ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1564/KH-UBND
|
Bến Tre, ngày 11 tháng 4 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 29-CTR/TU NGÀY 26/01/2018 CỦA TỈNH ỦY
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGÀY 25/10/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
KHÓA XII VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Để góp phần nâng cao chất lượng công
tác quản lý, đổi mới hệ thống tổ chức nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của
các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số
19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục
đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
của các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW), Nghị quyết
số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban
Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý,
nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi
tắt là Nghị quyết số 08/NQ-CP) và Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày
26/01/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản
lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
(gọi tắt là Chương trình hành động số 29-CTr/TU), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh
ban hành Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức quán triệt sâu sắc và thực
hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP và
Chương trình hành động số 29-CTr/TU.
- Tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức,
hành động của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tại các Sở, ban,
ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố (cấp huyện), các đơn vị sự nghiệp công lập
(gọi chung là các cơ quan, đơn vị) và toàn xã hội về đổi mới hệ thống tổ chức
và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công
lập.
2. Yêu cầu
- Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải
pháp cụ thể để các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả việc đổi mới hệ thống
tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự
nghiệp công lập.
- Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ,
khách quan, công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, đơn
vị phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản
lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
thẩm quyền quản lý.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát việc thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và
hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
II. MỤC TIÊU
Phấn đấu đạt
các chỉ tiêu cụ thể:
1. Giai đoạn
2018 - 2021
- Tiếp tục thực hiện giảm tối thiểu
10% đơn vị sự nghiệp công lập (67 đơn vị) và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương
từ ngân sách nhà nước (2.276 biên chế) so với năm 2015.
- Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động
không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài
chính (67 đơn vị), giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho
các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.
- Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi
các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (khi có đủ điều kiện) thành Công
ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học).
- Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ
sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu
hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như: y tế, giáo dục - đào tạo, giáo
dục nghề nghiệp.
2. Giai đoạn
2022 - 2025
- Tiếp tục giảm tối thiểu khoảng 10%
đơn vị sự nghiệp công lập (57 đơn vị) và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ
ngân sách nhà nước (2.048 biên chế) so với năm 2021.
- Chấm dứt số hợp đồng lao động không
đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự
chủ tài chính (114 đơn vị).
-100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự
nghiệp khác (có đủ điều kiện) hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.
- Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực
tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016
- 2020.
3. Giai đoạn 2026
- 2030
- Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng
lương từ ngân sách nhà nước (1.843 biên chế) so với năm 2025.
- Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ
ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
- Tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối,
phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục
vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản,
thiết yếu.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Về công tác
thông tin, tuyên truyền
a) Nội dung và thời gian thực hiện: Tuyên
truyền mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài
chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đến đội ngũ lãnh đạo,
công chức, viên chức, người lao động nhằm tạo đồng thuận trong tổ chức thực hiện
(hoàn thành trong quý I năm 2018).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và
Truyền thông
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Ban
Tuyên giáo tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan có liên
quan.
2. Sắp xếp, tổ
chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập
2.1. Đối với lĩnh vực giáo dục
mầm non, phổ thông
a) Nội dung và thời gian thực hiện:
- Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết
bị, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non và trường phổ thông (thực
hiện từ năm 2018 và hàng năm).
- Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo
dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; triển khai đề án bảo đảm cơ sở vật chất
cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (từ 7/2018 đến tháng
7/2025).
- Xây dựng đề án tổ chức lại các trường
mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ
thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông). Rà soát,
sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học; thu gọn các điểm trường (thực hiện
từ năm 2018, hoàn thành trong quý IV năm 2019).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và
Đào tạo.
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở
Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp huyện, các cơ quan có liên quan.
2.2. Đối với lĩnh vực giáo dục
nghề nghiệp
a) Thực hiện Đề án tổ chức lại Trường
Cao đẳng Bến Tre trên cơ sở sáp nhập Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Trường
Trung cấp Y tế vào Trường Cao đẳng Bến Tre (hoàn thành trong năm 2018).
- Cơ quan chủ trì: Trường Cao đẳng Bến
Tre.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ; Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội; Sở Y tế; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài
chính và các cơ quan có liên quan.
b) Rà soát các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp công lập cấp tỉnh để đề xuất phương án sắp xếp, để đảm bảo chỉ còn một đầu
mối đào tạo nghề công lập ở cấp tỉnh; đồng thời, rà soát các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp thuộc các Hội quần chúng trên địa bàn tỉnh để đề xuất phương án tổ chức,
sắp xếp lại cho hợp lý (hoàn thành trong năm 2018).
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tài
chính, Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan.
c) Xây dựng Đề án củng cố, kiện toàn,
nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường
xuyên, để đảm nhiệm vai trò là cơ sở giáo dục dạy nghề công lập duy nhất trên địa
bàn cấp huyện (hoàn thành trong năm 2018).
