VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 485/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 12 năm 2018
|
THÔNG BÁO
Ý
KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ THỐNG KÊ BỘ, NGÀNH
NĂM 2018
Ngày 10 tháng 12 năm 2018, tại Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị thống kê bộ, ngành năm
2018. Tham gia Hội nghị có: Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông
tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các đơn vị và chuyên viên
làm công tác thống kê thuộc các Bộ, ngành; Lãnh đạo Tổng cục Thống kê, lãnh đạo
các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê và Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe Lãnh đạo Tổng cục Thống kê báo cáo về
tình hình thực hiện công tác thống kê bộ, ngành giai đoạn 2014-2018 và phương
hướng, nhiệm vụ các năm tiếp theo, ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ kết luận:
I. ĐÁNH GIÁ, NHẬN ĐỊNH CHUNG
Về cơ bản thống nhất với báo cáo về tình hình thực
hiện công tác thống kê bộ, ngành giai đoạn 2014-2018 và phương hướng, nhiệm vụ
các năm tiếp theo tại Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong thời gian qua, các bộ ngành và Bộ Kế hoạch và
Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã đạt được những kết quả quan trọng trong triển
khai công tác thống kê, thể hiện trong một số kết quả nổi bật là:
- Khung khổ thể chế cho hoạt động thống kê được
tăng cường và tương đối đầy đủ: Luật thống kê 2015 và các Nghị định hướng dẫn
thực hiện Luật; Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và
tầm nhìn đến năm 2030; các đề án lớn được ban hành như: Đề án tăng cường quản
lý nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030, Đề án ứng dụng và phát triển
công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn
2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng
sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đề án Hội nhập Thống
kê ASEAN giai đoạn 2016-2020, Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ hỗ trợ
và phát triển doanh nghiệp.
- Hệ thống thống kê tập trung từ Trung ương đến cấp
tỉnh, cấp huyện đã được củng cố, kiện toàn về nhân lực và cơ sở vật chất, vận dụng
nhiều phương pháp mới trong tính toán số liệu thống kê nhằm đảm bảo tính sát thực
của số liệu. Tổ chức thống kê bộ, ngành từng bước được củng cố và tăng cường;
có 20/22 bộ, ngành đã thành lập tổ chức thống kê cấp phòng trở lên.
- Sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống
kê với bộ, ngành đã có những bước tiến mới. Sản phẩm thống kê ngày càng đa dạng
hơn, chất lượng và độ tin cậy của thông tin thống kê được nâng cao, đáp ứng tốt
hơn nhu cầu của người sử dụng thông tin thống kê. Đáng chú ý, ngành Thống kê đã
cung cấp và chia sẻ nhiều thông tin hữu ích phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý,
điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thống kê
bộ, ngành thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập: Nhận thức về vai trò của
công tác thống kê ở một số bộ, ngành còn bị xem nhẹ; sự hợp tác, phối hợp, trao
đổi thông tin giữa các bộ, ngành với Tổng cục Thống kê và giữa các bộ, ngành với
nhau còn chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; nhiều bộ, ngành chưa thu thập, tổng
hợp đầy đủ thông tin các chỉ tiêu thống kê quốc gia; việc ứng dụng công nghệ
thông tin trong công tác thống kê còn thiếu đồng bộ.
II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỦA
CÔNG TÁC THỐNG KÊ TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới, các bộ, ngành và Tổng cục Thống
kê cần tiếp tục thực hiện tốt Kết luận của lãnh đạo Chính phủ tại thông báo số
258/TB-VPCP ngày 29 tháng 8 năm 2016 về thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục Thống
kê giai đoạn 2016-2020, đồng thời tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng
tâm đến năm 2020 như sau:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của lãnh đạo các bộ,
ngành, địa phương, các đối tượng sử dụng thông tin thống kê và bản thân những
người làm công tác thống kê về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành
Thống kê trong công tác quản lý và điều hành kinh tế - xã hội, thực hiện các
nhiệm vụ về quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại và các nhiệm vụ khác của đất
nước.
2. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật
Thống kê, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm
nhìn đến năm 2030, các Đề án lớn của ngành Thống kê. Tập trung hoàn thiện khuôn
khổ pháp lý, tạo lập đầy đủ cơ chế chính sách, môi trường pháp lý để hệ thống
thống kê bộ, ngành hoạt động đồng bộ, thông suốt và bảo đảm tính nhất quán.
