BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/CT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày
08 tháng 8 năm 2012
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO NHẬN THỨC, Ý THỨC CHẤP
HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG
Nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng, Chính phủ, Ủy ban
An toàn giao thông quốc gia trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng
tâm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong những năm 2008 - 2011, đặc biệt
từ cuối năm 2010 đến nay, các cơ quan, đơn vị của ngành giao thông vận tải đã
có nhiều hoạt động cụ thể triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biển,
giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bộ Giao thông vận tải
xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn
giao thông có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và là biện pháp hàng đầu góp
phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, trong thực tế, điều kiện hoạt động
PBGDPL về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn khó khăn. Nguồn lực (nhân lực
và vật lực) phân bổ cho hoạt động này còn hạn chế. Trong khi đó, nội dung
PBGDPL rất đa dạng, địa bàn phổ biến, đối tượng phổ biến cũng rất khác nhau....
Vì vậy, công tác PBGDPL về an toàn giao thông vẫn chưa đạt được hiệu quả như
mong muốn. Số lượng tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí. Nhưng số vụ
tai nạn vẫn cao, mức độ phức tạp và nghiêm trọng của tai nạn giao thông ngày
càng tăng, đang là mối quan tâm, bức xúc của xã hội. Hiện tượng “nhờn luật”
trong vi phạm pháp luật giao thông vẫn đang thường xuyên xảy ra và diễn biến phức
tạp.
Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật
về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của cán bộ, nhân dân; nhằm thực hiện có
hiệu quả Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng
cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông,
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày
19 tháng 4 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đề án “Đổi mới, tiếp tục
nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về an toàn giao thông giai đoạn 2012 - 2016 của Bộ Giao thông vận tải” ban
hành kèm theo Quyết định số 983/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
ngày 04 tháng 5 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu: Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tổng
công ty 91 trong ngành giao thông vận tải có liên quan, Giám đốc Sở Giao thông
vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện tốt một số việc
sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp
uỷ, tổ chức đảng các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông. Gắn việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương,
nghị quyết của Đảng với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật
tự, an toàn giao thông.
2. Tổ chức thực hiện nghiêm túc
các quan điểm chỉ đạo, các Đề án về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
về trật tự, an toàn giao thông của Bộ và các Đề án liên quan đến công tác bảo đảm
trật tự an toàn giao thông. Xác định rõ nội dung, chương trình tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong từng thời gian cụ
thể, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo nội dung đã được nêu
trong Đề án “Đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông giai đoạn 2012 -
2016 của Bộ Giao thông vận tải”.
3. Tiếp tục nghiên cứu, tham
mưu hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp
luật về trật tự, an toàn giao thông; xây dựng cơ chế thực hiện xã hội hoá, huy
động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Có chính sách hỗ trợ nâng cao nhận thức
và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với nhân dân ở
vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và các đối tượng thiệt thòi.
4. Thường xuyên quan tâm, đào tạo,
bồi dưỡng và có cơ chế hợp lý, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói
chung và công tác phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao
thông nói riêng với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơ
quan, đơn vị và địa phương; đầu tư kinh phí hợp lý và các điều kiện cần thiết
khác bảo đảm thực hiện công tác này.
5. Tăng cường hiệu quả công tác
phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với các bộ, ngành có liên quan. Tiếp tục
tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đề cao vai trò,
trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đại chúng, thành viên Hội đồng phối hợp
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ.
6. Phát huy, đẩy mạnh vai trò
chủ động, sáng tạo của tổ chức pháp chế hoặc bộ phận thực hiện công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc tham mưu đề xuất xây dựng chính
sách, chiến lược, kế hoạch tổng thể, biện pháp tổ chức thực hiện, theo dõi đánh
giá hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông.
7. Tiếp tục đổi mới chương
trình, giáo trình giảng dạy về pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tăng
cường đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cán bộ giảng dạy
pháp luật, đáp ứng các nhu cầu dạy và học tập kiến thức pháp luật trong tất cả
các trường thuộc Bộ, Cục, Tổng cục; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào
tạo pháp luật nói chung và an toàn giao thông nói riêng cho học sinh, sinh viên
trong các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thuộc Bộ với nội
dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng.
8. Kết hợp chặt chẽ giữa công
tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp
luật về trật tự, an toàn giao thông; thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm
tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của các cơ
quan, tổ chức và cá nhân; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
9. Thường xuyên kiểm tra, sơ kết,
rút kinh nghiệm để phát huy, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong
công tác TTPBGDPL về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Hướng dẫn, kiểm tra,
đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm;
kiểm điểm, phê bình đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện
đúng nhiệm vụ được giao.