- Cơ quan chủ trì: UBND cấp huyện.
- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn
phòng UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan.
2.3. Đối với lĩnh vực y tế
a) Nội dung và thời gian thực hiện:
- Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Y tế dự
phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS,
Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trực thuộc Sở Y tế (hoàn thành trước
năm 2020).
- Rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng
hoạt động của Trung tâm Y tế cấp huyện; sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch
hóa gia đình vào Trung tâm Y tế cấp huyện nhằm đảm bảo Trung tâm Y tế thực hiện
đầy đủ các chức năng: Y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức
năng và các dịch vụ y tế khác (hoàn thành trước năm 2020).
- Rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng
khám đa khoa khu vực (hoàn thành trong quý I năm 2020).
- Sắp xếp lại các trạm y tế cấp xã
theo hướng: Nơi đã có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã thì có thể không thành lập
trạm y tế cấp xã (hoàn thành trong quý I năm 2020).
- Tổ chức lại Trung tâm Kiểm nghiệm
thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm
và trang thiết bị y tế (thực hiện khi có hướng dẫn của Trung ương).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở
Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, UBND cấp huyện, các cơ quan có liên quan.
2.4. Đối với lĩnh vực khoa học
và công nghệ
a) Nội dung và thời gian thực hiện:
- Hợp nhất Trung tâm Kỹ thuật Tiêu
chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ,
Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ thành một đơn vị sự nghiệp
công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (hoàn thành trong quý IV năm
2019).
- Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và chất lượng hoạt động của Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trực
thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sáp nhập vào đơn vị sự nghiệp
công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (thực hiện từ năm 2018 hoàn
thành trong quý IV năm 2019).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn
phòng UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan.
2.5. Đối với lĩnh vực văn hóa,
thể thao và du lịch
a) Nội dung và thời gian thực
hiện:
- Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu
quả hoạt động của các đơn vị: Thư viện Nguyễn Đình Chiểu, Bảo tàng Bến Tre, Ban
quản lý di tích (hoàn thành trong năm 2018).
- Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu
quả hoạt động của Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre (hoàn thành trong năm
2019).
- Sáp nhập Trung tâm Phát hành phim
và Chiếu bóng, Nhà Văn hóa Người cao tuổi vào Trung tâm Văn hóa tỉnh (hoàn
thành trong năm 2019).
- Sắp xếp lại Trung tâm Huấn luyện và
Thi đấu thể dục thể thao thành đơn vị sự nghiệp tự chủ, có nhiệm vụ tổ chức
phát triển phong trào thể dục, thể thao, tổ chức dịch vụ khai thác các công
trình thể thao (hoàn thành chậm nhất vào năm 2019).
- Sắp xếp lại Trường Năng khiếu thể dục
thể thao thành một đơn vị sự nghiệp đào tạo có nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện vận
động viên thành tích cao (hoàn thành chậm nhất vào năm 2019).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan có liên
quan.
2.6. Đối với lĩnh vực Lao động
- Thương binh và Xã hội
a) Nội dung và thời gian thực hiện:
- Thực hiện sáp nhập Trung tâm Cung cấp
dịch vụ công tác xã hội vào Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội (hoàn thành chậm nhất trong năm 2020).
- Tổ chức lại Cơ sở cai nghiện ma túy
trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (hoàn thành trong năm 2018).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan có liên
quan.
2.7. Đối với lĩnh vực nông nghiệp
và phát triển nông thôn
a) Nội dung và thời gian thực
hiện:
- Hợp nhất Trạm chăn nuôi và thú y,
Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông, khuyến ngư,... ở các huyện
thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện và chuyển một số
chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước của các đơn vị này về Phòng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) cấp huyện. Sáp nhập các cơ quan
tương ứng ở cấp tỉnh, đưa chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan này về Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thực hiện từ năm 2018, hoàn thành trong
quý IV năm 2019).
- Kiện toàn Ban quản lý rừng phòng hộ
và đặc dụng theo hướng tinh gọn, hiệu quả (thực hiện từ năm 2018, hoàn thành
trong quý IV năm 2019).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ
quan có liên quan.
2.8. Đối với lĩnh vực tài
nguyên và môi trường
a) Nội dung và thời gian thực hiện: Chuyển các Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất về trực thuộc UBND cấp
huyện quản lý và kiện toàn Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài
nguyên và Môi trường (hoàn thành trong quý IV năm 2018).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ
quan có liên quan.
2.9. Đối với lĩnh vực thông tin
và truyền thông
a) Xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp,
củng cố tổ chức bộ máy bên trong và nâng cao năng lực của đội ngũ viên chức
lãnh đạo, phóng viên, nhân viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre (hoàn
thành Đề án trong năm 2018; đến 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp).