3. Các bộ, ngành và địa phương tiến hành kiểm kê,
đánh giá đầy đủ các nguồn lực, bao gồm nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của
toàn bộ nền kinh tế và của từng địa phương. Năm 2020 tiến hành rà soát, kiểm
kê, đánh giá các nguồn lực của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
4. Khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, ban hành hệ
thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với quy
định của Luật Thống kê. Thực hiện nghiêm túc Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc
gia quy định tại Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính
phủ; Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số
43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân
công cần triển khai tốt cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đặc biệt
là 3 bộ tổ chức điều tra riêng là: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho
cuộc Tổng điều tra.
6. Các bộ, các ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện tốt nhiệm vụ điều tra thống kê, thực hiện
bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp, công bố Sách trắng về
tình hình doanh nghiệp Việt Nam hàng năm.
7. Tăng cường kết hợp chế độ báo cáo thống kê với điều
tra thống kê và khai thác dữ liệu hành chính; phân tích, dự báo tình hình kinh
tế vĩ mô; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ có hệ thống từ trung
ương xuống tới các cơ sở ở địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông
tin thống kê phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thông tin
phục vụ công tác quản lý, điều hành của của bộ, ngành. Tiếp tục thực hiện tốt
công tác thu thập thông tin phục vụ cho điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành
giá; cải tiến, nâng cao chất lượng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng,
quý, năm.
8. Hoàn thiện hệ thống dữ liệu thông tin về các Tập
đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong điều kiện chuyển đổi
mô hình về cơ quan đại diện chủ sở hữu. Các bộ, ngành và Tổng cục Thống kê phối
hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong chia sẻ thông tin phục
vụ công tác thống kê.
9. Hoạt động phổ biến thông tin thống kê cần thực
hiện theo hướng đa dạng hóa hình thức phổ biến. Chủ động nắm bắt nhu cầu thông
tin và cung cấp, phổ biến kịp thời thông tin thống kê đến đông đảo người sử dụng.
Các bộ, ngành thực hiện nghiêm việc xây dựng và ban hành Quy chế phổ biến thông
tin thống kê, Lịch phổ biến thông tin thống kê thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản
lý.
10. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ
thông tin giữa bộ, ngành với Tổng cục Thống kê và giữa các bộ, ngành với nhau.
Phổ biến và nhân rộng các hình thức hợp tác, phối hợp có hiệu quả như ký kết
các cơ chế, thỏa thuận hợp tác, phối hợp chia sẻ thông tin nhằm tạo điều kiện
thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng thông tin thống kê.
11. Tăng cường phát triển và ứng dụng công nghệ
thông tin - truyền thông trong công tác thống kê theo Quyết định số 501/QĐ-TTg
ngày 10 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ứng dụng công
nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê Nhà nước giai đoạn
2017-2025, tầm nhìn đến 2030. Trong đó có một số nhiệm vụ quan trọng: (i) Sớm
xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê quốc gia, kết nối với hệ thống
thông tin thống kê bộ, ngành, địa phương; (ii) Sử dụng công nghệ thông minh
thay thế phiếu điều tra giấy trong các cuộc điều tra thống kê; (iii) Tích hợp,
tiếp nhận hoàn chỉnh các dữ liệu hành chính của một số Bộ, ngành để biên soạn
các chỉ tiêu thống kê; (iv) Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn để hiện đại hóa, giảm
chi phí, nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng dự báo; (v) Phổ biến thông
tin thống kê theo tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại; (vi) Nâng cấp một cách căn bản
hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông.
12. Tiếp tục kiện toàn sắp xếp lại tổ chức thống kê
của bộ, ngành bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
13. Tăng cường nhân lực làm công tác thống kê của bộ,
ngành và tại các sở, ngành địa phương. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về
chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức làm công tác thống kê; quan tâm thực hiện
chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức làm công tác thống kê của bộ,
ngành theo quy định hiện hành.
14. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)
nghiên cứu, tổ chức Hội nghị Thống kê toàn quốc năm 2019, trên cơ sở đó trình
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công
tác thống kê trong tình hình mới.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan, địa
phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tổng cục Thống kê;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, CN, NN,
QHQT, NC, TCCV, KGVX;
- Lưu: VT, KTTH (2). DH
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|