BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN CÁN SỰ ĐẢNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------
|
Số:
05-NQ/BCSĐ
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2010
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ GIÁO DỤC
ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2010-2012
Nhằm triển khai thực hiện Thông
báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện
Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo
đến năm 2020, Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khoá XII về
chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo
từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật giáo dục 2005 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày
02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt
Nam giai đoạn 2006 - 2020, sau khi đánh giá thực trạng giáo dục đại học trong
những năm vừa qua và xác định các giải pháp quản lý cần triển khai trong thời
gian tới, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất ban hành Nghị
quyết về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 với các nội dung
chính như sau:
1. Đánh giá
thực trạng quản lý giáo dục đại học những năm qua
Sau 23 năm đổi mới và 9 năm thực
hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010, hệ thống giáo dục đại học đã
phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo;
bước đầu điều chỉnh cơ cấu hệ thống, cải tiến chương trình, quy trình đào tạo;
nguồn lực xã hội được huy động nhiều hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực; chất
lượng đào tạo ở một số ngành, một số lĩnh vực từng bước được cải thiện. Hệ thống
giáo dục đại học đã cung cấp nguồn lao động chủ yếu có trình độ cao đẳng, đại học,
thạc sĩ và tiến sĩ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập
kinh tế quốc tế. Hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về giáo dục đại học đã
được hoàn thiện đáng kể, đã có nhiều mô hình các trường đại học, cao đẳng quản
lý tốt, đào tạo chất lượng ngày càng cao, trình độ quản lý của các cơ sở giáo dục
và đào tạo cũng được nâng lên một bước.
Tuy nhiên, công tác quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường
chưa đổi mới đáng kể để phù hợp với các quy luật chi phối hoạt động của hệ thống
giáo dục đại học và đòi hỏi của phát triển xã hội. Phương pháp quản lý nhà nước
đối với các trường đại học, cao đẳng một mặt còn tập trung, chưa có quy chế phối
hợp với các bộ, ngành, chưa phân cấp cho chính quyền địa phương, chưa tạo đủ điều
kiện để các cơ sở đào tạo thực hiện quyền và trách nhiệm tự chủ, mặt khác không
đủ khả năng đánh giá thực chất hoạt động và sự chấp hành luật pháp của tất cả
các trường đại học, cao đẳng, không có khả năng đánh giá chất lượng giáo dục của
toàn bộ hệ thống. Công tác quản lý ở các trường chưa phát huy được trách nhiệm
và sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên.
Các yếu kém về chất lượng đào tạo
và hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đại học những năm qua bắt nguồn từ sự
vi phạm các quy luật chi phối hoạt động của hệ thống giáo dục đại học và các
thiếu sót, khuyết điểm ở 5 mặt công tác sau:
a. Về hoạt động sư phạm:
Các trường chưa xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo; chưa
xây dựng và ban hành đầy đủ chương trình khung giáo dục đại học trình độ đại học
và cao đẳng; chất lượng giảng viên đại học, cao đẳng chậm được nâng cao (tỷ lệ
giảng viên có trình độ tiến sĩ thấp, chỉ xấp xỉ 10% so với tổng số giảng viên đại
học, cao đẳng trong 9 năm qua); phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá chậm
được đổi mới; thư viện các trường còn nghèo, giáo trình, tài liệu chưa đáp ứng
yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; tỷ lệ thời gian thực hành cón ít và chất
lượng thực hành của các ngành đào tạo nói chung còn hạn chế; chưa triển khai việc
sinh viên đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên, giảng viên đánh
giá cán bộ quản lý.
b. Về hoạt động quản lý hệ thống
giáo dục đại học: Trong các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo
chưa xác định rõ đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng quản lý toàn diện các trường đại
học, cao đẳng; việc theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học
chưa thường xuyên, không đầy đủ, nhiều trường chưa thực hiện nghiêm túc chế độ
báo cáo hàng năm về Bộ Giáo dục và Đào tạo; các cơ chế, chính sách được ban
hành chưa tạo động lực và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học;
sự phân công trách nhiệm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ, ngành và UBND
các địa phương trong quản lý các trường đại học, cao đẳng chưa rõ; cơ sở dữ liệu
để quản lý các trường chưa đầy đủ và đồng bộ; cơ chế phối hợp giữa Ban giám hiệu,
Đảng uỷ và các Đoàn thể ở các trường chưa được quy định chính thức, rõ ràng bằng
các văn bản hành chính, vì vậy việc vận dụng còn khác nhau ở các trường; việc
thành lập Hội đồng trường theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2005 không được triển
khai ở hầu hết các trường đại học; đội ngũ cán bộ quản lý chậm được chuẩn hoá.
