ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2278/QĐ-UBND
|
Vĩnh
Phúc, ngày 19 tháng 9
năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY
VĂN CHUYÊN DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ
Luật Khí tượng thủy văn ngày 23/11/2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai
ngày 19/6/2013;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018;
Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP
ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí
tượng thủy văn;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP
ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP
ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống
thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg
ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới
quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến
năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 500/TTr-STNMT ngày 12/9/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết
định này “Kế hoạch Phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng
trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực
kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ TNMT;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- Tổng cục KTTV;
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT;
- CVP, các PCVP;
- Cổng GT
TTĐT tỉnh;
- CV NCTH;
- Lưu: VT, NN4.
(H- 50 b)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Khước
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CHUYÊN DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2278/QĐ-UBND ngày 19/9/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh
Vĩnh Phúc)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục
đích
- Từng bước hoàn thiện mạng lưới trạm
quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh đảm bảo
tính khoa học và hiện đại, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu một cách
đầy đủ, kịp thời phục vụ tốt nhất công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn
(KTTV);
- Nâng cao năng lực phòng tránh, giảm
nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các nhu cầu khai
thác, sử dụng thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Xây dựng, phát triển có trọng tâm,
trọng điểm hệ thống mạng lưới quan trắc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương; bảo đảm tính đồng bộ với mạng lưới quốc gia;
- Việc phát triển mạng lưới quan trắc
KTTV chuyên dùng phải có tính kế thừa, tận dụng và phát huy tối đa cơ sở vật chất
kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có.
II. NỘI DUNG
1. Nhu cầu khai
thác thông tin dữ liệu KTTV và khả năng đáp ứng của mạng lưới quốc gia
a) Nhu cầu khai thác, sử dụng
thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh
Theo đánh giá của Tổ chức Khí tượng
Thế giới (WMO), thông thường cứ đầu tư cho việc sử dụng thông tin KTTV một thì
lợi ích thu lại gấp năm đến mười lần. Thực tế cho thấy, hiệu quả của việc sử dụng
thông tin KTTV là rất lớn, có khi còn là vô giá, vì chúng liên quan cả tới tính
mạng con người và rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cơ quan, tổ chức và cả từng
cá nhân, hộ gia đình đều có các nhu cầu về thông tin, dữ liệu KTTV.
Đối với Vĩnh Phúc cũng như với các địa
phương khác, thông tin, dữ liệu KTTV đặc biệt quan trọng, không những phục vụ
cho công tác phòng chống thiên tai, nó còn phục vụ cho việc xây dựng các định
hướng, chính sách và đưa ra những quyết định tốt nhất cho việc xây dựng các chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Trong hoạt động phòng chống thiên tai
như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, nắng nóng... các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời,
chính xác là những công cụ hết sức hữu hiệu trong việc phòng chống, giảm nhẹ
thiệt hại do thiên tai. Hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng đòi hỏi thường
xuyên phải có thông tin KTTV, các bản tin cảnh báo, dự báo để phục vụ cho việc
điều hành sản xuất, bảo vệ mùa màng.
Trong hoạt động xây dựng các công
trình kiến trúc, giao thông vận tải, hệ thống đê điều, công trình thủy lợi...
không thể không có thông tin về KTTV từ trong quá trình quy hoạch, thiết kế,
xây dựng đến vận hành. Đối với quốc phòng - an ninh, thông tin KTTV cũng rất
quan trọng trong phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
Đối với lĩnh vực y tế và chăm sóc sức
khỏe cộng đồng, các thông tin KTTV có vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra
các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do thời tiết...
Có thể thấy rằng, thông tin dữ liệu về
KTTV rất quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động phát triển kinh tế - xã
hội và bảo vệ đời sống nhân dân của Vĩnh Phúc. Việc khai thác, sử dụng thông
tin dữ liệu KTTV không chỉ buộc phải thực hiện theo các quy định của pháp luật
mà còn do nhu cầu cần thiết của đời sống xã hội trong quá trình phát triển.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn
ra ngày càng phức tạp, xã hội càng phát triển thì nhu cầu cung cấp thông tin
KTTV trên địa bàn Vĩnh Phúc càng đòi hỏi phải đầy đủ, kịp thời, chính xác và
chi tiết hơn.
