ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
60/2008/QĐ-UBND
|
Nha
Trang, ngày 15 tháng 09 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VIỆC DẠY THÊM HỌC THÊM
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Chỉ thị số 15/2000/CT-BGDĐT ngày 17/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo về việc ban hành Quy định dạy thêm, học thêm;
Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo về việc ban hành Quy định dạy thêm học thêm;
Căn cứ Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 17/3/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc
bãi bỏ Nghị quyết số 17/2004/NQ-HĐND4 ngày 30/6/2004 của Hội đồng nhân dân tỉnh
Khánh Hòa về việc Quản lý dạy thêm học thêm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định
về tổ chức, quản lý việc dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.
Điều
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau
10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Quyết định này
thay thế Quyết định số 182/2001/QĐ-UB ngày 16/01/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Khánh Hòa “Quy định về tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh
Khánh Hòa ban hành theo Chỉ thị số 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17/5/2000 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo” và Quyết định số 184/2004/QĐ-UB ngày 15/10/2004
của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa “Về việc quy định về tổ chức, quản lý việc dạy
thêm, học thêm đối với bậc Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố
Nha Trang – tỉnh Khánh Hòa”.
Điều
3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh, TT.UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các Sở: Tư pháp, Tài chính;
- Trung tâm Công báo tỉnh (2 bản);
- Lưu: VT, TB
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Xuân Thân
|
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VIỆC DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 15/9/2008 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Hoạt động
dạy thêm học thêm được đề cập trong Quy định này là hoạt động dạy và học ngoài giờ
chính khóa, với nội dung dạy học trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông.
Văn bản này quy
định về dạy thêm học thêm được tổ chức trong nhà trường và ngoài nhà trường;
trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện dạy thêm học thêm.
2. Quy định
này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dạy thêm học thêm
trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
3. Những
vấn đề liên quan đến hoạt động dạy thêm học thêm không đề cập trong văn bản
này, các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định tại Quyết định số
03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 2. Thẩm quyền cho phép, cấp giấy phép, gia hạn giấy
phép và thu hồi giấy phép dạy thêm học thêm
Ủy ban nhân dân
tỉnh ủy quyền Sở Giáo dục và Đào tạo và các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp phép,
gia hạn giấy phép và thu hồi giấy phép dạy thêm học thêm. (Cấp phép được hiểu
là duyệt cho phép đối với dạy thêm trong nhà trường và cấp giấy phép đối với dạy
thêm ngoài nhà trường). Cụ thể:
1. Sở
Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép dạy thêm đối với:
a) Dạy thêm
trong nhà trường của các trường Trung học phổ thông, Bổ túc Trung học phổ
thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và cấp Trung học cơ sở trong các đơn vị
trực thuộc Sở.
b) Dạy thêm
ngoài nhà trường theo chương trình Trung học phổ thông, Bổ túc Trung học phổ
thông trên địa bàn toàn tỉnh.
c) Dạy thêm
ngoài nhà trường và dạy theo chương trình cả hai cấp Trung học phổ thông và
Trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.
d) Dạy thêm
ngoài nhà trường của giáo viên trung học cơ sở đương nhiệm thuộc Sở quản lý.
2. Phòng
Giáo dục cấp giấy phép dạy thêm đối với:
a) Những hình thức
được dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường ở bậc Tiểu học nói tại Khoản 2
Điều 3 Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo.
b) Dạy thêm
trong nhà trường của các trường Trung học Cơ sở trực thuộc Phòng.
c) Dạy thêm
ngoài nhà trường theo chương trình Trung học Cơ sở của giáo viên đương nhiệm
thuộc Phòng quản lý.
d) Dạy thêm
ngoài nhà trường theo chương trình Trung học Cơ sở của các tổ chức, cá nhân
khác trên địa bàn (trừ đối tượng nói ở Điểm 1c, 1d của Điều này).
3. Cấp có
thẩm quyền cấp giấy phép cũng là cấp có thẩm quyền gia hạn giấy phép hoặc thu hồi
giấy phép.
4. Trường
hợp bị thu hồi giấy phép: Tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định về dạy thêm học
thêm được quy định tại Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của văn bản này, đã bị xử lý lập
biên bản vi phạm lần thứ 2 hoặc để xảy ra sự cố vi phạm nghiêm trọng thì bị thu
hồi giấy phép.
Điều 3. Thủ tục xin phép tổ chức dạy thêm học thêm
1. Dạy
thêm học thêm trong nhà trường
Đầu mỗi năm học,
căn cứ vào các điều kiện cụ thể của nhà trường, hiệu trưởng làm hồ sơ gửi cấp
có thẩm quyền xin phép tổ chức dạy thêm học thêm tại trường. Sau khi được cấp
có thẩm quyền cho phép, các nhà trường tổ chức dạy thêm học thêm. Việc cho phép
dạy thêm học thêm trong nhà trường thực hiện theo từng năm học tại trường.