c. Về yêu cầu nâng cao trách
nhiệm và khuyến khích sáng tạo của từng cá nhân: Chưa mạnh dạn chuyển chế độ
biên chế sang chế độ hợp đồng có thời hạn đối với nhà giáo tại các trường công
lập theo quy định của Chính phủ; chưa thực hiện cơ chế Hiệu trưởng quyết định
trả lương cho giảng viên phù hợp với hiệu quả đóng góp của giảng viên; công tác
đánh giá cán bộ hàng năm ở các trường còn nặng về hình thức, nể nang, kém thực
chất; chưa thực hiện việc sinh viên đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng
viên.
d. Về cơ chế tài chính:
Cơ chế tài chính của giáo dục, trong đó có học phí chậm được đổi mới, bất hợp
lý kéo dài, chưa tạo được động lực đủ mạnh để phát triển quy mô gắn với yêu cầu
chất lượng ngày một cao hơn; hệ thống thang bảng lương còn mang tính bình quân,
do đó chưa khuyến khích được sự năng động, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán
bộ quản lý giáo dục; định mức chi phí cho đào tạo giữa các ngành, nghề còn mang
tính bình quân, không sát thực tiễn; cơ chế giao ngân sách cho các cơ sở giáo dục
còn bất hợp lý, không kiểm soát được trên diện rộng chất lượng đầu tư từ ngân
sách; chưa thực hiện công khai tài chính, công khai nguồn lực, thiếu giám sát của
cơ quan quản lý nhà nước, của các Bộ chủ quản các trường và giám sát của xã hội;
việc thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội cho giáo dục đại học (kể cả các trường
công lập) còn hạn chế.
e. Về tiếp thu, áp dụng và
phát triển tri thức mới, công nghệ mới: Chưa
có cơ chế và phương pháp giám sát tính hiện đại của tri thức và công nghệ được
giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng. Chưa có cơ chế đánh giá và khuyến
khích các trường giảng dạy và phát triển tri thức, công nghệ mới, cung cấp các
giải pháp khoa học công nghệ cho nhu cầu phát triển các địa phương, các tổ chức,
các địa bàn của đất nước. Chưa quan tâm đồng đều đến việc hình thành và phát
huy năng lực nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học. Việc quản lý
nghiên cứu khoa học của các trường đại học, cao đẳng chưa gắn kết tốt với quản
lý các trường đại học, cao đẳng.
Trong thời gian tới, trước nhu cầu
đào tạo của xã hội tăng nhanh, số lượng các trường đại học sẽ tiếp tục tăng, nếu
không có các giải pháp đổi mới quản lý toàn diện, quyết liệt, có tính đột phá
thì không thể nâng cao được chất lượng đào tạo, hiệu quả đầu tư, hiệu lực quản
lý của Nhà nước và nâng cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm đáp
ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng
của người học và yêu cầu không ngừng đổi mới tri thức để phục vụ xã hội.
Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo
xác định năm 2010 là năm mở đầu thực hiện đổi mới về chất quản lý giáo dục đại
học trong 3 năm 2010 - 2012, coi đây là khâu đột phá đổi mới toàn diện, mạnh mẽ
giáo dục đại học những năm tiếp theo và cấn tập trung cao độ trí tuệ, công sức
để thực hiện.