b) Đánh giá khả năng đáp ứng
thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn của mạng lưới trạm quốc gia đối với yêu cầu,
mục đích riêng
Mạng lưới trạm KTTV quốc gia trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện tại gồm có 10 trạm, trong đó có 02 trạm khí tượng, 01
trạm thủy văn và 07 trạm đo mưa. Ngoài ra, theo Quyết định 90/QĐ-TTg ngày
12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan
trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm
2030 thì đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 08 trạm
đo mưa. Các trạm này do Đài KTTV Vĩnh Phúc (trực thuộc Đài KTTV khu vực Việt Bắc)
quản lý, khai thác.
Hệ thống trạm khí tượng quốc gia trên
địa bàn tỉnh gồm có Trạm Vĩnh Yên (đặt tại Phường Liên Bảo - Thành phố Vĩnh
Yên), thành lập từ năm 1959; trạm Tam Đảo (tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo)
thành lập vào năm 1961. Hệ thống điểm đo mưa độc lập (chỉ đo lượng mưa) có 07
trạm được đặt trên địa bàn các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Lập Thạch,
Tam Đảo và Thị xã Phúc Yên (có 02 trạm).
Đối với trạm thủy văn quốc gia, hiện
chỉ có 01 trạm thủy văn cấp II (trạm Quảng Cư), được đặt ở thôn Quảng Cư, xã
Quang Sơn, huyện Lập Thạch bên bờ phải sông Phó Đáy, thuộc hệ thống sông Hồng.
Trạm thực hiện quan trắc các yếu tố mực nước, nhiệt độ nước, nhiệt độ không
khí, lượng mưa, lưu lượng nước.
Như vậy, trên địa bàn toàn tỉnh mật độ
của hệ thống trạm khí tượng, thủy văn trung ương chỉ đáp ứng được yêu cầu dự
báo trên diện rộng, mang tính chất đại diện, chưa đảm bảo cụ thể, chi tiết để
phục vụ cho các yêu cầu, mục đích riêng của tỉnh.
Đối với hệ thống trạm khí tượng thủy văn
chuyên dùng trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại có 02 trạm khí tượng,
trong đó có 01 trạm của Chi cục Kiểm lâm quản lý, sử dụng phục vụ cho công tác
phòng chống cháy rừng, 01 trạm đo gió của Công ty CP đầu tư Lạc Hồng phục vụ
cho mục đích riêng của doanh nghiệp là vận hành cáp treo Tây Thiên.
Ngoài ra, các Công ty TNHH MTV Thủy lợi
trên địa bàn tỉnh hiện đang quản lý vận hành 36 trạm đo mưa, 34 trạm thủy văn
(đo mực nước ở các công trình kênh mương thủy lợi). Việc quy hoạch, bố trí, lắp
đặt các trạm quan trắc KTTV này chưa thực hiện một cách bài bản, hợp lý; số liệu quan trắc chỉ đáp ứng chủ yếu cho các mục đích của đơn vị
quản lý (hoạt động tưới tiêu là chính), chưa đúng theo định dạng quy định để sử
dụng phục vụ cho công tác cảnh báo, dự báo KTTV.
(Thông tin cụ thể hiện trạng mạng
lưới KTTV chuyên dùng thể hiện tại Phụ lục I).
Nói chung, hệ thống trạm KTTV quốc
gia và hệ thống trạm chuyên dùng của tỉnh hiện tại chưa thể đáp ứng tốt cho
công tác cảnh báo, dự báo KTTV trên địa bàn tỉnh, chưa đảm bảo phục vụ một cách
hữu hiệu cho công tác phòng chống thiên tai cũng như việc cung cấp thông tin, dữ
liệu cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa
bàn.
2. Lộ trình và
kế hoạch phát triển mạng lưới
a) Giai đoạn 2019 - 2025
* Nhiệm vụ
- Hoàn thiện cơ bản mạng lưới KTTV
chuyên dùng; từng bước hình thành hệ thống cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu
KTTV hiện đại giữa mạng lưới KTTV trung ương và mạng lưới KTTV chuyên dùng của
tỉnh;
- Bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh các chỉ
tiêu quan trắc đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ quan trắc KTTV; hoàn thiện phương pháp
quan trắc phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia;
- Nâng cấp cơ sở dữ liệu khí tượng thủy
văn, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao; tạo
lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc KTTV;
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng,
bổ sung đội ngũ quan trắc viên đáp ứng yêu cầu thực tế.