- Cơ quan chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ,
Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan.
b) Rà soát, hoàn thiện mô hình tổ chức,
hoạt động của Trung tâm Thông tin điện tử trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh và
Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở Thông tin và Truyền
thông, để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, chỉ đạo, điều hành về hoạt động
thông tin và truyền thông (khi có hướng dẫn của Trung ương).
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông
tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ,
Sở Tài chính, các cơ quan có liên quan.
2.10. Đối với lĩnh vực công
thương
a) Nội dung và thời gian thực hiện: Hợp nhất Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trung tâm Khuyến công và Tư
vấn phát triển công nghiệp (thực hiện từ năm 2018, hoàn thành chậm nhất
trong năm 2022).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan.
2.11. Đối với lĩnh vực quản lý
dự án
a) Nội dung và thời gian thực hiện: Sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh (thực hiện
ngay khi có hướng dẫn của Trung ương).
b) Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
c) Cơ quan phối hợp: Các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: Dân dụng và Công
nghiệp, Giao thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Xây dựng, Văn phòng
UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan.
2.12. Đối với lĩnh vực sự nghiệp
khác ở cấp huyện
a) Nội dung và thời gian thực hiện
- Xây dựng Đề án và thực hiện sáp nhập
Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã thành Trung
tâm Văn hóa - Thể thao và học tập cộng đồng cấp xã (hoàn thành trong năm
2018).
- Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập
trực thuộc UBND cấp huyện (trừ sự nghiệp giáo dục và y tế) theo hướng các đơn vị
sự nghiệp công lập chưa tự chủ nếu không thực hiện tự chủ theo lộ trình thì sáp
nhập thành một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện (thực hiện
khi có hướng dẫn của Trung ương).
b) Cơ quan chủ trì: UBND cấp huyện.
c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo và
các cơ quan có liên quan.
3. Quản lý biên
chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
a) Xây dựng Kế hoạch tinh giản biên chế
sự nghiệp của tỉnh (giai đoạn 2018 - 2030), trong đó xác định chỉ tiêu giảm
biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước từng năm, bảo đảm đến
2021, giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp so với năm 2015; đến năm 2025, giảm
10% (bình quân mỗi năm 2%) biên chế sự nghiệp so với năm 2021; đến năm 2030, giảm
10% (bình quân mỗi năm 2,5%) biên chế sự nghiệp so với năm 2025 (hoàn thành
trong tháng 4/2018).
- Cơ quan thực hiện: Các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch tinh giản
biên chế sự nghiệp của cơ quan giai đoạn 2018 - 2030, gửi Sở Nội vụ tổng hợp,
xây dựng Kế hoạch của tỉnh.
b) Thực hiện thí điểm việc thi tuyển
và thực hiện thuê Giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập (thực
hiện khi có hướng dẫn của Trung ương).
- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan có liên quan.
c) Giải quyết dứt điểm số viên chức
và số người lao động vượt quá số biên chế được giao trừ các đơn vị đã tự chủ
tài chính (trong năm 2018).
- Cơ quan chủ trì: Các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính có sử dụng viên
chức và lao động hợp đồng vượt số biên chế được giao.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ,
các cơ quan có liên quan.
d) Hoàn thành đề án vị trí việc làm
trong đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo Nghị định thay thế Nghị
định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm
trong đơn vị sự nghiệp công lập (hoàn thành trong năm 2019).
- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập
trên địa bàn tỉnh.
đ) Tổ chức phân loại viên chức theo vị
trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên
môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65% (thực hiện từ năm 2018, hoàn thành
trong quý IV năm 2019).
- Cơ quan chủ trì: Các đơn vị
sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Các sở,
ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện.
e) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao năng lực, trình độ, bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ viên chức
(thực hiện hàng năm).
- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập
trên địa bàn tỉnh.
g) Sắp xếp, tinh giản biên chế đối với
chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức
danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập (thực
hiện từ năm 2018, hoàn thành trong quý IV năm 2020).
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND cấp huyện.
h) Triển khai và thực hiện nghiêm quy
định về số lượng lãnh đạo cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong thời
gian thực hiện sắp xếp lại, số lượng cấp phó của các đơn vị sự nghiệp công lập
do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc
điều chuyển công tác thì không được bổ sung; đồng thời phải có giải pháp điều
chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó trong thời hạn tối đa 3 năm kể từ ngày sáp
nhập, hợp nhất. Trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ
cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm (thực hiện theo quy định của Trung
ương).
- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ
triển khai, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện.
4. Đẩy mạnh cung ứng
dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự
nghiệp công
a) Chuyển một số dịch vụ công mà Nhà
nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm,
như: Dịch vụ công chứng, đấu giá tài sản (hoàn thành trong năm 2021).