2. Nhiệm vụ
đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012
2.1. Tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội: “Làm gì để đảm bảo
và nâng cao chất lượng đào tạo?”. Cần tổ chức cuộc thảo luận này để thống nhất nhận thức không thể tiếp
tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà lại buông lỏng quản lý chất lượng như
thời gian qua. Các bên liên quan bao gồm quản lý nhà nước, quản lý nhà trường,
giảng viên, sinh viên, người sử dụng lao động và xã hội đều có trách nhiệm về
chất lượng đào tạo, trong đó đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học là
khâu đột phá để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Tổ chức công tác tuyên
truyền để các cơ sở giáo dục đại học, các giảng viên, các Sở Giáo dục và Đào tạo
và các cơ quan báo chí đều biết và thực hiện 11 giải pháp sẽ được triển khai và
23 văn bản quản lý nhà nước về giáo dục đại học sẽ được ban hành theo Nghị quyết
này và chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đổi mới toàn diện,
mạnh mẽ quản lý giáo dục đại học.
2.2. Rà soát lại các chỉ tiêu phát triển giáo dục đại học giai đoạn
2010-2020
Các mục tiêu và chỉ số phát triển giáo dục đại học đến năm
2020 đã được xác định trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của
Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt nam giai đoạn
2006 - 2020 và Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn
2006 - 2020”. Qua thực tế, việc phát triển quy mô đào tạo và mạng lưới các trường
đã có nhiều thay đổi so với dự báo trước đây. Vì vậy, Bộ GDĐT cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với
thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tăng cường
công tác dự báo để các mục tiêu và chỉ số phát triển giáo dục đại học có tính
khả thi, làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 -
2020.
2.3. Đổi
mới về chất công tác quản lý giáo dục đại học
2.3.1. Hoàn thiện
và tổ chức thực hiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học,
trong đó đặc biệt lưu ý đến các văn bản quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước
về giáo dục, điều lệ và quy chế hoạt động của các loại hình trường, quy chế đào
tạo, quy định về kiểm định chất lượng đào tạo, về tổ chức và hoạt động của Hội
đồng trường, các văn bản triển khai Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của
Quốc hội khoá XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính
trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015 và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2005 vừa được Quốc hội thông
qua.
2.3.2. Đổi mới quản
lý nhà nước về giáo dục đại học trong cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng giao Vụ Giáo dục Đại học là đơn vị đầu mối giúp
Bộ trưởng Bộ GDĐT quản lý các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, làm rõ
trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành
chính, triển khai các quy trình “một cửa, một dấu” trong
việc xin thành lập trường đại học, cao đẳng, mở ngành và tuyển sinh. Tổ chức
triển khai việc các Sở Giáo dục và Đào tạo,
các cơ sở giáo dục đại học tham gia đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước của lãnh
đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và hoạt động
của các Vụ, Cục liên quan trong cơ quan Bộ.
2.3.3. Phân công,
phân cấp quản lý các trường đại học, cao đẳng theo hướng phân công rõ trách nhiệm
quản lý nhà nước giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành quản lý trường và
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Tăng cường năng lực bộ máy giúp việc cho
các Bộ, ngành để quản lý trường trực thuộc, bộ máy giúp việc cho UBND các tỉnh
để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các trường đại học, cao đẳng trên địa
bàn.
Phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu
trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường, trên cơ sở các quy định của
nhà nước và của các trường, tăng cường công tác giám sát và kiểm tra của nhà nước,
của xã hội và của bản thân các cơ sở. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự
nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Triển khai thực
hiện Quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục ban hành theo Thông tư số
09/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến 15/01/2010, cơ sở
giáo dục đại học nào không công bố 3 nội dung cần công khai tại các nơi được
quy định thì sẽ không được xem xét giao chỉ tiêu tuyển sinh 2010.
Kiểm tra, đôn đốc
việc thực hiện các cam kết trong đề án thành lập trường về cơ sở vật chất, đội
ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình nhằm bảo đảm và từng bước nâng cao chất
lượng đào tạo; có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với các trường sau 3 năm thành lập
không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện của một trường đại học, cao đẳng như
cam kết của các nhà đầu tư.
Đẩy mạnh thanh
tra, kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học,
đào tạo từ xa, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
2.3.4. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội: Sơ kết 3 năm
(2008-2010) việc triển khai thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội và xây dựng kế
hoạch đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu xã hội cấp quốc gia, tại mỗi địa
phương và mỗi cơ sở đào tạo.