Hồ sơ gồm:
- Tờ trình xin
phép được tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường của hiệu trưởng, kèm theo:
a) Kế hoạch tổ
chức, quản lý việc dạy thêm học thêm tại trường.
b) Danh sách
giáo viên dạy thêm.
c) Dự kiến số lượng
học sinh học thêm, số lớp, số học sinh/lớp.
d) Mức thu học
phí.
2. Dạy
thêm học thêm ngoài nhà trường
Tổ chức hoặc cá
nhân thực hiện dạy thêm ngoài nhà trường phải làm thủ tục xin cấp giấy phép dạy
thêm. Sau khi được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép, các tổ chức, cá nhân thực
hiện việc dạy thêm học thêm.
Hồ sơ xin cấp giấy
phép gồm:
a) Đơn xin cấp
giấy phép dạy thêm ngoài nhà trường (theo mẫu thống nhất, có xác nhận của chính
quyền địa phương nơi đặt địa điểm dạy thêm và của hiệu trưởng trường cá nhân
đang công tác (nếu là giáo viên đương nhiệm)).
b) Báo cáo tình
hình cơ sở vật chất, phòng học.
c) Danh sách
giáo viên, chuẩn đào tạo của từng giáo viên (nếu là tổ chức xin cấp phép hoặc
cá nhân xin cấp phép nhưng có nhiều người tham gia dạy thêm).
d) Kế hoạch dạy
học.
e) Số lượng học
sinh học thêm, số lớp, số học sinh/ lớp.
f) Mức thu học
phí.
g) Các giấy chứng
nhận khác liên quan đến tiêu chuẩn người dạy (theo quy định ở Điểm 2, Điều 4).
3. Thời hạn
từ lúc nhận hồ sơ đến khi cấp giấy phép là 01 tháng.
4. Thời hạn
của giấy phép là 3 năm. Trước khi hết hạn giấy phép 01 tháng, tổ chức hoặc cá
nhân phải đến cơ quan có thẩm quyền để xin gia hạn giấy phép.
5. Điều
kiện để được gia hạn giấy phép: Trong thời hạn của giấy phép trước đó không bị
xử lý vi phạm; tiếp tục bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và tiêu chuẩn
người dạy; phải có xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế.
6. Thời hạn
từ lúc nhận hồ sơ gia hạn giấy phép đến khi giải quyết là 15 ngày.
Điều
4. Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy thêm học thêm trong nhà trường và ngoài
nhà trường.
1. Về cơ
sở vật chất, lớp học
Các tổ chức và
cá nhân xin phép dạy thêm học thêm phải có đủ cơ sở vật chất và lớp học bảo đảm
các yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số
1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cụ thể:
- Diện tích
phòng học: tối thiểu đạt 1,1m2/HS.
- Phòng học được
thông gió, thoáng khí.
- Có khu vệ sinh
sạch sẽ, có chỗ đủ để xe cho học sinh.
- Độ chiếu sáng
đồng đều không dưới 100 lux.
- Tiếng ồn trong
phòng học không được quá 50 đềxiben (dB).
- Bàn ghế học
sinh phải phù hợp với chiều cao cơ thể học sinh.
2. Về
tiêu chuẩn người dạy:
a) Là
giáo viên đương nhiệm (giáo viên đang thuộc ngành giáo dục quản lý) cần hội đủ
các điều kiện: đạt chuẩn đào tạo trở lên theo môn và cấp dạy; đạt danh hiệu
giáo viên dạy giỏi từ cấp trường trở lên trong thời hạn không quá 3 năm tính đến
thời điểm duyệt cho phép hoặc cấp phép; không trong thời gian bị xử lý kỷ luật
theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ.
b) Không
là giáo viên đương nhiệm: đạt chuẩn đào tạo trở lên theo môn và cấp dạy; không
trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc mất quyền công dân.
3. Về thời
gian dạy thêm học thêm:
+ Thời gian dạy
trong ngày:
Sáng: từ 7h đến
11h
Chiều: từ 14h đến
17h
Tối: từ 18h đến
20h.
+ Mỗi môn dạy và
học không quá 2 buổi / tuần (mỗi buổi 2 tiết, tức 90 phút).
+ Không dạy thêm
học thêm vào các ngày lễ lớn.
+ Mỗi giáo viên
đương nhiệm chỉ được dạy thêm không quá 4 tiết/ngày.
4. Về số
lượng học sinh học thêm: không quá 35 học sinh/lớp.
Điều
5. Về mức thu học phí, sử dụng học phí và nghĩa vụ thuế
1. Mức
thu học phí:
a) Dạy
thêm học thêm ở bậc Tiểu học (những hình thức được dạy thêm học thêm nói ở Khoản
2 Điều 3 Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo)
- Thành phố Nha
Trang: không quá 60.000đ/học sinh/tháng;
- Các địa phương
còn lại: không quá 40.000đ/học sinh/tháng.
b) Dạy
thêm học thêm ở cấp Trung học Cơ sở (học 2 buổi/ tuần)
- Thành phố Nha
Trang: không quá 80.000đ/học sinh/tháng;
- Các địa phương
còn lại: không quá 60.000đ/học sinh/tháng.
c) Dạy
thêm học thêm ở cấp Trung học Phổ thông (học 2 buổi/ tuần)
- Thành phố Nha
Trang: không quá 100.000đ/học sinh/tháng;
- Các địa phương
còn lại: không quá 80.000đ/học sinh/tháng.
