BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/2014/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày
28 tháng 02 năm 2014
|
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG VÀ
HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ CHÍNH KHÓA
Căn cứ Luật
Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ
quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục
và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính
phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính
phủ về việc sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số
31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP
ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của
Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường
xuyên,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định Quản lý hoạt động
giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2014.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Thủ trưởng
các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc đại
học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp;
các tổ chức và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBVHGD-TNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDTX.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Vinh Hiển
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
NGOÀI GIỜ CHÍNH KHÓA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2014 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định quản lý hoạt động giáo dục
kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa bao gồm: điều kiện; thẩm
quyền, hồ sơ, thủ tục cấp phép, xác nhận đăng ký hoạt động, đình chỉ, thu hồi
giấy phép hoạt động; trách nhiệm quản lý; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
2. Văn bản này áp dụng đối với:
a) Các nhà trẻ, nhóm trẻ; trường, lớp mẫu giáo,
trường mầm non; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, phổ
thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học, trường chuyên,
trường năng khiếu, trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; các trung
tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học, và trung tâm học tập cộng
đồng (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục) có liên quan đến hoạt động giáo
dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa;
b) Các doanh nghiệp được thành lập theo quy định
của Luật Doanh nghiệp có đăng ký hoạt động
trong lĩnh vực giáo dục; các trung tâm thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức xã hội nghề nghiệp (sau đây gọi chung là các đơn vị) có liên quan đến hoạt
động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các
cơ sở giáo dục.
Điều 2. Hoạt động giáo dục
kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa
1. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong quy định
này được hiểu là hoạt động giáo dục giúp cho người học hình thành và phát triển
những thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong việc ứng xử các
tình huống của cuộc sống cá nhân và tham gia đời sống xã hội, qua đó hoàn thiện
nhân cách và định hướng phát triển bản thân tốt hơn dựa trên nền tảng các giá
trị sống.
2. Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong
quy định này được hiểu là hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu người học không
thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động
giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa
1. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động
giáo dục ngoài giờ chính khóa góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng,
giáo dục nhân cách cho người học; có nội dung phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý
người học, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
2. Cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về các nội
dung giáo dục, chất lượng giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính
khóa.
3. Không vi phạm Quy định về dạy thêm, học thêm.
4. Người học tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Chương II
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁO
DỤC KỸ NĂNG SỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ CHÍNH KHÓA
Điều 4. Cơ sở vật chất
1. Có phòng học, phòng chức năng có đủ ánh sáng,
đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh trường học theo quy định.
2. Thiết bị dạy học phải bảo đảm an toàn, phù hợp
với nội dung dạy học, hoạt động và tâm lý lứa tuổi người học.
Điều 5. Giáo viên, báo cáo
viên, huấn luyện viên
1. Có đủ điều kiện về sức khoẻ.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời
gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; am hiểu các
lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan.
Điều 6. Giáo trình, tài liệu
Có đủ giáo trình, tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành hoặc phê duyệt. Nếu giáo trình, tài liệu tự lựa chọn hoặc tự xây dựng
thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động hoặc cơ quan xác nhận đăng
ký hoạt động theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Quy định này
chấp thuận; đảm bảo yêu cầu, có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt
Nam, không trái với các quy định của pháp luật.
Chương III
THẨM QUYỀN, HỒ SƠ, THỦ TỤC
CẤP PHÉP, XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ, ĐÌNH CHỈ, THU HỒI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ
NĂNG SỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ CHÍNH KHÓA
Điều 7. Thẩm quyền, hồ sơ,
trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động
1. Thẩm quyền cấp phép hoạt động:
a) Giám đốc sở giáo dục và đào tạo cấp phép hoạt
động đối với các đơn vị quy định tại mục b, khoản 2, Điều 1 Quy
định này;
b) Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng cấp phép
cho các đơn vị thuộc trường hoạt động trong khuôn viên của trường.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục
kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Nội dung tờ trình nêu
rõ: mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai,
cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm, tổ chức bộ máy, tài chính và các nguồn lực khác;
cam kết đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nghiêm túc quy
định của các cấp quản lý nơi tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động
giáo dục ngoài giờ chính khóa;
b) Giấy phép đăng ký kinh doanh;
c) Danh sách, lý lịch trích ngang kèm theo các
minh chứng hợp lệ về ban lãnh đạo, các giáo viên, huấn luyện viên, báo cáo viên
(ghi rõ họ tên, trình độ học vấn, chức vụ, nghề nghiệp, năng lực sư phạm và am
hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan) tham gia tổ
chức và thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục
ngoài giờ chính khóa;
d) Kế hoạch hoạt động, giáo trình, tài liệu giảng
dạy, huấn luyện.
3. Trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động:
a) Đơn vị lập hồ sơ xin cấp phép gửi cho cơ quan
có thẩm quyền cấp phép;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận
đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm
tra các điều kiện hoạt động để quyết định cấp phép hoặc không cấp phép. Trường
hợp không đồng ý cấp phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 8. Thẩm quyền, hồ sơ,
trình tự, thủ tục xác nhận đăng ký hoạt động
1. Thẩm quyền xác nhận đăng ký hoạt động:
a) Giám đốc sở giáo dục và đào tạo xác nhận đăng
ký hoạt động đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông,
trung học phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ
thông, phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, trường chuyên, trường
năng khiếu, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học
và các đơn vị thuộc trường đại học, cao đẳng đặt ngoài khuôn viên của trường.
b) Trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện
xác nhận đăng ký hoạt động đối với nhà trẻ, nhóm trẻ; trường, lớp mẫu giáo, trường
mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học
cao nhất là trung học cơ sở, phổ thông dân tộc bán trú và trung tâm học tập cộng
đồng.
2. Hồ sơ đăng ký hoạt động của các cơ sở giáo dục
bao gồm:
a) Công văn đăng ký tổ chức hoạt động giáo dục kỹ
năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa;
b) Danh sách, lý lịch trích ngang kèm theo các
minh chứng hợp lệ về đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, báo cáo viên (ghi rõ họ
tên, trình độ học vấn, chức vụ, nghề nghiệp, năng lực sư phạm và am hiểu các
lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan) tham gia tổ chức và
thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ
chính khóa;
c) Kế hoạch hoạt động, giáo trình, tài liệu giảng
dạy, huấn luyện.
3. Trình tự, thủ tục xác nhận đăng ký hoạt động:
a) Cơ sở giáo dục lập hồ sơ gửi cho cơ quan có
thẩm quyền;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc khi nhận đủ hồ
sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký hoạt động vào công văn đăng
ký của cơ sở giáo dục với nội dung: xác nhận đã đăng ký hoạt động và gửi trả lại
cho cơ sở giáo dục. Nếu không đồng ý cho hoạt động, phải trả lời bằng văn bản
và nêu rõ lý do.
Điều 9. Đình chỉ hoạt động
1. Cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ
năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa bị đình chỉ hoạt động
trong các trường hợp sau:
a) Không thực hiện đúng các nội dung đã cam kết,
đăng ký với cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép, xác nhận đăng ký hoạt động;
b) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị
xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ;
c) Người cấp phép không đúng thẩm quyền;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động giáo dục
kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được thực hiện như sau:
a) Người có thẩm quyền cấp phép hoặc xác nhận
đăng ký hoạt động thành lập đoàn thanh tra đánh giá tình trạng thực tế của cơ sở
giáo dục, đơn vị và lập phương án đề xuất xử lý;
b) Căn cứ kết quả thanh tra, người có thẩm quyền
cấp phép hoặc xác nhận đăng ký hoạt động ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo
dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Trong quyết định
đình chỉ hoạt động phải xác định rõ lý do đình chỉ, quy định rõ thời hạn đình
chỉ; các biện pháp đảm bảo quyền lợi người học. Quyết định đình chỉ hoạt động
giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải được công
bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng;
c) Sau thời gian đình chỉ hoạt động, nếu các
nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì cơ quan có thẩm quyền quyết
định đình chỉ ra quyết định cho phép hoạt động trở lại. Trong trường hợp chưa
cho phép hoạt động trở lại, cơ quan có thẩm quyền có văn bản thông báo rõ lý do
và hướng giải quyết.
3. Người có thẩm quyền cấp phép, xác nhận đăng
ký hoạt động có thẩm quyền đình chỉ hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động
giáo dục ngoài giờ chính khóa.
4. Trong trường hợp khẩn cấp, khi phát hiện cơ sở
giáo dục, đơn vị vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, người có thẩm
quyền cấp phép hoạt động, xác nhận đăng ký hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền
theo quy định của pháp luật quyết định đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở giáo dục,
đơn vị, sau đó thực hiện các trình tự, thủ tục để đình chỉ hoạt động của cơ sở
giáo dục hoặc đơn vị.
Điều 10. Thu hồi giấy phép
1. Đơn vị bị thu hồi giấy phép hoạt động trong
các trường hợp:
a) Không triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống
và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong thời gian 12 tháng liên tục;
b) Có hành vi gian lận để được cấp phép hoạt động
giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
2. Người có thẩm quyền cấp phép hoạt động có thẩm
quyền thu hồi giấy phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục
ngoài giờ chính khóa.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT
ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ CHÍNH KHÓA
Điều 11. Trách nhiệm của ủy
ban nhân dân các cấp
1. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương
a) Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt
động giáo dục ngoài giờ chính khóa trên địa bàn;
b) Chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo, các đơn vị có
liên quan trong việc quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo
dục ngoài giờ chính khóa.
2. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp quận, huyện,
thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh
a) Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt
động giáo dục ngoài giờ chính khóa trên địa bàn;
b) Chỉ đạo phòng giáo dục đào tạo và các đơn vị
có liên quan trong việc quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động
giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Điều 12. Trách nhiệm của sở
giáo dục và đào tạo
1. Tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công
tác quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ
chính khóa trên địa bàn.
2. Cấp phép hoạt động và xác nhận đăng ký hoạt động
giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo quy định.
3. Chịu trách nhiệm trước ủy ban nhân dân cấp tỉnh
về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ
chính khóa của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ
quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
5. Tổng hợp kết quả, báo
cáo ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc
theo yêu cầu đột xuất.
Điều 13. Trách nhiệm của
phòng giáo dục và đào tạo
1. Xác nhận đăng ký hoạt động giáo dục kỹ năng sống
và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo quy định.
2. Chịu trách nhiệm trước ủy ban nhân dân cấp
huyện về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ
chính khóa của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ
chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có
thẩm quyền xử lý vi phạm.
4. Tổng hợp kết quả, báo cáo ủy ban nhân dân cấp
huyện và sở giáo dục và đào tạo khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.
Điều 14. Trách nhiệm của
các cơ sở giáo dục
1. Bảo đảm chất lượng giáo dục kỹ năng sống và
hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
2. Khi tổ chức các hoạt động phải đảm bảo an
toàn về tính mạng và các quyền lợi hợp pháp về vật chất, tinh thần cho người học,
người dạy; đồng thời phải chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi tham gia bảo hiểm
rủi ro cho người học.
3. Quản lý, lưu giữ hồ sơ, bao gồm: hồ sơ đăng
ký; danh sách người dạy; danh sách người học; kế hoạch, tài liệu; hồ sơ tài
chính theo quy định hiện hành.
4. Khi các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị
để tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ
chính khóa phải có hợp đồng giữa hai bên. Hợp đồng phải quy định rõ về nội dung
dạy học, kinh phí, đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, địa điểm tổ chức và
trách nhiệm của mỗi bên. Sau khi ký kết hợp đồng phải báo cáo với cơ quan quản
lý trực tiếp.
5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền,
cơ quan quản lý giáo dục các cấp; thực hiện báo cáo đầy đủ theo yêu cầu của cơ
quan quản lý giáo dục.
Điều 15. Trách nhiệm của
các đơn vị tham gia tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục
ngoài giờ chính khóa
1. Thực hiện nghiêm túc Quy định này và các quy
định khác có liên quan. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động phải báo cáo cơ
quan cấp phép trước 10 ngày và thông báo công khai cho người học biết, đồng thời
hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với các nội dung, thời
lượng chưa được thực hiện do tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động.
2. Bảo đảm chất lượng giáo dục kỹ năng sống và
hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
3. Khi tổ chức các hoạt động phải đảm bảo an
toàn về tính mạng và các quyền lợi hợp pháp về vật chất, tinh thần cho người học,
người dạy; đồng thời phải chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi tham gia bảo hiểm
rủi ro cho người học.
4. Quản lý, lưu giữ hồ sơ, bao gồm: hồ sơ cấp
phép hoạt động; danh sách người dạy; danh sách người học; kế hoạch, tài liệu; hồ
sơ tài chính theo quy định hiện hành.
5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền,
cơ quan quản lý giáo dục các cấp; thực hiện báo cáo đầy đủ theo yêu cầu của cơ
quan quản lý giáo dục.
Điều 16. Quản lý tài chính
đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính
khóa
1. Cơ sở giáo dục, đơn vị được thu học phí để
chi trả thù lao cho giáo viên, báo cáo viên, công tác quản lý, khấu hao tài sản
cố định, chi thường xuyên khác.
2. Cơ sở giáo dục, đơn vị phải xây dựng mức thu
học phí theo nguyên tắc lấy thu bù đắp chi phí hoạt động; báo cáo cơ quan có thẩm
quyền cấp phép, cơ quan xác nhận đăng ký hoạt động để phục vụ công tác kiểm
tra, giám sát thường xuyên.
3. Cơ sở giáo dục, đơn vị có trách nhiệm:
a) Thực hiện 3 công khai theo quy định hiện
hành;
b) Tổ chức hoạt động kế toán theo đúng quy định
của Luật Kế toán;
c) Thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước
theo quy định của pháp luật.
Chương V
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 17. Tổ chức thanh tra,
kiểm tra
Hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động
giáo dục ngoài giờ chính khóa chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản
lý giáo dục, của các cơ quan thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên
quan, của chính quyền các cấp.
Điều 18. Xử lý vi phạm
1. Cơ sở giáo dục, đơn vị vi phạm quy định về quản
lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa,
tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán
bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng
sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa thì bị xử lý kỷ luật theo quy định./.