2.3.5. Quy hoạch
xây dựng các đại học trong các tỉnh, thành phố; quy hoạch và xây dựng ký túc xá
sinh viên. Triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học,
cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh. Triển khai thực
hiện đề án xây dựng ký túc xá sinh viên các trường đại học, cao đẳng với mục
tiêu đến năm 2011 tạo thêm khoảng 200.000 chỗ ở cho sinh viên.
2.3.6. Nâng cao
năng lực quản lý của đội ngũ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng bao gồm xây dựng tiêu
chuẩn cụ thể chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, triển khai công tác Quy hoạch
cán bộ lãnh đạo trường giai đoạn 2010 – 2015, tiếp tục triển khai các khoá bồi
dưỡng Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng.
2.3.7. Đổi mới cơ
chế tài chính cho giáo dục đại học
Kiên quyết thực hiện
“3 công khai” từ năm học 2009-2010, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các
cơ sở giáo dục và trách nhiệm xử lý của các cơ quan chức năng của Bộ.
Hướng dẫn và kiểm tra các trường áp dụng mức trần học phí mới theo hướng
tăng học phí phải gắn liền với các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào
tạo. Thực hiện tốt các chính sách miễn giảm học phí,
chính sách tín dụng sinh viên và việc cấp bù học phí được miễn giảm cho các trường.
2.3.8. Đẩy mạnh việc
đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo hướng đẩy nhanh tiến độ tự
đánh giá của các trường đại học và cao đẳng,
triển khai từng bước việc kiểm định các trường đại học, cao đẳng; xây dựng
tiêu chuẩn và hình thành một số cơ quan kiểm
định chất lượng giáo dục đại học độc lập.
2.3.9. Đổi mới cơ
quan quản lý và triển khai nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng:
Hình thành cơ chế
phối hợp chặt chẽ giữa Vụ Giáo dục đại học và Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
để hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên
của các cơ sở đào tạo đại học, kinh phí nhà nước cho nghiên cứu khoa học được sử
dụng có hiệu quả; các luận án tiến sĩ phải là các công trình nghiên cứu nghiêm
túc, góp phần tạo ra tri thức mới và các giải pháp mới phục vụ phát triển đất
nước.
Triển khai việc dạy
về phương pháp nghiên cứu khoa học cho tất cả các sinh viên phù hợp với trình độ
đại học và cao đẳng.
Có cơ chế khuyến
khích công bố các kết quả nghiên cứu ở các tạp chí có uy tín ở nước ngoài, hình
thành ở các cơ sở giáo dục đại học tổ chức chuyên trách về hướng dẫn bảo vệ và
khai thác sở hữu trí tuệ của các giảng viên. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công
nghệ, các Hội nghề nghiệp và các địa phương để phát triển thị trường khoa học
và công nghệ. Tôn vinh và tạo điều kiện ngày càng tốt hơn để các nhà giáo ở các
đại học, cao đẳng nghiên cứu đạt kết quả xuất sắc.
3. Tổ chức
thực hiện
3.1. Trên cơ sở Nghị quyết của
Ban Cán sư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình hành động
triển khai thực hiện trong 3 năm 2010-2012.
3.2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo phân công một Thứ trưởng phụ trách trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện
chương trình hành động của Bộ để thực hiện Nghị quyết này; chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương hoàn thiện và triển khai thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về
giáo dục đại học.
3.3. Hàng quý, Ban cán sự Đảng
đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Nghị quyết, đánh giá kết quả thực hiện chương
trình hành động để thực hiện Nghị quyết này hàng năm khi tổng kết năm học khối
đại học.
Nghị quyết này được phổ biến cho Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối
hợp thực hiện. Đồng chí Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ có trách nhiệm
triển khai Nghị quyết trong Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo một cách phù hợp.
Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư (để báo cáo);
- Văn phòng TW Đảng (để báo cáo);
- Ban Tuyên giáo TƯ (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (để báo cáo);
- Đảng bộ Bộ GD&ĐT (để phối hợp);
- Các đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện)
- Lưu: VPBCS.
|
TM.
BAN CÁN SỰ ĐẢNG
BÍ THƯ
Nguyễn Thiện Nhân
|