặc của cơ quan thường trực đề án - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Thực hiện sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động của phương án 06 tháng/lần; trên cơ sở đó, phát huy mặt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đấu tranh, ngăn chặn và xử lý việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật theo quy định hiện hành, đảm bảo đúng người, đúng việc và kịp thời.

11. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện đề án: được trích từ nguồn ngân sách Thành phố và ngân sách địa phương.

KẾT LUẬN

Với tinh thần và quyết tâm cao nhất trong tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND Thành phố đã nghiêm túc chỉ đạo, xử lý tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện phương án nói trên cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đồng thời có sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, Thành phố lân cận, thống nhất trong nội dung nhiệm vụ, đồng bộ trong giải pháp thực hiện là cơ sở để hạn chế, đẩy lùi, tiến tới giải quyết cơ bản được tình trạng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác trên địa bàn Hà Nội./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 5422/QĐ-UBND ngày 21/11/2012 phê duyệt phương án ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt để việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.040

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.201.93
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!