2. Mức
chi học phí:
- Chi 85% cho
giáo viên dạy thêm.
- Chi 15% tại
trường. Bao gồm phúc lợi tập thể, khấu hao tài sản, điện nước, văn phòng phẩm,
biên lai, bồi dưỡng người quản lý (trong đó chi bồi dưỡng những người làm công
tác quản lý dạy thêm học thêm không quá 5%).
Thủ tục chi học
phí: theo quy định tài chính hiện hành.
3. Về
nghĩa vụ thuế:
Các tổ chức, cá
nhân có hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường và hoạt động quản lý học sinh tiểu
học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình đều có trách nhiệm đăng ký, kê
khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động này.
Điều
6. Hình thức trông giữ và quản lý việc học tập của học sinh bậc Tiểu học
1. Hình
thức này chỉ thực hiện đối với những trường, khối lớp chưa tổ chức được việc học
ngày hai buổi.
2. Cho
phép giáo viên Tiểu học có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất tại nhà tổ chức
việc quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình nhưng
không được biến thành hình thức dạy thêm học thêm tại nhà.
3. Số lượng
học sinh: không quá 10 học sinh / giáo viên.
4. Chi
phí về thù lao cho giáo viên: phụ huynh học sinh thỏa thuận với giáo viên.
5. Hồ sơ
xin cấp giấy phép trông giữ và quản lý việc học tập của học sinh Tiểu học, gửi
Phòng Giáo dục và Đào tạo gồm:
- Đơn xin cấp giấy
phép;
- Báo cáo tình
hình về cơ sở vật chất;
- Số lượng học
sinh.
Chương III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ,
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều
7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm:
1. Quản
lý hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn đối với bậc Tiểu học và Trung học
cơ sở.
2. Chỉ đạo
Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm trên địa
bàn để xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm.
Điều
8. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Chỉ đạo
và tổ chức thực hiện Quy định này thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh; cuối mỗi
năm học tổ chức tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân
dân tỉnh những giải pháp để tổ chức, quản lý có hiệu quả hơn.
2. Thành
lập Ban chỉ đạo và kiểm tra dạy thêm học thêm cấp ngành có trách nhiệm chỉ đạo
và kiểm tra dạy thêm học thêm trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Cấp
phép dạy thêm học thêm theo thẩm quyền.
Điều
9. Trách nhiệm của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Cấp
phép dạy thêm học thêm và kiểm tra theo thẩm quyền.
2. Cấp
phép và kiểm tra hình thức trông giữ và quản lý việc học tập của học sinh Tiểu
học (Điều 6 Quy định này).
Điều
10. Ủy ban nhân dân xã, phường có trách
nhiệm phối hợp với các cấp quản lý của ngành giáo dục khi kiểm tra dạy thêm học
thêm trên địa bàn.
Điều
11. Trách nhiệm của Hiệu trưởng (hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục khác) thực
hiện dạy thêm học thêm trong nhà trường
1. Tổ chức
và quản lý dạy thêm học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của giáo viên
do trường mình quản lý; có những biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát nhằm
phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong dạy thêm học thêm.
2. Tổ chức
một bộ phận đảm nhiệm công việc thu, chi học phí dạy thêm học thêm theo đúng
quy định; không để giáo viên dạy thêm thu học phí.
3. Tổ chức
xét miễn, giảm học phí cho học sinh thuộc diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh
khó khăn. Tiêu chuẩn xét miễn, giảm giống như tiêu chuẩn của việc thu học phí
chính khóa.
4. Tạo điều
kiện để Hội cha mẹ học sinh tham gia giám sát việc dạy thêm học thêm ở đơn vị
mình.
5. Chủ động
phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc
quản lý dạy thêm học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường (đối với giáo
viên thuộc thẩm quyền quản lý).
Điều
12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm học thêm ngoài nhà trường
1. Thực
hiện nghiêm túc các quy định tại văn bản này và các quy định hiện hành. Trước
khi thực hiện dạy thêm, người tổ chức dạy thêm phải tiến hành làm các thủ tục
xin cấp giấy phép và chỉ khi được cấp thẩm quyền cấp giấy phép thì mới tiến
hành dạy thêm.
2. Quản
lý người học và tôn trọng quyền lợi của người học. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt
dạy thêm, phải báo cáo với cơ quan cấp giấy phép và thông báo công khai cho người
học biết trước ít nhất là 30 ngày tính đến ngày tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy
thêm; hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm
không thực hiện.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Tổ chức
thực hiện
1. Giao
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và tổ chức thực hiện.
2. Trong
quá trình triển khai thực hiện Quy định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có
trách nhiệm phản ánh các vướng mắc, đề xuất kịp thời để Ủy ban nhân dân tỉnh sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.