10. Một số công việc cụ thể:
a) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ:
- Tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức
ngành giao thông vận tải gương mẫu đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, đảm bảo tiêu
chuẩn chất lượng; không uống rượu, bia trước khi lái xe;
- Trên cơ sở Đề án “Đổi mới, tiếp tục nâng cao
chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
an toàn giao thông giai đoạn 2012 - 2016 của Bộ Giao thông vận tải” và yêu cầu
thực tế, chủ động đề xuất các nội dung PBGDPL về trật tự, an toàn giao thông
hàng năm để triển khai ở đơn vị mình trình Bộ. Trên cơ sở đề xuất của các cơ
quan, đơn vị thuộc Bộ, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ An toàn giao thông,
Vụ Tài chính, Văn phòng UBATGTQG thống nhất về định hướng nội dung, hình thức
và dự kiến kinh phí phân bổ hàng năm để tổng hợp thành kế hoạch PBGDPL về bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông (nằm trong kế hoạch PBGDPL chung hàng năm của Bộ);
Chủ động thực hiện các nội dung được phân công tại Phụ lục I của Đề án nêu
trên;
- Văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn
giao thông do cơ quan, đơn vị nào được Lãnh đạo Bộ phân công chủ trì soạn thảo
để trình Bộ trưởng theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng trình Chính phủ hoặc Quốc
hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành thì cơ quan, đơn vị phải đề xuất kế hoạch
phổ biến văn bản đó và tổ chức thực hiện sau khi văn bản được ban hành;
- Xây dựng Dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác
PBGDPL về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của cơ quan, đơn vị theo Kế hoạch
xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị trình Bộ tổng hợp, phê
duyệt (đối với cơ quan, đơn vị được Bộ phân bổ kinh phí ngân sách);
- Bố trí kinh phí và huy động các nguồn kinh phí
hỗ trợ khác bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự
an toàn giao thông của cơ quan, đơn vị.
b) Vụ Pháp chế:
- Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc tổng hợp, theo dõi
các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này;
- Phối hợp với Vụ Tài chính đề xuất, phân bổ dự
toán kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL về bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông của Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trình Lãnh đạo Bộ;
- Nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện pháp luật và
các cơ chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông;
- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trong công tác
kiện toàn, đào tạo cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật;
- Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và đề xuất
khen thưởng đối với tập thể, cá nhân trực thuộc Bộ có thành tích trong việc thực
hiện công tác PBGDPL về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
c) Vụ Tài chính:
- Tổng hợp dự toán kinh phí trong Dự toán ngân
sách hàng năm của Bộ Giao thông vận tải để bố trí ngân sách bảo đảm cho công
tác PBGDPL, trong đó có pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
- Hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng kinh phí
PBGDPL về an toàn giao thông theo chế độ tài chính hiện hành. Chủ trì tham mưu,
đề xuất sửa đổi Thông tư số 106/2004/TT-BTC ban hành ngày 09/11/2004 của Bộ Tài
chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do
ngân sách trung ương cấp đưa vào chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2013.
d) Vụ An toàn giao thông:
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ
triển khai thực hiện công tác PBGDPL về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
- Chủ trì thực hiện công tác xã hội hóa, tìm kiếm
nguồn viện trợ của các Tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho công tác PBGDPL về an toàn
giao thông trong ngành GTVT;
đ) Vụ Tổ chức cán bộ:
- Củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực làm công tác PBGDPL trong ngành GTVT;
- Phối hợp với Vụ Pháp chế đề xuất hình thức
khen thưởng phù hợp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong công tác PBGDPL về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
e) Trung tâm Công nghệ thông tin, Tạp chí Giao
thông vận tải, Báo Giao thông vận tải, các Tạp chí ngành:
Tiếp tục củng cố, xây dựng và duy trì các chuyên
trang, chuyên mục thông tin, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
g) Văn phòng Bộ:
Phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin, Vụ
Pháp chế bảo đảm cơ sở kỹ thuật về công nghệ thông tin phục vụ công tác PBGDPL
về trật tự, an toàn giao thông.
h) Các trường thuộc Bộ, Tổng cục, Cục:
- Phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ
xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông và triển khai thực hiện trong từng trường.
- Chủ động thực hiện các nội dung được phân công
tại Phụ lục I của Đề án “Đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công
tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông giai đoạn
2012 - 2016 của Bộ Giao thông vận tải” .
i) Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (TCTy 91)
thuộc ngành GTVT:
- Trên cơ sở Đề án “Đổi mới, tiếp tục nâng cao
chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2012 - 2016 của Bộ Giao thông vận tải”,
chủ động xây dựng Kế hoạch PBGDPL hàng năm để triển khai ở cơ quan, đơn vị
mình.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT
(Vụ Pháp chế, các Vụ có liên quan, các Tổng cục, Cục chuyên ngành) để tổ chức
thực hiện công tác PBGDPL về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
k) Các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương:
- Trên cơ sở Đề án “Đổi mới, tiếp tục nâng cao
chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
an toàn giao thông giai đoạn 2012 - 2016 của Bộ Giao thông vận tải”, Sở Giao
thông vận tải tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch PBGDPL về bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông tại địa phương;
- Chủ động thực hiện công tác PBGDPL về an toàn
giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành
trong phạm vi địa phương;
- Phối hợp với Sở Tư pháp, Đài phát thanh - truyền
hình, các ban, ngành trong tỉnh để thực hiện công tác PBGDPL về an toàn giao
thông đến các doanh nghiệp, người dân tham gia giao thông trong phạm vi địa
phương.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị phổ biến đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
của cơ quan, đơn vị để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực
hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Pháp chế)
xem xét, quyết định.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Chủ tịch UBATGTQG (để b/c);
- Hội đồng PHCTPBGDPL của Chính phủ (để b/c);
- Uỷ ban ATGTQG;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Các Thứ trưởng;
- Đ/c Nguyễn Hoàng Hiệp - PCT UBATGTQG;
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Công đoàn ngành GTVT VN;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Các Sở Giao thông vận tải;
- Báo GTVT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|