* Kế
hoạch phát triển
(1) Trạm quan trắc khí tượng:
- Duy trì số lượng trạm đã có: 01 trạm
(Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp và PTNT).
- Dự kiến phát triển đến năm 2025:
+ Số lượng 03 trạm.
+ Công nghệ: Quan trắc tự động.
+ Yếu tố quan trắc: Nhiệt độ không
khí, lượng mưa, hướng và tốc độ gió, độ ẩm.
(2) Trạm quan trắc thủy văn kết hợp
quan trắc lượng mưa:
- Duy trì số lượng trạm đã có: 36 trạm
đo mưa, 34 trạm thủy văn;
- Dự kiến phát triển thêm đến năm
2025:
+ Số lượng: 10 trạm;
+ Công nghệ: Quan trắc tự động;
+ Yếu tố quan trắc: Mực nước, Lượng
mưa.
b) Giai đoạn 2026 - 2030
* Nhiệm vụ
- Tiếp tục phát triển mạng lưới trạm
tại các vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, các vùng sinh thái nhạy cảm
với môi trường trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác quan trắc, dự
báo, cảnh báo KTTV;
- Tăng cường năng lực đội ngũ quan trắc viên và cán bộ quản lý, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động của mạng lưới
quan trắc KTTV tỉnh;
- Nâng cấp cơ sở dữ liệu KTTV, bảo đảm
thông tin thông suốt, đồng bộ, có độ tin cậy cao, phù hợp tiến trình phát triển
của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
* Kế
hoạch phát triển
- Duy trì, cải tạo, nâng cấp số lượng
trạm đã có.
- Trạm quan trắc thủy văn kết hợp
quan trắc lượng mưa:
+ Số lượng cần phát triển thêm đến năm 2030: 13 trạm;
+ Công nghệ: Quan trắc tự động;
+ Yếu tố quan trắc: Mực nước; Lượng
mưa.
- Trạm quan trắc lượng mưa:
+ Số lượng cần phát triển thêm đến
năm 2030: 05 trạm;
+ Công nghệ: Quan trắc tự động;
+ Yếu tố quan trắc: Lượng mưa.
(Chi
tiết tại Phụ lục II)
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Giải pháp thực
hiện
a) Về chính sách pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy:
- Xây dựng và ban hành các văn bản quy
định về việc quản lý, khai thác, chia sẻ thông tin dữ liệu quan
trắc của mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng giữa các sở, ngành, các chủ công trình có hoạt động quan trắc KTTV và cơ quan KTTV
trung ương;
- Từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức,
bộ máy quản lý về KTTV ở các cấp, các ngành; đào tạo bổ sung đội ngũ quan trắc
viên, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu thực tế.
b) Về xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ quan trắc:
- Ưu tiên đầu tư xây dựng mạng lưới
trắc KTTV ở các vùng có mật độ mạng lưới chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế;
- Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật
đi đôi với việc đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại cho các hoạt động
quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV;
- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các
thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ quan trắc, truyền tin, xử lý,
quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV phù hợp với
điều kiện thực tế của địa phương.
c) Về nguồn lực thực hiện
- Nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn,
nghiệp vụ cho đội ngũ quan trắc về KTTV đáp ứng yêu cầu vận hành của từng trạm,
điểm quan trắc và toàn bộ mạng lưới.
- Mở rộng hợp
tác quốc tế: Tăng cường kêu gọi và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế về tài
chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, kinh nghiệm của các quốc
gia trong hoạt động quan trắc KTTV.
- Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn
vốn đầu tư:
+ Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho mạng
lưới quan trắc KTTV chuyên dùng, trong đó nguồn ngân sách của tỉnh đóng vai trò
chủ đạo. Huy động tối đa các nguồn vốn từ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất
kinh doanh trên địa bàn tỉnh để phát triển mạng lưới KTTV chuyên dùng;
+ Bố trí nguồn vốn hợp lý cho việc đầu
tư phát triển mạng lưới và công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng các trạm KTTV
chuyên dùng phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
2. Trách nhiệm
thực hiện
a) Sở Tài nguyên và Môi trường
- Đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, đơn
vị thực hiện đầy đủ các nội dung Kế hoạch này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện
cho UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và môi trường;
- Thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát hệ thống mạng lưới trạm
KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung
cho phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương;
- Phối hợp với
các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy chế phối hợp quản lý hoạt động KTTV trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý vi
phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền về hoạt động KTTV chuyên
dùng trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị
liên quan trong việc bảo vệ, giải quyết các vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật
công trình KTTV chuyên dùng; tổ chức, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức
cộng đồng về quản lý, bảo vệ công trình KTTV chuyên dùng;
- Tiếp nhận, lưu trữ, quản lý, khai
thác thông tin, dữ liệu KTTV trên địa bàn tỉnh theo quy định
của pháp luật.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Căn cứ nội dung Kế hoạch, chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xác định vị
trí cụ thể các trạm quan trắc, lập dự án xây dựng các trạm KTTV chuyên dùng
theo lộ trình đã được phê duyệt; thực hiện việc bàn giao cho các đơn vị chức
năng quản lý, sử dụng;
- Xây dựng quy trình quản lý, vận
hành cho các trạm KTTV chuyên dùng; tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả mạng
lưới trạm KTTV chuyên dùng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm; thường xuyên rà soát
hệ thống mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù
hợp yêu cầu nhiệm vụ;
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ
chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện việc quan trắc và cung cấp
thông tin, dữ liệu KTTV theo đúng quy định của pháp luật về KTTV.
c) Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
Phối hợp chặt chẽ với Đài KTTV Vĩnh
Phúc và các trạm KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh, tiếp nhận và khai thác
thông tin, dữ liệu KTTV, kịp thời tham mưu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa,
ứng phó với thiên tai đến các sở, ngành, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh
để chủ động phòng tránh.
d) Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh
Vĩnh Phúc
- Phối hợp với các Sở, Ngành: Tài
nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Ban Chỉ
huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh và các chủ công trình KTTV chuyên dùng, thực hiện việc thu nhận và cung cấp đầy đủ thông
tin, dữ liệu KTTV phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh;
- Giúp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở
Nông nghiệp và PTNT trong việc rà soát hệ thống mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng
của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế;
- Tham gia phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra các công trình KTTV chuyên dùng trên địa
bàn tỉnh.
e) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Cân đối, bố trí, phân bổ các nguồn
vốn để thực hiện việc phát triển mạng lưới trạm; tham mưu UBND tỉnh, hàng năm bố trí nguồn vốn phù hợp cho việc vận hành, duy tu,
bảo dưỡng các trạm KTTV chuyên dùng;
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc
sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích.
g) Các sở, ngành liên quan
- Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của
pháp luật về KTTV trong khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy
văn trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án
đầu tư phát triển của ngành, lĩnh vực;
- Đề xuất với UBND
tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) xây dựng các trạm KTTV chuyên dùng
trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành,
lĩnh vực.
h) UBND các huyện, thành phố
- Có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, phường,
thị trấn tạo điều kiện về vị trí, mặt bằng để triển khai xây dựng, lắp đặt các
trạm KTTV chuyên dùng trên địa bàn;
- Có trách nhiệm phối hợp với các Sở
Tài nguyên và Môi trường, Đài KTTV tỉnh Vĩnh Phúc trong việc bảo vệ hành lang kỹ
thuật các công trình KTTV chuyên dùng được lắp đặt trên địa
bàn tỉnh; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trong việc xử lý, giải quyết các vi
phạm công trình KTTV chuyên dùng;
i) Các chủ công trình KTTV
chuyên dùng
- Thực hiện nghiêm chỉnh việc quan trắc
và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV theo quy định tại Nghị định số
38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Khí tượng thủy văn và các quy định liên quan khác;
- Tổ chức quản lý, vận hành, khai
thác có hiệu quả trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được
giao quản lý, sử dụng; định kỳ cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc và báo cáo
kết quả hoạt động quan trắc KTTV chuyên dùng cho các cơ quan chức năng theo quy
định của pháp luật;
- Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quan trắc viên.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở,
ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm
vụ và nội dung Kế hoạch nghiêm túc triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp
thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp,
báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.