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ,
Sở Tài chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan có liên quan.
b) Xây dựng phương án đẩy mạnh việc thực
hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và
các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội
hóa cao (hoàn thành trong năm 2019).
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ,
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan có liên quan.
c) Ban hành cơ chế, chính sách khuyến
khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực
giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học và công nghệ (hoàn
thành trong năm 2019).
- Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Cơ quan phối hợp: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và
Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các cơ quan có liên quan.
d) Thực hiện chuyển đổi hoạt động của
các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách
nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp, kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn
toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch
vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ
trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn (thực hiện theo hướng dẫn của
Trung ương).
- Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ,
các cơ quan có liên quan.
đ) Thực hiện giải pháp nhằm tăng cường
gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng khuyến
khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo,
đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động trong tỉnh và hoạt động
đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hoàn thành trong
năm 2019).
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội đề xuất giải pháp.
- Cơ quan phối hợp: các cơ
quan có liên quan.
e) Thực hiện quy trình cổ phần hóa
các đơn vị sự nghiệp công lập: Trung tâm Đăng kiểm, Đào tạo, Sát hạch, Kiểm định
và Tư vấn công trình giao thông trực thuộc Sở Giao thông vận tải (hoàn thành
trong năm 2019); Cơ sở Dạy nghề vá lưới trực thuộc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Nhà khách Hùng Vương trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm
Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (hoàn thành trong năm 2030).
- Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch
và Đầu tư.
- Cơ quan phối hợp: Sở Giao
thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan.
5. Nâng cao năng
lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập
a) Áp dụng mô hình quản trị đối với
các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản
trị doanh nghiệp (khi có hướng dẫn của Trung ương).
- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan
có liên quan.
b) Thực hiện nghiêm kiểm định, đánh
giá và xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập (thực hiện thường xuyên).
- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ
quan có liên quan.
c) Sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy bên
trong từng đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ
cấp trung gian (thực hiện từ năm 2018; hoàn thành trong quý IV năm 2019).
- Cơ quan thực hiện: Các cơ quan có đơn vị sự nghiệp trực công lập trực thuộc; các đơn vị sự
nghiệp công lập.
6. Hoàn thiện cơ
chế tài chính
a) Thực hiện chuyển đổi từ phí sang
giá dịch vụ sự nghiệp công, giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị
sự nghiệp công lập
- Nội dung và thời gian thực hiện:
+ Thực hiện chuyển đổi từ phí sang giá
dịch vụ sự nghiệp công theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước
tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, gắn với chính
sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách; Giao quyền tự chủ
cho các đơn vị cung ứng dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước tự quyết định
giá dịch vụ theo nguyên tắc: Bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy (thực hiện
từ năm 2018).
+ Xây dựng Đề án giảm chi trực tiếp từ
ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, phấn đấu đạt chỉ
tiêu như sau: Đến năm 2020, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà
nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015; đến năm
2025, tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị
sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020; đến năm 2030, giảm bình quân
15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với
giai đoạn 2021 - 2025; xác định rõ tỷ lệ, số tiền cụ thể ước tính cho từng năm (hoàn
thành trong năm 2018).
- Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, các cơ quan có liên quan.
b) Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch mạng
lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; các danh mục dịch vụ sự
nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (đối với những ngành đã có quy định của
Trung ương thì hoàn thành chậm nhất tháng 5/2018; đối với những ngành còn lại
thì khẩn trương hoàn thành khi văn bản của Trung ương được ban hành).
- Cơ quan chủ trì: Sở, ban, ngành tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tài
chính, Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Căn cứ Kế hoạch này, các Sở, ban,
ngành, UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tiến hành
xây dựng kế hoạch, đề án để cụ thể hóa các nội dung thực hiện đảm bảo đúng lộ
trình và triển khai thực hiện trong tháng 4 năm 2018. Định kỳ trước 15/11
hàng năm, các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện báo cáo kết quả triển khai
thực hiện về Sở Nội vụ, để tổng hợp trình UBND theo dõi, chỉ đạo và báo cáo về
Trung ương theo quy định.
2. Giao Sở Nội vụ theo dõi, kiểm tra,
đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ hàng năm, tổng hợp kết
quả triển khai thực hiện, báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh những biện pháp cần
thiết để đảm bảo thực hiện đồng bộ và có hiệu quả kế hoạch; đồng thời, thực hiện
chế độ báo cáo theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành
tỉnh, UBND cấp huyện nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá
trình triển khai thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các cơ quan,
đơn vị có văn bản đề xuất, gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem
xét, chỉ đạo thực hiện./.
Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND
tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- BTC Tỉnh ủy;
- Chánh, các PCVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh;
- Phòng: TH, KT, KGVX, TCĐT, TTTTĐT;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Cao Văn Trọng
|